Cuộc khổ nạn của Thầy Tuệ Sỹ

Nguyễn Đức Thành 

Hòa thượng Tuệ Sỹ là vị hành giả đủ đầy bi-trí-dũng, tiếp nối truyền thống vĩ đại của Phật giáo nước ta từ Lý – Trần không gián đoạn, là viên kim cương trong pháp bảo dân tộc, công phu và hành trạng có thể xếp ngang các đại tăng trong Thiền Uyển Tập Anh. Thế mới biết hơn một ngàn năm, dân tộc vẫn luôn hun đúc được các bậc đại trí đại bi, như ngọc luôn sáng dù cả núi phải thiêu, sen vẫn nở dù đem trong lò đốt.

Nguyễn Đức Thành (Felix)

*

Hai hôm nay, sau sự ra đi của một trí tuệ và nhân cách lớn lao  thầy Tuệ Sỹ, và sự đồng thanh ngưỡng mộ hiếm thấy của cả cộng đồng Việt hướng về Thầy, tôi chợt nhớ đến câu nói của Einstein:

“Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng.

Ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng tải tiền của Carnegie hay không?” (hết trích).

Duy chỉ có điều khiến tôi băn khoăn (về cộng đồng mình), rằng: sự ngưỡng mộ ấy có đưa tới “những tư tưởng và hành động cao quý”, hay chỉ dừng lại ở những lời cảm thán sẽ chìm đi không dấu vết sau một hai ngày nữa?

Thái Hạo

 *

Tôi không nhớ chính xác, có lẽ khoảng đầu những năm 2000, lần đầu tôi đọc một cuốn cổ sử Việt Nam do một nhà sư viết. Tác giả là Thích Trí Siêu, tục danh Lê Mạnh Thát. Vì cuốn sách viết theo một lối dân tộc chủ nghĩa lạ lùng, với một số khám phá mới theo cách rất đặc biệt, nên tôi thử tìm hiểu xem tác giả này là ai. 

Hồi ấy đã có internet. Khi tra tên của ông, tôi biết đó là một tu sĩ, nhưng rất ngạc nhiên là ông từng bị án tử hình của chế độ, và rất mới thôi, ông vẫn ngồi tù. Đây là một cú sốc lớn vì hồi ấy tôi không bao giờ nghĩ là sư mà lại bị đi tù – không như thời nay bắt sư đi tù thì hết người coi chùa – và nghiêm trọng hơn lại còn bị kết án tử hình!!!

Nhất là với một vị trí thức uyên thâm như tác giả cuốn sách.

Thế là từ đó tôi mới bắt đầu tìm hiểu và biết về cái gọi là Vụ án Già Lam. Qua đây, ngoài biết tới và hâm mộ cư sĩ – học giả Lê Mạnh Thát, tôi biết thêm một tu sĩ là Tuệ Sỹ, và cùng với đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cùng các vấn đề liên quan. Kể từ ấy, tôi tìm mua tất cả những gì được các vị này viết ra, và tôi hiểu đó là những long tượng của không chỉ Phật giáo Việt Nam hiện đại, mà là của cả nền văn hoá và học thuật Việt Nam. Tất nhiên cái án tử hình đối với họ luôn ám ảnh tôi. Tôi không thể hiểu vì sao chính quyền lại sợ hãi và nhẫn tâm với họ như vậy. Sau này rồi thì hiểu dần ra, tất nhiên, theo một cách không quá khó. 

Vụ án Già Lam, tức cuộc khổ nạn thời hiện đại (rất gần) của Trí Siêu, Tuệ Sỹ và các vị sư cùng pháp hữu, không bao giờ được phổ biến ở truyền thông trong nước. Nên ở đây tôi cứ cóp nhặt từ nguồn có trên mạng để cho ai chưa biết thì tìm hiểu dần thêm – và tất nhiên bây giờ ai muốn tự tìm hiểu thì đều rất dễ rồi. Tìm hiểu để biết các vị ấy, đặc biệt là Tuệ Sỹ, đã hành động như những thánh tử đạo như thế nào, và qua đó, biết thêm về công phu và hành trạng của họ, như kim cương bất hoại vẫn được nhắc tới trong kinh điển Phật giáo. Và chẳng ở đâu xa, không phải trong Thiền Uyển Tập Anh hay Cao Tăng Truyện của hàng trăm năm trước, mà vừa mới đây thôi, ngay cạnh chúng ta.

