Chuyện của một cô giáo dạy trường chuyên

Thái Hạo

Hai ngôi trường ấy bây giờ đều đã có danh tiếng. Những cuộc chiến và những chiến công ngày càng hiển hách. Chỉ có chúng tôi là đã chìm đi. Khi không ngăn được chiến tranh, tôi chọn giã từ vũ khí. Còn chị, không biết bây giờ chị còn dạy hay đã nghỉ hưu

Tôi vào nghề năm 2012, bằng một cuộc thi tuyển dụng viên chức. Sau 3 vòng thì được nhận, không mất tiền. Thời điểm ấy mà “tay không bắt giặc” thì nhiều người ngạc nhiên lắm, vì “giá cả thị trường” lúc đó cũng đã tiền trăm, lại trường “chuyên danh giá” nữa.

Trước khi thi vào trường chuyên, tôi đã tham gia một cuộc thi khác, do Sở Giáo dục tổ chức. Người đông như kiến cỏ, ngồi chật cả một hội trường lớn. Sau bài thi đầu tiên về Luật giáo dục, thì tôi biết rằng mình đã rớt, vì phòng thi như cái chợ…

Tôi trở về dạy lũ trẻ trong xóm trọ. Có thằng bé lớp 5, gần như không biết gì, bố đi tù, mẹ bán vé số, nó chậm tới nỗi đọc còn chưa thông. Rồi cuối năm nó được giấy khen, người mẹ vui mừng phát khóc. Tôi cũng không hiểu, vì thực ra tôi chủ yếu chơi với chúng nó… Mọi người gửi con cho tôi ngày một đông, có cả Tiểu học, cấp Hai, cấp Ba.

Một hôm đang dạy bọn trẻ, bạn tôi nhắn tin, rằng có trường chuyên nọ đang tuyển giáo viên, đăng ký thi đi. Lưỡng lự, tôi chạy xe máy 50 cây số, đến nộp hồ sơ. Thi, rồi được nhận. Lúc ấy, với một kẻ đang thất nghiệp nơi đất khách miền Đông xa xôi này, đó là một niềm vui không sao tả xiết.

Nghe thì đơn giản thế, nhưng câu chuyện đọng lại trong tôi là một hồi ức khó quên. Tôi thi vào trường, một bài nghị luận, hai tiết giảng văn, một vòng phỏng vấn. Cả hiệu trưởng, hiệu phó đều lắc đầu không nhận. Tôi tự nhủ, ừ lại quay về dạy bọn trẻ con trong xóm trọ thôi. Nhưng rồi chẳng biết vì sao, tôi nhận được thông báo trúng tuyển. Và đi làm.

Sau này tôi mới nghe một số giáo viên trong trường kể cho biết, rằng chính chị tổ trưởng đã kiên quyết “đấu tranh” cho tôi. Chị nói với ban giám hiệu rằng, chị dạy chuyên mấy chục năm nay, chị nhìn không sai, và nếu có chuyện gì chị sẽ chịu trách nhiệm. Cuối cùng thì hiệu trưởng đành phải gật đầu. Ra thế…

Tôi chưa từng gặp chị cho đến hôm tôi thi giảng bài và chị cùng rất đông người ngồi dự bên dưới, có cả ban giám hiệu. Khi vào trường rồi thì tôi gặp chị thường xuyên hơn, sau những tiết thao giảng và những buổi sinh hoạt chuyên môn. Một người phụ nữ quê xứ Nghệ, dáng cao, khuôn mặt đẹp cương nghị, giọng nói ấm áp mà hào sảng của một nữ lưu. Tôi không thấy ở chị cái buồn mơ mòng hay sự u sầu thường gặp ở “dân văn”, chị lúc nào cũng rạng rỡ và phóng khoáng như một cơn gió mùa hè đầy nắng. Chị vào nghề trước tôi cả hai mươi năm, tôi gọi chị là “cô” nhưng chị không chịu, bảo “Cô trò mà làm gì, gọi chị em cho thoải mái”.

Chị cũng chưa từng nói với tôi về việc chị đã bênh vực tôi như thế nào để quyết nhận tôi vào trường, và tôi cho đến khi rời ngôi trường ấy sau 1 năm, cũng chưa từng ghé nhà thăm chị. Tôi biết trong lòng, và giữ điều ấy như một món đồ quý trong túi áo, suốt nhiều năm sau.

