Tiếp tục vụ án “bán con” ở Trà Vinh

Thái Hạo

Tôi vừa được trông thấy hình 3 cháu bé ở Trà Vinh. Cả 3 đều mình trần, còi cọc, mặc độc mỗi đứa một chiếc quần đùi lem luốc…

Một ông giáo già, nghe chuyện đau lòng nhưng vì sức yếu không thể đi lại trên đường xa xôi nên phải nhờ người tới thăm các cháu. Ông trích lương mình làm quà và bảo từ nay sẽ cho các cháu mỗi tháng 2 triệu. Ông giáo nói: “Tiền cho không quan trọng. Quan trọng là các cháu bé biết đã được người khác quan tâm và giữ được niềm tin vào con người”.

Tôi không đưa hình các cháu lên đây, phần vì tôn trọng những đứa trẻ tội nghiệp, phần vì thấy tàn nhẫn…

….

FB tôi bị report và đánh phá liên tục mấy ngày nay. Không viết nữa, tôi copy lại bài của nhà thơ Đặng Chương Ngạn và bên dưới là chia sẻ đính kèm stt của GS Mạc Van Trang.

HAI VỢ CHỒNG TRÀ VINH: KHÔNG BÁN CON, HỌ MUỐN TÌM CHỖ HIẾM MUỘN CHO CON NUÔI!

Đặng Chương Ngạn

Bán con (mua bán người) là một tội ác!

Không hiếm các cặp vợ chồng máu lạnh do nghiện ngập, do cờ bạc… vì tiền bán con mình cho bọn buôn người, bọn lấy nội tạng, bọn mua trẻ em dưới 16 tuổi để đẩy các em vào những động mại dâm ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia…

Người viết tút này, trong tiểu thuyết Kẻ chăn dắt đã viết nhiều về nạn mua bán, bắt cóc trẻ em. Đã chứng kiến những đứa bé bị cha mẹ nó cho thuê, hay bán cho bọn chăn dắt để chúng đóng vai các bà mẹ mang đi xin tiền trên phố.

Bọn cha mẹ hết nhân tâm này đáng bị lôi ra vành móng ngựa, tống vào tù, truất quyền nuôi con.

*

Nhưng trong vụ hai vợ chồng ở Trà Vinh “bán” đứa con 50 ngày tuổi, bản chất của câu chuyện này là nghèo khó, không nuôi nổi 4 đứa con, họ muốn cho người hiếm muộn nuôi bớt một đứa con, lấy một ít tiền chăm 3 đứa con còn lại.

*

Không có một bài báo nào bảo vệ hai vợ chồng trẻ này khi họ bị truy tố, bị đưa ra toà luận tội. Báo chí viết với tinh thần lên án họ.

Nhưng may mắn, trên mạng có thể tìm thấy một số bài báo viết vệ vụ án bán con, ngay khi họ bị bắt, vào tháng 12 năm 2022 với thông tin khá khách quan.

Qua nội dung những bài báo này, chúng ta thấy rõ một điều: HAI VỢ CHỒNG TRÀ VINH KHÔNG BÁN CON. HỌ MUỐN TÌM CẶP VỢ CHỒNG HIẾM MUỘN NUÔI CON.

Trong bài báo: “Trẻ em không phải là một món hàng” đăng trên website của chính CÔNG AN TRÀ VINH và UBND TRÀ VINH (xem link dưới còm), phóng viên Mộng Tuyền đã viết rõ:

“Theo lời khai của bị can Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn, Tuấn và Nhung chưa đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới, vì yêu thương nhau mà sống chung như vợ chồng và có với nhau 4 mặt con, cháu lớn nhất 5 tuổi, nhỏ nhất là hơn 6 tháng tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng Tuấn có khi đi làm ở Bình Dương, có khi về Trà Vinh nương nhờ nhà vợ, với đồng lương phụ hồ của Tuấn và công việc bán vé số hàng ngày của cha vợ không thể đủ để xoay xở cho cả gia đình, nhất là chăm lo cho những đứa trẻ. Khi nghe vợ bàn muốn đem bé út (lúc đó mới gần 2 tháng tuổi) cho một gia đình hiếm muộn, để cuộc sống của bé tốt hơn thì Tuấn đồng ý và cả hai vợ chồng thống nhất nhận “bồi dưỡng” 18 triệu đồng từ phía Nguyễn Hữu Dương.”

Trên báo Người lao động 22/12/2022, tác giả Đạt Nhân – Lê Khánh trong bài báo: “Xôn xao vụ mẹ bán con 50 ngày tuổi ở Trà Vinh” viết: “Theo lời khai của Dương, thông qua mạng xã hội Facebook, Dương quen với Nhung và được Nhung đặt vấn đề muốn cho một trẻ sơ sinh làm con nuôi với giá 20 triệu đồng và được Dương đồng ý.”