*

Năm 1978, ngài Thích Tuệ Sỹ bị công an ập vào chùa Già Lam, Sài Gòn, bắt mang đi cải tạo – với lý do như hàng trăm ngàn trí thức, công chức, cựu binh… của miền Nam, mà đường về nhà thì tùy theo vui buồn của các nhà lãnh đạo cộng sản, gọi là khoan hồng. Những tháng năm giam hãm “cải tạo” không tên gọi chính thức đó, kéo dài đến năm 1981.

Năm 1984, ngài lại bị bắt cùng 17 người nữa, trong đó có giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Lý do bắt giữ, mà công an khép tội, nghe cũng rất quen thuộc là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng thực chất, cuộc bắt giữ nhằm chặn đứng phong trào phục hưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), sau khi nhà cầm quyền đã tìm cách phế bỏ tổ chức này, bằng cách lập ra một giáo hội Phật giáo của Nhà nước kiểm soát vào năm 1981, hoạt động với sự yểm trợ chính trị của nhà nước Việt Nam cho đến nay.

Lúc bị bắt, công trình “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” lớn nhất của hai vị Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, hai bậc học giả Phật giáo hàng đầu của Việt Nam, là việc soạn cuốn Bách Khoa Phật học Ðại Tự Ðiển.

Vào những ngày tháng không có mạng xã hội, không có thư tín tự do và cũng không cơ quan truyền thông quốc tế nào được đi lại, dự khán tòa án, án tử hình đã được áp cho ngài Tuệ Sỹ trong tháng 9/1988. Với các phiên xử đấu tố theo kiểu miền Bắc trước năm 1975, có lẽ không có gì là quá bất thường trong xã hội Việt Nam khép kín bấy giờ, nhưng tin tức về bậc trí giả Phật giáo Việt Nam bị án tử hình đã làm cả thế giới chấn động. Nhiều quốc gia lên tiếng phản đối, các tổ chức quốc tế và cơ quan Liên Hợp Quốc đã liên tục chất vấn và làm áp lực với Hà Nội khiến hai tháng sau, án tử hình được chuyển thành án tù chung thân.

Khi ấy, tòa án không có luật sư, và ngài Tuệ Sỹ cũng không làm đơn xin kháng án hay phúc thẩm. Án chung thân đưa ngài đi xa cả ngàn cây số khỏi miền Nam, và giam ở trại Ba Sao, Hà Nam, nhằm cắt đứt mọi liên lạc với giới tăng ni và tín đồ đang đau đớn dõi theo.

Nhưng khi Việt Nam bắt đầu nối kết với thế giới, đặc biệt là khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận vào năm 1994, một phái đoàn đặc biệt được cử đến trại giam gặp ngài, và đề nghị ngài viết đơn xin ân xá, để được nhà nước khoan hồng. Thậm chí đơn được đánh máy sẵn, đề sẵn tên người gửi là chủ tịch Trần Đức Lương. Đơn chỉ cần ngài ký tên là xong.

Nhưng ngài Tuệ Sỹ đã từ chối lá đơn xin ân xá đó, và trả lời rằng: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. 

Việc ép buộc diễn ra với những kiểu khác nhau, và để chống lại, ngài đã tuyệt thực để phản đối.

