Tu theo Phật rất đơn giản

(Kết quả tu phụ thuộc vào mỗi người)

Mạc Văn Trang

1. Hiểu Phật pháp đơn giản

Sau khi Đức Phật chết, các đồ đệ mới họp nhau ghi chép lại những lời Phật giảng dạy thành Kinh Phật, rồi luận bàn đủ thứ. Ngày nay mỗi phái hệ, mỗi sư lại viết ra vô số sách, kể ra hàng núi sách về Phật giáo. Cái đó dành cho người xuất gia tu hành hay người nghiên cứu Phật học. Còn Phật tử hay người thường muốn tu chỉ cần hiểu rất đơn giản, như tôi hiểu và tu là tạm đủ. Tôi không là Phật tử, không đi chùa, không tụng kinh, không ăn chay, không cúng dường, nhưng mà tu theo Phật dạy, thấy thân tâm an lạc, thanh tịnh, sống hòa vui…

Khoảng từ năm 2000, khi về hưu, tôi chú ý đọc một số sách về Phật học, cũng mông lung lắm, nhưng rồi phải hiểu lấy những điều cốt yếu cho mình: Người ta ai cũng có Phật tính (có khả năng thành Phật) nhưng vì VÔ MINH che lấp Phật tính, nên suy nghĩ, nói năng, hành động sai lầm dẫn đến làm hại mình, hại người. Từ đó sinh ra xung đột nội tâm, tự mình làm khổ mình, khổ người triền miên.

VÔ MINH là do:

– THAM (tham tiền bạc, của cải, tình ái, chức quyền, danh vọng …).

– SÂN (tính nóng nảy, thô bạo, lòng thù oán, đố kỵ, ác độc…).

– Si (mê đắm ma tuý, rượu chè, cờ bạc, ái tình, mê tín, u mê…).

– NGÃ CHẤP (cá nhân chủ nghĩa) coi mình là nhất. Ngã chấp sinh ra Ngã mạn, Ngã ái, Ngã kiến, Ngã si, Ngã tướng… Ngã chấp thành bảo thủ, ngoan cố, ưa xu nịnh, ghét người trái ý, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội…

– VỌNG TƯỞNG: Không biết sống tử tế, sống hạnh phúc trong hiện tại với bản thân, gia đình, xã hội, giải quyết công việc hiện thời sao cho hiệu quả mà cứ nuối tiếc quá khứ, ăn mày dĩ vãng, mơ tưởng tương lai hão huyền. Vấn đề hiện tại không lo làm cho tốt, cứ vọng tưởng sẽ thế này, sẽ thế kia, đến 2045, đến cuối thế kỷ…

Chính Tham, Sân, Si, Ngã chấp, Vọng tưởng làm cho người ta VÔ MINH khiến suy nghĩ, nói năng, hành động sai lầm, gây nên NGHIỆP ÁC. Người bình thường đến vua chúa, “đại đế” như Putin cũng có thể cực kỳ vô minh, khiến gây ra ĐẠI ÁC NGHIỆP.

– Ý NGHIỆP là do tham, sân, si, những vọng tưởng, ngã chấp, những suy nghĩ xấu, ác, dùng mưu hèn kế bẩn để lợi mình, hại người…

– KHẨU NGHIỆP là do những lời nói dối trá, hung bạo, bịa đặt, vu khống, hăm dọa, nói nhảm nhí vô nghĩa … (Các quan chức của ta rất hay nói những điều vô nghĩa, nhảm nhí là do cái ý mê lầm nó sai khiến).

– THÂN NGHIỆP là những hành động mình gây ra làm đau đớn, nhục mạ người khác; là hành động “diễn” để lừa người; là những hành động phá hoại tài sản của người khác, đặc biệt là giết người…

Tóm lại, Ý, Khẩu, Thân liên quan mật thiết với nhau; Ý là chủ đạo, tạo ra những điều ác và tích tụ lại thành NGHIỆP ÁC; nếu Ý, Khẩu, Thân làm những điều thiện lành thì sẽ tích lũy thành NGHIỆP LÀNH.

VÔ MINH là tập hợp những nguyên nhân cơ bản làm khổ mình, khổ người. Cần phải TU TẬP (tức là tự sửa mình) để tự GIẢI THOÁT những cái làm mình vô minh; làm cho tâm mình thanh sạch, trí tuệ sáng láng, hiểu được luật Nhân – Quả, lẽ Vô thường, để sống Từ bi và Trí tuệ, cảm nhận được niềm hạnh phúc ngay trong cuộc sống hàng ngày. Tu là bản thân mình “tự diễn biến” từ Tâm Vô minh sang Giác ngộ Phật pháp, không cầu xin trông cậy vào ngoại lực nào được, kể cả Trời, Phật.

