Không chỉ có chiến hạm: vai trò của Châu Âu trong “huy động cộng đồng” cho nhận thức miền hàng hải ở Biển Đông

Collin Koh Boym Institute ngày 05 tháng 10 năm 2023

Biên dịch: Lê Bá Nhật Thắng Hiệu đính: Nguyễn Trịnh Đôn

Quan sát diễn biến ở Biển Đông trong những tháng gần đây cho thấy rằng tình hình chỉ có trầm trọng hơn. Trung Quốc gây hấn liên tục với các nước láng giềng – đặc biệt là Philippines và Việt Nam.

Toàn cảnh sơ đồ hoạt động của Hải Dương Địa Chất 8 năm 2023 trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia. Dữ liệu được theo dõi và ghi nhận bởi Nhóm Thực địa Dự án Đại Sự Ký Biển Đông và đã được báo cáo tại Hội nghị Bàn tròn Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 36 ở Kuala Lumpur.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã liên tục quấy nhiễu Philippines ở Biển Đông, sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của nước này. Các lực lượng biển của Trung Quốc, bao gồm cả hải cảnh và dân binh biển đã chặn các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines tới Bãi Cỏ Mây. Hải cảnh Trung Quốc cũng đã xuất hiện gần các khu vực khai thác tài nguyên của Việt Nam, sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính.

Cho đến gần đây, Việt Nam là quốc gia mạnh mẽ nhất ở Đông Nam Á trong việc đẩy lùi Trung Quốc. Gần đây, Philippines cũng đã tham gia đối phó quyết liệt nhưng theo một cách tương đối khác biệt. Hà Nội chủ yếu tìm cách vừa tránh gây sự chú ý lại vừa đáp trả mạnh mẽ các vi phạm của Trung Quốc trên biển bằng lực lượng hạn chế của riêng mình. Còn Manila đã chọn một hướng tiếp cận “công khai” hơn. Họ quyết định công bố hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, với ý định rõ ràng là quốc tế hóa các tranh chấp và đưa sự hung hăng của Bắc Kinh vào tầm chú ý của thế giới.

Đây là một ví dụ điển hình cho hành động bất đối xứng khi một quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn chống lại kẻ mạnh. Việc Philippines công bố hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông không có ảnh hưởng rõ rệt đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhận định ban đầu rằng sự “công khai” này có thể buộc Trung Quốc xem xét những hậu quả khả dĩ đối với lợi ích của họ và từ đó điều chỉnh các động thái trong tương lai cũng không phải phi lý. Cảnh sát biển Philippines đã quan sát thấy các lực lượng Trung Quốc có vẻ “ít hung hăng” khi biết có người làm truyền thông hiện diện trên các tàu chính phủ Philippines trong những cuộc leo thang gần đây, lần đầu tiên được ghi nhận vào tháng 7 và tháng 9.

Trong cuộc chiến chống lại “gã khổng lồ” Trung Quốc của những “người tí hon” Đông Nam Á, phản ứng đầu tiên của bất kỳ các bên liên quan nào bên ngoài nhưng có quan tâm đến khu vực thường sẽ là biện pháp mạnh, tức dùng tàu chiến để thể hiện thái độ. Những động thái này hy vọng sẽ khiến Bắc Kinh thấy rằng hành động của họ đang bị theo dõi và các quốc gia gửi tàu chiến ủng hộ các đối thủ của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp. Theo lời của Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Carlos del Toro, Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành một “hoạt động làm mẫu đáng chú ý” vào năm 2020 để ủng hộ Malaysia trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về tàu khoan dầu West Capella ở ngoài khơi Sarawak. Tuy nhiên, lực lượng hải quân và cảnh sát biển Hoa Kỳ không thể lúc nào cũng hiện diện được khắp nơi.

Có lẽ các lực lượng hải quân Châu Âu còn gặp nhiều khó khăn hơn vì khả năng hạn chế hiện tại. Theo các thỏa thuận điều phối hiện diện hải quân của Liên hiệp Châu Âu, chỉ có một số ít quốc gia Châu Âu có khả năng triển khai và duy trì hải quân tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào mọi lúc. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực địa lý rộng lớn đến nỗi gần như không thể kỳ vọng lực lượng hải quân Châu Âu sẽ hiện diện tại Biển Đông 24/7 cho dù khối Châu Âu muốn thế.

Pháp là một trong những nước duy trì sự hiện diện hải quân rộng rãi nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng lực lượng của nước này nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn, bao gồm cả cực nam của Thái Bình Dương. Vương quốc liên hiệp Anh & Bắc Ireland hiện có một cặp tàu tuần tra ngoài khơi được triển khai thường xuyên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều năm. Tuy nhiên, ngay cả hai tàu chiến này cũng chỉ tối ưu trong việc thực hiện các hoạt động thời bình ở cường độ thấp, chẳng hạn như những hoạt động vùng xám điển hình ở Biển Đông chứ không phải lúc nào cũng hiện diện ở Biển Đông. Cùng lắm thì các lực lượng hải quân Châu Âu cùng với hải quân Hoa Kỳ (và cả các cường quốc ngoài khu vực khác như Úc và Nhật Bản) cũng chỉ hiện diện không liên tục.

