Bất tuân dân sự: Dòng chảy âm ỉ vượt thời gian

Bất tuân dân sự trở thành nhiệm vụ thiêng liêng nếu nhà nước trở nên hủ bại.

Linh Bùi 

Tiến trình phát triển của xã hội loài người không thể thiếu những cuộc phản kháng từ người dân với các chế độ cai trị. Việc phản đối chính sách hay cách quản lý của nhà nước được người dân thực hiện theo nhiều kiểu khác nhau, hoặc dùng bạo lực để tạo tiếng vang, gây áp lực rồi đạt được sự thỏa hiệp với chính quyền; hoặc phản đối trong ôn hòa, tuy âm ỉ mà dai dẳng. 

Bất tuân dân sự (civil disobedience) là các hoạt động được đưa ra công khai nhằm phản ứng với các quyết định của chính quyền. Theo cách hiểu thông thường, bất tuân dân sự đồng nghĩa với cách phản kháng không dùng tới bạo động.

Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam và một số nước độc tài, chính quyền thường cử lực lượng an ninh để đàn áp các cuộc phản kháng, rồi gán ghép tội danh mơ hồ “gây rối trật tự công cộng” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Do đó, bất tuân dân sự là lựa chọn thiết yếu để lên án mạnh mẽ cách hành xử bạo lực của nhà cầm quyền, cũng như phản đối những đạo luật hà khắc được đưa ra nhằm hạn chế quyền con người cơ bản.

Lịch sử của bất tuân dân sự

Để thay đổi suy nghĩ của nhiều người rằng bất tuân dân sự là chiêu trò ăn vạ nhằm lật đổ chế độ, hoặc cho là vì bất mãn nên mới làm thế. Chúng ta hãy nhìn vào những câu chuyện phản kháng của con người, tạo nên nhiều sự kiện gây chấn động toàn cầu.

Ví dụ nổi tiếng và sớm nhất về bất tuân dân sự có thể là vở kịch Antigone của nhà sáng tác bi kịch Sophocles thời Hy Lạp cổ đại. Trong tác phẩm này, Antigone là một trong những cô con gái của cựu vương Oedipus xứ Thebes, muốn làm đám tang và chôn cất người anh trai Polyneices tại một nơi tử tế, nhưng bị đương kim đế vương Creon ngăn cản. Cuối cùng cô vẫn bất chấp để thực hiện, rồi nói rõ chính cô đã làm điều đó, rằng cô phải nghe theo lương tâm chính mình chứ không phải luật lệ do con người đặt ra. Mặc dù bị dọa giết, cô nói mình không sợ chết, chỉ sợ lương tâm dằn vặt. [1]

Hay như bà Marion Wallace Dunlop (1864-1942) người Scotland, là một nhà đấu tranh cho quyền của phụ nữ, và là một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào sử sách thế kỷ 20. Bà yêu cầu chính quyền cho phụ nữ được bỏ phiếu như nam giới và bà bị bắt giam vì hành động của mình. Trong tù, bà từ chối mọi bữa ăn, bà tuyên bố sẽ không ăn gì cả cho tới khi quyền bầu cử của phụ nữ được thừa nhận. Cuối cùng, bà được thả tự do khỏi nhà tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực. [2]

Không thể không kể đến vào năm 1930 ở Ấn Độ, khi chính quyền thực dân Anh độc quyền muối và đánh thuế mặt hàng này nặng nề. Mahatma Gandhi đi bộ suốt 400 cây số tới bờ biển để tự lấy muối. Hành động kháng thuế của Gandhi đã thu hút hàng chục ngàn dân thường cùng tham gia. Họ tự sản xuất muối, phong tỏa hầu hết các hoạt động kinh doanh muối của chính quyền. [3]

Hoặc ngay tại Việt Nam vào năm 1908, người dân Quảng Nam đã cùng nhau tạo nên phong trào cự sưu khất thuế ở miền Trung. Thuật lại về sự kiện này, Huỳnh Thúc Kháng có ghi chép rằng: [4]

“Trong một đám giỗ ở làng La Đái thuộc huyện Đại Lộc, một số lý hào và học trò bàn chuyện làm đơn gởi lên tỉnh đòi giảm bớt sưu thuế, rồi tập hợp thành đoàn biểu tình, kéo lên tỉnh. Đường phố Hội An chật ních người. Dân biểu tình thay nhau, kẻ ở người về, tiếp tế cơm nước, kiên quyết bám trụ. Đến ngày 12, 13 tháng 3, con số lên khoảng 6.000 người. Từ trung tâm chính trị Hội An, phong trào đã lan nhanh ra các phủ, huyện”.

Dòng chảy bất tuân dân sự bền bỉ qua thời gian

Ở Việt Nam, sự tiếp cận của người dân với bất tuân dân sự dường như còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng nhận thức lịch sử và nhận diện sự thật của phần đông dân Việt còn yếu. Họ chưa đặt ra câu hỏi về nguồn gốc xa xưa của bất tuân dân sự và tại sao cần bất tuân dân sự.

Làm sao người Việt đoàn kết hơn sau mỗi lần công an đàn áp? Làm sao họ có thể phát huy và lưu truyền những thành quả nho nhỏ sau mỗi làn sóng cuộc biểu tình? Người dân Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm đấu tranh ở một nơi không xa.

