Cải tổ chính trị để không bỏ lỡ cơ hội thành nước giàu, Việt Nam có dám?

Thuỵ My – RFI Tiếng Việt 

Courrier International trích dịch The Diplomat nhận định nạn tham nhũng đã trở thành bất trị ở Việt Nam, khiến đảng phải mở chiến dịch “đốt lò”, tuy nhiên tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 79 tuổi chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy. 

The Economist cho rằng “Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới”. Có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam để trở nên giàu có, nhưng sự tê liệt về chính trị đang là vật cản.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước báo chí sau cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, ngày 10/09/2023. AP – Luong Thai Linh

Người chống tham nhũng bị bắt vì tham nhũng: Lỗi hệ thống?

Courrier International trích dịch bài viết của The Diplomat, nói về nạn nhũng lạm lan tràn ở tất cả các cấp tại Việt Nam. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người quyền lực nhất, vào năm 2016 đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng, hàng ngàn người đã bị bắt.

Nhưng tác giả David Hutt tự hỏi, phải chăng tham nhũng nay đã trở thành lỗi hệ thống?

Ngày 14/11/2023 tại Thái Bình, công an bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội, vì nghi ngờ tham nhũng. Ông được cho là đã “bảo kê” cho những kẻ khai thác cát bất hợp pháp – một cáo buộc có vẻ khá kỳ lạ. Lưu Bình Nhưỡng thường xuyên chỉ trích các quyết định của chính quyền, và đặc biệt đả kích Bộ Công an.

Một số người cho rằng đây là một vụ trả thù chính trị. Nhưng vụ này rõ ràng nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho thấy vấn nạn này đã lan tràn khắp các ngõ ngách của xã hội, kể cả những người tích cực tỏ ra chống tham nhũng. 

Dù vậy các quan chức cao cấp chưa bao giờ nhìn nhận rằng vấn đề chính là từ thể chế, cán bộ của Đảng Cộng sản và chế độ độc đảng, chứ không phải chỉ từ “bộ phận không nhỏ” vài chục ngàn con “chiên lạc” đã bị trừng phạt hay tống giam. Khi những người như Lưu Bình Nhưỡng cũng bị bắt vì tham nhũng, cần phải tự hỏi phải chăng đó là do lỗi hệ thống. Còn những ai tham nhũng nữa? Có lẽ là tất cả.

Vào Đảng để thăng quan tiến chức và làm giàu

Chiến dịch chống tham nhũng rất phức tạp và đôi khi nghịch lý. Mục tiêu hàng đầu là chống thất thoát ngân sách, nhưng điều quan trọng là sự sống còn của chế độ. Trong những năm 2010, các quan chức đảng thân cận với thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng hiểu rằng đảng có thể duy trì quyền lực tuyệt đối khi trở thành nơi để đạt đến địa vị và sự giàu có. Những ai muốn thành công trong lãnh vực tư hay công đều phải trả một thứ “thuế” cho giới chóp bu trong đảng. Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông được coi là “những người thu thuế”.

Đảng Cộng sản Việt Nam như vậy trông giống với một chế độ độc tài truyền thống, không gắn bó với ý thức hệ và nhiệm vụ lịch sử nào. Điều này khó thể chấp nhận đối với ông Nguyễn Phú Trọng, người suốt cả quá trình vẫn gắn bó với cánh lý luận của đảng. Tuy được bầu làm Tổng Bí thư năm 2011 nhưng ông ở thế yếu, đến 2016 mới đảo ngược tình hình khi ngăn chặn được Nguyễn Tấn Dũng.

Sau đó ông Trọng khởi động cuộc chiến chống tham nhũng, và ‘chiến dịch đạo đức”, để các nguyên tắc cộng sản lại trở thành tiêu chí thăng tiến hàng đầu trong bộ máy đảng. Chiến dịch nhằm thanh lọc đội ngũ, đưa những kẻ làm thiệt hại nặng nề cho Nhà nước ra tòa, lãnh vực tư nhân phải chịu sự lãnh đạo của đảng chứ không lũng đoạn như thời ông Dũng. Ông Trọng cũng muốn uốn nắn lại đảng theo hình ảnh của mình: khắc khổ, nghiêm túc, lý tưởng, trong sạch; tái lập lại đạo đức như thời Hồ Chí Minh, một Việt Nam nghèo đói nhưng nghiêm túc hướng đến chủ nghĩa xã hội.

Theo The Diplomat, Nguyễn Phú Trọng đã trở thành con tin trong chiến dịch của mình. Nếu đảng phải loại ra những kẻ tham nhũng, không trung thành với lý tưởng, thì phải được lãnh đạo bởi một nhân vật có cùng động cơ. Nhưng rõ ràng ông chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy, thế nên ông Trọng phải làm thêm nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ ba. Đây là trường hợp đầu tiên từ khi Lê Duẩn qua đời năm 1986. Sẽ rất thú vị nếu ông công bố được tên người sẽ kế tục vào năm 2026 là nhiệm kỳ mới.

T.M.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

 

This entry was posted in Cải cách thể chế, Đảng Cộng sản Việt Nam. Bookmark the permalink.