Để đối phó với thách thức vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á đã áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ngoại giao là giải pháp được ưu tiên nhất đối với các chính phủ trong khu vực vốn tiếp tục nhấn mạnh đến nhu cầu giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Các lợi ích kinh tế hiện có cũng có nghĩa là các bên ở Biển Đông ở Đông Nam Á cố gắng hết mức không gây xáo trộn tình hình và không để các tranh chấp ở Biển Đông chi phối mối quan hệ song phương rộng lớn hơn nhiều với Bắc Kinh, đặc biệt là liên quan đến thương mại và đầu tư. Đồng thời, ngoại giao cũng là một công cụ quan trọng của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh, cụ thể như cách Manila thách thức Bắc Kinh về mặt pháp lý tại Den Haag vào năm 2013 – một vụ kiện mà Philippines đã giành chiến thắng kinh ngạc ba năm sau đó. Trước những căng thẳng gần đây, Manila hiện đang cân nhắc việc đưa ra vụ kiện mới chống lại Bắc Kinh.

Cách tiếp cận thứ hai cho đến gần đây vẫn ít gây ồn ào là các bên ở Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông triển khai lực lượng hàng hải của họ để thiết lập một sự hiện diện đối kháng, ngay cả khi họ bị Trung Quốc áp đảo về quân số và hỏa lực. Những lực lượng này có thể không hiện diện liên tục tại các khu vực tranh chấp như Trung Quốc, nhưng bản thân việc hiện diện đối kháng cho dù ngắn hạn và không tối ưu cũng đã đưa ra chỉ dấu cho Bắc Kinh rằng những quốc gia này kiên quyết không nhượng bộ chủ quyền và các quyền của họ.

Hai phương pháp này chỉ có hiệu quả khi thực tế đáp ứng được một số điều kiện tiên quyết. Trước hết là ngoại giao luôn phải được hỗ trợ bằng “cây gậy”. Việc kiện tụng phải được củng cố bằng chứng cứ được ghi nhận một cách thích hợp về sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông chắc chắn cần nhiều công cụ ngoài khơi hơn để duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ có thể đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, hạn chế về tài chính thường triệt tiêu năng lượng huy động trang thiết bị kịp thời trong phạm vi chi phí hợp lý của những nước này. Thực tế thì dù thế nào đi nữa, ta có thể nói rằng không có nước Đông Nam Á nào sánh ngang với Trung Quốc về số lượng thiết bị quân sự. Bắc Kinh đã tận dụng sự ưu thế đóng tàu vượt trội để đóng nhiều tàu hơn tổng số tàu của các đối thủ ở Biển Đông gộp lại.

Nhận thức miền hàng hải (MDA) rõ ràng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng để các nước Đông Nam Á có thể duy trì lựa chọn thách thức pháp lý chống lại Trung Quốc – như Manila đã làm vào năm 2013 và hiện đang cân nhắc tiếp tục kiện – cũng như tối ưu hóa việc sử dụng các phương tiện hàng hải đối kháng hạn chế ở các vùng biển liên quan. MDA không phải là giải pháp vạn năng cho các vấn đề an ninh hàng hải ở Đông Nam Á dù là tranh chấp Biển Đông hay tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu và cướp biển. Nó không thay thế nhu cầu lâu dài về các phương tiện cơ động để chống các hành vi trái pháp luật trên biển hoặc để khẳng định chủ quyền và các quyền trên biển.

Tuy nhiên, mặc dù MDA đã trở thành lộ trình chính cho các nỗ lực xây dựng năng lực an ninh hàng hải trên biển của các bên liên quan ngoài khu vực, nhưng chủ yếu nó chỉ có hai cách tiếp cận chung. Cách tiếp cận đầu tiên liên quan đến chuyển nhượng hoặc bán các phương tiện MDA, như thiết bị bay không người lái hoặc hệ thống radar. Cách thứ hai là một bên cho phép bên khác sử dụng các công cụ MDA của mình. Dự án CRIMARIO của EU và thỏa thuận đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về nhận thức miền hàng hải (IPMDA) do Hoa Kỳ lãnh đạo là những ví dụ điển hình. Thông qua việc cho các đối tác ít điều kiện hơn như các nước ở Đông Nam Á sử dụng, bên có phương tiện có thể giúp các đối tác tiếp cận hàng loạt công cụ toàn diện để cải thiện MDA. Những công cụ này không chỉ là những phương tiện  dựa trên hệ thống nhận dạng tự động (AIS) thường được sử dụng để theo dõi và nhận dạng tàu, mà còn ngay cả những lĩnh vực liên quan có tính chuyên biệt cao như vận chuyển “kín” (hoặc tàu tắt AIS). Thỏa thuận gần đây cho Philippines truy cập miễn phí vào công cụ MDA bằng vệ tinh của Canada để phát hiện và theo dõi hoạt động vận chuyển “kín” là một ví dụ điển hình.

