Tập Cận Bình độc tài?

17/11/2023

Ngô Nhân Dụng

Khi gặp mặt Tập Cận Bình, Joe Biden nói, “Tôi thấy hai chúng ta nói chuyện với nhau là rất quan trọng, để hai bên hiểu lẫn nhau, giữa hai người lãnh đạo, không còn hiểu lầm và bị thông tin sai lạc.”

Khi gặp mặt Tập Cận Bình, Joe Biden nói, “Tôi thấy hai chúng ta nói chuyện với nhau là rất quan trọng, để hai bên hiểu lẫn nhau, giữa hai người lãnh đạo, không còn hiểu lầm và bị thông tin sai lạc.”

Joe Biden nói cho người Mỹ nghe. Ở nước Mỹ, nói đến cộng sản thì ai cũng hiểu đó là một chế độ độc tài!

Một tỷ bốn trăm triệu người Trung Hoa không ai dám công khai gọi ông Tập Cận Bình là một nhà độc tài. Sang Mỹ mới thấy có người dám nói, chính là ông tổng thống Mỹ. Sau khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở San Francisco hôm rồi, nhà báo hỏi bây giờ ông còn nghĩ ông Tập là một nhà độc tài hay không, Joe Biden nói sõng ba chữ: “Look, he is” – dịch ra tiếng Việt nghe nhẹ nhàng hơn: “Coi kìa, ông ấy là thế.”

Nếu khôn khéo, ông Biden có thể hỏi ngược lại nhà báo: “Quý vị nghĩ thế nào?” Ông có thể làm bộ ngạc nhiên: “Tôi đã nói thế à?”. Ông cũng có thể nói lảng: “Dù mình gọi bằng danh hiệu nào thì ông Tập Cận Bình – chứ không phải là ông Kim Jong Un – vẫn đứng đầu một tỷ bốn trăm triệu dân!” Hoặc Biden cứ nói đùa: “Để tôi hỏi ý kiến Chủ tịch Tập Cận Bình xong sẽ trả lời quý vị!”

Điều đáng ngạc nhiên là Cộng sản Trung Quốc lại nổi giận! Họ không chấp nhận lãnh tụ xứ mình là độc tài! Trung Cộng đã phản ứng dữ dội. Phát ngôn viên Mao Ninh (Mao Ning, 毛宁) phát ngôn rất mạnh: “Lời phát biểu này sai cùng cực và là một thủ đoạn chính trị vô trách nhiệm!”

Bà Mao Ninh kết án người gọi ông Tập là độc tài: “Chúng ta phải biết rằng có những kẻ mang sẵn ý đồ chọc phá và làm tổn thương cuộc bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc!” Bà báo trước: “Chắc chắn họ sẽ thất bại!” Trong tất cả lời tuyên bố dài dòng đó, bà Mao Ninh không hề nói ai là “tác giả lời phát biểu” bị bà công kích. Cũng vì bà không muốn “làm tổn thương” cuộc gặp gỡ giữa Tập và Biden!

Bởi vì Tập Cận Bình cần cuộc gặp gỡ này hơn Joe Biden. Vì muốn trình diễn cho dân Trung Hoa thấy mình vẫn là một chính khách lớn, ra nước ngoài được kính nể. So với lần gặp Biden năm ngoái, vị thế của họ Tập hiện đang xuống thấp hơn nhiều.

Khi hai người gặp nhau năm ngoái tại hội nghị G-20 ở Bali, Indonesia, Tập Cận Bình đang phấn khởi vì hy vọng kinh tế sắp phục hồi sau khi chấm dứt cảnh cấm đoán vì bệnh Covid. Ngồi ở địa vị một lãnh tụ toàn quyền, trong đảng không ai là đối thủ, nhiệm kỳ không giới hạn, Tập họp mặt với 20 vị nguyên thủ quốc gia khác, rất đường bệ.

Năm nay tình thế thay đổi hoàn toàn. Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa ngóc dậy được dù không còn bị cấm đoán, khó khăn như thời bệnh dịch. Dân không muốn tiêu xài, các cửa hàng và nhà máy ứ đọng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên và trung niên lên cao nhất từ 30 năm nay. Thị trường địa ốc lâm khủng hoảng, công ty Hằng Đại (Evergrande) phá sản sớm nhất. Những người muốn đầu tư, mua nhà trước khi xây, bỗng thấy các công trường xây cất ngưng hoạt động, vì hết tiền. Họ bèn thôi, không góp tiền trả trước nữa, công ty càng túng, Chủ tịch Hằng Đại đang bị điều tra, cấm ra khỏi nhà.

Nay lại đến lượt Bích Nhai Viên (Country Garden) hết tiền trả nợ. Theo công ty tài chánh Nomura, Bích Nhai Viên đang phải bỏ dở dang 20 triệu căn hộ, không xây nữa. Vẫn theo tin Nomura, muốn tiếp tục hoạt động, cần 3.2 ngàn tỷ đồng nguyên ($440 tỷ đô la), khó kiếm được người cho vay. Các công ty xây cất khác ở Trung Quốc cũng gặp cảnh nhà cửa đang xây phải ngừng, tổng số nhà bỏ dở không hoàn tất lớn tới 400 triệu; vì người mua không chịu góp tiền hàng tháng nữa. Cuối cùng, lại phải moi tiền nhà nước!

