Tết Giáp Thìn: “Bói” kinh tế Việt Nam

Trần Nguyên Thao

Tương tự bên Tàu, sau khi đổi mới, kinh tế Vit Nam có thời kỳ dài tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đột nhiên thấp hơn năm 2022 gần 3%, chỉ còn 5,05%. Dù vậy, truyền thông và các cơ quan Chính phủ vẫn xưng tụng: kinh tế Việt Nam là “điểm sáng trong khu vực và trên thế giới”. Từ hình hài “còi cọc”, nhiều“quẻ bói” về kinh tế Việt Nam cho năm Giáp Thìn được ra đời.

Ngược dòng thời gian, nhìn từ căn bản 10 năm (1990-2000), thời đó nền kinh tế Việt Nam được mô tả còn yếu kém nhiều mặt: sản xuất nhỏ, lẻ; chất lượng kém, không đủ sức cạnh tranh, trình độ nhân lực và kiến thức tay nghề giới hạn…, hạ tầng cơ sở không đáp ứng với đà phát triển. Nhưng, tăng trưởng GDP vẫn quanh mức 7 – 8% rồi chậm dần ngay từ năm 2000 – Khởi đầu “thời kỳ hoàng kim” nền kinh tế bắt nguồn từ Trung Cộng đang kết thúc, cỗ máy kinh tế không đủ sức leo dốc nên mệt mỏi, suy nhược. Đến năm 2022, dựa vào xuất cảng, trong đó trên 73% do doanh nghiệp FDI, nhờ vậy GDP lại “nhô” lên trên 8%. Sang năm 2023, tăng trưởng GDP chỉ còn 5,05%, thấp hơn năm 2022 đến gần 3%, vậy mà truyền thông Nhà nước vẫn cho là “điểm sáng” tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”! 

Đầu năm 2023 (Quý Mão), dân gian đồn thổi, Bắc Kinh xúi bẩy để Ba Đình lâm cảnh GATO(*) đưa cung đình Việt Nam vào “mạt vận”: Chủ tịch nước Nguyễn xuân Phúc, hai phó Thủ tướng, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đều bị sao quả tạ phủ trên cung quan lộc, vận trình xui xẻo, ăn Tết Quý Mão trong cảnh “về vườn”. Biến cố này đẩy “năng lực nội sinh” nơi thượng tầng kiến trúc của đảng CSVN vào rệu rã và bị “mất niềm tin” trong con mắt mọi giới.  

Chính sách “Chống tham nhũng không có vùng cấm” từ năm 2013 cho đến nay, lại không ai biết từ khi nào tham nhũng đã khai thông sang “cát vận” hiên ngang tung hoành “không cấm vùng nào”, làm cho số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%”. Mới chỉ có số liệu 7 năm (2013-2020) đã có 1900 vụ án tham nhũng; 131.000 đảng viên, trong đó có tới 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang) đã bị xử lý kỷ luật [1]. Các năm gần đây số vụ đại án tham nhũng, hối lộ lại gia tăng đáng kể như: vụ Việt Á, Trung tâm Đăng Kiểm, Chuyến bay giải cứu hay vụ Vạn Thinh Phát… mức thiệt hại ước đến 10% GDP. 

Trước Tết Giáp Thìn, Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng, tuổi Giáp Thân (1944), mạng tuyên trung thủy, xương con khỉ, tướng tinh con heo, đột ngột gặp hung tinh chiếu vào cung mệnh khiến bệnh bất ngờ chưa “xác định” nguyên nhân. Sức khỏe của người quyền uy nhất Việt Nam, 79 tuổi, theo tử vi có thể suy yếu hơn nữa từ tháng 2 đến tháng 5. Tình huống này khiến những “nam nhân uy quyền một cõi” như ông Trọng, từng được sao Mộc Đức phù trì vô vàn tài lộc trước đó, nay phút chốc có thể biến thành của “vô nghĩa”.

Gần đây, ông Trọng đã xuất hiện trong hình hài “xiêu vẹo” hôm 15 tháng Giêng (trước Tết Giáp Thìn chỉ 26 ngày) tại phiên họp bất thường Quốc hội. Hình ảnh trên video cho thấy, ông Trọng cố đứng lên, nhưng phải “vội bấu tay vào bàn” và được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ân cần nâng đỡ. (https://vanhoimoi.org/?p=19863)

Từ bối cảnh trên, “bói kinh tế” năm Giáp Thìn (2024) tóm lược dưới đây trong 3 quẻ:

1.     Năm Giáp Thìn, kinh tế Việt Nam bị Sao Đà La hãm địa, nền kinh tế với nhiều hung tinh vần vũ: có hoạch phát cục bộ, nhưng hoạch phá mau lẹ, nhiều lãnh vực phải dựa vào người ngoài, phúc lợi bạo phát, bạo tàn, vay nợ tứ phương do chi tiêu quá đà, nhưng chưa đến nỗi phá sản, vì các nguyên nhân dưới đây:

·      Năm 2023, toàn nền kinh tế được tính khoảng 430 tỷ Mỹ kim. Trong đó, xuất cảng hàng hóa đem về 355,5 tỷ Mỹ kim, thì phần dựa vào người ngoài, tức FDI, tuy giảm gần 6% so với năm ngoái, nhưng cũng đã đưa về đến 259,95 tỷ Mỹ kim, chiếm 73,1% [2], khu vực kinh tế trong nước chỉ có 95,55 tỷ Mỹ kim, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất cảng.

