Càng nhiều ý kiến bất đồng, xã hội càng hài hòa.
“Trung dung” và “hài hòa” là hai khái niệm quan trọng trong Nho giáo, mà cho đến nay vẫn duy trì sức ảnh hưởng sâu rộng đối với các quốc gia Đông Á, những nước cùng thuộc vùng văn hóa Hán quyển, bao gồm cả Việt Nam.
Trong sách Trung dung, chương thứ nhất, tiết thứ ba có viết: [1]
“Hỷ, nộ, ai, lạc, chi vị phát, vị chi trung; phát nhi giai trúng tiết, vị chi hòa.
Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã.
Trí trung hòa: thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”.
Tức là: Mừng, giận, buồn, vui, khi chưa biểu hiện ra gọi là trung; biểu hiện ra mà phù hợp với quy củ gọi là hòa. Trung là gốc lớn của thiên hạ; hòa là đạo lý thông đạt trong thiên hạ. Đạt tới sự trung hòa thì trời đất có vị trí thỏa đáng, vạn vật phát huy dục sinh trưởng.
Tương truyền, người biên soạn thiên Trung dung là Tử Tư đã đề ra khái niệm “trung hòa” dựa trên tư tưởng của Khổng Tử về “trung” trong “trung dung” và “hòa” trong “hòa nhi bất đồng”.
Học trò khác của Khổng Tử là Hữu Nhược cũng đề cao tính hòa – chỉ sự vừa phải, cân bằng – thông qua câu: “Lễ chi dụng, hòa vi quý, tiên vương chi đạo tư vi mỹ” (sách Luận ngữ, chương Học nhi), tức là giữ lễ mà đạt được sự hài hòa là quý, đạo của các tiên vương đẹp ở đó. [2]
Ở Việt Nam, chúng ta từ lâu đã quen với câu nói “dĩ hòa vi quý”. Cách diễn đạt này tương đối gần gũi và dường như thực sự gắn liền với căn tính của người Việt, được người Việt mở lòng chấp nhận bởi hảo cảm và tính tương thích, chứ không còn đơn thuần là một tư tưởng chịu ảnh hưởng thụ động hay bị áp đặt từ bên ngoài.
Tư tưởng chuộng hòa – của Khổng Tử, Nho giáo, hay nhiều quốc gia châu Á – xoay quanh tiền đề là thừa nhận sự khác biệt, sau là nhấn mạnh khả năng giữ gìn tính đa dạng và giải quyết mâu thuẫn bằng cách cân bằng và thống nhất các yếu tố khác nhau, mà chủ trương là lấy lễ làm chuẩn tắc để hòa hợp. Phải có lễ thì hòa mới trở thành điều chí thiện chí mỹ, bởi lẽ “Tri hòa nhi hòa, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã” (sách Luận ngữ, chương Học nhi), tức là chỉ biết đến hài hòa, chứ không biết điều tiết nó bằng lễ, thì cũng không thể thi hành được.
Lễ nằm trong năm đức tính trụ cột mà triết học Khổng Tử cho rằng cần phải có ở một con người hoàn thiện (gọi là người quân tử): nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Theo đó, những khái niệm như “trung dung” hay “hài hòa” cũng được gắn liền với hình tượng quân tử. “Quân tử” là con người lý tưởng, “trung hòa” là trạng thái lý tưởng, để được coi là người quân tử ắt phải có tính “hài hòa” và “trung dung”.
“Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung” (sách Trung dung, chương thứ hai), hay “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” (sách Luận ngữ, chương Tử Lộ).
Quan niệm Nho giáo coi quân tử là hình mẫu con người nên cố gắng hướng đến mà tu dưỡng, đối lập với tiểu nhân là kiểu người không nên trở thành.
Trong khi quân tử biết rõ cái nghĩa, thì tiểu nhân biết rõ cái lợi. Quân tử khi làm việc gì đều cân nhắc xem có phù hợp với đạo nghĩa hay không, tiểu nhân khi làm việc gì chỉ tính toán xem có đạt được lợi ích hay không.
Trong khi quân tử luôn giữ đạo trung dung, có ý kiến, lập trường riêng của mình; thì tiểu nhân chỉ biết hùa theo ý kiến người khác.
