Lê Học Lãnh Vân
Trong sự việc ồn ào trên mạng về Liêm chính Học thuật liên quan tới trường hợp PGS Đinh Công Hướng, tôi xin tham gia trình bày các điểm như dưới đây:
A. TRƯỜNG HỢP ĐÓ CÓ VI PHẠM LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT KHÔNG?
1) Xin được nêu trường hợp của chính mình. Trong thời gian làm luận án tại Trường đại học Orsay tại Pháp cuối thập niên 1980, tôi cùng lúc được tuyển làm chercheur associé (được hiểu là người nghiên cứu hợp tác, tiếng Anh là associated researcher) cho phòng thí nghiệm Ngư học thuộc Museum National d’Histoire Naturelle de Paris. Trước khi nộp đơn xin làm, tôi hỏi ý phòng thí nghiệm Sinh học Tế bào, nơi tôi làm luận án. Giáo sư hướng dẫn và người phụ trách đồng ý với việc nộp đơn ứng tuyển vì công việc tại Museum nằm trọn vẹn trong chương trình làm luận án và giúp tôi thu thập số liệu cho luận án. Hơn nữa, anh được lãnh tiền mà không có xung đột quyền lợi thì sao lại không nộp đơn, vị Giáo sư hướng dẫn nói như vậy!
2) Việc ghi tên cho mỗi công bố khoa học được chúng tôi họp bàn nghiêm túc đánh giá sự đóng góp của mỗi người. Người tham gia thực sự mới ghi tên. Tên người kèm theo tên Phòng thí nghiệm nơi người đó là thành viên cơ hữu. Nếu thí nghiệm được tiến hành nơi phòng thí nghiệm của cơ quan khác, cần ghi thêm tên phòng thí nghiệm đó. Việc họp bàn còn quan trọng ở chỗ nó giúp mọi việc minh bạch giữa các cộng tác viên, và sự phân tích của nhiều cái đầu cũng giúp tránh những trường hợp vi phạm liêm chính học thuật do vô tình.
Tinh thần cốt lõi của Liêm chính Học thuật là không đứng tên những công trình khoa học, học thuật mình không góp công làm ra. Ông Đinh Công Hướng, người chủ thực của công trình khoa học, xứng đáng được ghi tên là tác giả bài công bố. Tuy nhiên, nếu ông để cho cơ quan không góp phần tạo nên công trình đó đứng tên thì cơ quan đó vi phạm Liêm chính Học thuật, và chính ông cũng vi phạm vì giúp cho sự vi phạm!
B. LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT CÓ ĐƯỢC TÔN TRỌNG TẠI VIỆT NAM KHÔNG?
Với rất rất nhiều trường hợp như đạo văn, ép tác giả công trình để tên mình trong công bố, dùng bằng mua, bằng giả, gian lận thi cử hàng loạt… ,
Các trường hợp như trên đã được công khai nêu lên mà không được xử lý đúng đắn, hoặc chỉ được xử lý nhẹ hều xoa dịu dư luận rồi để chìm xuồng, không được cơ quan có thẩm quyền điều tra và ra tuyên bố kết luận, không được giới trí thức, học thuật tẩy chay triệt để… ,
Chỉ cần liếc mắt sơ sơ, người viết bài tin nhiều người có cùng nhận định rằng Liêm chính Học thuật không được tôn trọng một cách chính thống.
C. HỆ QUẢ CỦA VIỆC LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT KHÔNG ĐƯỢC TÔN TRỌNG
Hệ quả gần và xa là các giá trị và thứ bậc của hệ thống tri thức bị đảo lộn.
Hiểu Biết bị Dốt Nát dạy dỗ…
Liêm Chính bị Gian Tham khinh khi, trù dập…
Biệt Phủ tham nhũng kệch cỡm phủ bóng quê hương yên lành…
Kẻ thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức chiếm chỗ ngồi và leo lên ngự trị những thánh đường tri thức, dần dần đẩy người trí thức thật sự và tự trọng ra bên ngoài. Những người này, nếu có điều kiện, phải rời tổ quốc tị nạn tri thức cho mình và tị nạn giáo dục cho con cháu. Hoặc họ sẽ đứng bên lề, quan sát Tổ quốc như quan sát cộng đồng xa lạ…
D. NIỀM RIÊNG VỚI PGS ĐINH CÔNG HƯỚNG
Anh Đinh Công Hướng thân, với những gì tôi nghe kể lại, trong việc này, tôi thông cảm với anh. Những gì tôi thảo luận bên trên là muốn vạch ra lằn ranh rõ rệt giữa giá trị và phản giá trị, điều mà chắc anh cũng thấu hiểu và đồng ý, do đó anh đã chọn từ chức thành viên Hội đồng khoa học ngành Toán học – quỹ Nafosted khi mọi việc trở nên ồn ào.
Trong môi trường Việt Nam, việc từ chức khi tự thấy mình vi phạm giá trị cốt lõi có ý nghĩa tốt vì đại đa số trường hợp người ta không phân biệt đúng sai, người ta giễu cợt cái đúng và sống chết bám ghế!
Trong môi trường Việt Nam, việc làm của anh nhằm “mong kiếm thêm thu nhập”, kiếm thêm chút tiền để tiếp tục nghề nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Với tôi, dù có vi phạm liêm chính như đã phân tích, việc đó vẫn “lương thiện” gấp rất rất nhiều lần so việc làm của một số vị “tư lệnh” hay cán bộ cao cấp của ngành này nọ mà nhìn từ ngoài vào, dù nhiều sự thật bị giấu giếm, người ta vẫn ngửi được mùi tiền dậy lên như mùi nước mắm trở. Không ai ngăn cản được sự nghi ngờ của công chúng, và việc từ chức của anh có sự đóng góp tích cực cho xã hội!
Cho nên, tôi hoan nghênh việc từ chức của anh vì việc đó góp phần làm giảm thiểu thiệt hại (tôi dịch từ “control damage” của tiếng Anh) cho việc vi phạm của anh.
Cùng nhau, mong rằng nhiều người chúng ta sẽ góp phần “khâu vá” lại tấm vải Liêm chính Học thuật đã tơi tả. Và cũng sẽ cùng nhau khâu vá lại nhiều tấm vải khác của mảnh dư đồ! Nhé anh!
L.H.L.V,
Ngày 15 tháng 11 năm 2023
Nguồn: FB LVan Le