*

Năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng cùng với một số người khác. Trước đó, Hoà thượng đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà cầm quyền áp lực buộc Hoà thượng ký vào lá đơn gửi ông Chủ tịch nước “xin khoan hồng”, Hoà thượng đã trả lời nội dung: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi”. Công an thuyết phục: không viết đơn thì không có lý do để thả được. Hoà thượng đã khẳng khái đáp: “Đó là việc của các ông. Nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn, tôi sẽ tuyệt thực phản đối”. Và Hà Nội đã phải trả tự do cho Hoà thượng vào ngày 01/9/1998, sau 10 ngày Hoà thượng không ăn và tiếp theo cả không uống, tổng cộng 14 ngày. Hòa thượng Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, bên ngoài không biết. Thấy sức khoẻ Hoà thượng suy sụp nhanh chóng, chính quyền đã vội đưa bác sĩ vào xin điều trị, và đưa Hoà thượng ra khỏi trại giam.

Ngày 02/9/1998, lúc 10 giờ 45, Hòa thượng Tuệ Sỹ được đưa lên xe lửa về Nam. Ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên xe với sức khỏe rất yếu sau khi tuyệt thực trong tù, Hoà thượng không chịu nổi nên được đưa xuống ga Nha Trang, về tạm ở Phật học viện Hải Ðức. Ít lâu sau công an lại ra lệnh Hoà thượng phải về chùa Già Lam ở Sài Gòn, không được phép ở Nha Trang. Hòa thượng từ chối, viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, nói “một là tôi tự do ở đâu tôi muốn, hai là vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để nhốt tôi vào nhà tù lớn hơn là cả đất nước này”. Tin này lập tức được loan truyền trên báo chí hải ngoại thời đó.

Trước sau, Hòa thượng đã lãnh một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc, trải qua các nhà tù khắc nghiệt khắp Nam Trung Bắc. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể thay đổi được một người đã quyết tâm sống trọn vẹn với những giá trị mình đã lựa chọn, và vẫn giữ được lòng thanh thản bao dung không chút oán hận.

*

Tháng 4 năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đề cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Tổng Thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN.

Năm 2002, với trách nhiệm Đệ nhất Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một trong những nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là quyền phục hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Những lời tuyên bố của người tù lương tâm tôn giáo Thích Tuệ Sỹ tại tòa án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là tấm gương sáng, là niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc”. Ðối với Hòa thượng Tuệ Sỹ, sức mạnh của Phật giáo không phải là Chính trị, mà là Văn hóa và Xã hội, trong đó Giáo dục có vai trò rất quan trọng. Nhưng công cuộc giáo dục này phải do Giáo hội độc lập đề ra, không thể chịu sự kiểm soát hay áp đặt của bất cứ thế lực nào, thì mới mong đào tạo ra những thế hệ tăng ni có tài đức để phụng sự xã hội, xứng danh trong hàng Tăng Bảo.

Tiếp đến, đầu tháng 3/2003, Hòa thượng Tuệ Sỹ khâm lệnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, từ nơi bị quản thúc tại Quảng Hương – Già Lam, Thầy đã tháp tùng Hòa thượng Thích Huyền Quang ra Hà Nội chữa bệnh và chuẩn bị gặp Thủ tướng đương thời là ông Phan Văn Khải, để yêu cầu ngài Thủ tướng giải quyết việc đã đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975, cũng như sự cấm đoán, quản chế không xét xử bản thân Hòa thượng cùng với Hoàng thượng Thích Quảng Độ và một số Tăng ni, Phật tử khác. Trong dịp này, đại diện ngoại giao của 6 nước thành viên Khối Liên Âu và Hoa Kỳ tại Hà Nội đã chủ động tìm gặp Hòa thượng Tuệ Sỹ, mời Hòa thượng đến thăm, làm việc tại trụ sở ngoại giao của phái bộ Liên Âu ở Hà Nội. Họ đón Hòa thượng đi một mình, không có thị giả, người phiên dịch.

Ngày 01/10/2003, Hòa thượng đã cùng nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Sau Đại hội này, hai vị Đại lão Hòa thượng cũng như Hòa thượng Tuệ Sỹ và một số Tăng ni tham dự đã bị nhà cầm quyền quản chế mỗi người một nơi, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên với tinh thần “uy vũ bất năng khuất”, Hòa thượng đã sát cánh cùng nhị vị HT Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ ủy thác cho các GHPGVNTN Hải ngoại tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu trong cùng năm 2003. Chính Đại hội này đã công bố đầy đủ nhân sự lãnh đạo Giáo hội trong nước và hải ngoại, và toàn thể Tăng ni Phật tử đã suy tôn Đại lão HT Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN.