Trong khi quân tử quảng giao hòa ái nhưng không có bụng thiên vị; thì tiểu nhân chia bè kéo phái nhưng lại không chan hòa với mọi người.
Vậy nên, “quân tử hòa nhi bất đồng” tức là khi nhìn vào người quân tử thì thấy họ bất đồng, nhưng thực chất lại rất hòa thuận. Vì mỗi người đều trọng nghĩa lý, có quan điểm riêng của mình, không ngại phản biện đến cùng để làm rõ vấn đề, nên khi tranh cãi có thể rất căng thẳng và mâu thuẫn; nhưng vì có lễ lại có nhân nên kết thúc rồi sẽ không để bụng; tâm trung thực, lời thẳng thắn, do đó có thể dễ dàng hòa hợp.
Ngược lại, “tiểu nhân đồng nhi bất hòa” tức là khi nhìn vào tiểu nhân sẽ thấy sự đoàn kết, đồng lòng; tuy nói toàn lời hay ý ngọt, nhưng thực chất là cấu kết vì lợi ích. Họ không thể hiện chủ kiến mà chỉ ngả theo ý người khác, nịnh nọt, tâng bốc nhằm đạt được ý đồ riêng, nên trong lòng không có sự hòa hợp. Sự hòa hợp bên ngoài là để che đậy sự nghi kỵ và đấu đá bên trong, khi đụng chạm lợi ích thì tấm vải mỏng hài hòa ấy sẽ rách toang.
Diễn giải rộng ra, có thể hiểu rằng nếu xã hội chỉ tồn tại một luồng quan điểm, một luồng ý kiến, mọi thứ đều đồng nhất – thì không bao giờ thực sự hòa thuận; dù có cố để hài hòa thì sự hài hòa ấy cũng chỉ mang tính bề mặt, còn về bản chất là giả tạo, cưỡng ép; bởi lẽ “đồng nhi bất hòa” vậy.
Còn nếu xã hội chấp nhận ý kiến bất đồng, tuy nhiên cách bày tỏ ý kiến đi kèm với thái độ không giữ lễ, thiếu tôn trọng – tức “bất đồng”, lại cũng “bất hòa” – thì tuy không có lý do gì để ngăn cấm, nhưng là biểu hiện của việc chưa tu dưỡng tốt về đạo đức vậy.
Chỉ khi ai nấy trong xã hội đều đồng thời nêu lên chính kiến của mình một cách thành thực thẳng thắn, độ lượng khoan dung, trên cơ sở tuân thủ luật pháp, đặt nhân nghĩa lên đầu, giữ vững lập trường, tương trợ lẫn nhau, tuy hài hòa mà không đồng nhất, theo đúng quan niệm “hòa nhi bất đồng” – thì mới có thể coi là lý tưởng.
Để biết một xã hội có thực sự hài hòa hay không thì cần xem cách xã hội ấy truy cầu sự hài hòa và thống nhất trong nội tại chứ không phải trên bề mặt; và dường như người Việt – cũng như nhiều người dân châu Á khác, dưới sự ảnh hưởng của triết học Khổng giáo – luôn có thiện cảm với khái niệm con người hài hòa, xã hội hài hòa, cũng như phương thức giải quyết mâu thuẫn thông qua sự hòa hợp, hòa giải.
Điều này rất khác (nếu không muốn nói là trái ngược) với cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, bạo động, đàn áp, cưỡng bức. Có thể nói “dĩ hòa vi quý” trở thành quan niệm hợp lòng người bấy lâu nay cũng bởi vì lẽ ấy.
Vậy thì có nên chăng, rằng người Việt ta từ nay không chỉ nên tiếp tục nhắc nhau về một lối hành xử rất đẹp mang đậm dân tộc tính là “dĩ hòa vi quý”, mà còn cần dặn nhau kỹ hơn rằng: để đạt được sự hài hòa đáng quý ấy thì bất đồng chính kiến là điều đương nhiên phải có. Càng nhiều ý kiến bất đồng: xã hội càng hài hòa. Muốn xã hội hài hòa tuyệt đối: toàn bộ thành viên trong xã hội đều phải được trao cho quyền lợi và trách nhiệm để nói lên ý kiến thật của riêng mình.
H.H.
Nguồn: Luatkhoa.com