Nguyễn Đình Cống
Sau khi Việt Nam và Mỹ ký thỏa thuận nâng quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện(ĐTCLTD), thì người Việt, ở trong và ngoài nước, từ lãnh đạo cao cấp đến dân thường, xuất hiện một số người có kỳ vọng lạc quan, rằng với ĐTCLTD Việt – Mỹ, VN có hy vọng trở thành con hổ mới ở châu Á. Nhưng rồi kỳ vọng đó đã sớm bị dội một thùng nước lạnh, bị giáng một đòn mạnh bằng việc tập đoàn Intel của Mỹ quyết định tạm không mở rộng sản xuất chip tại VN với dự toán một tỷ đô la, tăng đầu tư từ 1,5 tỷ lên 2,5 tỷ, vì thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà. Sau việc này, nếu không kịp thời chặn lại những bàn tay gây ra thì có thể phải đón nhận những thùng nước và cú đánh khác.
Nguyên nhân thiếu điện chỉ là rất phụ. Nguyên nhân cơ bản là thủ tục hành chính rườm rà, mà nói trắng ra là tệ nạn mong chờ đút lót, hối lộ, bằng cách “không ai biết đằng nào mà lần”. Không một ai mở miệng đòi đút lót và đút bao nhiêu. Người ta chỉ tìm đủ mọi cách gây khó khăn cho người cần thủ tục cho đến khi người ta nhận được mức đút lót bằng hoặc cao hơn lòng tham của họ yêu cầu. Điều này không lạ gì cả. Chủ tịch nước khi gặp các nhà đầu tư của Mỹ có nói, đại ý là họ đến Việt Nam sẽ có thể gặp phải một vài thủ tục hành chính rườm rà, khó chịu mà nhà nước Việt Nam đang tìm cách khắc phục, loại bỏ.
Đang tìm cách, nhưng không biết đã tìm ra chưa, vì để khắc phục, tiến tới loại bỏ “Thủ tục hành chính rườm rà” là rất khó khi nó đã thành thói quen thấm sâu vào máu mỗi người khi họ trở thành người trong bộ máy chính quyền, dù chỉ là một lao động bình thường.
Ở Việt Nam hiện nay, việc đưa và nhận đút lót được chấp nhận như một thứ dầu bôi trơn cho các cấp chính quyền hoạt động, nhờ đó mới có tăng trưởng kinh tế. Đúng là có tăng trưởng chỗ này nhưng lại làm suy sụp chỗ khác nhiều hơn và đặc biệt là làm suy thoái văn hóa và đạo đức.
Dầu bôi trơn sinh ra từ một nhận thức “cán bộ là đầy tớ của dân” nên họ được trả lương khá thấp. Điều này ban đầu cũng là do kinh tế còn quá khó khăn. Lương thấp nên chỉ làm việc cầm chừng, gây nên cảnh công việc không trôi chảy, vì thế phải tuyển thêm người, làm phình to biên chế. Đến khi kinh tế có tăng trưởng, tuy có tăng lương nhưng chỉ tăng nhỏ giọt, không thể tăng đủ yêu cầu vì số người nhận lương đông quá. Nạn tham nhũng ở VN khi kinh tế chưa phát triển là tham nhũng quyền lực bằng cách đưa người thân quen vào biên chế để hưởng lương, dù cho đó là đồng lương chết đói, nhưng người ta nhìn xa hơn đến lương hưu cuối đời.
Nhà nước VNDCCH đã làm công việc giảm biên chế từ rất sớm, vào những năm đầu của thập niên 1950 (những cụ sinh từ khoảng 1940 trở về trước thuộc VNDCCH chắc còn nhớ cuộc giảm biên chế này), nhưng giảm chỗ này lại phình chỗ khác, và đặc biệt là nhà nước có chính sách sai lầm tạo sơ hở cho việc này – Chính sách là cơ quan có càng đông cán bộ thì quyền hành và quyền lợi của thủ trưởng càng to. Đó là mâu thuẫn lớn mà chủ trương giảm biên chế gặp phải vì thủ trưởng cơ quan nào cũng muốn tăng số cán bộ, tạo ra nạn tham nhũng quyền lực viết ở trên.
Quay trở lại với việc ”Chặn tay chúng lại”. Tay chúng đang sờ vào mép ngoài chiếc túi có khóa nên chưa thọc vào được để khua khoắng.
Với nhà nước có trí tuệ và liêm chính, khi những giọt dầu bôi trơn đầu tiên vừa chảy ra, người lãnh đạo giỏi sẽ nhìn thấy, từ những giọt dầu ấy sẽ tạo nên những dòng suối dầu trong tương lai tràn ngập mặt đất, lúc đó tác dụng bôi trơn không còn mà phát sinh tác hại khủng khiếp. Thế nhưng vì chủ trương độc quyền đảng trị mà lãnh đạo không thấy, hoặc tuy có thấy nhưng không biết xử lý nên cứ mặc cho nó phát triển tràn lan như bây giờ.
