Có toà án nào như ở Việt Nam?

Nguyễn Ngọc Chu 

Nhà văn Phạm Lưu Vũ đã từng viết trong bài “Khóc Tố Như”:

“Ngày xưa oan chỉ một nhà

Ngày nay muôn dặm đều là dân oan”.

Không bênh vực ông Trần Hùng. Chỉ yêu cầu công lý. Chưa khẳng định ông Trần Hùng có tội. Cũng chưa khẳng định ông Trần Hùng vô tội. Nhưng kiểu “án bỏ túi” thì phải triệt tận gốc.

Chỉ dựa vào lời khai một bên của ông Nguyễn Duy Hải, với 9 lời khai thời điểm đưa tiền hoàn toàn khác nhau, bỏ qua định vị điện thoại di động khẳng định ông Trần Hùng không ở vị trí nhận tiền, không cung cấp định vị ông Nguyễn Duy Hải thời điểm ông Hải khai đưa tiền… Không buộc người khai đưa tiền là ông Nguyễn Duy Hải có mặt tại Toà án để đối chất… Thẩm phán vẫn tuyên án “có đủ bằng chứng” để khẳng định ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng và kết án 9 năm tù giam.

Có Toà án nào như ở Việt Nam?

Nếu tiếp tục xử án theo kiểu này, ai cũng có thể rơi vào trường hợp như ông Trần Hùng.

Dưới đây là Kiến nghị kêu oan của bà Hoàng Thu Hiền (Hiền Hoàng Thu)

, vợ ông Trần Hùng.NỘI DUNG KIẾN NGHỊ NGHI VẤN THỨ NHẤT

CÁC CƠ QUAN TỐ TỤNG KHÔNG RÕ RÀNG, KHÔNG GIẢI THÍCH VÌ SAO KHÔNG ĐƯA RA HỒ SƠ CHỨNG CỨ VỤ ÁN, PHẢI CHĂNG NHẰM BÓP MÉO SỰ THẬT, VU OAN CHO NGƯỜI VÔ TỘI

Dưới đây là liệt kê định vị điện thoại di động của ông Trần Hùng do Mobifone cung cấp và so sánh với 9 lời khai thay đổi liên tục của Nguyễn Duy Hải về mốc thời gian đưa tiền tại văn phòng Tổng cục QLTT, cho thấy không hề có bất kỳ một mốc giờ nào hai người này có thể gặp nhau chiều 15/7/2020 để đưa tiền.

Vậy mà Cơ quan điều tra kết luận Nguyễn Duy Hải gặp Trần Hùng để đưa tiền vào “đầu giờ chiều”, còn Viện Kiểm sát kết luận có vẻ bất chợt và ngẫu hứng tại toà là “vào 13h10 -13h15 trong khi không hề có bất kỳ hồ sơ tài liệu nào làm căn cứ cho nhận định đó. 

Ngoài ra, dù kết luận điều tra đề cập đến tài liệu dữ liệu định vị điện thoại của hai thuê bao của Nguyễn Duy Hải và Trần Hùng do Mobifone cấp nhưng trong hồ sơ vụ án không hề có tài liệu này theo đúng quy định pháp luật. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát NDTC, toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cương quyết không cung cấp, cũng cương quyết không cho mời đại diện mobifone đến dự phiên toà để giải thích trình bày về các thông tin này mặc dù luật sư liên tục đề nghị bằng rất nhiều văn bản và kiến nghị trực tiếp tại cả hai phiên toà.

Vì lời khai không đúng sự thật thì bịa kiểu gì cũng không khớp!!!

Câu trả lời nằm ở bản tài liệu định vị của Nguyễn Duy Hải mà cơ quan điều tra nhất định không đưa ra và không hề giải thích lý do, mặc dù đã thừa nhận văn bản này đã được Mobifone gửi tới. 

Bản định vị thuê bao của Trần Hùng cũng không thể tìm được trong hồ sơ, nhưng luật sư của Trần Hùng sau đó đã tự yêu cầu Mobifone cấp nên ngày cấp mới muộn như vậy (09/01/2024). Còn bản định vị của Trần Hùng do Mobifone cấp cho CQĐT số 2879 đã từ 19/10/2021, 2 năm 3 tháng trước đó nhưng “biến mất” trong hồ sơ.

