LS. Đặng Đình Mạnh
“Tự do ngọt ngào không anh?”, vẫn nghẹn ngào không thể trả lời được thành tiếng, tôi chỉ đành khẽ gật đầu trả lời người bạn ân tình trong đầm đìa nước mắt. Lúc ấy, chúng tôi cùng đang đứng trên bậc thềm trước đền tưởng niệm Abraham Lincoln nhìn xuống mặt hồ phẳng lặng đang phản chiếu đêm pháo hoa rực rỡ chào mừng ngày độc lập Hoa Kỳ.
Với tôi, người biết rõ những phiên tòa chính trị đã bất công như thế nào từ nền tư pháp trong nước? Cũng thế, sự khắc nghiệt của lao tù Cộng sản? Và chính bản thân mình đã vượt thoát những điều đó một cách thần kỳ đến mức khó hiểu như thế nào? Thì theo đó, tự do, không chỉ là giá trị tinh thần nữa. Vì lẽ, tôi tưởng như mình đang có thể nắm lấy tự do, sờ tận tay, ngắm tận mắt, nghe tận tai… bằng tất cả các giác quan. Nó đã quý giá, thấm thía và ngọt ngào đến mức nào đối với tôi.
Cho nên, khi nghe tin Luật sư Võ An Đôn công khai kêu gọi thiết lập “Phiên Tòa Nhân Dân” trong chưa đầy 10 ngày đặt chân đến Hoa Kỳ, thì tôi không hề ngạc nhiên chút nào. Vì đó không chỉ là tiếng uất ức vọng lại sau sự giam hãm tinh thần như nô lệ, mà còn là tiếng thét đắc thắng của tự do!
Trước đó một ngày, khi nghe Đôn chia sẻ ý tưởng này, tôi đã hết sức tán thưởng và đồng tình ngay. Trong hoàn cảnh chưa thể chính thức thiết lập tòa án để xét xử tội ác chế độ Cộng sản, thì những “Phiên Tòa Nhân Dân” xét xử theo đúng các tiêu chuẩn luật pháp văn minh sẽ đều mang ý nghĩa tích cực cả. Một mặt giúp công chúng có cái nhìn về tội ác chế độ Cộng sản dưới góc độ pháp lý, chứ không phải chỉ là sự phê phán chung chung, đầy chất cảm tính. Mặt khác, không chỉ tích cực đối với công chúng, mà ngay cả những bị cáo, những tên tội phạm trong nước bị đưa ra xét xử trong “Phiên Tòa Nhân Dân” cũng sẽ phải biết đối diện với những tội trạng như thế nào trước nhân dân? Không chỉ thế, phán quyết từ những “Phiên Tòa Nhân Dân” cũng sẽ là cách thức khẳng định tính bất chính danh của chế độ Cộng sản trong việc cướp chính quyền, nắm giữ quyền lực quốc gia và tham tàn, thu vén tài nguyên quốc gia làm của riêng.
Với ý nghĩa đó, “Phiên Tòa Nhân Dân” cũng là một cách thức đấu tranh mới, đầy sáng tạo và cũng là cách “chia lửa” với những người đang dấn thân tranh đấu vì những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.
Từ trong nước, có luật sư đã lên tiếng phê bình Đôn, anh cho rằng ý tưởng của Đôn là rất sốc khi bạn ấy bước qua khỏi “lằn ranh đỏ”.
“Lằn ranh đỏ”. Đó là khái niệm khai sinh từ cách nghĩ, cách tính toán của giới luật sư trong nước bị tước đoạt tự do. Hoặc chính họ cũng chưa kịp nhận thức được giá trị đó mà cho rằng tự do là thứ giá trị không tồn tại. Thực tế, các luật sư hành nghề trong nước đều phải tự xác định lằn ranh đỏ không thể vượt qua để tự bảo vệ sự an toàn pháp lý cho cá nhân mình. Đương nhiên, càng xa lằn ranh đỏ bao nhiêu thì càng an toàn bấy nhiêu. Đồng thời, điều đó cũng mặc nhiên trở thành sự thỏa hiệp của giới luật sư trước những bất công mà chế độ Cộng sản gây ra hàng ngày trên sinh mạng, tài sản đồng bào mình, thân chủ mình và đất nước mình. Trong đó, giới luật sư phải chọn cách sống tự nhắm mắt, che tai, bịt miệng và cúi đầu để… làm ngơ, để… tồn tại cùng cái ác!
Với Đôn, ngày còn trong nước, chọn cách hành nghề với phẩm chất như một luật sư tự do. Đôn đã tự đưa mình vượt qua lằn ranh đỏ, đối lập với Đoàn Luật sư lúc nào cũng cúc cung tận tụy phục vụ lợi ích của Đảng. Thế nên, không khó hiểu khi họ tìm cớ thu hồi thẻ luật sư của Đôn và khiến bạn ấy trở thành nạn nhân và là chứng nhân của sự đàn áp tự do từ chế độ Cộng sản. Họ triệt đường hành nghề và mưu sinh của Đôn. Muốn sống cho đúng với phẩm giá cũng không dễ. Buộc Đôn phải ra đi tìm kiếm tự do và phẩm giá cho chính mình. Thì bây giờ, lằn ranh đỏ chết người kia còn có ý nghĩa gì với Đôn, một con người tự do? Trên một xứ sở tự do?
Đôn giờ có khác gì con chim biển tự do vừa vượt thoát khỏi cái lồng sắt giam hãm bấy lâu nay. Nơi Đôn đang sống và cả thế giới này, ở đâu cũng là bầu trời tự do trừ cái lồng sắt xấu xí mà chế độ Cộng sản giam hãm đồng bào mình. Bay đi cánh chim biển! Bay đi Đôn! Bầu trời tự do đó Đôn! Bay đi để biết hai từ tự do quý giá và ngọt ngào đến thế nào?
Giữa lòng thủ đô của đất nước xa lạ và giữa tuổi ngũ tuần, tôi đã từng khóc òa như đứa trẻ khi cảm nhận về tự do trong ngày Lễ Độc lập của họ. Đôn cũng sẽ như vậy, tuy Đôn không cần khóc như tôi, nhưng nhất thiết Đôn phải thấy sự quý giá và ngọt ngào của hai từ tự do!
Lúc này, nhìn về quê hương từ nửa vòng quả đất, chúng tôi chẳng thể quên non trăm triệu đồng bào mình còn rên siết trong lồng sắt Cộng sản, hàng trăm tù nhân chính trị đã chọn phẩm giá con người để phải đánh đổi những ngày tù đày, giam hãm, cũng như hàng vạn luật sư đồng nghiệp, không xác định ranh giới giữa thiện và ác, giữa hợp pháp và bất hợp pháp mà phải xác định lằn ranh đỏ giữa phẩm giá và tồn tại, như chúng tôi, như Đôn, cũng đã từng từ ấy… ra đi.
Bay đi, bay đi Đôn, cánh chim biển tự do. Bay đi để cất tiếng nói tự do. Nếu không cất tiếng nói tự do ở đây thì nói ở đâu? Nếu không cất tiếng nói tự do bây giờ thì nói khi nào? Nếu không cất tiếng nói tự do cho đồng bào mình thì nói cho ai? Phải cất tiếng nói, để còn xứng đáng với tự do mà chúng ta được ban tặng. Phải cất tiếng nói, vì còn phải nói thay cho cả hàng triệu đồng bào mình đã bị cướp đoạt tự do.
DC, những ngày đầy ân sủng.
Đ.Đ.M.
Nguồn: FB Manh Dang