Nguyễn Đức Minh
Thuế tối thiểu toàn cầu là luật chơi mới của kinh tế thế giới và Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn trong cuộc chơi này.
Thuế tối thiểu toàn cầu nôm na là việc các công ty đa quốc gia lớn sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%. Nếu quốc gia sở tại thu thuế công ty con dưới 15% thì khi chuyển lợi nhuận về công ty mẹ sẽ bị thu thêm cho đủ 15% thì thôi.
Chi tiết thì còn nhiều nội dung và các trường hợp khác, nhưng đại ý có thể tóm tắt như vậy.
Thuế tối thiểu toàn cầu ra đời từ áp lực dư luận về việc các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng các thiên đường thuế để trục lợi. Nhưng hơn cả thế, thuế tối thiểu toàn cầu còn có tác dụng kéo các khoản tiền đầu tư quay trở lại các nước giàu, thay vì chảy về các nước đang phát triển đang đói vốn.
Việt Nam là một nước tiếp nhận đầu tư FDI khá lớn với nhiều tập đoàn đa quốc gia đến đây mở công ty con. Một trong những biện pháp thu hút đầu tư truyền thống của Việt Nam là ưu đãi thuế. Mặc dù thuế suất danh nghĩa của Việt Nam là 20%, nhưng trên thực tế mức trung bình các FDI phải nộp chỉ khoảng trên 12%. Đối với nhiều công ty lớn thì mức thuế thực chất chỉ vài phần trăm.
Do đó, khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, Việt Nam có hai sự lựa chọn. Một là cứ thu thuế với mức thấp đã cam kết với nhà đầu tư. Khoản thuế còn thiếu cho đến 15% thì sẽ để cho nước ngoài thu. Hai là nâng thuế của các tập đoàn lớn lên mức 15%. Việt Nam đương nhiên là thích giải pháp thứ hai và Bộ Tài chính đang trình Quốc hội Nghị quyết để làm việc này, có hiệu lực vào đầu năm 2024.
Nhưng nếu Việt Nam tăng thuế lên 15% thì là vi phạm biện pháp bảo hộ đầu tư đã cam kết và có nguy cơ bị kiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng khả năng này không cao.
Về mặt pháp lý, muốn được bồi thường thì bên đòi bồi thường phải chứng minh được 3 yếu tố: (1) bên kia vi phạm cam kết; (2) có thiệt hại thực tế; (3) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại. Trong trường hợp này, nhà đầu tư rất khó chứng minh yếu tố (3). Đơn giản vì nếu Việt Nam không thu thì về nước mẹ cũng sẽ bị thu. Như vậy, Việt Nam có thu hay không thu thì cũng không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Mặc dù vậy, rủi ro bị kiện vẫn có thể xảy ra.
Về phần các nhà đầu tư, có vẻ như nhiều người cũng muốn nộp khoản thuế còn thiếu đó ở Việt Nam thay vì mang về nộp cho nước mẹ.
Vì sao? Chẳng nhẽ họ không yêu nước? Họ không muốn được nộp thuế cho quê hương của mình?
Lý do chính là vì nếu Việt Nam thu thêm thuế, thì khả năng cao là Việt Nam sẽ có các biện pháp hỗ trợ khác để trả lại cho nhà đầu tư.
Cần lưu ý rằng, dù Việt Nam có lựa chọn thu thêm thuế hay không thu thì biện pháp thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế của Việt Nam cũng đã mất tác dụng. Nếu muốn tiếp tục thu hút FDI, Việt Nam buộc phải có biện pháp khác.
Đến đây, tôi biết nhiều người sẽ có đặt câu hỏi: “Có cần thu hút FDI nữa hay không?”.
Tôi nghĩ là vẫn có, vì mấy lý do:
Thứ nhất, Việt Nam đang giai đoạn dân số vàng lần 2. Tháp dân số của chúng ta hiện đang phình to ở độ tuổi 15-20. Đội quân này sẽ gia nhập thị trường lao động trong vài năm tới. Nếu không có đủ vốn để tạo việc làm cho hàng chục triệu người trong 2 thập kỷ tới, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao và thu nhập của người lao động cũng sẽ thấp.
Lưu ý, việc làm không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh chính trị. Nhiều nhà nghiên cứu lập luận rằng phong trào Mùa xuân Ả rập, ngoài các nguyên nhân chính trị tôn giáo thì còn có nguyên nhân kinh tế. Đó là các nước này trải qua giai đoạn dân số vàng mà tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên quá cao. Không có đủ vốn để tạo việc làm là gốc rễ của nhiều bất ổn.
Thứ hai, Việt Nam vẫn đang hạn chế tiếp nhận các dòng vốn đầu tư ngắn hạn, mà mở rộng cửa với vốn dài hạn.
Trong cuộc khủng hoảng Châu Á 1997, khi các dòng vốn ngắn hạn, trước đó đã đổ vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc… quá nhiều, được rút ra quá nhanh khi có thông tin xấu, đã tạo ra khủng hoảng. Việt Nam chắc chắn vẫn kiên định với việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ngắn hạn. Như vậy, cánh cửa duy nhất đủ lớn để Việt Nam nhập khẩu vốn là FDI.