2. Tu cũng đơn giản thôi

Tôi TU chỉ bằng cách thực hiện chuyển 10 cái ÁC thành 10 điều THIỆN:

(1) THAM: Bớt tham lam đi, năng lực mình làm được đến đâu, hưởng đến đó; biết đủ, biết dừng; cốt sao cuộc sống giản dị, êm ấm, tinh thần thảnh thơi; sống thanh bần mà hài hoà, hạnh phúc, chứ không ham làm giàu bằng mọi thủ đoạn để có “hạnh phúc”… 

(2) SÂN: buông bỏ hận thù, ghen tức, đố kỵ, nóng giận, thô bạo… vì những cái đó chỉ làm hại mình, hại người. Buông bỏ được, thấy tâm thanh tịnh, an nhiên; biết nói năng, hành xử khoan dung, đứng đắn, thân thiện… Các “dư luận viên” bịa đặt, chửi rủa tôi đủ chuyện, tôi không chấp; công an đôi khi ngăn chặn, cản trở tự do đi lại, tôi cũng bỏ qua, chỉ thương họ phải làm những việc xấu, ác sẽ nhận nghiệp ác… Sự thật là, cuộc sống luôn có những cái vui, buồn, bực tức, lo âu… Nhưng nó vừa khởi ra thì mình hiểu là cần giải thoát nó ngay, để tâm về “Không”, cho an định. Nhờ vậy, nên có lần 10 giờ đêm, có kẻ gọi điện đe dọa giết, vì “thằng già” ngăn cản dân tiêm vắc-xin Trung Quốc… Tôi nói với bà xã, công an không làm thế đâu. Đây chắc là tay sai của Vạn Thịnh Phát, do mình viết thư cho lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu không được nhận 10 triệu liều vắc-xin của Trung Quốc do Vạn Thịnh Phát tặng để tiêm cho 10 triệu dân thành phố… Tôi bảo vợ, nó đã dọa thì không dám giết đâu. Vợ chồng tôi đều mau chóng giải thoát nỗi ám ảnh đó ra khỏi tâm trí và ngủ ngon lành cho đến sáng…

(3) SI: Không sa vào nghiện rượu, nghiện thuốc, mê đắm cái gì đó làm mình u mê… Cái này tuyệt đối không. Rượu, bia uống tí chút khi vui bạn bè thôi.

(4) Không SÁT SINH: Không làm hại người, hại muôn loài. Tôi không ăn chay, nhưng bớt ăn thịt hơn và không trực tiếp giết các sinh vật làm thức ăn.

(5) Không TRỘM, CƯỚP, lừa đảo… Tuyệt đối không.

(6) Không TÀ DÂM (chính dâm thì rất tốt). Hồi trẻ có léng phéng tí chút, sau khi hiểu tu rồi thì nghiêm chỉnh.

(7) Không nói DỐI: Sống chân thành, nói thật, không nói dối. Nói thật sẽ không phải lo sợ, giấu giếm, vì lúc nào cũng nói vậy thôi. Công an nhiều lần nói chuyện với vợ chồng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng nói thẳng nói thật, vì những việc mình làm là chính đáng, chả có gì phải giấu diếm.

(8) Không nói VU KHỐNG, bịa đặt hại người. Tuyệt đối không!

(9) Không nói HUNG BẠO, thô lỗ, cục cằn làm tổn thương người khác. Trái lại chúng tôi luôn dùng những lời ái ngữ để giao tiếp, chia sẻ, gây nên thiện cảm, hoà ái…

(10) Không nói những lời ba hoa VÔ NGHĨA. Nói càm ràm suốt ngày; nói những điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, phát ngôn những câu vô nghĩa làm trò cười cũng gây khẩu nghiệp. Điều này mình tránh được, chỉ nói, viết những điều chân thành, đơn giản…

*

Thực hiện 10 điều đơn giản vậy thôi. Bà xã tôi là Phật tử, quy y Tam bảo từ lâu. Trước đây, sáng dậy, làm vệ sinh xong, bả mặc bộ đồ của Phật tử, lễ Phật rồi đọc hết bài Kinh “Đại Phúc Đức”, sáng nào cũng vậy. Tôi khuyên nên bỏ lệ ấy đi, vì mất thì giờ. Mình Tu bằng hành Pháp và Phật tại tâm, không cần những thứ lễ nghi phiền phức. Đức Phật nói, Kinh pháp chẳng qua như cái bè để qua sông, qua rồi vứt bè đi! Mình nhớ Kinh Phúc Đức và thực hành đúng rồi, còn tụng làm gì? Để thì giờ đó học tiếng Anh. Bà xã tôi nghe theo và chúng tôi sống rất thoải mái, bình an…

Bà xã tôi thỉnh thoảng có rủ tôi thăm mấy chùa “nghèo” hay tịnh xá ở vùng sâu, xa, miền núi, Pháp thoại với các Thầy một cách vui vẻ, thoải mái, công đức chút ít và xin thuốc Nam của mấy Thầy.