Tài liệu thu được trên người Nguyễn Hữu Dương – kẻ mua đứa bé – có bản viết tay của hai bên: BẢN CAM KẾT CHO CON:

“Tôi xin trình bày sự việc như sau: Tôi có sinh một bé trai nặng 2,8 kg tại B.V. Sóc Trăng nhưng do hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để nuôi cháu nên tôi nhờ anh chị nuôi cháu khôn lớn trưởng thành”

“Bản cam kết này là giấy thoả thuận, trong thời gian chờ hoàn thiện hồ sơ đủ để tiến hành thủ tục cho nhận con nuôi theo quy định của pháp luật”

Rõ ràng ý chí của hai vợ chồng Trà Vinh: Họ cho nhận con nuôi, và họ sẽ hoàn tất hồ sơ cho nhận con nuôi theo quy định pháp luật.

*

Hãy nghĩ đến hoàn cảnh của họ vào thời điểm đó:

- Yêu nhau, không có tiền làm đám cưới;

- Ở với nhau chưa đến 5 năm, sinh 4 đứa con, đứa lớn nhất 4,5 tuổi vào lúc đó, đứa bé 50 ngày tuổi, cứ mỗi năm, họ sinh một đứa con;

- Đi làm ở Bình Dương, sau covid, thất nghiệp quay trở về ở nhờ nhà bên vợ (cũng rất nghèo);

- Chồng đi làm thợ hồ, vợ bán vé số thu nhập mỗi ngày chưa đến 100 ngàn đồng.

Họ không thể nuôi nổi 4 đứa con, nên đã lên mạng mong tìm một gia đình hiếm muộn cho con nuôi. Và, không may, họ đã gặp Nguyễn Hữu Dương, một kẻ đóng vai gia đình hiếm muộn. Dương đã lừa dối họ.

*

Kẻ đáng vào tù trong vụ án này là Nguyễn Hữu Dương – quê quán Thạch Hà, Hà Tĩnh, hắn mới đúng là kẻ buôn người. với mục đích nhận đứa bé từ Trà Vinh với giá 20 triệu (sau này, còn xin bớt 2 triệu, còn 18 triệu) trao cho một gia đình hiếm muộn thực sự ở Đắc Nông với giá 23,000,000 đồng.

Trong phiên toà ngày 15/1/2024, kỳ lạ, hắn lại được tạm miễn xét xử tội để chữa bệnh.

*

Lẽ ra, với một cặp vợ chồng ít học, người dân tộc, thay vì truy tố họ 23 năm tù, chính quyền nên hỗ trợ họ về mặt pháp lý cho nhận con nuôi như ý chí ban đầu của họ. Người nhận con nuôi chính là gia đình hiếm muộn ở Đắc Nông. Hay kiếm cho họ một gia đình hiếm muộn khác.

Số tiền gia đình hiếm muộn hỗ trợ lại họ không phải chỉ 18 triệu. Một số tiền thực ra quá nhỏ, không thấm vào đâu với một người mẹ mang thai 12 tháng (Họ không hiểu biết nên mới chấp nhận sự thua thiệt này). Số tiền đó, trong nhiều vụ cho nhận con nuôi bây giờ là hàng trăm triệu.

Một sự hỗ trợ mang lại tương lai tốt đẹp cho cả hai vợ chồng Trà Vinh, cho cả gia đình hiếm muộn và cả 4 đứa bé. Các em vẫn có gia đình, có cha mẹ, sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

*

Ở Việt Nam, thời nào cũng có những người mẹ phải cho con, “ bán” con như họ.

Đứt ruột “bán” con đi vì thương đứa con mình, vì để cứu những đứa con còn lại.

Không đâu xa, ngay Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, ông cũng là một đứa con đã bị mẹ bán đi khi mới 3-4 tuổi (xem link ở còm) cho một nhà giàu để có tiền cứu gia đình nghèo khó. Mẹ ông bà Võ Thị Cầm đã tâm sự với báo Giáo dục:

"Bán con là trường hợp bất khả kháng. Những năm tháng xa con, lòng tui khi mô cũng như lửa đốt".

May mắn, hai năm sau, khi cơ hàn qua đi, ông đã được chuộc về!

Bán con trong những trường hợp này, thực ra, là cho con nuôi. Bán vì thuơng con và để cứu con.

Mẹ tôi, sau cải cách ruộng đất, không có gì cho con ăn, đã không bán mà mang chị tôi đi cho một người thợ cắt tóc vô sinh. Nhưng chị tôi, sau khi được nhà kia cho ăn một bữa no, đã níu áo mẹ khóc đòi ra về không chịu ở lại. Cuộc cho con vì thế không thành.

Mẹ tôi không bao giờ mang chị đi cho nữa! Bà đã bằng tình thương một người mẹ tự biến mình thành một người làm nghề hàng xáo để cứu gia đình.

Link bài của nhà thơ Đặng Chương Ngạn: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1510773389482022&id=100016481266182&mibextid=Nif5oz

Có thể là hình ảnh về 4 người và văn bản

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in luật pháp, Quản lý xã hội, Thái Hạo, Tự do ngôn luận, Tư pháp, Xã Hội. Bookmark the permalink.