Tại sao nhà nước sợ Thích Trúc Thái Minh?

Kim Ngữ 

Từ Tháng Bảy 2019, Thích Trúc Thái Minh đã bị bãi nhiệm tất cả chức vụ trong Giáo hội nhưng “gian sư” Thái Minh vẫn luôn là “người của đảng”. (nh: Tiền Phong)

Nghe câu hỏi trên chắc nhiều người sẽ cho là “phản động” vì nhà nước thì có sợ ai bao giờ! Thật ra khi nhìn kỹ những vụ việc mà Thích Trúc Thái Minh làm từ nhiều năm qua tại chùa Ba Vàng thì câu hỏi ấy là tiền đề hợp lý, đáng cân nhắc và khai triển thành một chủ đề quan trọng trong chính sách điều hành pháp luật mà nhà nước chịu trách nhiệm quản lý.

Từ khi chùa Ba Vàng bị phanh phui chuyện mua thần bán thánh qua động thái “thỉnh vong giải oan”, những người phục vụ trong đường dây này tuyên truyền rằng mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều do oan hồn từ kiếp trước gây ra. Người ở kiếp này muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” theo lời vong yêu cầu. Hình thức “trả nợ” là bằng tiền mặt thông qua việc công đức vào nhà chùa. Có người bị “đòi nợ” 5-7 triệu nhưng cũng có người bị “đòi” vài chục triệu đồng.

Với những người khó khăn về tài chính, nhà chùa sẵn sàng nhận trả góp hoặc quy đổi ra số ngày làm công quả. Nhưng với một số người đã “thỉnh vong” mà không “giải oán”, họ bị dọa là sẽ bị điên và những vận hạn khác trong tương lai.

Trụ trì chùa Ba Vàng là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, tên thật là Vũ Văn Hiếu, sinh năm 1967 tại Lương Tài, Bắc Ninh, là Uỷ viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội), cũng là Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội, Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu, Uỷ viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 12 Tháng Bảy 2019, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết nhất trí bãi nhiệm tất cả chức vụ của đại đức Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, bao gồm: Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Không còn giữ các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo trung ương và địa phương, đại đức Thích Trúc Thái Minh vẫn làm trụ trì chùa Ba Vàng (!).

Sau nhiều năm làm trụ trì, Thích Trúc Thái Minh đã tạo được một số rất lớn tín đồ say mê vào việc thuyết pháp cũng như “giao lưu” khắp nơi nhằm mở rộng “địa bàn” hoạt động về danh xưng cũng như tài chánh. Sau khi từ Đài Loan về Việt Nam sau một chuyến xuất ngoại tôn giáo, Thích Trúc Thái Minh sang Miến Điện để tổ chức một vụ lừa đảo lớn trên danh nghĩa “xá lợi tóc” của đức Phật. Một sợi tóc được khẳng định là từ Thích Ca mâu ni được rước từ Miến Điện về chùa Ba Vàng đã khiến hàng trăm ngàn tín độ khắp nước đổ xô về cúng bái, chiêm ngưỡng và cúng dường. Vụ việc bị cộng đồng mạng phản đối dữ dội và cuối cùng “xá lợi tóc” phải chạy về lại nơi xuất phát.

Với sự phẫn nộ của dư luận, ngày 2 Tháng Giêng 2024, chính quyền tỉnh Quảng Ninh xoa dịu bằng cách thông tin chính thức về việc chùa Ba Vàng rước và chiêm bái “xá lợi tóc của Đức Phật”. Văn bản chính thức nêu: “Việc tổ chức cho Phật tử chiêm bái cái gọi là ‘xá lợi tóc Phật’ chính là hoạt động triển lãm, vì vậy đã vi phạm quy định tại Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26 Tháng Hai 2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm. Quảng Ninh đã chỉ đạo giao Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TP Uông Bí tiếp tục kiểm tra, làm rõ, củng cố hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các chủ thể có liên quan để xảy ra vi phạm theo quy định”.