Năm 2008, đức Đệ Tứ Tăng thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang viên tịch. Ngôi vị được trao lại cho Đại lão HT Thích Quảng Độ truyền thừa, là Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN.

Từ đây, Hòa thượng Tuệ Sỹ được yên tâm dành hết thời gian và sức lực cho công việc trước tác, phiên dịch Phật ngôn, và đào tạo từng nhóm tăng ni đủ trình độ nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển sau này. Trong thời gian này HT đã hoàn thành phiên dịch, hiệu đính 4 bộ kinh A-hàmkinh Duy-ma-cật sở thuyếtbộ Luật Tứ phần, các bộ Luận Thành Duy ThứcA-tì-đạt-ma Câu-xá, và nhiều trước tác khác…

Tháng 03/ 2019, Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN dự tri thời chí, biết sức khỏe không còn nhiều, Ngài đã mời HT Thích Tuệ Sỹ đến gặp tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn để phú chúc di ngôn và ấn tín của Viện Tăng thống GHPGVNTN, ủy nhiệm Hòa thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Ngài viên tịch.

Đến tháng 02/2020, Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch tại chùa Từ Hiếu. Lúc này, HT Thích Tuệ Sỹ đang chữa trọng bệnh tại Nhật Bản và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid, không thể về nước.

Tháng 10/2020, ngay khi có lại các chuyến bay thương mại, Hòa thượng là một trong số người đầu tiên về nước, dù lúc đó các bác sĩ Nhật Bản khuyên nên ở lại chữa trị, nếu không thì cuộc sống không thể kéo dài quá 6 tháng.

Qua năm 2021, đại dịch Covid bùng phát trở lại ở châu Á trong đó có Việt Nam, mà nặng nhất là Sài Gòn. Với sự phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền, mọi dịch vụ y tế lúc đó bị đình trệ ngoại trừ việc chữa bệnh Covid, tuy nhiên Hòa thượng vẫn kiên trì mạnh mẽ chống chọi cơn bạo bệnh để hàng ngày vẫn ngồi bên bàn dịch Kinh, hiệu đính các tác phẩm, tổ chức sắp xếp thư mục cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn học thuật quốc tế.

Tháng 11/2021, Ngài chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Hội đồng Hoằng pháp, quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời để kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng do chư tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương – Viện Tăng thống GHPGVNTN đã thành lập từ năm 1973 nhưng sau đó bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều chướng duyên khác.

Ngày 03/12/2021, Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời chính thức được thành lập theo Thông bạch số 11/VTT/VP. Từ đây, công việc phiên dịch, hiệu đính, chứng nghĩa chuyết văn và tổ chức in ấn được đẩy mạnh, thảy thảy đều theo quy củ. 

*

NHỮNG NĂM ANH ĐI

(trích trường ca Trường Sơn cuả Tuệ Sĩ). 

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng,

Nhìn Quê hương qua chứng tích điêu tàn.

Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng:

Truyện Tình người và nhịp thở của Trường Sơn.

 

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị,

Yêu rừng sâu nên khoé mắt rưng rưng.

Tay anh với Trời cao chim chiều rủ rỉ,

Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường.

 

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối,

Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang:

Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi,

Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.

 

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu,

Trên vai gầy từ thuở dựng Quê hương,

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu,

Bản tình ca vô tận của Đông phương.

 

Và ngày ấy anh trở về phố cũ,

Giữa con đường còn rợp khói tang thương;

Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ.

Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.

 

N.Đ.T.

Nguồn: FB Nguyễn Đức Thành

 

This entry was posted in Phật giáo Việt Nam, Thích Tuệ Sĩ. Bookmark the permalink.