Hồi ấy tôi tự tin, cái tự tin của tuổi trẻ, tôi nói về lý thuyết này, lý thuyết nọ, về trường phái A trường phái B. Trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, chị luôn không dạy dỗ hay “góp ý” như cái giọng thường thấy ở những “bậc tiền bối – ma cũ”. Chị tỏ ra tò mò và thường hỏi về lối phê bình này, cách phân tích nọ như một người luôn ngạc nhiên trước cái mới. Tôi thì chém gió, như tuổi trẻ vẫn thế.….

Một lần, trong văn phòng, thấy chị luống cuống, mặt biến sắc. Thì ra hiệu trưởng gọi lên để chấn chỉnh vì chị đã nói gì đó trong một cuộc họp tổ chuyên môn. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến một người phụ nữ vốn hào sảng nhưng bỗng trở nên lo lắng và sợ sệt.

Hiệu trưởng ra lệnh, tất cả giáo viên mới, dù những ngày không có tiết dạy vẫn phải lên trường đủ 8 tiếng. Đến ngày thứ 3 thì tôi có ý định bỏ việc. Tôi không hiểu được sự vô lý ấy, dù công việc với tôi lúc ấy như sinh mạng. Và rồi tôi mặc kệ, muốn ra sao thì ra.

Tôi bắt đầu quan sát kỹ hơn. Hiệu trưởng thường ngồi ở ghế đá hành làng của khu hiệu bộ, nhìn lên dãy phòng học. Giáo viên đi qua, đến chỗ đó thì vòng xuống sân, dường như ai cũng ngại giáp mặt, như một đàn kiến vòng qua tảng đá bên bờ vực.Những cuộc họp hội đồng, cả hội trường im phăng phắc, như không ai dám thở mạnh. Một hôm, có thầy giáo già làm quản lý ký túc xá, không biết có phải vì đã có chút men trong người không, đứng dậy phát biểu rất to, nói đại ý rằng học sinh cũng cần được vui chơi chứ không thể chỉ học và học tối mắt như thế được. Thầy hiệu trưởng cười gằn. Từ đó không thấy ai nói gì nữa trong các cuộc họp.

Ngày 20.11, tổ Văn được giao nhiệm vụ phụ trách bài phát biểu của học sinh trong buổi lễ. Học sinh viết, thầy cô duyệt, sửa, và sửa. Sau nhiều ngày ròng rã, sửa, trình lên ban giám hiệu, trả về, lại trình lên, thì nó thành bài của thầy cô. Tôi thoáng thấy mấy đồng nghiệp của mình nặng trĩu, chị tổ trưởng không nói gì, mặt buồn rười rượi.

Một năm sau tôi rời trường đi về nơi mới. Tôi lại gặp chị trong những kỳ thi học sinh giỏi, đặc biệt là thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia cho tỉnh. Tỉnh có hai trường chuyên, thi vào đội tuyển là một cuộc chiến dường như chỉ có hai đối thủ. Tôi và chị trở thành đối thủ. Cuộc chiến như một mất một còn. Đau thương và tang tóc. Chúng tôi gọi cho nhau, buồn đến phát khóc. Vài năm như thế, rồi một ngày tôi nghe tin chị đã thôi làm tổ trưởng tổ Văn. Cũng không biết là vì thành tích năm ấy không đạt mà chị bị phê truất hay là chị đã chủ động xin nghỉ.

Vậy là chúng tôi đã không còn phải đối mặt với nhau nữa.

Hai ngôi trường ấy bây giờ đều đã có danh tiếng. Những cuộc chiến và những chiến công ngày càng hiển hách. Chỉ có chúng tôi là đã chìm đi. Khi không ngăn được chiến tranh, tôi chọn giã từ vũ khí. Còn chị, không biết bây giờ chị còn dạy hay đã nghỉ hưu. Có lẽ, dù sao chị cũng không phải là một chiến binh, chị chỉ hợp làm một cô giáo say mê trước những trang văn mà không thể hào sảng trước những chiến công…

T.H.

Nguồn: danviet.vn

This entry was posted in Giáo dục, Thái Hạo. Bookmark the permalink.