Sai lầm khiến Phú Quốc trả giá

Mai Sơn 

TheLEADER – Giám đốc Savills Hotels Châu Á-Thái Bình Dương Mauro Gasparotti cho rằng vấn đề của Phú Quốc không phải là dư cung khách sạn mà là sai lầm trong phát triển sản phẩm.

Giám đốc Savills Hotels Châu Á – Thái Bình Dương Mauro Gasparotti. Ảnh: NVCC

– Từ góc độ một nhà tư vấn, ông nhận thấy đâu là những thách thức mà các nhà đầu tư bất động sản du lịch ở Phú Quốc đang phải đối mặt?

Ông Mauro Gasparotti: Hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. 

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã gia nhập thị trường một cách vội vàng, thiếu sự cân nhắc thấu đáo trong quá trình hoạch định và triển khai dự án. Một số chủ đầu tư đơn thuần sao chép các sản phẩm hiện hữu và bỏ qua các yếu tố xu hướng thị trường, văn hóa địa phương để kiến tạo nét đặc trưng riêng cho dự án. 

Dù vẫn có nhiều dự án chất lượng được phát triển nhưng Phú Quốc lại thiếu một khu vực điểm nhấn trung tâm, tập trung các hoạt động tham quan, khám phá để gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách.

Tình trạng dư thừa nguồn cung một số sản phẩm như nhà phố thương mại cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Nhiều khu phố thương mại bị bỏ trống, tạo ra cảm giác hoang vắng, có thể ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm của du khách và hình ảnh của ngành du lịch của Phú Quốc.

Việc mở rộng các đường bay kể từ cuối năm 2012 đã thúc đẩy sự phát triển của du lịch và khách sạn. Phú Quốc hiện có khoảng 25.000 phòng lưu trú, chủ yếu là từ các cơ sở do người địa phương vận hành có quy mô nhỏ. Chỉ có khoảng 15% nguồn cung đến từ các thương hiệu khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, chuyên nghiệp và sang trọng.

Một trong những điểm cạnh tranh của Phú Quốc là chính sách thị thực khi hòn đảo này miễn thị thực cho khách du lịch đến từ mọi quốc gia, với điều kiện nhập cảnh trực tiếp và không di chuyển đến địa phương khác.

Chính sách này mang lại lợi thế trong việc thu hút khách du lịch quốc tế nhưng số lượng các đường bay quốc tế hạn chế lại là rào cản, ngăn Phú Quốc khai thác hết tiềm năng của mình.

Giải quyết những thách thức này thông qua quy hoạch tổng thể và đầu tư mang tính chiến lược là rất quan trọng để khai phá toàn bộ sức hấp dẫn và tiềm năng kinh tế của Phú Quốc.

– Có ý kiến cho rằng nên tạm dừng xây mới khách sạn tại Phú Quốc để có thể hấp thụ hết nguồn cung hiện tại. Theo ông, ý kiến này có hợp lý hay không?

Ông Mauro Gasparotti: Tôi nghĩ là không. Tôi nghĩ rằng vấn đề không nằm ở việc phát triển quá mức mà bắt nguồn từ sai lầm trong phát triển sản phẩm. 

Một số khu nghỉ dưỡng được xây dựng và định vị tốt nhưng cũng có một số sản phẩm tập trung vào số lượng hơn là chất lượng. 

Du khách thời nay đánh giá cao trải nghiệm và họ có nhiều lựa chọn để khám phá. Do đó, các nhà phát triển nên đặc biệt chú ý đến nâng cao trải nghiệm của khách hàng, chẳng hạn như dịch vụ, cơ sở vật chất, ẩm thực, cảnh quan, giải trí, thiên nhiên, yếu tố sức khỏe, nghệ thuật và văn hóa, để đảm bảo sự thành công của một khu nghỉ hoặc điểm đến. 

Một số dự án quá tập trung vào việc đạt được số lượng phòng lớn mà ít quan tâm đến những khía cạnh quan trọng khác. 

Chính quyền Phú Quốc nên ưu tiên không gian cho việc phát triển các sản phẩm chất lượng, cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo tồn văn hóa địa phương và bền vững. Cùng với đó là khuyến khích cộng đồng địa phương trở thành yếu tố quan trọng cho tương lai của đảo.

Có những khu nghỉ dưỡng được xây dựng và định vị tốt nhưng cũng có dự án ít chú ý đến trải nghiệm của du khách. Ảnh: Hoàng Anh

– Theo ông, Phú Quốc liệu rằng có thể xây dựng sức hấp dẫn để cạnh tranh với Phuket và Bali? Những yếu tố nào có thể làm Phú Quốc khác biệt hơn để thu hút du khách?

Ông Mauro Gasparotti: Hoàn toàn có thể. Phú Quốc có những yếu tố tiềm năng để thành công. Nhưng để đạt được điều đó, cần phải có một kế hoạch dài hạn được thực hiện cẩn thận để xác lập Phú Quốc là một điểm đến quốc tế với bản sắc riêng biệt. 

Bali và Phuket đều có những đặc điểm rất riêng biệt và đã mất một khoảng thời gian đáng kể để phát triển thành những trung tâm du lịch như chúng ta thấy ngày nay. 

Phú Quốc không nên cạnh tranh trực tiếp với Bali hay Phuket, mà thay vào đó, nên tìm ra sự quyến rũ của riêng mình và hướng phát triển riêng như một sự lựa chọn kỳ nghỉ hấp dẫn.

– Sức hấp dẫn của Phú Quốc là có nhưng tại sao số lượng khách du lịch quốc tế đến đây vẫn còn khiêm tốn so với Bali và Phuket?