*

KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP: 

ĐỀ NGHỊ CÁC CƠ QUAN ĐIỀU TRA, GIÁM SÁT, KIỂM TRA YÊU CẦU MOBIFONE CUNG CẤP BẢN ĐỊNH VỊ CỦA NGUYỄN DUY HẢI. TÀI LIỆU NÀY MẶC DÙ ĐÃ ĐƯỢC CẤP RA NHƯNG BỊ CƠ QUAN ĐIỀU TRA TỪ CHỐI CUNG CẤP VÀ ĐƯỢC VIỆN KIỂM SÁT ,TOÀ ÁN ĐỒNG LÒNG, NHẤT ĐỊNH TỪ CHỐI SỰ CÓ MẶT CỦA MOBIFONE TẠI PHIÊN TOÀ, BẤT CHẤP CÁC QUY ĐỊNH TỐ TỤNG VỀ HỒ SƠ VỤ ÁN VÀ CÁC KIẾN NGHỊ LIÊN TỤC CỦA LUẬT SƯ.




*

Ý kiến của Luật sư Trần Vũ Hải:

Về Vụ án Trần Hùng bị xử tội nhận hối lộ 300 triệu đồng

Hai vấn đề chính của vụ án:

1/ Trần Hùng có chức vụ quyền hạn trong việc xử lý “nặng hay nhẹ” người kinh doanh (sản xuất, mua bán) sách giáo khoa giả ở Hà nội không? 

Khẳng định: không. (Không cần bàn cãi, vì chính các cơ quan quản lý thị trường đã khẳng định vậy).

2/ Trần Hùng có nhận tiền 300 triệu đồng từ Nguyễn Duy Hải khoảng 13h-13h15 ngày 15/7/2020 tại nơi làm việc của Trần Hùng ở văn phòng Bộ Công Thương như Tòa và Viện cấp sơ thẩm và phúc thẩm khẳng định không?

Ý kiến của tôi: 

(i) Không có bằng chứng đáng tin cây, có giá trị, hơp pháp để chứng minh việc đó, ngoài những lời khai bất nhất của Nguyễn Duy Hải (mà Trần Hùng cho biết có bạn cùng bị tạm giam tên Kiên khẳng định Hải đã tâm sự do được mớm cung để sớm được tại ngoại).

(ii) Có đủ bằng chứng đáng tin cậy, có giá trị và hợp pháp chứng minh việc đó không thể xảy ra tại thời điểm đó và địa điểm đó, vì lúc đó Trần Hùng đang ăn giỗ với đại gia đình. Các thông tin của Mobifone cung cấp đã định vị được Trần Hùng ở đâu trong thời điểm đó (ở quận Ba Đình và không ở quận Hoàn Kiếm – nơi làm việc của Trần Hùng). Chưa kể trước trưa, chính Trần Hùng mắng Hải để lại túi (nghi có tiền) trong phòng làm việc của Hùng và Hải buộc phải lấy lại túi trước chứng kiến của nhiều người, tức chứng minh ý chí của Hùng không nhận tiền của Hải trong ngày hôm đó.

(iii) Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng văn bản ghi lời của người tên Kiên không có giá trị pháp lý vì không có dấu của trại tạm giam và các thông tin của Mobifone không khẳng định được Trần Hùng – chủ nhân điện thoại ở vị trí nào (và cả hai lập luận này được Tòa chấp nhận). Trong khi việc kiểm tra, xác định tính chân thật của các tình tiết này rất dễ (hỏi chính người tên Kiên có chứng kiến của trại tạm giam, hay trạm giam hoặc mời ngay người đó ra Tòa và mời các chuyên gia về viễn thông thẩm định) nhưng Tòa và Viện không thực hiện cho thấy các cơ quan tố tụng chưa tuân thủ Nguyên Tắc “XÁC ĐỊNH SỰ THẬT CỦA VỤ ÁN”được quy định tại điều 15 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. 

“Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”. (Trích điều 15 BLTTHS)

N.N.C.

Tác giả gửi BVN 

 

This entry was posted in Án bỏ túi, Toà án Việt Nam. Bookmark the permalink.