Trung Quốc, người hàng xóm của Việt Nam, có rất nhiều sự kiện bất tuân dân sự khơi trào. Cuộc đấu tranh đòi hỏi nhân quyền ở Trung Quốc diễn ra âm ỉ và ngày một lớn hơn, mặc cho chính quyền huy động quân đội đàn áp hoặc trang bị hàng trăm triệu camera giám sát. 

Tháng 11/2022, một vụ cháy tòa nhà xảy ra ở Ürümqi làm 10 người chết do chính sách Zero Covid buộc người dân không được rời nơi cư trú. 

Người dân ở khắp các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Vũ Hán, Quảng Đông, v.v. đã xuống đường biểu tình và chỉ giương cao tờ giấy trắng. Họ phản đối kịch liệt việc phong tỏa nghiêm ngặt, yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình phải từ chức. 

Tờ giấy trắng là biểu tượng cho việc bị ngăn cản nói ra những thỉnh cầu. Dư luận toàn cầu ngạc nhiên trước sự kiện này, không chỉ vì cách người Trung Quốc đoàn kết xuống đường, mà còn vì cách thức biểu tình sáng tạo, sau này được biết tới với tên gọi Biểu tình giấy trắng. [5]

Bất chấp sự tảng lờ có chủ đích của truyền thông nhà nước, những hình ảnh và tin tức về sự bất mãn của người dân Trung Quốc được người dân Việt Nam chia sẻ liên tục, xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. [6]

Hay chúng ta có thể nhắc đến Phong trào Công dân mới. Đây là một mạng lưới các nhà hoạt động Trung Quốc được thành lập bởi học giả pháp lý Xu Zhiyong (Hứa Chí Vĩnh) vào năm 2012 để thúc đẩy sự minh bạch của chính phủ và phơi bày tham nhũng. Phong trào thu hút rất nhiều luật sư và nhà hoạt động. Tháng 12/2019, cảnh sát triệu tập những người tham gia, tuyên phạt họ từ 12 đến 14 năm tù. [7]

Một sự kiện khác đó là vào tháng 7/2018, công nhân của công ty Jasic Technology đặt tại Thẩm Quyến cố gắng thành lập một công đoàn. Vài ngày sau, ba người trong số các công nhân đó đã bị bắt. 

Một cuộc biểu tình đã nổ ra, nhưng rất nhanh chóng sinh viên, nhà hoạt động vì quyền lao động và những công nhân khác đều bị bắt bớ hoặc quấy rối vì tham gia phản kháng. Những câu lạc bộ sinh viên dù hoạt động theo chủ nghĩa Marx cũng phải giải thể hoặc bị buộc tái cơ cấu vì có thành viên tham gia biểu tình. [8]

Ở Việt Nam, xuống đường biểu tình để bày tỏ ý kiến về sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt hoặc tự ứng cử làm đại biểu quốc hội phải trả giá bằng những năm tháng tù đày. Các tù nhân chính trị chọn tuyệt thực nhằm phản đối bản án bất công cùng chế độ nhà tù đầy ngược đãi. 

Năm 2021, nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng tuyên bố tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử cùng năm. Chính quyền sau đó tuyên án tù 5 năm cho ông về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Đầu tháng 10/2023, gia đình của ông Lê Trọng Hùng cho biết ông đã tuyệt thực hơn 30 ngày nhằm yêu cầu Quốc hội Việt Nam khẩn cấp lập Tòa án Bảo vệ Hiến pháp. [9]

Trước đó khi có nhiều trạm thu phí giao thông được đặt sai chỗ, gây phiền hà cho cánh tài xế. Nhiều nhà hoạt động đã lên tiếng như bà Đặng Thị Huệ với trạm thu phí Bờ Đậu ở Thái Nguyên, bà đã bị tuyên ba năm ba tháng tù giam và đã được mãn hạn tù. [10]

Những người lái xe ở trạm thu phí Cai Lậy cũng được nhắc tới rất nhiều vào thời điểm đó vì cách thức bất tuân dân sự sáng tạo. Họ gói rất nhiều tờ tiền lẻ có mệnh giá dưới 1.000 đồng vào hộp, buộc nhân viên trạm thu phí phải đếm tiền rất lâu, từ đó gây áp lực đến giới chức trách. [11]

Các nhà cầm quyền độc tài thường cấm đoán tuyên truyền về những biểu tượng đấu tranh, mục đích là nhằm đảm bảo tình hình chính trị được trật tự. Tuy nhiên, đó chỉ là một giải pháp tạm thời. Càng chú tâm triệt tiêu lực lượng đối lập, thì đối lập sẽ chớm nở dưới một dạng khác.

Nhìn chung, khi ở đâu có bất công, ở đó sẽ có đấu tranh. Quan trọng là những nhóm nhỏ đấu tranh có thể tập hợp lại thành nhóm lớn hơn được hay không? Sau khi tập hợp thành đám đông, chúng ta có vượt qua được nỗi sợ do nhà cầm quyền tạo ra hay không?

Để thực hiện bất tuân dân sự được thành công, chúng ta cần đến sự bền bỉ và mưu trí. Bất tuân dân sự là áo giáp trang bị, giúp chúng ta sẵn sàng cho cuộc đối lực không cân xứng giữa người có súng và người không vũ trang.

L.B.

Nguồn: Luatkhoa.com

 

This entry was posted in Bất tuân dân sự, Nhân Quyền. Bookmark the permalink.