Dọn “rác” cứu du lịch

Đặng Bảo Hiếu 

Những ngày giữa tháng 11 tôi bay ra Hà Nội làm việc. Bỗng sực nhớ đã lâu lắm rồi tôi mới lại có mặt ở Hà Nội vào dịp đầu đông thế này. Mọi năm, tháng 11 với cộng đồng du lịch là để tham dự hội chợ quốc tế tại London, tiếp theo đó là chạy sô khắp châu Âu gặp gỡ khách hàng, dân làm du lịch gọi là sales calls.

Hẹn gặp với mấy người bạn ở Cafe Lục Thuỷ, tôi như mong được trở về với những ký ức một thời về Hồ Gươm, về Hà Nội, nơi tôi lớn lên, trưởng thành và vào nghề hướng dẫn viên du lịch từ những năm 80 cuối thế kỷ trước.

Một sự thất vọng tràn trề ngay sau khi chọn chiếc bàn nhìn ra phía hồ, tôi phát hiện một dãy ki-ốt kéo dài mấy trăm mét, che khuất hết tầm nhìn. Đâu còn thấy đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đâu còn thấy bóng tháp Rùa nghiêng soi bóng, đâu có cảnh mấy cụ hưu trí ngồi chơi cờ… chỉ có tiếng nhạc chát chúa từ mấy chiếc loa kéo phụ họa quảng cáo cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bày bán trong các gian hàng. 

Ra thế, quanh Hồ Gươm không còn ai kể chuyện vua Lê, người ta đã biến nơi đây thành nơi tổ chức hội chợ. Mấy ông bà du khách tây đầm loay hoay lòn ra sau lán chợ, dương máy ảnh mãi vẫn không tìm được một góc chụp vừa ý, nhìn qua nhìn lại tỏ vẻ ngán ngẩm rồi bỏ đi… Sao lại thế được Hà Nội tôi ơi, sao Hà Nội lại hành xử thiếu chuyên nghiệp và cho mình cái quyền tước đi một Hà Nội của khách du lịch khắp nơi về đây thăm quan vãn cảnh?!

Sáng 15/11, Hội nghị “Phát triển Du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” được tổ chức tại Hà Nội. Nhiều báo đã viết khá dài và chi tiết đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của ngành du lịch nước nhà thời kỳ hậu Covid thông qua những ý kiến phát biểu tại hội nghị. Tôi cứ băn khoăn mãi về tiêu đề “phát triển nhanh, bền vững”… 

Thú thật, tôi thấy hoài nghi với cách tiếp cận này. Ngành du lịch của chúng ta “phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được” (Báo Tuổi Trẻ ngày 15/11/2023). 

Thường thì cái gì phát triển nhanh cũng mang đến nhiều hệ luỵ và những tác động không mong muốn khi công tác quản lý điểm đến ở các địa phương mà theo đánh giá của chính lãnh đạo ngành đã chỉ ra “có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng “chặt chém” du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam”. 

Ngành du lịch khá là mơ hồ khi đánh giá “Trong 10 tháng qua ngành du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được. Tuy khách của chúng ta tăng nhanh, nội địa cũng tăng nhanh nhưng tốc độ đã suy giảm”.

Với cái nhìn cá nhân, tôi cho rằng phát triển du lịch Việt Nam khó mà nhanh được với những khó khăn chủ quan và khách quan mà những chuyên gia ngành du lịch đã chỉ ra, và cũng không nên phát triển nhanh nếu chúng ta mong muốn phát triển bền vững. Cách tiếp cận an toàn nhất có lẽ là “phát triển từng bước, bền vững, có ý thức trên cơ sở nhận thức đúng và chuyên nghiệp về hoạt động du lịch”.

Thật trùng hợp, hai ngày sau khi hội nghị “Phát triển Du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” diễn ra, ngày 17/11/2023 trên một trang báo điện tử có một bài viết về Hạ Long: “Vịnh Hạ Long vào nhóm điểm đến cần bảo tồn vì vấn đề rác”. Bài báo đề cập tới việc một tạp chí du lịch Mỹ Fodor’s Travel đã đưa Hạ Long vào nhóm “No List” năm 2024 với khuyến nghị “du khách nên xem xét lại nếu muốn ghé thăm để bảo tồn điểm đến”.

“No List” không có nghĩa là hạ bệ, đó là một cách để trân trọng với những mong muốn được bảo tồn và phát triển bền vững, bài báo viết.

Đã lâu tôi chưa quay lại Hạ Long, có lẽ từ 2019, cũng như tôi không trở lại Sapa từ khi nơi đó có cáp treo lên đỉnh Fansipan. Hạ Long từ khi có quy định sơn tàu màu trắng, một quy định rất duy ý chí, đã đánh mất một phần nào sự duyên dáng vốn có của mình. 

Cùng với sự phát triển rất nhanh của du lịch, kinh doanh tàu nơi đây đã phát triển cả về số lượng cũng như kích thước để đáp ứng nhu cầu của khách.

Khi sân bay Vân Đồn được xây dựng, con đường cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh – Vân Đồn hoàn thiện, tôi đã nghĩ sẽ có được sự giảm tải khách du lịch cho Hạ Long, nhưng điều mong ước đó đã chưa xảy ra. Câu chuyện về phí thắng cảnh thăm quan Hạ Long cao vẫn còn đó, và câu chuyện rác thải vẫn không có hồi kết. 