Dù kinh tế eo hẹp, nhưng chúng tôi cũng sẵn lòng chia sẻ ít nhiều với những hoàn cảnh khốn khó, nhất là lúc dịch covid-19 hoành hành ở TP.HCM… Chúng tôi làm những việc đó thầm lặng và thấy tâm hoan hỉ…

Nhận thức được lẽ vô thường, coi cái chết là tất yếu, đón nhận nó bình tĩnh, chuẩn bị sao cho nhẹ nhàng. Vì vậy chúng tôi đã đăng ký hiến xác cho Trường Đại học Y dược tp HCM. Như vậy cái thân xác chết rồi còn có ích cho khoa học, sau đó hỏa thiêu, thân tứ đại hoà vào cát bụi. Khi biết tin chúng tôi chết, các con cháu, bạn bè ở đâu cứ ở đấy, tụ họp ít người thân với nhau, treo tấm hình lên, tưởng niệm. Vậy là xong. Mình sống tử tế thiện lành, chắc hẳn linh hồn sẽ vãng sanh về Cõi Lành. Khỏi lo!

Tóm lại, TU là TỰ SỬA mình từ ý nghĩ, nói năng, hành động, sao cho 10 điều nêu trên đều chuyển sang THIỆN LÀNH. Thế là dần dần mình GIÁC NGỘ ra rằng, giải thoát khỏi Tham, Sân, Si, Ngã chấp, Vọng tưởng… là tự thấy mình trở nên thanh thoát, an lạc, khỏe khoắn Thân – Tâm, nhìn nhận sự đời sáng tỏ hơn; thấy mình ung dung tự tại, an nhiên; thấy mình đường hoàng, lớn lên trong cõi đời này, sống TỪ BI và TRÍ TUỆ hơn; kết bạn được với nhiều người thiện lành và tự nhiên tránh xa kẻ xấu ác…

Khi mình TU đúng CHÁNH PHÁP của Đức Phật thì thấy đơn giản và hiệu quả; đồng thời khi tâm sáng ra thì dễ dàng nhìn rõ những luận điệu TÀ PHÁP, những trò ma giáo, mê hoặc “đại chúng” của các Ma tăng. 

3. Thương những người “tu” mê lầm

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Tín ngưỡng của tôi rất đơn giản, không cần đền thờ, không cần triết lý phức tạp. Bộ não của chúng ta, trái tim của chúng ta chính là đền thờ. Triết lý sống là lòng tốt”. (Nguyên Phong, Muôn kiếp nhân sinh, tr. 21, Phụ lục, quyển 2, NXBTH tp HCM, 2022).

Tu đơn giản vậy thôi. Nhưng chưa bao giờ xã hội ta lại đông đảo người “tu” mê lầm như ngày nay. Đó là do có nhiều Ma tăng được bảo kê tuyên truyền xuyên tạc Phật pháp, dẫn dụ chúng sinh vào con đường tăm tối, u mê để hù doạ, lừa bịp, dụ dỗ chúng sinh “cúng dường” cho thật nhiều. Mở mồm ra là Ma tăng kêu gọi cúng dường. Mọi trò đều nhằm đến cúng dường!

Thích Trúc Thái Minh nói: Càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo; cúng dường như gieo hạt giống, phải chọn đất màu mỡ để gieo, tức chọn chùa GIÀU để cúng dường, ai mà đi cúng chùa nghèo, như gieo hạt giống vào đất cằn… (Đại chúng hoan hô!)

Thích Chân Quang dạy: Đau đầu là do từng đập đầu cá; mổ ruột thừa do trước đây mổ heo; mổ cổ do trước đây cắt cổ gà… Cúng dường một chỉ vàng thì sẽ thoát hay ít ra lúc chết cũng toàn thây… (Đại chúng vỗ tay)

Thích Thanh Quyết nói, dâng sao giải hạn, mỗi suất thu 150 nghìn đồng, thầy lỗ chổng vó rồi… Vân vân. 

(Những lời nói sai quấy của các sư này đầy trên mạng xã hội).

Bị những Ma tăng dẫn dụ nên nhiều người mê lầm, thương nhất là lớp trẻ cứ u mê quỳ lạy, van xin, cầu khẩn, nhìn không chịu nổi!

Những mê lầm thường thấy là:

(1) Tưởng Đức Phật (tượng Phật) có phép màu, cầu xin là được, nên dâng lễ, quỳ lạy, nhét tiền vào tay Phật để “hối lộ” cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu an, giải hạn… Có vậy chùa Ba vàng mới mượn “xá lợi”, một sợi “tóc” ngọ ngoạy để lôi kéo 50.000 chúng sinh trong ba ngày, đến chiêm bái, cúng dường, cầu “phúc lộc vô lượng, vô biên” (?). 

