Bình luận Nghị quyết về trí thức

Nguyễn Đình Cống

Để tỏ ra quan tâm đến trí thức, Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) đã có nhiều văn bản đề cập đến đội ngũ này, trong đó quan trọng là Nghị quyết số 27 ngày 06 tháng 8 năm 2008, do TBT. Nông Đức Mạnh ký, về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và Nghị quyết số 45 ngày 24 tháng 11 năm 2023 do TBT.Nguyễn Phú Trọng ký, về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Dưới đây tôi sẽ tóm tắt một số nội dung của hai NQ (từ trên 9000 từ xuống còn trên 900 từ) và viết vài bình luận. 

I. TÓM TẮT NGHỊ QUYẾT

1. Thực trạng của trí thức

NQ 27 nhận địnhđội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng; đã đóng góp tích cực ý kiến cho lãnh đạo. 

Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng.

Nhà nước đã thực hiện các chính sách sử dụng và tạo môi trường phát huy vai trò của trí thức, nhưng đội ngũ trí thức còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém do nhiều nguyên nhân. Kinh tế vẫn lạc hậu, một số trí thức còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, công tác trí thức còn nhiều hạn chế, tổ chức các hội của trí thức ở trung ương và địa phương chưa đủ mạnh. Công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý, nhất là khâu đánh giá, sử dụng trí thức còn nhiều điểm không hợp lý, 

NQ 45 không dùng từ “thực trng” mà thay bằng “tình hình, và viết: Trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc thuận lợi, các tổ chức của trí thức được củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, cơ cấu, số lượng chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên chủ yếu là do nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng về vị trí, vai trò, của đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc, một bộ phận trí thức chưa nhận thức đầy đủ vai trò đối với phát triển đất nước, còn thụ động, trông chờ, ngại bày tỏ chính kiến; năng lực, phẩm chất, uy tín chưa đáp ứng yêu cầu.

2. Quan điểm

Mục II NQ 27 ghi: Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Mục II NQ 45 ghi: Quan điểm, mục tiêu. 

Về quan điểm, NQ 27 ghi:

+ Trí thức là lực lượng lao đng sáng tạo đặc biệt quan trọng; 

+ Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm toàn xã hội; 

+ Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng.

 NQ 45 ghi: 

+ Trí thức là lực lượng lao động trí óc có trình độ cao; 

+ Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, … , là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, ... Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước  Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng; 

+ Động viên trí thức nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc.    

3. Mục tiêu

NQ 27 viết: “Ðến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Gắn bó vững chắc giữa Ðảng và Nhà nước với trí thức”.

NQ 45 viết mục tiêu đến năm 2030: 

+ Phát triển về số lượng và chất lượng; 

+ Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện, động lực;

+ Phát triển một số cơ sở nghiên cứu; 

+ Tăng số lượng phát minh sáng chế.

NQ 45 còn viết Tầm nhìn đến năm 2045: Đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.

4Nhiệm vụ và giải pháp

NQ 27 nêu ra những vấn đề sau:

+ Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức;

+ Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức;

+ Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức;

+ Ðề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức;

+ Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức.

NQ 45 viết:

+ Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức;

+ Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡngsử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài;

+ Tăng cường quản lý nhà nước… đối với đội ngũ trí thức.

+ Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

+ Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.

5Tổ chức thực hiện

Mục này đề ra nhiệm vụ cho các tổ chức Đảng.

II. VÀI ĐIỀU BÌNH LUẬN

1. Thực trng của trí thức

Về trí thức, có một bài thơ ngắn được truyền miệng như sau:

Bốn anh trí phú địa hào,

Chỉ còn anh trí lao đao đến giờ.

Đảng thấy anh trí ngu ngơ, 

Bèn cho đứng nấp dưới cờ liên minh.

Trông lên chỉ thấy hai hình,

Trí ta chẳng biết phận mình ra sao.

Hỏi các anh phú, địa, hào,

Họ đều đã lọt được vào đảng ta. 

Giật mình trí mới ngớ ra.

Không dè cách mạng đã ra thế rồi.

Ngày xưa sống kiếp tôi đòi,

Trí ta quen thói xem trời bằng vung.

Bây chừ cách mạng thành công,

Trí ta đành phải lấy vung làm trời.

*

Thế nào là người trí thức? 

Nhiều Từ điển đưa ra định nghĩa đơn giản: trí thức là người chuyên làm việc lao động trí óc. NQ 27 đưa định nghĩa dài hơn, thêm vào vài năng lực cần có. NQ 45 đưa quan điểm, ngoài những tính chất của trí thức nói chung, còn thêm: “có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc.

Ở VN hiện nay, tồn tại ý kiến cho rằng có trí thức của đảng và của dân.

Trí thức của đảng là những người có bằng cấp, học hàm, học vị cao, phần lớn là đảng viên, một số ít không phải đảng viên nhưng chịu sự chi phối của Đảng. Các NQ nhằm vào loại trí thức này. 

Trí thức của dân là những trí thức độc lập. Họ nhận ra rằng chủ nghĩa Mác Lê (CNML) phạm nhiều sai lầm từ gốc, chứa nhiều độc hại, rằng những điều được tuyên giáo Đảng tuyên truyền, phần lớn là chưa phản ảnh đầy đủ sự thật. Nhiều người trong họ không phải là đảng viên hoặc đã từng là đảng viên nhưng đã từ bỏ Đảng sau khi nhận thức lại về CNML. Trí thức của dân có thể ở trong nước hoặc ở nước ngoài nhưng luôn hướng về đất nước. Họ thực sự yêu nước thương dân.

Việc phân chia trí thức thành của Đảng và của dân là theo cảm tính chứ không dựa vào một quy định nào cả.

Trao đổi về tiêu chuẩn của một người trí thức chân chính, một số người cho rằng các điều kiện như lao động trí óc, học vấn cao, có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo chỉ mới là điều kiện cần, còn phải thêm điều kiện đủ là biết và dùng được trí tuệ cao để thức tỉnh và dẫn dắt xã hội nhằm hướng đến cái đúng, cái thiện, cái đẹp bằng những tư tưởng tiến bộ, những việc làm gương mẫu, những phản biện chính xác và sắc bén. Nếu chấp nhận như thế thì phần lớn trí thức của Đảng chưa đạt yêu cầu.

Đối với trí thức của Đảng, việc gắn bó với Đảng có thể chia thành hai mức: cao và thấp. Gắn bó ở mức cao mà một số trở thành cuồng tín, chủ yếu là những người bị nhồi sọ từ rất bé về CNML mà khi lớn lên không có điều kiện để nhận thức lại để tìm được chân lý, một số khác đã trở thành người có nhiều quyền lợi do chế độ mang đến nên họ ra sức bảo vệ nó (trong số này có nhiều kẻ cơ hội, liên kết với nhau trong “các nhóm lợi ích”).  Gắn bó ở mức thấp là do tình thế buộc phải chấp nhận để được yên thân mà làm việc của mình. 

Đánh giá về đội ngũ trí thức, trong cả hai NQ đều cho rằng họ đã được tăng cả về lượng và chất. Tăng về lượng thì rõ rồi, nhưng cho rằng tăng về chất thì không đúng. Thực ra chất lượng trung bình của trí thức Việt nam ở trong nước là khá thấp, và càng ngày càng thấp, đặc biệt là có khá đông giáo sư, tiến sĩ, một số trí thức của Đảng có danh hiệu thật, có bằng cấp thật nhưng trình độ rất yếu.

Sự hạ thấp chất lượng của tiến sĩ trong mấy chục năm, từ phó tiến sĩ thành tiến sĩ một cách quá dễ dãi, từ việc các hội đồng đánh giá luận án có quyền công nhận trình độ tiến sĩ mà ít hoặc không chịu trách nhiệm nên việc đánh giá chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân hơn là dựa vào nội dung khoa học của luận án. Việc này đã làm vui lòng một số ké háo danh mà bất tài, nhưng đã đánh những đòn nặng vào đội ngũ trí thức và đặc biệt là vào những trí thức chân chính. Hội đồng có quyền đánh giá luận án để cấp bằng tiến sĩ, nhưng nhà nước không có cơ chế kiểm tra, giám sát, nên đã để cho việc lạm phát tiến sĩ mở rộng. 

Hai nghị quyết đều kể ra một số mặt tích cực và yếu kém của trí thức kèm theo nguyên nhân, nhưng tất cả chỉ nhàn nhạt, vô thưởng vô phạt và cũng chưa vạch ra được nguyên nhân cơ bản. Đặc biệt là nguyên nhân thả lỏng cho các hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ.Nhiều hội đồng không những kém năng lực, thiếu trách nhiệm mà còn vi phạm đạo đức khoa học. Hội đồng đã liên kết với cơ sở đào tạo để lừa dối nhà nước, nhân dân và nghiên cứu sinh khi công nhận họ đạt trình độ tiến sĩ, khi mà người được cấp bằng còn xa mới xứng đáng với danh vị ấy.

Có một thực tế mà Đảng rất quan tâm nhưng không đưa vào NQ là một số trí thức đảng viênđã từ bỏ Đảng, từ trí thức của Đảng trở thành trí thức của dân, thành người phản biện, bị Đảng quy kết, chụp mũ là bị thế lực thù địch lôi kéo mua chuộc, trở thành phản động. Thế mà Đảng không chịu điều tra để hiểu và đánh giá đúng về họ. 

Theo tôi, những trí thức bị Đảng đối xử như thù địch mà nhiều người bị tù tội rất nặng hoặc bị bắt buộc lưu vong thực chất là những người chân chính, là tinh hoa của dân tộc. Về bản chất họ khác rất xa những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về đạo đức, tham nhũng, cửa quyền. Nhưng Đảng thường ghép hai loại trên vào với nhau để làm lu mờ ranh giới nhận thức. Đây là một cách làm hồ đồ, có thể do vô minh hoặc thủ đoạn của một ai đó.

2. Quan điểm

 

Quan điểm của hai NQ chỉ là nhắc lại những điều cũ, chưa có gì mới so với thời kỳ cách nay trên 50 năm. Cho rằng lao động trí óc quan trọng, nhưng không thể xếp ngang chứ đừng nói đến xếp trước búa liềm, chưa xếp vào hàng động lực phát triển xã hội. 

Đối với trí thức thì tự do tư tưởng quan trọng gần như không khí. Vì tình thế mà Đảng phải viết vào NQ việc tôn trọng tự do tư tưởng, nhưng viết thế chỉ để cho có, chứ thực lòng lãnh đạo rất muốn các trí thức chỉ được tự do ca ngợi Đảng, tự do hoạt động theo chỉ đạo của Đảng, không được tự do suy nghĩ theo ý cá nhân. Những đảng viên trí thức có đầu óc và tinh thần phản biện vì không chấp nhận thứ tự do ấy nên đã từ bỏ đảng để quay về với dân.

Cho rằng xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, ... , là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Như thế là chấp nhận được. Còn cho rằng là trách nhiệm của toàn xã hội là hơi hồ đồ.

NQ 45 viết: “Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức VN ở … ngoài nước”. Chẳng biết khi viết như vậy đã có ai nghĩ đến cách phát triển như thế nào hay chưa?! Việc chính phủ ban hành Quyết định 1331 (Đề án phát huy nguồn lực của người Việt ở nước ngoài, do PTT. Trần Lưu Quang ký) làm xôn xao dư luận khá đông Việt kiều.

3. Mục tiêu

Mục tiêu của NQ 27 đến năm 2020 phải chăng là ảo tưởng của những người vô minh? Cuối thế kỷ trước đất nước mới vừa may mắn thoát khi đói kém, phát triển được một chút về kinh tế, có được vài năm tăng GDP đến trên bảy, tám phần trăm, trong khi Nhật và Mỹ chỉ tăng chưa quá hai phần trăm đã tưởng ghê gớm, có biết đâu 8% của ta với GDP rất thấp,không bằng 0,1% của người ta. Một số người tưởng sắp hóa hổ, hóa rồng đến nơi!  Rồi vì những ảo tưởng đi tắt, đón đầu trong phát triển nhanh về kinh tế mà lao vào làm những việc trái quy luật, làm hủy hoại môi trường, làm suy thoái giáo dục, văn hóa, đạo đức.

NQ 45 đặt mục tiêu đến năm 2030, cũng những điều gần như trong NQ 27, nhưng chỉ chung chung. 

Lại đề ra tăng số lượng phát minh sáng chế! Không hiểu người ta đề ra mục tiêu này dựa trên cơ sở nào, có giống như mục tiêu tăng số lượng trứng bằng cách tăng số lượng đàn vịt?

NQ 45 còn đề ra tầm nhìn đến năm 2045. Cách đề ra tầm nhìn có lẽ là đặc điểm của Việt Nam, nghe qua thì thấy hay, có tầm nhìn xa, trông rộng, nhưng phần lớn cũng chỉ là ảo tưởng hoang tưởng. NQ 27 đặt mục tiêu đến năm 2020, nay đã là năm 2024, xem đã thực hiện như thế nào?!

4Nhiệm vụ và giải pháp

NQ 27 nêu ra nhiệm vụ hoàn thiện môi trường  cho hoạt động của trí thức. Có môi trường vật chất và tinh thần. Trong môi trường tinh thần thì tự do tư tưởng là quan trọng nhất. Về tự do tư tưởng, trong mục quan điểm có đề cập “Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng”.

Trong mục nhiệm vụ của NQ 45 có viết “tôn trọng tự do sáng tạo, tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức” nhưng không viết gì về tự do tư tưởng. 