Ông Mauro Gasparotti: Phuket và Bali đã thực sự củng cố vị trí là những điểm đến du lịch hàng đầu, cung cấp cho khách du lịch những trải nghiệm đa dạng và hệ thống hạ tầng du lịch toàn diện. 

Mặc dù sở hữu các khu nghỉ mới chất lượng cao nhưng Phú Quốc thiếu một số yếu tố để trở thành lựa chọn hấp dẫn với du khách, như trải nghiệm văn hóa đa dạng và các lựa chọn giải trí sẵn có ở các điểm đến như Bali hoặc Koh Samui. 

Bali và Phuket cũng cung cấp các loại hình lưu trú, từ các khách sạn giá rẻ, nhà nghỉ đến các khu nghỉ dưỡng sang trọng và biệt thự riêng, phục vụ các phân khúc khách hàng với mức chi trả cao và sở thích khác nhau nhờ vào khả năng kết nối quốc tế xuất sắc.

Khả năng kết nối đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các điểm đến quốc tế nhưng điều này vẫn là một thách thức lớn đối với Phú Quốc.

Các chuyến bay thường xuyên với giá cả hợp lý tạo ra sự hấp dẫn cho điểm đến, và xét ở khía cạnh này, cả Phuket và Bali đều đã làm xuất sắc. Họ có khả năng kết nối quốc tế xuất sắc với các chuyến bay thường xuyên và trực tiếp từ các thành phố lớn như Singapore, Shanghai và Hong Kong. Mức độ kết nối cao này làm cho hai hòn đảo trở thành lựa chọn thuận tiện cho khách du lịch nước ngoài.

Hơn nữa, Phuket và Bali có sự kết nối mạnh mẽ với các trung tâm vận chuyển nội địa. Mỗi tuần, có khoảng 300 – 320 chuyến bay chặng Phuket – Bangkok và khoảng 400 – 500 chuyến bay Bali – Jakarta. 

Trong khi đó, Phú Quốc chỉ có khoảng 100 – 150 chuyến bay tới TP. HCM và chỉ khoảng 50 – 100 chuyến bay đến Hà Nội mỗi tuần, thay đổi tuỳ theo mùa cao điểm. 

Tần suất của các chuyến bay liên quan trực tiếp đến khả năng chi trả, một yếu tố quan trọng để thu hút nhiều du khách hơn.

– Phú Quốc từ lâu được ca ngợi là “hòn đảo ngọc” của Việt Nam, thế nhưng, hiện tại gần như không có dự án khách sạn có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông, vì sao lại có thực tế này? 

Ông Mauro Gasparotti: Hiện nay, thị trường khách sạn tại Việt Nam ít có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà phát triển trong nước đã chiếm ưu thế trong những năm gần đây, nhờ việc dễ dàng tiếp cận tài chính và sự thành thạo trong xây dựng địa phương cũng như quy trình phê duyệt nhanh chóng. 

Trong tương lai, động lực của thị trường có thể thay đổi nếu các thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài được rút ngắn, từ đó có thể mở đường cho nhiều liên doanh hơn với chủ đầu tư trong nước.

Phú Quốc nên tìm ra sự quyến rũ của riêng mình. Ảnh: Hoàng Anh

– Theo ông, cần làm gì để cải thiện tình hình kinh doanh của các khách sạn tại Phú Quốc hiện nay?

Ông Mauro Gasparotti: Phú Quốc có tiềm năng lớn trong lĩnh vực hội nghị, sự kiện thể thao và đám cưới. Hòn đảo này có thể cung cấp các cơ sở hội nghị khác nhau, chỗ ở và tùy chọn giải trí, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng.

Tuy nhiên, để tăng cường và duy trì sự phát triển trong những lĩnh vực này, điều quan trọng là cần tập trung vào cải thiện khả năng kết nối bằng đường hàng không, đảm bảo giá cả cạnh tranh và đầu tư vào phát triển hạ tầng.

Phú Quốc cần có sự kết nối mạnh mẽ với cả trung tâm vận chuyển nội địa và quốc tế, như Singapore – một trung tâm giao thông quan trọng ở châu Á. Sự kết nối này giúp khách du lịch dễ dàng đến Phú Quốc hơn, từ đó giúp điểm đến có sức cạnh tranh đáng kể so với các nơi khác như Phuket hay Bali.

Mặc dù có nhiều dự án mới nhưng Phú Quốc lại thiếu sự điều phối và quản lý tập trung, gây cản trở cho sự phát triển bền vững. 

Những thách thức cần giải quyết bao gồm thiếu cơ sở hạ tầng, nguồn cung nhà phố thương mại quá nhiều, các không gian thương mại không được sử dụng làm giảm sự sôi động, khó khăn trong việc mở rộng sân bay và thiếu tiện ích xã hội. 

Cùng với đó, Phú Quốc bị hạn chế về tiếp thị điểm đến. 

Do vậy, việc đầu tiên cần làm là Phú Quốc cần điều chỉnh kế hoạch phát triển, tập trung vào sự phối hợp, bền vững với sự tham gia của khu vực công và tư. Cần có sự phối hợp và các sáng kiến để bảo tồn và tăng sức hấp dẫn tự nhiên của hòn đảo này.

Trong tương lai, Phú Quốc phải đối diện với nhiều thách thức khi xây dựng bản sắc riêng biệt với cương vị là một điểm đến du lịch quốc tế hấp dẫn. Phú Quốc cần các bước lập kế hoạch chiến lược để định hình tương lai của ngành du lịch trên hòn đảo ngọc này.

M.S.

NguồnThe Leader

This entry was posted in Du lịch Việt Nam, Kinh tế Việt Nam, Quản lý kinh tế, Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.