Họ không biết rằng Đức Phật là người thực, một Thái tử, nhờ lòng bi mẫn, thương dân mê lầm, khổ ải, nên Ngài tìm cách cứu khổ, cứu nạn. Ngài khổ luyện tu tập mà thông tuệ, giác ngộ, nhận thức được quy luật của vũ trụ, của nhân sinh và lý giải nguyên nhân dẫn đến khổ đau của đời người, chỉ ra cách tu tập, giải thoát khỏi vô minh để sống tỉnh thức, thiện lành, an vui, đường hoàng ngay hiện tại trong điều kiện hiện có của mỗi người… Đức Phật chỉ dạy ta cách tự tu tập để tự thay đổi bản thân, từ Vô minh sang Giác ngộ, khiến ta sống tỉnh thức, tử tế, an vui, hạnh phúc. Ngài không có quyền năng gì để ban phúc, lộc, giải thoát, giải hạn thay cho ta được. Tu mà quỳ lạy, cầu xin, cúng lễ, hối lộ để Đức Phật cứu giúp mình là phỉ báng xúc phạm Ngài!

(2) Tưởng các sư có phép lạ, có thể giúp mình giải nghiệp, giúp mình cầu được phúc, lộc, tài, giải hạn… bằng cách van xin, quỳ lạy, cúng dường nhiều nhiều… Thực ra sư chỉ là các thầy chùa, như thầy giáo, giảng kinh phật, giúp chúng sinh tu tập để giải thoát, giác ngộ, sống an vui, thiện lành. Vậy thôi. sư không phải thầy pháp, thầy cúng, siêu nhân! Hãy nhìn vào đời thật của mỗi sư xem họ đã tu đúng chưa? Hay tham, sân, si đủ thứ? Phải nhìn rõ bản chất của sư để tỉnh táo nhận ra ai là sư thật có thể tin, ai là sư giả cần tránh xa. Tôi thấy lạ, khi nghe Ma tăng nói nhảm nhí mà hàng nghìn “đại chúng” chăm chú nghe và vỗ tay rầm rầm (!). 

(3) Cứ tưởng chùa to, tượng lớn, đến chùa đông vui như hội mới “thiêng”! Cho nên các nhóm lợi ích đầu tư xây chùa nguy nga, hoành tráng để thu hút “đại chúng”. “Tu” mà đông như lễ hội, chen vai thích cánh, xô đẩy nhau thì tu gì? Thật ra càng đông người khi bị dẫn dắt mê lầm càng nguy hiểm vì tạo ra tâm lý đua theo bầy đàn một cách vô thức, như bị thôi miên, càng mê mẩn tâm thần, mất hết lý trí…

“Tu” mà cứ đua theo bầy đàn quỳ lạy, cầu xin, đem hết tiền nhà đi cúng dường, làm cho thân – tâm bị huỷ hoại, tiền của mất đi vô ích, bản thân ngu hèn đi, gia đình lục đục, rơi vào mê tín thì tu làm gì?

*

Tôi đã có lần thấy bà hàng xóm đang gõ mõ tụng kinh, bỗng dừng lại chửi: Mấy đứa ranh kia, định hái trộm khế nhà bà hả? Bà thả chó ra nó cắn lòi ruột chúng bay bây giờ! Thế thì tu gì?

Tôi đã thấy một sư đăng lên Facebook: Nhà chùa tổ chức lễ phóng sinh vào ngày… Rất mong các phật tử cùng hoan hỉ hùn phước… gửi vào tài khoản… Thế rồi đến hôm lễ phóng sinh, một bà đại diện nhà chùa đọc danh sách phật tử đã “hoan hỉ hùn phước”… Bỗng một nữ phật tử nhảy sổ vào quát lên om sòm: Làm ăn thế à, tôi góp một triệu đồng sao không có tên. Rồi cãi nhau như vỡ chợ. Tu thế thì tu gì?

Tóm lại, tu theo Chánh pháp của Đức Phật giúp mình giải thoát khỏi những mê lầm, vô minh để sống khỏe mạnh, giản dị, làm việc hiệu quả hơn; nhận thức được luật Nhân – Quả, lẽ vô thường để sống an nhiên, tự tại, từ bi và trí tuệ. Như vậy là tạo ra hạnh phúc ngay từng phút giây hiện tại của cuộc sống, chẳng cần cầu xin, vọng tưởng về Cõi Phật A di đà hay kiếp sau sẽ là gì, về đâu. Cứ sống tử tế, lương thiện theo những lời Phật dạy, chắc hẳn sẽ vãng sanh về cõi Lành.

6/1/2024

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Đạo đức, Lối sống, Tín ngưỡng, Văn hoá tâm linh. Bookmark the permalink.