Có thể thấy những hành động của Thích Trúc Thái Minh rõ ràng là vi phạm pháp luật, cụ thể là Điều 331 của Bộ luật hình sự Việt Nam về: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ; Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều 331 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt như sau:

 Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Xét về mặt tổng thể, có thể thấy Thích Trúc Thái Minh đã lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội. Hành vi “Thỉnh vong giải oan” có thể khởi tố là lừa đảo một số rất đông nạn nhân dựa vào niềm tin tôn giáo. Hành vi này không thể chỉ bãi miễn những chức vụ của y mà không truy xét những hậu quả mà y và các đệ tử đã tàn phá nhiều gia đình Phật tử trong cả hai lĩnh vực kinh tế và sức khỏe.

Hành vi “Xá lợi tóc” của Đức Phật vừa xâm phạm lợi ích nhà nước vừa xâm phạm lợi ích nhân dân. Với nhà nước thì hành vi này làm uy tín của nhà nước bị suy giảm trầm trọng vì không bảo vệ được người dân trong một biến cố tập trung rất lớn người tham dự. Nhà nước bị dân chúng cho rằng làm ngơ trước vi phạm của chùa Ba Vàng trong việc kinh doanh trái pháp luật cũng như có dấu hiệu bao che như từ trước tới nay.

Với nhân dân thì việc đưa ra hình ảnh “Xá lợi tóc” là một hành vi kéo người dân vào mê tín để từ đó thao  túng họ trong niềm tin tôn giáo, hô hào người dân cúng dường cho một sản phẩm lừa đảo là vi phạm Điều 331 rõ ràng không thể nào biện bạch.

Điều kỳ lạ là trước đó, năm 2022, Tòa án Long An đã kết án ông Lê Tùng Vân, trụ trì Tịnh thất Bồng Lai tới năm năm tù giam về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Năm người khác bị tuyên phạt từ 3-4 năm tù giam về các tội danh trước đó là “Loạn luân” và “Lừa đảo” nhưng khi xét xử thì lại đổi thành bị cáo có những phản biện chống chính phủ trên trang Facebook cá nhân. Ông Lê Tùng Vân bị kết tội đã đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội chứa đựng thông tin “sai sự thật”.

Giữa hai vụ án, một bên là Thích Trúc Thái Minh, một bên là ông Lê Tùng Vân, thì ai là người đáng bị khởi tố? Quay trở lại vấn đề “Tại sao nhà nước sợ Thích Trúc Thái Minh?”. Câu hỏi này có lẽ cũng hé lộ ra phần nào sự thật.

Thứ nhất, nhà nước sợ vì Thích Trúc Thái Minh có một sân sau rất mạnh, trong đó có cả một trong tứ trụ còn đang trên ghế và không hỏi cũng biết đại gia nào đang đứng phía sau bày trò cho Thích Trúc Thái Minh diễn hết trò này tới trò khác.

Thứ hai, nhà nước muốn con dân có một chỗ dựa khác khi suy sụp tinh thần. Không gì hay hơn khi người dân đói kém, bị đủ thứ sức nặng của cơm áo, gạo tiền, học phí, bệnh viện phí cũng như các thứ phí khác khi quá sức chịu đựng thì chùa Ba Vàng là một giải pháp chữa cháy rất hiệu quả.

Thứ ba, nhà nước chứng tỏ Việt Nam có tự do tôn giáo, đến mức tín đồ bất cứ tôn giáo nào cũng có thể cúng bái dị vật, bùa chú hay mọi thứ mà một kẻ đứng đầu giáo phái có thể nghĩ ra. Nuôi dưỡng mê tín là chính sách của Ban Tôn giáo chính phủ nhằm triệt hạ các tôn giáo có uy tín khác.

Như vậy câu trả lời  dứt khoát: Nhà nước không sợ Thích Trúc Thái Minh mà đang tiếp tay nuôi dưỡng y để thực hiện chính sách tiêu diệt tôn giáo khác, đồng thời thu thêm nguồn tiền từ chùa Ba Vàng một cách hợp pháp và chính danh.

Còn Điều 331 ư? Cái đó họ dành nó cho những kẻ họ coi là “chống đối chính phủ”, dù việc chống đối ấy mang lại lợi ích cho nhân dân và đất nước.

K.N.

Nguồn: Saigonnhonews.com 

 

 

This entry was posted in Chùa chiền và Phật giáo Cộng sản, Phật giáo, Tôn giáo. Bookmark the permalink.