Trong thời gian qua ngành tư pháp, mà chủ yếu là chánh án có những hành động coi thường đạo đức, chà đạp công lý, xem thường luật pháp, đã gây ra nhiều oan sai cho người dân vô tội. Có thể vì lẽ đó mà Bộ Chính trị Đảng đã ra quyết định 132 ngày 27 tháng 10 năm 2023, mà nội dung chủ yếu là ngăn ngừa vi phạm, dọa trừng trị những hoạt động của hệ thống tư pháp vi phạm đạo đức và luật pháp. Tôi viết là “dọa trừng trị” vì còn chờ xem những củi nào sẽ được đem vào lò như thế nào.
Về phòng chống tham nhũng và tiêu cực, tuy đã có Ban chỉ đạo, có lò đốt, nhưng chỉ mới xử những vụ bị phát hiện, còn loại tội phạm gây khó khăn cho người cần đến dịch vụ của chính quyền để buộc họ, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, “phải nôn ra” thứ mà người có quyền, mà tham lam, muốn thì chưa thấy ai bị vào lò. Có lẽ vì thế mà bọn người nắm quyền trong lĩnh vực này còn có cửa để hoạt động mà không ngại gì cả.
Người ta vì có quyền mà “Ăn của dân không chừa thứ gì”. Dân VN thấp cổ bé họng nên phải “Cúi mình chịu ép một bề” chứ làm sao có thể ép các nhà đầu tư nước ngoài được, khi những người đó đã quen với sự minh bạch, liêm khiết. Lúc này các người có quyền nên vì lợi ích của quốc gia để kìm nén lòng tham, để hành động hợp đạo lý, nếu không thì những đòn sấm sét của luật pháp nghiêm minh sẽ nghiền nát họ.
Có thể một vài kẻ nghĩ rằng dân Việt có châm ngôn “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, chúng tôi thế đấy, chơi được thì đến, không chơi được thì đi nơi khác. Thì Intel đã đi nơi khác. Họ “đổ tiền” vào Ba Lan, Malaysia. Họ không bị thiệt gì cả, chỉ có đất nước Việt Nam bị thiệt.
Dân Việt còn có câu “Ma bắt trông mặt người ta. Đứa nào cứng vía thì ma phải chừa”. Ma còn phải chừa, thế mà chúng mày, những đứa dùng quyền hành để đưa tay ra chèn ép các nhà đầu tư nước ngoài có vía rất cứng, không chừa họ ra, là thuộc giống vật gì?!
Để chặn bàn tay của bọn có chức quyền chèn ép để móc túi trong khi làm việc với các nhà đầu tư, dù là nước ngoài hay trong nước, tôi xin dâng một vài ý kiến lên lãnh đạo.
Tôi, một thất phu yêu nước, có trí tuệ, có trách nhiệm, mặc dầu không bị nước lạnh dội trúng, không bị đòn mạnh đánh vào đầu (vì tôi không hề có kỳ vọng lạc quan), nhưng rất đau lòng nhìn tệ nạn tham nhũng hoành hành mà chỉ biết giương mắt nhìn rồi ôm gối khóc thầm. Tôi đề nghị:
Trước hết phải đem bỏ lò một số củi gộc của ngành tư pháp để làm gương về thực thi QĐ 132, theo kế “Giết gà dọa khỉ”. Tiếp đến soạn và ban hành một văn bản, có thể là quyết định của Bộ Chính trị hoặc của Quốc hội, Sắc lệnh của Chủ tịch nước, Nghị định của Chính phủ. Văn bản phải thể hiện được sự nghiêm minh, quyết trừng phạt thích đáng những kẻ cậy quyền hành gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước và phải thật ngắn gọn.
Những người viết văn bản ở VN đã quen viết dài, chắc sẽ khó tìm ra người viết được ngắn. Nếu thế, tôi xin xung phong nhận soạn thảo giúp văn bản như vậy, xin làm việc không cần trả công.
Đồng thời cho điều tra thật kỹ những ai đã gây trở ngại để Intel từ bỏ đầu tư, phải công khai lập tòa án và xét xử công minh, nếu cần thì thiên về phía tăng nặng đến mức tối đa. Tội danh là lợi dụng chức quyền gây tổn thất lớn cho nhà nước, được xem như giặc nội xâm. Kết quả xét xử phải được công bố rộng rãi cho toàn thể giới biết.
Trước mắt tạm như vậy, còn về lâu dài phải nghĩ đến những biện pháp cải cách nền hành chính thật triệt để, mà quan trọng nhất là cử ra được một Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực sự có tài năng, tiếp đến là tổ chức bầu quốc hội thật sự dân chủ để cử tri chọn được người xứng đáng làm đại diện mà quan trọng nhất là đại diện cho trí tuệ.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN