Hội Công lý cho nạn nhân Formosa: “Chúng tôi tin rằng hiện nay Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục xả thải ra biển”

RFA – 2023.11.08

Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục xả thải ra biển kể từ sau thảm họa Formosa 2016. Muốn biết người dân nơi đây đã phải gánh chịu hậu quả ra sao, cần phải có nghiên cứu độc lập. Đó là khẳng định của bà Nancy Bùi – Hội Công lý cho nạn nhân Formosa.

Tiếp theo phần trước, mời quý vị tiếp tục theo dõi bài phỏng vấn sau của RFA với bà Nancy Bùi và Linh mục Nguyễn Văn Hùng. Để biết thêm chi tiết, quý khán thính giả có thể theo dõi cuộc phỏng vấn bà Diane Wilson.

Khôi nguyên Giải Môi trường Diane Wilson đang tuyệt thực trước Formosa Texas từ ngày 31/10/2023 để ủng hộ vụ kiện ở Đài Loan của nạn nhân Formosa Hà Tĩnh. Photo: RFA

RFA. Có ý kiến cho rằng Formosa đã nộp cho Nhà nước Việt Nam nửa tỷ USD tiền đền bù cho những thiệt hại do thảm họa môi trường 2016 gây ra, vậy liệu có cơ sở pháp lý để đòi hỏi Formosa tiếp tục trả tiền cho nạn nhân là người dân hay không? 

Bà Nancy Bùi: Không chỉ riêng tôi mà các luật sư và nhiều người khác cũng cho rằng bên gây hại có trách nhiệm đền bù trực tiếp cho bên thiệt hại. Nếu bên gây hại đưa tiền cho bên thứ ba, nhờ bên thứ ba này đưa tiền cho bên bên bị thiệt hại mà bên thứ ba này không đưa lại tiền cho nạn nhân thì đó là mối quan hệ giữa bên gây hại và bên thứ ba kia. Điều đó không hủy bỏ được trách nhiệm của bên gây hại với nạn nhân. 

Nhà nước Việt Nam có đưa ra một số thông tin rời rạc, chỗ này chi bao nhiêu tiền, chỗ kia chi bao nhiêu tiền, nhưng những con số đó không đầy đủ, không cho thấy bức tranh tổng thể là nửa t đô la đó chi cho ai, vào việc gì. 

Có rất nhiều tiếng nói than phiền về vấn đề là có những người dân không nhận được đồng đền bù nào, hoặc có người được nhận nhưng rất ít so với thiệt hại. Đối với những người được đền bù, tính trung bình thì nhận được khoảng 740 USD nếu quy đổi sang tiền đô la. Trong đó, có những người mất cả nghề nghiệp. Hoặc có cơ sở kinh doanh sản xuất lưới đánh cá hàng tháng họ kiếm được khoảng 3 ngàn USD hàng tháng nếu quy đổi ra đô la, nhưng tổng số tiền họ nhận được chỉ là 3 ngàn USD. Đó là chưa kể đến chi phí để làm sạch vùng biển đó, những người bị bệnh tật do ảnh hưởng từ ô nhiễm. 

Đó chỉ là một cái nhìn tổng quát dựa vào những thông tin rời rạc có được chứ chưa có một nghiên cứu nào để xác định tương đối toàn diện tổng những thiệt hại do thảm họa môi trường đó gây ra. 

Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Có ba vấn đề. Thứ nhất là việc đền bù phải được thực hiện trực tiếp giữa bên gây hại và bên bị thiệt hại. Nếu bên gây hại nhờ bên thứ ba nhận tiền mà bên thứ ba không trao lại cho bên bị thiệt hại đầy đủ và như bên bị thiệt hại mong muốn thì đó là vấn đề giữa bên gây hại và bên thứ ba. Bên bị thiệt hại vẫn có quyền khởi kiện để yêu cầu bên gây hại thực hiện nghĩa vụ đền bù trực tiếp cho mình. 

Thứ hai là Nhà nước Việt Nam khi làm việc với Formosa chưa bao giờ hỏi nạn nhân là họ muốn gì trong việc nhận bồi thường. Nạn nhân cũng chưa bao giờ ủy quyền cho Nhà nước Việt Nam nhận thay tiền đền bù. 

Thứ ba là sự bồi thường phải dựa trên hậu quả của sự thiệt hại. Chưa có một nghiên cứu nào để xác minh tổng thể các thiệt hại do thảm họa gây ra và Formosa phải bồi thường bao nhiêu. 

Vì những lý do trên, chúng tôi giúp cho nạn nhân đòi công lý trực tiếp từ bên gây hại là công ty Formosa chứ không phải là nhà nước Việt Nam. 

RFA. Về Hội Công lý cho nạn nhân Formosa, xin cho biết trong vụ kiện này, Hội có tư cách pháp lý kiện Formosa ở Đài Loan không.

Bà Nancy Bùi: Chúng tôi không kiện ai cả mà chúng tôi giúp nạn nhân kiện. Nạn nhân là nguyên đơn, còn công ty Formosa là bị đơn. Riêng hội thì giúp nguyên đơn về vấn đề hồ sơ, thuê mướn luật sư, tìm các dữ kiện cần thiết để chứng minh trước tòa về những thiệt hại một cách khoa học. Tổng cộng có 7874 nguyên đơn là các nạn nhân tham gia kiện Formosa. 

Về sự tham gia của Hội vào vụ kiện thì năm 2016, khi thảm họa môi trường xảy ra, nhiều hội đoàn người Việt ở hải ngoại đã quyên tiền gửi về cho người dân có gạo ăn và một số nhu cầu thiết yếu. Sau đó Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, người trông coi giáo phận vùng Hà Tĩnh khi đó, ra ngoại quốc để nói chuyện với cộng đồng người Việt hải ngoại, những tổ chức nhân quyền, môi trường quốc tế để đề nghị giúp cho người dân bị khốn khổ. Lúc Đức Giám mục đi vận động ở Seatle, gặp chúng tôi ở đó, ngài nói xin anh chị hải ngoại giúp đồng bào trong nước vì họ không có con đường nào. Chúng tôi về họp lại và quyết định giúp Đức Cha và người dân. Từ đó, chúng tôi đã gặp các nhóm luật sư về môi trường và nhân quyền ở Hoa Kỳ, Đài Loan và Canada. Nhóm luật sư Canada là chuyên về nhân quyền. Các luật sư tư vấn là cần kiện Formosa để đòi hỏi họ làm sạch môi trường biển như trước và đền bù trực tiếp cho ngư dân. Chúng tôi cũng yêu cầu phải có những cuộc khảo sát để bảo đảm là những ô nhiễm đó đã được làm sạch và bảo đảm trong tương lai không còn thảm họa tương tự xảy ra nữa. 

RFA. Xin cho biết khả năng tìm bằng chứng về trách nhiệm của Formosa trong thảm họa môi trường ở miền Trung Việt Nam năm 2016. Formosa sau đó có làm gì để giảm thiểu việc xả thải độc hại với môi trường hay không?  

Bà Nancy Bùi: Chính phủ Việt Nam coi đây là vấn đề an ninh quốc gia nên không công bố đầy đủ kết quả điều tra. Có một số nhà khoa học ngoại quốc ở Đức, Nhật và trong nước đã đưa ra kết quả nghiên cứu cho rằng Formosa là thủ phạm của vụ này. Bản thân Formosa đã công khai trước công luận là họ phạm lỗi, họ xin nhận lỗi, họ đã nộp tiền phạt hoặc đền bù cho Nhà nước Việt Nam. Do đó, việc chứng minh Formosa phạm lỗi không phải là việc khó khăn. 

Chúng tôi tin rằng hiện nay Formosa vẫn tiếp tục xả thải ra biển vì cá không còn trở về, hoặc về rất ít, không đủ để ngư dân duy trì thu nhập như trước đây. Do đó, biển miền Trung trước đây bị hại và bây giờ vẫn tiếp tục bị hại. Bị hại nhiều hay ít thế nào thì đòi hỏi phải có nghiên cứu độc lập để biết rõ. 

Trong vụ việc Formosa ở Texas, Mỹ, xả thải ra vịnh, tòa án Mỹ đã tuyên Formosa đền bù cho ngư dân 50 triệu USD để họ lập hợp tác xã, khôi phục sinh kế. Ngoài ra còn có một bản án gắt gao là nếu Formosa còn xả thải ra biển thì cứ mỗi một viên hạt nhựa ra biển sẽ phải nộp phạt 15 ngàn USD cho năm đầu tiên, 25 ngàn USD cho năm thứ 2 và 35 ngàn USD cho năm thứ 3. Từ cuối 2019 đến nay thì họ vẫn xả thải một phần và bị phạt tới 13 triệu USD. Formosa Texas có công nghệ tiên tiến hơn Formosa Hà Tĩnh. Ở Mỹ có tòa án độc lập, việc thực thi pháp luật nghiêm minh, các hội đoàn xã hội rất mạnh mà họ vẫn còn xả thải như vậy thì thử hỏi ở Việt Nam có cách nào để Formosa không làm?

RFA xin cảm ơn bà Nancy Bùi và Linh mục Nguyễn Văn Hùng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

Nguồn: RFA Tiếng Việt

 

This entry was posted in Formosa, Môi trường biển Việt Nam. Bookmark the permalink.