Thứ ba, thị trường tài chính trong nước không đủ khả năng tạo vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Những vụ việc thao túng chứng khoán của FLC, giao dịch nội gián hay rút ruột ngân hàng của Vạn Thịnh Phát, nhận hối lộ của Ngân hàng Nhà nước… cho thấy thị trường tài chính của Việt Nam như quả bóng cao su đặt trên đầu kim.
Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tăng rất chậm, và sắp tới khả năng cao là rớt hạng. Rủi ro quốc gia của Việt Nam vẫn cao. Lãi suất tiền đồng vẫn luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với ngoại tệ. Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy thị trường tài chính trong nước không thể đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Nhập khẩu vốn là điều bắt buộc phải làm.
Khi biện pháp ưu đãi thuế không còn tác dụng, Việt Nam buộc phải chuyển sang các biện pháp khác.
Trước nay, Luật Đầu tư có hai biện pháp. Thứ nhất, ưu đãi đầu tư chủ yếu là việc miễn giảm thuế và các loại tiền nộp ngân sách. Thứ hai, hỗ trợ đầu tư là việc chi tiền từ ngân sách cho nhà đầu tư. Trên thực tế mấy chục năm qua, chúng ta chỉ dùng biện pháp thứ nhất.
Hỗ trợ đầu tư là dùng tiền từ ngân sách chi ra, nên sẽ linh hoạt hơn nhiều. Chúng ta có thể toàn quyền lựa chọn hỗ trợ chi phí đào tạo nhân công, chi phí xây nhà ở cho người lao động, chi phí xây dựng hạ tầng điện đường nước nhà xưởng hay bất kỳ chi phí nào khác. Ngược lại, rút tiền ra khỏi ngân sách cho nhà đầu tư chắc chắn sẽ khiến dư luận cảm thấy khó chịu hơn. Thêm vào đó, quản lý chống tham nhũng, thất thoát trong việc này cũng khó hơn nhiều.
Bây giờ, chúng ta buộc phải sử dụng biện pháp thứ hai. Đây là lý do Quốc hội sẽ quyết nghị về việc hỗ trợ đầu tư các dự án lớn.
Vậy chúng ta sẽ dùng tiền thu thêm được rồi lại trả lại cho nhà đầu tư sao? Thế cũng bằng hoà?
Đúng và không đúng.
Cái khó là OECD đã lường trước điều này. Quy tắc của OECD là các nước không được phép đánh tráo việc tăng thuế với các biện pháp thu hút đầu tư khác. Nếu chính sách hỗ trợ đầu tư mới của chúng ta rơi đúng vào những ông đã bị tăng thuế với số tiền đúng bằng số tiền thuế tăng lên, thì chắc chắn OECD sẽ không chấp nhận. Khi đó, các nước mẹ vẫn sẽ thu phần thuế còn thiếu, nhà đầu tư phải nộp phần này hai lần thì chắc chắn họ sẽ kiện Việt Nam.
Do đó, chính sách hỗ trợ đầu tư mới của chúng ta phải “khác” so với chính sách miễn giảm thuế trước đây.
Khác thế nào thì được chấp nhận?
Cái này hiện không rõ. Việc xác định biện pháp hỗ trợ đầu tư nào được và biện pháp nào không được sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tham vấn và đồng thuận. Các nước sẽ phải gửi đề xuất các biện pháp hỗ trợ đầu tư của mình cho các nước khác để tham vấn. Nếu họ đồng thuận thì không sao. Nếu họ không đồng thuận thì sẽ trao đổi để điều chỉnh.
Việc soạn chính sách hỗ trợ đầu tư mới rất khó và cần sự phối hợp của nhiều bên.
Có cơ hội gì không?
Điều thú vị là chính sách hỗ trợ đầu tư mới buộc phải công bằng giữa FDI và doanh nghiệp trong nước. Như vậy, nếu các doanh nghiệp trong nước rơi vào diện được hỗ trợ thì cũng được hưởng như FDI.
Nhưng, các doanh nghiệp trong nước này, nếu không thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì lại không thuộc đối tượng bị thu thêm thuế. Tức là, doanh nghiệp trong nước, dù thuộc diện đang chịu thuế dưới 15% hay trên 15%, đều có cơ hội được khoản hỗ trợ này.
Như đã nói, biện pháp hỗ trợ đầu tư “cao cấp” hơn biện pháp ưu đãi thuế. Nó đòi hỏi khả năng quản trị của Nhà nước tốt hơn, nhưng đổi lại sẽ được chọn mục tiêu, chọn đúng mắt xích quan trọng hay nút cổ chai. Đây là cơ hội để chúng ta có thể thu hút đầu tư tốt hơn, có chọn lọc hơn, có tác động lan toả tốt hơn.
Trong nguy có cơ.
N.Đ.M.
Nguồn: FB Duc Minh Nguyen