Người ta vẫn “khai thác” vịnh Hạ Long ở mức tối đa trong khi chưa có kế hoạch triệt để nhằm tái tạo, bảo tồn, hoặc những kế hoạch có mà chưa thực hiện đến nơi đến chốn, hoặc thực hiện thì yếu kém và thiếu kết quả sự đánh giá. Kết quả là rác vẫn càng ngày càng nhiều thêm với các con số thống kê kinh hoàng, mà theo tôi con số đó mới chỉ là một phần và chưa phản ảnh hết thực tế. 

Cần phải nói một cách công bằng, rác không hoàn toàn từ các hoạt động khai thác du lịch sinh ra, rác từ dân sinh, từ việc nuôi trồng thủy sản, từ thói quen xả rác xuống ao hồ sông biển của người Việt chúng ta.

Quay trở lại hoạt động kinh doanh tàu bè ở vịnh Hạ Long, có khi nào, có bao giờ, du khách ngồi trong toilet tàu du lịch 5 sao xịn sò và tự vấn: Những chất thải hữu cơ từ trong cơ thể chúng ta sẽ “đi” đâu nhỉ? Khách sạn trên bờ còn có bể lắng, bể xử lý, được hút định kỳ. Thế nhưng các khách sạn 5 sao trên biển?

Các bạn đứng dưới vòi sen, bồng bềnh với những mùi hương quyến rũ của dầu tắm, dầu gội… có ai tự vấn: hàng tấn hóa chất được sử dụng bởi con người để tắm rửa, để rửa sàn tàu sẽ đổ đi đâu? ấy là chưa kể các loại dầu thải, nhớt thải mà trong ngôn ngữ vận hành tàu bè được gọi là “greywater”? Greywater và blackwater là những nguyên nhân trực tiếp làm biến mất những rạn san hô ở vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, biển Phú Quốc…

Phú Quốc – đảo Ngọc lâu rồi tôi cũng chưa quay lại không biết đã xử lý được vấn đề rác thải hay chưa? Nhớ lại thời điểm trước dịch, con đường từ sân bay trước khi vào tới địa phận khu khách sạn nghỉ dưỡng của Vingroup, tràn ngập túi nilon, hộp xốp, chai nhựa thải…

Còn một loại rác mà tôi gọi là “rác thải kiến trúc”. Sự phát triển ngành kinh doanh bất động sản núp dưới hình dạng du lịch đã biến đảo Ngọc thành một điểm đến du lịch giả tạo với những kiến trúc và cảnh quan nhái theo thành Venice.

Phú Quốc từng hấp dẫn du khách vì vẻ đẹp hoang sơ trinh nguyên của mình, những rặng dừa, những bãi tắm mịn màng cát trắng, những hòn đảo với những rạn san hô và hệ sinh thái biển vô cùng phong phú.

Cùng với những quảng cáo hết sức hấp dẫn về cơ hội làm giàu nhờ bất động sản, nhờ có hàng không giá rẻ, sự háo hức về không gian mơ mộng trời Âu chỉ sau hơn một giờ đồng hồ bay (!), một làn sóng du lịch nội địa đổ về đây… và chỉ đến khi dòng khách du lịch nội địa chuyển hướng qua bên nước láng giềng Thái Lan vì giá vé máy bay rẻ hơn, vì dịch vụ rẻ hơn, món ăn ngon hơn, đa dạng hơn, thái độ phục vụ chuyên nghiệp hơn, người dân địa phương thân thiện hơn… người làm du lịch Phú Quốc mới dần nhận ra một điều “Cầm vàng mà lội qua sông”.

Cũng chưa vội kết luận rằng khách du lịch nội địa đã quay lưng lại với đảo Ngọc Phú Quốc, nhưng rõ ràng một điều, du lịch quốc tế đã hồi phục gần như hoàn toàn, nhưng có khi nào chúng ta khảo sát và đánh giá, còn có bao nhiêu chuyến bay từ thị trường du lịch Bắc Âu đến nơi này? Rồi trong tương lai có bao nhiêu chuyến bay từ Ấn Độ sẽ đến đây sau những nỗ lực quảng bá Phú Quốc như một điểm đến sang trọng mới?

Có bao giờ chúng ta nghiên cứu một cách nghiêm túc những nhu cầu, mối quan tâm của người Việt khi đi du lịch, để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách Việt, và ở chiều ngược lại của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

Trong khi đó, mặc dù còn có những khó khăn, tiếp theo Thái Lan là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và giờ cả Hongkong cũng coi thị trường du lịch Việt Nam là một thị trường tiềm năng quan trọng, đã có những chính sách kịp thời và sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch Việt Nam.

Còn rất nhiều câu hỏi, mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới hoặc nghĩ tới nhưng chưa bao giờ muốn đi tìm câu trả lời, hoặc có câu trả lời nhưng chưa muốn đi tìm lời giải.

Du lịch muốn bền vững, trước hết phải chuyên nghiệp. Và để chuyên nghiệp chúng ta cần phải học: học để hiểu, để có nhận thức đúng, để quản trị và vận hành đúng.

Làm du lịch vừa dễ vừa khó. Dễ bởi ai cũng có thể tham gia. Khó bởi cần phải học cách làm bài bản chuyên nghiệp. Ai cũng phải học, từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, chính quyền… đến những người dân bình thường tham gia vào nền kinh tế du lịch, được hưởng lợi từ du lịch.

Chỉ có cách làm chuyên nghiệp, khắt khe với bản thân mình, chúng ta mới có thể xây dựng được một ngành du lịch Việt Nam bền vững.

Đ.B.H.

Nguồn: Danviet.vn

 

This entry was posted in Du lịch Việt Nam. Bookmark the permalink.