Tự do là một trong những quyền bất khả xâm phạm của con người, nhưng Đảng chỉ dành quyền đó chủ yếu cho lãnh đạo mà hạn chế đối với đảng viên. Còn đối với trí thức, Đảng chỉ cho tự do làm theo chỉ thị, nghị quyết của mình. Về tự do, quan điểm thì có, nhiệm vụ thì không. Tự do cho trí thức, một điều không thể không viết, nhưng hạn chế được bao nhiêu tốt cho Đảng bấy nhiêu. Trong lúc đó NQ 45 viết: Tăng cường quản lý nhà nước  đối với đội ngũ trí thức. Không biết rồi đây nhà nước sẽ tăng cường quản lý đến mức nào!

NQ viết: Tạo chuyển biến căn bản (hoặc đổi mới) công tác đào tạo trí thức. Có thể đây là cách viết để mà viết, cho qua chuyện, chứ không biết đổi mới, tạo chuyển biến như thế nào.

Hội nhập quốc tế của trí thức là nối tiếp hội nhập của giáo dục. Không biết rồi hội nhập trí thức có bị an ninh của Đảng ra sức ngăn chặn như đã làm với hợp tác giáo dục hay không (xem Youtube - Nguy cơ hội nhp quốc tế về giáo dục - Góc nhìn sự thật). Đó là những thứ mà họ cho là không phù hợp với đường lối của Đảng. 

NQ nào cũng đề cập nhiệm vụ “đãi ngộ và tôn vinh trí thức”. Thực ra những trí thức chân chính chỉ yêu cầu được đối xử tương đối công bằng, trả công phù hợp với kết quả công việc, tùy vào giá trị đóng góphọ không cần những đãi ngộ, mà cần môi trường để làm việc sáng tạo. Họ cũng chỉ cần tôn trọng chứ cũng không cần tôn vinh.

Về sự lãnh đạo của Đảng, NQ 27 viết: “Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức”, còn NQ 45 không viết gì. Phải chăng lãnh đạo trí thức là việc không cần thiết? Đề ra như NQ 27 chỉ là theo quán tính?

IIIĐÁNH GIÁ CHUNG

Vì Đảng tự nhận việc lãnh đạo toàn diện nên phải ban hành rất nhiều NQ, dẫn đến ôm đồm. NQ 27 và 45 phải chăng là trường hợp như vậy?

Hình như trong BCH TƯ Đảng có một văn phòng chuyên thảo NQ nên các NQ có một đặc điểm giống nhau là khá dài so với yêu cầu. Mỗi NQ, nếu tách ra từng câu thì câu nào cũng đúng, cũng hay. Ghép nhiều câu vào trong một đoạn mới thấy nhiều chỗ trùng ý, còn đọc hết toàn bộ NQ mới thấy đó là một rừng ngôn từ hoa mỹ, một tập hợp lớn các khẩu hiệu rất kêu, nhưng sáo rỗng.

Ban hành NQ được viết súc tích đã là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thi hành, mà người thi hành chính là Đảng và nhà nước chứ không phải trí thức. Là trí thức chân chính họ sẽ biết mình cần làm gì, làm như thế nào. Ở các nước văn minh, tiên tiến, không ai vạch đường cho trí thức, mà ngược lại trí thức có vai trò hướng dẫn quần chúng. Còn nhà nước, quan trọng nhất là tổ chức đánh giá công trình khoa học một cách nghiêm túc để cấp học vị, học hàm thật chặt chẽ, chính xác. Việc này còn quan trọng hơn việc làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Phải tạo ra được dư luận xã hội mạnh mẽ lên án những hội đồng kém phẩm chất, không những thế mà còn cần có chế tài trừng phạt những kẻ lợi dụng quyền lực để thực hiện ý đồ cá nhân.

Rồi cần đặt được trí thức vào đúng vị trí, tạo được môi trường để họ tự phát huy. Muốn như vậy cần có những chính trị gia tài năng, liêm khiết và rộng lượng, để ngoài việc giúp trí thức phát huy năng lực, còn biết chấp nhận một vài thường tình nhỏ của họ (có tài có tật).

Thế mà thói háo danh và vô minh đã tạo ra những lò ấp tiến sĩ, những hội đồng xét cấp danh hiệu giáo sư cho những người hữu danh vô thực, tạo ra những người có bằng cấp cao mà trí tuệ lùn. 

Thế mà vì củng cố độc tài, vì mắc mưu thâm độc của Trung cộng mà ghét bỏ, mà vu oan giá họa để làm hại những trí thức của dân, làm hủy hoại tinh hoa của dân tộc.

Cũng giống như nhiều NQ khác, các NQ về trí thức soạn ra chủ yếu để tuyên truyền. Cứ như tình trạng hiện nay, đến năm 2045, số lượng tiến sĩ giáo sư sẽ tăng nhiều, nhưng số lượng trí thức chân chính có nhiều khả năng giảm sút.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Trí thức Việt Nam, Đảng và Trí thức. Bookmark the permalink.