(Phân tích chính trị trên báo The Washington Post)
Philip Bumpg, The Washington Post ngày 10.11.2023
Trần Ngọc Cư dịch
Cứ mỗi giờ trôi qua, sự nắm giữ của Donald Trump càng trở nên chặt chẽ hơn đối với khả năng ông được Đảng Cộng hoà đề cử làm ứng viên Tổng thống năm 2024. Mỗi một ngày mà các đối thủ Cộng hòa của ông không giành được chỗ đứng ở vị trí của ông là một ngày ông tiến gần hơn đến việc xuất hiện trên lá phiếu vào tháng 11 năm tới và gần hơn nữa với khả năng nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2025.
Đối với nhiều nhà quan sát, điều này có vẻ không ổn chút nào. Dù sao, những ngày gần đây cũng đã mang lại một nhận thức mới về các kế hoạch của Trump nếu ông ấy nhậm chức vào ngày đó, những kế hoạch thường bao hàm việc sử dụng quyền lực độc tài một cách không che đậy. Trump có kế hoạch loại bỏ tận gốc những quan chức không trung thành và cài đặt những kẻ có thiện cảm về mặt ý thức hệ. Trump đang nói một cách công khai về việc sử dụng Bộ Tư pháp để nhắm vào các đối thủ của mình, bao gồm cả việc gây khó khăn cho các đối thủ chính trị có thể có. Và đó chỉ là nêu tên hai ví dụ gần đây.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền của Trump được bố trí một phần bởi những nhân viên có thành tích lâu năm trong Chính phủ, những người hiểu rõ sự cân bằng quyền lực giữa các ngành và các giới hạn về quyền lực của Tổng thống, dù họ khứng chịu việc Trump đẩy những giới hạn đó đi xa. Một số người từng đóng vai trò trợ tá như vậy ngày càng lên tiếng phản đối nỗ lực giành quyền lực của Trump. Nhưng đây là lý do tại sao Trump có kế hoạch đảm bảo rằng chính quyền thứ hai của ông không có ai trong đó, ở bất kỳ cấp bậc nào, sẽ có thể cản đường ông.
Với tất cả những điều này, với những luận điệu ngày càng rõ ràng của Trump về việc chuyển tư thế người đứng đầu ngành hành pháp sang chủ nghĩa độc tài, người ta có vẻ khó hiểu tại sao ông ấy vẫn cạnh tranh ngang ngửa với Tổng thống Biden trong các cuộc thăm dò dư luận sớm – hoặc, trong một số trường hợp, dẫn trước Biden. Một loạt khả năng xuất hiện: Phải chăng giới truyền thông không cung cấp đầy đủ thông tin cho cử tri? Phải chăng các cử tri ủng hộ Trump đang loại bỏ các phương tiện truyền thông đưa tin về ý định của ông ấy? Phải chăng Trump chỉ đơn giản được coi là kẻ ít tồi tệ hơn trong hai kẻ tồi tệ?
Mỗi điều có lẽ có các phần đúng của nó. Nhưng cũng có một cách giải thích rộng hơn, đơn giản hơn: Đối với nhiều người Mỹ, việc chuyển sang chế độ độc tài không còn bị coi là tiêu cực. Nhiều người Mỹ ủng hộ ý tưởng đó.
Tháng trước, PRRI [Public Religion Research Institute, Viện Nghiên cứu giao điểm của tôn giáo, các giá trị và chính sách công] đã công bố kết quả cuộc Khảo sát Giá trị Mỹ hàng năm của tổ chức này. Những người thăm dò đã hỏi những người trả lời một loạt câu hỏi để đo lường quan điểm của họ về nước Mỹ và nền chính trị của nước này vào thời điểm hiện tại. Trong số các câu hỏi có một câu hỏi đặc biệt đề cập đến chủ nghĩa độc tài: Họ có nghĩ rằng mọi thứ ở Hoa Kỳ đã đi quá trớn đến mức chúng ta cần một nhà lãnh đạo có thể phá vỡ các quy tắc để điều chỉnh đường hướng của đất nước không?
Khoảng 2 trong 5 người được hỏi cho biết họ đã nghĩ như vậy. Điều đó bao gồm gần một nửa số cử tri Cộng hòa.
Trở lại đầu năm 2016, nhà khoa học và cố vấn chính trị Matthew MacWilliams đã xác định sự ủng hộ đối với các xu hướng độc tài là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự ủng hộ dành cho Trump của các cử tri sơ bộ của Đảng Cộng hòa. Trước cuộc bầu cử năm 2020, ông đã xem xét lại ý tưởng này và lưu ý rằng “khoảng 18% người Mỹ rất ủng hộ chủ nghĩa độc tài, theo câu trả lời của họ cho bốn câu hỏi khảo sát đơn giản được các nhà khoa học xã hội sử dụng để ước tính xu hướng này”.
MacWilliams giải thích rằng những câu hỏi đó đề cập đến một số thành tố khác nhau trong mối thiện cảm dành cho chế độ độc tài. Một câu hỏi được đặt ra tương tự như câu hỏi của PRRI, về việc sẵn sàng chấp nhận một “nhà lãnh đạo mạnh” làm những gì họ muốn. Một câu hỏi khác tập trung vào nhận thức của giới truyền thông. Một câu hỏi thứ ba tập trung vào việc phản đối sự đa dạng văn hóa.
