“Xuyên tạc” thơ thì xử lý thế nào?

Hoàng Tuấn Công

Vừa rồi Bộ trưởng VH-TT-DL có ý kiến sẽ "xử lý" người “bôi nhọ” phim “Đất rừng phương Nam”, khiến tôi nhớ đến hôm theo dõi buổi truyền hình trực tiếp Hội nghị Văn hoá Toàn quốc. Câu thơ của Trường Chinh có 8 chữ, thì đương kim Bộ trưởng VH-TT-DL đọc sai mất 3 chỗ (thiếu/sai chỗ này và thừa/sai chỗ kia).

Điều đáng nói là Bộ trưởng đọc sai ngay tại “Hội nghị Văn hoá Toàn quốc” (24/11/2021), và sai ngay thơ của Tổng Bí thư Trường Chinh – Tác giả Đề cương văn hoá Việt Nam (1943)!

Bộ trưởng đã đọc sai (một cách rất diễn cảm) như sau:

“Nhà thơ – Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng viết “Dùng CÁN bút ĐỂ làm ĐÒN XOAY chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”!

Khi đăng báo có lẽ người biên tập đã sửa “CÁN bút” thành “NGÒI bút”, cho đỡ thô (bài trên Website của “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam”).

https://vietnamtourism.gov.vn/post/38647

Tuy nhiên, đây chỉ là thay cái sai này bằng cái sai khác.

Xin phân tích hầu bà con chút cho thư giãn:

1- “Dùng bút” chứ không phải “dùng CÁN bút”

- Có lẽ Bộ trưởng nghĩ rằng, “chế độ” cũng giống như cái bánh xe, hay bản lề cánh cửa han gỉ. Muốn tác động cho nó “XOAY” được thì phải “nạy”, phải “bẩy”? Thế nên phải trở bút đằng “CÁN” để xoay" cho nó khoẻ chăng? Nhưng “dùng CÁN bút” (hữu hình) để “xoay chế độ” (vô hình) sao được? Mà dẫu “chế độ” có hữu hình như cái cánh cửa han gỉ kia, thì “cán bút” cũng sẽ gãy đánh “rắc” ngay! Phải dùng xà beng, xà cày thép mới khoẻ!

- Có thể Bộ trưởng (hoặc Thư kí của ông) sẽ cãi rằng, “cán bút” là chỉ là hình ảnh ẩn dụ. Nhưng càng “ẩn dụ” càng sai! Vì người ta viết bằng “bút”, bằng “ngòi bút”, chứ không ai viết bằng “CÁN bút”! Thế nên, thường nói “Tôi sống bằng nghề cầm bút”, “Tôi sống bằng ngòi bút”, chứ không ai nói “Tôi sống bằng nghề cầm CÁN bút”, “Tôi sống bằng CÁN bút” bao giờ!

2- Sửa rồi vẫn sai

Ai đó đã sửa lại cho Bộ trưởng, “dùng CÁN bút”, thành “dùng NGÒI bút”, bỏ chữ “ĐỂ” đi. Nhưng “dùng NGÒI bút” chỉ có thể đúng, khi đi liền sau đó là… “làm giáo đâm …”(!). Vì đã là “ngòi bút” thì không thể ẩn dụ làm “ĐÒN xoay” được? Thế nên, chính xác phải là “DÙNG BÚT”, với nghĩa là “cây bút”, vừa gợi hình ảnh của “đòn”, vừa chỉ phương tiện văn chương, chữ nghĩa.

3- “Đòn CHUYỂN xoay” chứ không phải “ĐÒN XOAY”

Nếu là “đòn xoay” thì cùng lắm “chế độ” cũng bị “chóng mặt” chút xíu là cùng! Hơn nữa, viết như vậy, thì chữ “đòn” không còn mang nghĩa là phương tiện nữa, mà sẽ thành “mẹo mực”; và “xoay” ở đây sẽ được hiểu là tìm đủ mọi cách để có (như “xoay tiền”). Thế nên, phải là “CHUYỂN XOAY chế độ” (“chuyển xoay” = xoay chuyển → thay đổi, biến chuyển) mới đúng ý Trường Chinh.

4 – Trích dẫn mà không hiểu

Nguyên văn câu thơ của Trường Chinh là: “Dùng BÚT làm đòn CHUYỂN xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”.

Ngoại trừ một số báo như Quân đội Nhân dân, báo Nhân dân, v.v… trích dẫn đúng (báo QĐND còn kèm ảnh chụp bút tích bài thơ “Là thi sĩ” của ông Trường Chinh trên báo Cờ giải phóng số 4, ngày 18/4/1944), còn lại hầu như báo chí từ trung ương đến địa phương trích dẫn sai tùm lum; đúng chỗ này thì sai chỗ kia. Ví dụ:

- Bài: Báo chí với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay theo quan điểm Hồ Chí Minh (TS. Lê Trung Kiên – Báo điện tử Đảng CSVN) trích dẫn: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”!

https://dangcongsan.vn/…/bao-chi-voi-viec-bao-ve-nen…

- Bài Trường Chinh – Nhà văn hóa lớn (TS Văn Thị Thanh Mai – Tạp chí Tuyên giáo): “Lấy cán bút làm đòn chuyển xoay chế độ. Mỗi vần thơ – bom đạn phá cường quyền!”

https://tuyengiao.vn/…/truong-chinh-nha-van-hoa-lon-96434

Tuy nhiên, đã là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thì không thể sai theo kiểu ngây ngô như thế được!

Đáng chú ý, cũng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (2021), sau bài diễn văn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tổng kết, trong đó có ý kiến chỉ đạo như sau:

“…bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hoá, ở cả trung ương và địa phương. Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”…"!

P/S: Clip trích từ nội dung tường thuật trực tiếp Hội nghị Văn hoá Toàn quốc (2021) trên kênh YouTube – NinhBinhTV.

(BVN không đưa youtube này, xin mở đường link sau đây khắc có ngay: https://www.facebook.com/TuancongThuphong/videos/725366912834132/)

H.T.C.

Nguồn: FB Hoàng Tuấn Công

This entry was posted in Quan trí, văn hoá. Bookmark the permalink.