Tình cảnh trì trệ trên khiến các công ty ngoại quốc càng thêm mất tin tưởng vào thị trường Trung Quốc. Họ còn bị chính quyền gây khó khăn với các luật lệ thay đổi tùy tiện. Nhiều công ty rút tiền lời về và không đầu tư thêm; số vốn rút ra ngoài lên cao nhất từ trước đến nay.

Một dấu hiệu cho thấy dân Trung Hoa bất mãn là người ta rủ nhau tổ chức tưởng niệm cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Năm 1989, các vụ tưởng niệm Hồ Diệu Bang, mất ngày 13 tháng Tư đã đưa tới cuộc biểu tình ở Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu đe dọa cả chế độ. Đảng Cộng sản phải ra lệnh các mạng xã hội, hạn chế không cho ca ngợi Lý Khắc Cường “quá đáng!” Những lời nồng nhiệt ca ngợi người quá cố “biết lo đến đời sống dân chúng” trên mạng khiến mọi người so sánh thấy Tập chỉ biết nói mà không biết lo như Lý!

Để tự nâng uy tín với dân, Tập Cận Bình phải chứng tỏ mình vẫn là một lãnh tụ được thế giới bên ngoài kính nể. Hơn nữa, cũng cần giảm bớt tình trạng căng thẳng với Mỹ để chuyên tâm vào các vấn đề trong nước. Cần gặp Joe Biden, trước cuối năm nay, vì sang năm dân Mỹ đi bầu; các ứng cử viên cả hai đảng sẽ chạy đua coi ai đả kích Trung Cộng mạnh hơn! Còn Joe Biden gặp Tập Cận Bình bây giờ thì chẳng lợi lộc gì mà có thể còn thiệt hại nếu bị đảng Cộng Hòa chỉ trích là mềm yếu đối với Trung Cộng.

Sau những năm guồng máy tuyên truyền đã kích Mỹ không hết lời, Tập Cận Bình cần chuẩn bị dư luận trước. Cho nên, các báo đài của nhà nước mở chiến dịch “Nói tốt về nước Mỹ.” Ngày Thứ Hai vừa rồi, Tân Hoa Xã đã viết một bài dài, kể chuyện Tập Cận Bình đã sống trong một gia đình nông gia Mỹ ở Iowa năm 1985, khi còn chưa lên hàng lãnh đạo. Bài báo 1,500 chữ kể rằng dân Iowa khen ngợi lãnh tụ có “nụ cười tươi không bao giờ nghỉ.”

Có bức hình Tập ở trong phòng của người con trai nhà này; hình Tập ngồi trên cái máy kéo cày với chủ nhà. Tân Hoa Xã còn công bố một loạt 5 bài với tựa đề: “Bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ.” Các báo, đài khác cho chiếu lại hình ảnh Ban vũ Ballet Mỹ và Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia mới qua Trung Quốc. Tháng này, một cựu phi công Mỹ đã chiến đấu bên cạnh quân Trung Cộng trong thời kháng Nhật mới được mời qua thăm lại các chiến trường xưa, báo chí khắp nước đều ca ngợi. Lại đăng một bức hình cũ cho thấy Joe Biden và Tập Cận Bình bốc sô cô la ra ăn từ cùng một cái hộp.

Khi gặp mặt Tập Cận Bình, Joe Biden nói, “Tôi thấy hai chúng ta nói chuyện với nhau là rất quan trọng, để hai bên hiểu lẫn nhau, giữa hai người lãnh đạo, không còn hiểu lầm và bị thông tin sai lạc.”

Sau cuộc gặp gỡ, tổng cộng bốn giờ đồng hồ kể cả một lần tản bộ trong vườn, hai bên có vẻ “hiểu lẫn nhau” thật. Và khi hiểu rồi, Joe Biden vẫn không bỏ được cái tật nói sự thật. Cho nên lúc nhà báo hỏi ông còn nghĩ Tập Cận Bình là một nhà độc tài hay không, Biden nói ngay, “Yes!”

Lần trước Biden phát biểu ý kiến này là vào tháng Hai, nhân vụ một khinh khí cầu gián điệp của Trung Cộng “bay lạc” vào không phận Mỹ, bay qua cả các phi trường và căn cứ quân sự. Khi đó Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã tố cáo đó là một lời “vu khống và khiêu khích!” Lần này, Biden còn giải thích: “Ông ta là một nhà độc tài bởi vì đang cai trị một nước cộng sản, một chế độ khác hẳn nước ta.”

Joe Biden nói cho người Mỹ nghe. Ở nước Mỹ, nói đến cộng sản thì ai cũng hiểu đó là một chế độ độc tài!

Các lãnh tụ cộng sản không muốn nhận họ là độc tài, mặc dù trên cương lĩnh vẫn đề cao chủ trương “chuyên chế vô sản” theo lối của Lenin. Chuyên chế khác độc tài thế nào? Chữ thứ nhất nói về một chế độ, chữ sau thường chỉ vào cá nhân một lãnh tụ! Nói chế độ chuyên chế thì người ta thấy đó là một câu chuyện lý thuyết, trừu tượng. Lãnh tụ độc tài thì nghe cảm thấy nhột!

Nhưng đã chuyên chế thì làm sao tránh độc tài? Chuyên chế tức là chỉ có một đảng được nắm quyền sinh sát trên hàng tỷ con người. Trong đảng này, họ lại chuyên chế với nhau, trên bảo dưới nghe, đố đứa nào dám cãi! Thế thì phải gọi người nắm quyền cao nhất là cái gì nếu không gọi là độc tài?

N.N.D.

Nguồn: voatiengviet.com

This entry was posted in Quan hệ Mỹ - Trung, Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.