Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Trong lúc phía Việt Nam gọi đó là “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, thì phía Trung Quốc dùng “Trung Việt Mệnh Vận Cộng Đồng Thể”, tức là “Cộng đồng chung vận mệnh”.
Nội hàm của “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” được đặt trong quan hệ giữa hai nước tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế. Tại họp báo chiều ngày 14-12-2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các phương hướng hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới trên bình diện song phương và trong các vấn đề khu vực, các vấn đề toàn cầu cũng đã được nêu cụ thể trong tuyên bố chung giữa hai nước. “Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”, người phát ngôn khẳng định.
Trả lời câu hỏi khác về sáng kiến Cộng đồng chia sẻ tương lai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ ra, trong Tuyên bố chung giữa hai nước, đều có cụm từ, rằng, phát triển quan hệ giữa hai nước cần tuân thủ theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình. Theo người phát ngôn, đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến, phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Phía các nhà quan sát chính trị độc lập đưa ra nhận định rằng Việt Nam phải chấp thuận “một cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc thay cho tầm nhìn “cộng đồng chung vận mệnh” do tính nhạy cảm về ngôn từ và do tâm lý chống Trung Quốc vẫn còn mạnh ở trong nước, mặc dù về nội hàm chúng không khác nhau mấy. Các nhà quan sát cho rằng dưới ý đồ gia tăng sự kìm tỏa của Bắc Kinh trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực với Hoa Kỳ, mối quan hệ Trung – Việt với “tương lai chia sẻ” này sẽ để lại một “di sản nặng nề”.
Điều đáng lưu ý là truyền thông Trung Quốc vẫn dùng từ “cộng đồng chung vận mệnh” để mô tả thành quả chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình. Về cộng đồng chung mà hai bên đồng ý hướng tới, trong lúc phía Việt Nam gọi đó là “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, thì theo các bản tin trên Tân Hoa Xã, từ ngữ phía Trung Quốc dùng là “Trung Việt Mệnh Vận Cộng Đồng Thể”, tức là “Cộng đồng chung vận mệnh”.
Với việc chủ động tổ chức họp báo quốc tế của Hà Nội hôm chiều 14-12-2023, trước mắt có thể tạm hài lòng với nhận định “không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ các sáng kiến chính trị do Trung Quốc lãnh đạo, mà là một hành động phòng ngừa tế nhị, đặc biệt sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật gần đây”. Một lưu ý khác cho thấy sự khéo léo trong thể hiện ngôn ngữ văn bản đối ngoại, đó là trong số 36 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết nhân chuyến thăm, có 2 văn kiện hợp tác về đường sắt. Đó là, Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam – Trung Quốc; Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Cả hai văn kiện trên cho biết hai bên đã nhất trí việc nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng – Hà Nội – Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng vào thời điểm phù hợp. Lưu ý, “thời điểm thích hợp” là một phiếm chỉ về thời gian, cho thấy ngôn từ này dường như là hình thức “hòa hoãn” trong một thỏa thuận áp-phe chính trị nào đó mà Bắc Kinh đang muốn áp đặt cuộc chơi với Hà Nội.
Nhìn chung sức ép từ Trung Quốc là chuyện hiển nhiên và Việt Nam cũng không thể tránh khỏi được. Chấp nhận cho họ một thắng lợi tinh thần để đổi lại việc bảo vệ những vấn đề khác thực chất hơn âu cũng là tốt rồi. Những điều đáng lo ngại nhất không diễn ra và Việt Nam có lẽ cũng sẽ không đánh mất đi quá nhiều “niềm tin chiến lược” từ các đối tác khác qua chuyến thăm này. Cây tre đợt này gió phương Đông thổi có nghiêng sang một bên một tí nhưng vẫn còn có thể bật lại được…
N.H.