Nhật thu phí 0 đồng, thanh niên Việt Nam vẫn phải vay nợ để đi xuất khẩu lao động

Khi Nhật Bản lo ngại về Trung Quốc, Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội.

Lê Nam Phong 

Hai bài viết trước thảo luận về vấn đề người lao động Việt Nam tại Nhật đã vượt số lượng người lao động Trung Quốc và chiếm vị trí số một. Trong khi Nhật có nhiều lo ngại về nguồn nhân lực Trung Quốc, cánh cửa có thể rộng mở cho Việt Nam. Liệu Việt Nam có thể đón nhận cơ hội này?

Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực 

Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng lão hóa dân số và thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Bộ Lao động Nhật Bản cho biết dân số Nhật đạt đỉnh 128,06 triệu người vào năm 2010 rồi từ đó giảm dần. Trong tương lai, dự kiến dân số sẽ giảm còn 115,22 triệu người vào năm 2030 và 95,15 triệu người vào năm 2050.

Bên cạnh đó, cơ cấu dân số theo tuổi cũng thay đổi chóng mặt. Năm 1990, tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động đạt đỉnh là 69,5% dân số. Đến năm 2010, con số này chỉ còn 63,7%, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 58,5% vào năm 2030 và 51,8% vào năm 2050. 

Cũng theo Bộ Lao động Nhật, tỷ lệ người già đang tăng lên. Năm 2010, người cao tuổi mới chiếm 23,1% dân số, nhưng dự kiến ​​sẽ chiếm tới 31,8% vào năm 2030 và 39,6% vào năm 2050 [1].

Tình trạng suy giảm dân số không chỉ diễn ra ở nông thôn mà còn ở ngay chính siêu đô thị như Tokyo, dù dân cư vẫn đang chuyển đến đó. Theo chính phủ Nhật, thanh niên di cư từ các đô thị nhỏ và nông thôn đến đại đô thị như Tokyo càng đẩy nhanh tốc độ suy giảm dân số ở các vùng đó [2].  

Xu hướng dân số như trên khiến cho việc bảo đảm lực lượng lao động phục vụ cho nền kinh tế ngày càng khó khăn hơn. Cách giải quyết hiệu quả nhất vẫn là tiếp nhận người lao động nước ngoài [3].   

Lo ngại Trung Quốc, Nhật mở cửa cho người lao động Việt Nam

Nguồn cung nhân lực Trung Quốc là cần thiết cho nền kinh tế Nhật nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ về an ninh quốc gia như hai bài trước đã phân tích. Nhật cần bổ sung một lực lượng lao động nước ngoài không gây nguy hại cho an ninh quốc gia của họ. 

Đó là lý do vì sao bất chấp những tai tiếng liên quan đến nạn trộm cắp vặt và bỏ trốn ra ngoài để làm việc chui của người lao động Việt Nam, Nhật Bản vẫn tiếp tục nhận nguồn nhân lực từ quốc gia mà họ mới nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện. 

Tuy được Nhật Bản tiếp nhận ồ ạt với số lượng lớn, người lao động Việt Nam muốn sang Nhật làm việc vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. 

Một trong những trở ngại lớn nhất là phí môi giới ở Việt Nam, mặc dù chính phủ Nhật không thu phí. Mức phí này do bên tuyển dụng phía Việt Nam dàn xếp.  

Nhật thu phí 0 đồng, ở Việt Nam vẫn phải vay nợ để đi

Tháng Bảy năm 2022, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản công bố kết quả một cuộc khảo sát về chi phí người lao động nước ngoài phải trả để có thể đến Nhật làm việc với danh nghĩa là tu nghiệp sinh [4].

Người lao động Campuchia và Trung Quốc chi trả thấp hơn người lao động Việt Nam, chỉ dưới 100 triệu đồng, nếu quy đổi sang tiền Việt. 

Ngược lại, người lao động Việt Nam phải trả phí môi giới cao nhất trong số các nước có công dân đến Nhật làm việc [5]. Theo đó, số tiền bình quân mà người lao động Việt Nam phải trả là 656.014 yên (tương đương  khoảng  130.006.700 đồng ở thời điểm khảo sát.) 

Đây là con số Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản thu thập được từ 2.000 tu nghiệp sinh quốc tế tại Nhật, trong đó có Việt Nam. 

Tuy nhiên, Tổ chức Lao động Thế giới vào tháng Tư năm 2023 còn đưa ra một con số khác lớn hơn là người lao động Việt Nam thực tế phải trả trung bình 192 triệu đồng [6]. Trong khi đó, cũng theo khảo sát trên, người lao động Philippines chỉ phải trả một số tiền khoảng 23 triệu đồng.  

Ông Haruki Kondo, một nhà nghiên cứu về chính sách lao động thuộc tổ chức phi lợi nhuận POSSE ở Nhật, nói rằng người lao động Việt Nam đến Nhật thông qua chế độ thực tập sinh đã phải trả chi phí tương đương với 26 tháng lương tối thiểu ở Việt Nam, quy ra tiền yên Nhật sẽ là khoảng 676.000 yên, tức khoảng 120 triệu đồng. Phần lớn chi phí này đến từ tiền vay nợ [7].

Như vậy, sau chi phí sinh hoạt và các chi phí khác, nhiều người lao động Việt Nam khó có thể trả được nợ. Đây là lý do chính khiến cho nhiều người, khi tới gần thời hạn phải về nước, đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc chính thức đã từng giúp họ có giấy phép làm việc. Những người lao động này trốn ra ngoài làm “chui” và tiếp tục ở lại Nhật bất hợp pháp. Ông Haruki Kondo đã gọi tình trạng này là “nô lệ và buôn người hiện đại”.

Trước cánh cửa được trở thành nguồn cung nhân lực đáng kể cho Nhật Bản, Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội này để làm lợi lâu dài về kinh tế.

Lưu ý là chính sách sử dụng lao động nước ngoài hiện nay của Nhật không đồng nghĩa với khuyến khích nhập cư. Người lao động chỉ được ở lại làm việc trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ phải trở về nước. Đây có thể là kênh hữu hiệu giúp đào tạo kỹ năng và kỷ luật lao động, giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam. 

Để đón được cơ hội này, Việt Nam cần giải quyết vấn nạn chi phí cao bất hợp lý mà thanh niên Việt Nam phải trả để đi làm việc. Cơ chế xuất khẩu lao động Việt Nam cần tránh bị biến dạng thành một kiểu buôn người. Hơn nữa, sức lao động của thanh niên Việt Nam sẽ có giá cao hơn nếu họ được đào tạo các kỹ năng cơ bản trong nhà trường.

L.N.P.

Nguồn: Luatkhoa.com

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.