Lý thuyết kinh tế thị trường có định hướng XHCN ở bờ vực phá sản?

Phương Nguyên 

(VNTB) – Với việc Đảng ‘điểm danh’ cựu Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, cho thấy lý thuyết ‘định hướng XHCN’ trong nền kinh tế thị trường đã phá sản. 

Sẽ có biện minh rằng đây chỉ là vấn đề của cái gọi là “nguy cơ tha hóa của quyền lực” mà từ Đại hội Đảng lần thứ 11 đã cảnh báo. Người viết cho rằng ở đây còn có nguyên do của yêu cầu ‘định hướng XHCN’ đối với nền kinh tế thị trường mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đeo đuổi. “Kinh tế thị trường là thành quả của văn minh nhân loại, được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng một cách đúng đắn, khách quan, khoa học, sáng tạo, trở thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò của con người chính là động lực và cũng là mục tiêu cao nhất của sự phát triển”: đó là tóm tắt về lập luận suốt 3 nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong giáo trình về quản trị kinh doanh ở các trường đại học, bao gồm cả đại học có yếu tố nước ngoài như Việt  Đức, Fulbright Việt Nam, người ta không tìm thấy tài liệu nào từ nước ngoài về kinh tế học lý thuyết có định hướng chính trị XHCN. Những tài liệu này mà sinh viên được tham khảo, phần lớn là các diễn văn chính trị, các nội dung từ diễn giải nghị quyết Đảng. Nôm na, trong thư viện đại học, sinh viên Việt Nam không tìm thấy những luận văn tiến sĩ về quản trị kinh doanh, quản chính hành chính công có nội dung chuyên phục vụ nền tảng của lý thuyết về “nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN”. Các tập san khoa học trên thế giới cũng không tìm thấy có bất kỳ bài viết nghiên cứu nào về “kinh tế thị trường có định hướng XHCN”. Trong bối cảnh đó, nên chuyện mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xem xét kỷ luật cá nhân cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về hàng loạt vụ việc như: “vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự”, cho thấy đây có thể là ‘án oan’ trong lãnh vực khoa học của “tham mưu”. Lưu ý ở đây cụm từ mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quy kết là “công tác tham mưu”, tức thuần về lý thuyết mang tính nguyên tắc kinh điển trong quản trị nói chung của các ‘thầy dùi’. Theo từ điển tiếng Việt, “tham mưu” là động từ của việc góp ý kiến có tính chất chỉ đạo. Để có thể “tham mưu” hiệu quả thì lý thuyết về vấn đề “tham mưu” phải bền vững, ổn định và dễ dàng so sánh, lựa chọn từ những tình huống tương tự đã và đang diễn ra ở một địa phương, quốc gia nào đó – kiểu như lâu nay vẫn tự cho rằng “giá xăng nhiên liệu tại Việt Nam hiện thấp hơn so với mặt bằng chung”. “Sẽ giảm thiểu rủi ro cho người làm công tác tham mưu khi họ có nhiều căn cứ dữ liệu khoa học để đối chiếu, so sánh, phân tích bằng các thuật toán, ghi nhận những phản biện đa chiều trước khi chấp bút viết đề xuất cho lãnh đạo” – ông C.M.T, nguyên là trợ lý tham mưu ở một tập đoàn truyền thông có trụ sở tại 65 Lê Lợi, quận 1, Sài Gòn cho biết vậy. Với định hướng chính trị mang tính bắt buộc trong vận hành kinh tế, nên tùy thuộc vào thời kỳ ai là người đứng đầu Đảng mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ hiểu nên hành xử ra sao, tức vẫn không thể tiên liệu trước được việc tuân thủ pháp luật. Tuân thủ pháp luật là một thách thức; rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh là rất nhiều, đa dạng, không đoán định được đúng như dân gian nhận xét rằng: thực thi chính sách của Việt Nam là sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng… Theo ông C.M.T., trong chuyện quy kết “trách nhiệm tham mưu” đối với ông Trần Tuấn Anh lúc giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công Thương ở các vụ việc về quản lý xăng dầu, quy hoạch điện, điện gió, điện mặt trời…, cho thấy sự thiếu công bằng mang tính tránh né sự thật của lãnh đạo cao nhất đảng cộng sản. Bởi ở đây tại sao không nghĩ rằng “tham mưu” phải chịu giới hạn của khuôn khổ vòng kim cô “định hướng XHCN” ở thị trường điện lực, thị trường xăng dầu?

P.N.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đảng CS Việt Nam, Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bookmark the permalink.