Nguyễn Văn Hùng, Lưu Bình Nhưỡng và sân khấu Quốc hội

VietTuSaiGon

Vừa qua các trang mạng Việt Nam rầm rộ bàn tán về hai hình ảnh, một hình ảnh cảnh quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long bị phá nát do qui hoạch xây dựng và hình ảnh thứ hai là chân dung ông Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch Nguyễn Văn Hùng, người đề xuất ý kiến nên “phạt nặng những người đã bôi xấu phim điện anh Đất rừng phương Nam” trong phiên họp quốc hội. Cả hai hình ảnh này lại có chung một vấn đề và dẫn đến vấn đề khác, đó là “chấn hưng văn hóa”, một ý tưởng tốn mấy chục ngàn tỉ đồng do Nguyễn Văn Hùng đề xuất trước đây.

Theo Wikipedia: “Vịnh Hạ Long là di sản thế giới, Năm 1962, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp quốc gia đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994 vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo vào năm 2000. Cùng với vịnh Nha Trangvịnh Lăng Cô của Việt Nam, vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7 năm 2003.

Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà tạo thành một trong 21 khu du lịch quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2015, Cục Di sản Văn hóa đã công bố về số lượng khách tham quan vịnh Hạ Long là trên 2,5 triệu lượt khách…”.

Trích như vậy để thấy mức độ quan trọng cũng như mối quan hệ giữa Vịnh Hạ Long với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam như thế nào. Bởi hiện tại, du lịch Việt Nam do Bộ này quản lý, các danh lam, thắng cảnh, di sản cũng do bộ này quản lý. Và đặc biệt, các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên mang tầm vóc thế giới như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long là những vùng cực kì nhạy cảm trong quản lý, bởi ngoài yếu tố trực tiếp quản lý, trực tiếp thu lợi từ du lịch, đây còn là con gà đẻ trứng vàng trong vấn đề tài trợ bảo tồn từ nước ngoài, hơn nữa, là bộ mặt văn hóa đất nước, chế độ.

Thế nên mới có chuyện đoàn xe ông Nguyễn Xuân Phúc thời còn làm Thủ tướng lái vào Phố cổ Hội An thì liền sau đó nhận gạch đá tơi tả từ cộng đồng và những người quản lý phố cổ cũng chịu trách nhiệm, bị khiển trách…

Sự việc kéo dài có vài chục phút nhưng hệ lụy, tai tiếng của nó cả tháng trời. Thế mà sự vụ cả một góc lớn của di sản thiên nhiên thế giới bị đắp, bị người ta làm cho biến dạng bằng hàng triệu mét khối đất đá mà cái bộ văn hóa thông tin truyền thôn và du lịch kia không hề hay biết (hoặc giả biết mà xem như chả có gì), nên chẳng có bất kì động thái phản đối nào, mãi cho đến khi cộng đồng mạng lên tiếng thì người ta mới vỡ lẽ là nó đã được phê duyệt bằng một dự án nhà nước.

Ơ hay, khi phê duyệt dự án cấp tỉnh, dự án sinh thái, có liên quan đến di sản văn hóa, chắc chắn phải có thông qua của các bộ như Bộ Khoa học Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… Ít nhất phải có bốn bộ trên thông qua dự án, phê duyệt, phê chuẩn dự án thì nó mới tiến hành được. Như vậy, không thể nói Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch không biết gì được, nếu nói không biết là nói láo trắng trợn!

Thế nhưng khi sự vụ đổ bể, lùm xùm, chí ít trong phiên họp Quốc hội, ông Hùng, với vai trò Bộ trưởng có liên quan, mà phải nói liên quan trực tiếp phải nêu ra được các vướng mắc hoặc phải giải thích làm sao cho ít ra là thuận nhĩ các đại biểu Quốc hội, gồm cả các nghị gật.

Nhưng không, ông Hùng chả thèm đá động gì đến chuyện vịnh Hạ Long bị tùng xẻo, ông chỉ nhắc đến vụ phim Đất rừng phương Nam, một bộ phim mang nhiều tai tiếng về nội dung, phục trang truyền thống vùng miền và cả diễn xuất. Ông Hùng đưa ra lời đề nghị Quốc hội phê chuẩn về việc chế tài những ai gièm pha, ném đá phim này.

Cũng giống như Bộ trưởng Hùng, các đại biểu Quốc hội chẳng mấy ai đá động đến vấn đề nhức nhối Hạ Long, chẳng mấy ai bàn về tình hình kinh tế, giá điện, giá xăng hay những gì liên quan đến đời sống thiết thực của người dân, các ông quay ra bàn về chuyện đấu giá sim số đẹp, đấu giá biển số xe. Những chuyện tưởng như chỉ bàn ở quán cà phê, vỉa hè thì lại được mang vào bàn thảo ở Quốc hội hết sức sôi nổi và nghiêm túc. Chống buồn ngủ chăng?!