·      Cùng thời, Tập đoàn dầu khí lớn nhất nước, được tuyên dương là “mũi nhọn” khai thác tài nguyên quan trọng số 1 của quốc gia, 10 tháng năm 2023 thu về 745 ngàn tỷ đồng. Trong khi các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước khác hoạt động kém hiệu quả như: EVN, Vietnam Airlines… chẳng những đã đánh mất vai trò “chủ đạo” mà còn lùng bùng như đám xình lầy khiến các thành phần kinh tế khác bị lún theo.

·      Năm 2024, các Ngân hàng Thương mại (NHTM) nhận đủ 15% chỉ tiêu tín dụng, nếu phân phối tín dụng đây đủ, căn cứ trên dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế trong năm 2024. Việc đẩy thêm tín dụng vào nền kinh tế mà ngành sản xuất lâm cơn suy giảm sẽ là nguyên nhân đẩy nợ xấu đang từ trên 6% trong hệ thống NHTM tăng cao hơn gây khủng hoảng tài chánh.

·      Theo Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ tín dụng trên GDP cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. Điều này cũng phù hợp với nhận định của nhiều tổ chức Tín dụng Quốc tế. 

2.     Khuynh hướng bênh vực các giải pháp kinh tế của Chính phủ thì căn cứ vào Sao Lộc Tồn để đưa ra những tin tức lạc quan: Nhóm này tin rằng, nhờ vào sự phục hồi của đầu tư, xuất cảng và tiêu dùng – sẽ đưa kinh tế Việt Nam trên đà “hanh thông” hơn năm cũ. Quẻ bói này dựa vào tin tức từ cả WB và Fitch Ratings đều dự báo, sau một năm chững lại, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ lên mức 5,5% (WB) và 6,3% (Fitch Ratings) cho năm 2024. Nhờ kế thừa phát sinh từ Sao Lộc Tồn, năm 2024 Việt Nam hưởng được sự dịch chuyển các dòng đầu tư sau đại dịch theo sự phân bổ lại chuỗi cung ứng của thế giới.

3.     Cuối cùng là khuynh hướng trung dung, không tốt, không tệ thì dựa vào đôi Sao Tả Phù, Hữu Bật. Trong bộ môn Tử vi, hai sao này mang sứ vụ phụ tá đắc lực cho quân vương. Nhóm này cho rằng, năm 2024 nền kinh tế Việt Nam dựa vào năng lực đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng sẽ kích thích đà tăng trưởng. Nếu đi chệch đường thì cũng có qúy nhân phù trợ, “nắn lại” chính hướng, mà thực tế là đầu tư ngoại quốc (FDI) đang đổ vào Việt Nam. Ngoài ra còn thêm nhiều công ty ngoại quốc đưa người tới “ngắm nghía” tìm cơ hội đầu tư.  Mặc dầu kẻ đến tìm kiếm cơ hội đầu tư rồi ở lại ít hơn người bỏ đi, nhưng cũng còn hy vọng hơn chả có gì.

Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp cuối hay đầu năm mới, các chuyên gia, định chế tài chánh, kể cả chiêm tinh gia bói toán thường dự đoán kinh tế Việt Nam tương đối lạc quan. Tuyền thông Nhà nước dựa ngay vào các dự đoán lạc quan để tô vẽ cho “Mùa Xuân Kinh Tế” vẫn bao trùm trên bầu trời Việt Nam. Kinh tế có tăng trưởng, nhưng do thể chế chính trị độc tài làm nẩy sinh toàn những quan tham lúc nhúc trong hệ thống đương quyền, thu quén mọi phúc lợi, dân chẳng hưởng được gì.

Vì vậy, cứ mỗi năm gần sát Tết Nguyên Đán, lại có gần 1/3 số tỉnh xin trợ cấp gạo cứu đói trong dịp Tết. Năm nay, số Tỉnh xin cứu đói còn đang cứu xét, mới tính đến 23 tháng Giêng, Chính phủ loan báo đã xuất 15 ngàn 500 tấn gạo cứu đói cho gần 200 ngàn gia đình, khoảng 1 triệu nhân khẩu sống trong 17 tỉnh, trong đó có 2 tỉnh từng là vực lúa Miền Nam là Cà Mau và Bạc Liêu  [3].

T.N.T.

Dịp Tết Giáp Thìn

 

Nguồn dẫn: 

[1] https://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/12523-bai-2-tinh-hinh-tham-nhung-o-viet-nam.html

[2] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/xuat-nhap-khau-nam-2023-no-luc-phuc-hoi-tao-da-but-pha-cho-nam-2024/

[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hungry-saving-rice-for-tet-holidays-requested-by-17-provinces-nationwide-01232024083744.html

(*) GATO: viết tắt từ nhóm chữ “Ghen Ăn, Tức Ở”. Thành ngữ dân gian, trường hợp này mô tả cảnh đấu đá trong cung đình.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Dự báo kinh tế. Bookmark the permalink.