Cuộc khảo sát Nghiên cứu Bầu cử Quốc gia Hoa Kỳ được thực hiện xung quanh các cuộc bầu cử Tổng thống bao gồm các câu hỏi gần giống với những câu hỏi mà MacWilliams đặt ra.
Chưa đến một nửa số người được hỏi phản đối ý kiến cho rằng chúng ta cần một nhà lãnh đạo mạnh dù nhân vật này vi phạm các quy tắc hiện hành. Đa số những người bảo thủ đã tán thành ý tưởng đó. Chưa đến một nửa số người được hỏi bày tỏ lo ngại tương tự rằng Chính phủ có thể muốn bóp nghẹt sự chỉ trích của báo chí trong khi đa số những người bảo thủ một lần nữa bày tỏ sự thiếu lo ngại về khả năng đó.
Hầu hết những người được hỏi đều nói rằng họ nghĩ rằng sự đa dạng văn hóa đã khiến nước Mỹ trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đa số những người bảo thủ cho biết họ nghĩ rằng đa dạng văn hóa không cải tiến xã hội. Họ có xu hướng nói rằng điều đó khiến đất nước trở nên tồi tệ hơn gấp năm lần so với những người theo chủ nghĩa tự do bình đẳng.
Đây là những thước đo về các mối thiện cảm đối với chế độ độc tài nói chung, cho thấy rất nhiều người Mỹ nhún vai trước khái niệm về một nhà lãnh đạo mạnh hành động vượt ra ngoài ranh giới pháp lý. Tuy nhiên, một lần nữa, chúng ta có thể sẽ thấy điều đó một cách rõ ràng trong cuộc bỏ phiếu năm 2024.
Cuộc thăm dò gần đây nhất của CNN, do SSRS thực hiện, cho thấy Trump dẫn trước Biden trên toàn quốc với khoảng cách 4 điểm, đồng đều về mặt thống kê. Tuy nhiên, ngay cả khi xét đến phản ứng của Trump đối với cuộc bầu cử năm 2020 và vô số cáo buộc hình sự mà ông phải đối mặt, những người được hỏi có khả năng nói rằng họ sẽ tự hào khi có ông làm Tổng thống cao hơn 5 điểm phần trăm so với những người nói điều tương tự về Biden.
Cuộc thăm dò của CNN cũng yêu cầu mọi người đánh giá Biden và Trump về các đặc điểm cá nhân. Hầu hết những người được hỏi đều nói rằng họ nghĩ Biden tôn trọng pháp quyền; chỉ khoảng một phần ba nói điều tương tự về Trump.
Nhưng hãy nhớ: 49% số người được hỏi thích Trump hơn Biden. Có nghĩa là ít nhất 14% số người được hỏi đều cho rằng Trump không tôn trọng pháp quyền và muốn ông trở thành Tổng thống.
CNN cũng hỏi liệu người Mỹ có từ chối ủng hộ Biden hay Trump hay không. Đa số người được hỏi cho biết họ sẽ không bao giờ ủng hộ Biden – vượt xa tỷ lệ người nói điều tương tự về Trump.
Bản thân vấn đề thách thức pháp lý của Trump cho thấy nhiều điều. Trong nhiều năm, ông lập luận rằng các cuộc điều tra về hành động của ông vốn mang tính chính trị, là những nỗ lực nhằm đánh đổ sự thành công chính trị của ông. Ông coi đây là một phản ứng của giới chóp bu [the elite] đối với việc ông đấu tranh cho những người Mỹ trung bình, một thông điệp gây được tiếng vang đối với khối cử tri cơ sở của ông. Bất chấp bằng chứng rõ ràng về hành vi sai trái của Trump – cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, các tài liệu được tìm thấy ở Mar-a-Lago, nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử ở Georgia – hầu hết người Mỹ nói với những người thăm dò ý kiến của YouGov vào tháng 8 rằng họ xem các cáo buộc nói trên có mục đích ngăn chặn Trump về mặt chính trị.
Khoảng 4 trong 5 cử tri Cộng hòa giữ quan điểm đó. Vì thế việc họ sẽ nhún vai khi thấy Trump sẽ trả đũa các đối thủ của ông là điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Kể từ khi Donald Trump tuyên bố tranh cử vào tháng 6/2015, báo chí đã bị chỉ trích vì không truyền thông chính xác những gì ông muốn làm với quyền lực Tổng thống. Một lần nữa, điều này đôi khi là sự chỉ trích công bằng. Nhưng lý do khiến Trump đang thành công trong các cuộc thăm dò vào lúc này không chỉ đơn giản là mọi người không từng biết đến những ý định độc tài đã nêu của ông nếu ông nhậm chức vào tháng 1 năm 2025. Mà cũng là có rất nhiều người ủng hộ các ý đồ đó.
Philip Bump là một nhà báo chuyên mục của Washington Post có trụ sở tại New York. Ông viết bản tin “How To Read This Chart” [Cách đọc biểu đồ này] và là tác giả của cuốn “The Aftermath: The Last Days of the Baby Boom and the Future of Power in America” [Hậu quả: Những ngày cuối cùng của Cuộc bùng nổ dân số và Tương lai Quyền lực tại Mỹ.]
Dân chủ chết trong bóng tối [khẩu hiệu của Washington Post]
P. B.
Dịch giả gửi BVN.