Và, nói tới Quốc hội, chắc không mấy ai không biết đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, một đại biểu được cộng đồng mạng tung hô bởi ông ta có lối nói phản biện, thẳng thắn và không sợ đụng chạm ai. Có thể nói trong số đông các nghị gật tại Quốc hội, có vài người, rất ít ỏi, dám nói mạnh miệng và nói vào tiếng nói lòng dân, thao thức cùng với nhân dân. Trong số ít hiếm hoi đó, có ông Lưu Bình Nhưỡng.

Thế rồi, đùng cái, Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì nghi có dây mơ rễ má với đường dây giang hồ, xã hội đen của Cường “quắt”, đường dây này chuyên trấn lột những người khai thác cát.

Câu chuyện ông Nhưỡng bị bắt khiến cộng đồng mạng chia ra hai luồng dư luận rõ rệt: Ông Nhưỡng bị hại, bởi ông dám nói lên tiếng nói của nhân dân, và ông Nhưỡng có đụng chạm tới lợi ích nhóm; Ông Nhưỡng cũng chỉ là đạo đức giả, lên giọng như bao đồng chí khác, và ông Nhưỡng có gì đó của Nguyễn Bá Thanh trước đây.

Ở luồng dư luận thứ nhất, người ta cho rằng ông Nhưỡng bị hại, có vẻ như không có cơ sở để chứng minh điều đó đúng nhưng cũng chẳng có cơ sở nào chứng minh điều đó sai. Bởi hiện tại, mọi thứ vẫn chưa phơi bày rõ ràng trước ánh sáng, mà đã có ánh sáng rồi thì cũng chưa biết đó là ánh sáng mặt trời hay là ánh sáng đèn dầu tù mù tranh tối tranh sáng. Và hơn nữa, quá trình phản biện của ông Nhưỡng không ít lần đụng chạm đến các nhóm lợi ích, đặc biệt là các nhóm lợi ích trong việc khai thác tài nguyên môi trường. Ông Nhưỡng bị hại cũng dễ hiểu thôi.

Luồng thứ hai, cho rằng ông Nhưỡng có thể nhúng chàm, một kiểu Nguyễn Bá Thanh xứ Bắc, cũng không sai. Bởi nói cho cùng thì cán bộ Cộng sản, có ông nào thực sự tử tế đâu, mà nếu thực sự tử tế thì chả ai dại gì chui vào đảng, bởi ở đó chỉ toàn những nguyên tắc nặng nề, hà khắc và thiếu thực tế, nếu không có thứ gì đó tươi tươi để chấm mút thì chắc điên mới xông vào. Người ta vào đảng với mục đích duy nhất là vinh thân phì gia, và cũng như bao người khác, ông Nhưỡng cũng giàu có, cũng đầy đủ như các quan “thanh liêm” khác, ông chẳng có gì khác họ.

Cũng như Nguyễn Bá Thanh, từng được ca tụng, tung hê cho lắm vào, đến khi chết xuống, người ta mới hiểu rằng, à, cũng chả có anh Cộng sản nào tốt đâu, cái khác nhau là một thằng xấu ra mặt, một thằng xấu chừng chừng, xấu nhưng cũng chừa một tí cho người khác thở. Rồi người ta khui lại vụ Giáo xứ Cồn Dầu, khui lại hàng ngàn lô đất, khui lại biết bao nhiêu chuyện tày đình, người ta lại so sánh lăng mộ của Nguyễn Bá Thanh với các ông vua… Nói cho cùng, chả có thằng nào tốt.

Nói như vậy để thấy rằng Quốc hội Việt Nam chỉ như cái sân khấu lớn, các diễn viên luân phiên diễn kịch cho nhau xem, đứa nào xem chán thì ngả lưng, há mồm mà ngủ, mà ngáy, đứa nào có sức thì đăng ký lên diễn tiếp, diễn bao giờ mệt thì lại giao vai cho đứa khác, nhưng mà diễn phải sinh lãi, phải lấy được nước mắt hay lòng tin của dân chúng đang xem ti vi, và phải lấy được tiền bán vé, tiền ủng hộ, tiền tài trợ, chứ không phải cứ diễn cho nhau xem rồi vỗ tay.

Có lẽ từ nay, dù gì đi nữa thì sân khấu Quốc hội cũng mất đi một diễn viên chính, cái  vai anh hùng của ông Nhưỡng tạm thiếu vắng, một số diễn viên phản diện sẽ nhảy vào thay thế tạm thời, và cứ như thế, sân khấu lại tiếp tục những vở diễn mới.

V.T.S.G.

Nguồn: RFAVietNam

This entry was posted in Lưu Bình Nhưỡng, Quan trí, quốc hội, Thể chế, văn hoá. Bookmark the permalink.