Từ chuyện Philippines công bố hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, có lẽ MDA cần phải đảm nhận một vai trò mới. Dựa trên hướng tiếp cận thứ hai được đề cập ở trên, tức bên có phương tiện cho bên nhận sử dụng các công cụ cần thiết, vai trò mới này sẽ liên quan đến “huy động cộng đồng”  (“crowdsourcing”) của MDA tại Biển Đông. Nền tảng MDA “huy động cộng đồng” này cũng sẽ khác biệt với các thể chế chính thức được thiết kế để thúc đẩy việc chia sẻ thông tin trong khu vực như trường hợp Trung tâm Tích hợp Thông tin tại Singapore. Nền tảng MDA “huy động cộng đồng” có thể là một cổng trực tuyến cho các thể chế thân thiện truy cập – không chỉ các chính phủ, cơ quan hàng hải mà còn cả giới học thuật, truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự (CSOs).

Về cơ bản, nền tảng MDA này có mục đích nâng cao nhận thức về hành vi gây hấn vùng xám. Đúng như tên gọi “huy động cộng đồng”, tất cả người dùng đã đăng ký đều có thể đóng góp thông tin có thể được chứng thực, xác nhận rồi được chia sẻ trên nền tảng. Người dùng ở đây có thể là tàu cảnh sát biển trực diện đối đầu với một tàu dân binh biển, cũng có thể là một ngư dân quan sát và chụp ảnh hành vi gây hấn vùng xám ở Biển Đông. Thông tin có thể ở nhiều dạng khác nhau như ảnh chụp, đoạn phim, bản ghi âm, v.v. Các cơ quan chính phủ khi chia sẻ thông tin chất lượng cao như hình ảnh quang điện tử có thể lo ngại về việc để lộ quá nhiều cho đối thủ thấy về khả năng của họ. Do đó, nền tảng này cũng nên cố gắng “làm sạch” những dữ liệu này để có thể được công bố cho công chúng xem và sử dụng. Nhìn chung thì nền tảng MDA “huy động cộng đồng” này là một kho thông tin có thể phục vụ mục đích thực thi pháp luật trên biển theo diễn biến thời gian thực hoặc đóng góp bằng chứng để giúp các bên liên quan chuẩn bị hồ sơ pháp lý chặt chẽ cho các vụ kiện quốc tế.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao không khai thác các trung tâm chia sẻ thông tin khu vực hiện có? 

Vấn đề là sự nhạy cảm về địa chính trị thường cản trở việc chia sẻ công khai thông tin liên quan đến hành vi gây hấn vùng xám. Ví dụ, Trung tâm tích hợp thông tin tại Singapore có thế mạnh là nguồn cán bộ liên lạc quốc tế. Sức mạnh này thúc đẩy việc chia sẻ thông tin an ninh hàng hải này cũng lại là một điểm yếu – chia sẻ hành vi gây hấn vùng xám của một quốc gia thành viên nào đó của trung tâm là việc nhạy cảm. Hơn nữa, các sản phẩm MDA thông thường của Trung tâm tích hợp thông tin Singapore cũng không ghi lại hành vi gây hấn vùng xám mà chủ yếu là tội phạm xuyên quốc gia và tai nạn hàng hải.

Do đó, nền tảng MDA “huy động cộng đồng” này sẽ có sự tham gia của nhiều bên liên quan hơn, cả trong và ngoài các cơ quan chính phủ. Việc giải quyết tình trạng gây hấn vùng xám đòi hỏi cách tiếp cận toàn xã hội chứ không nên là lĩnh vực dành riêng cho các tổ chức chính phủ. Do đó, nền tảng này cũng đóng vai trò như một hệ thống kiểm soát và cân bằng; ví dụ, nếu các chính phủ chọn không công khai trường hợp gây hấn vùng xám nói trên do sự nhạy cảm về địa chính trị, các tổ chức khác như giới học thuật và tổ chức xã hội dân sự có thể giúp làm sáng tỏ những sự cố như vậy và thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế.

EU có thể là bên lý tưởng nhất để thực hiện sáng kiến MDA “huy động cộng đồng” này, khai thác nguồn kiến thức chuyên môn, phương tiện tài chính và khả năng công nghệ khổng lồ của mình. EU cũng ít bị cản trở bởi các thiên kiến địa chính trị hơn trong việc thu hút sự “gia nhập” rộng rãi các chủ thể trong khu vực, không giống như Mỹ đang bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh căng thẳng với Trung Quốc. Để phản ánh và mở rộng quyền tự chủ chiến lược của mình, EU có vị thế tốt hơn để lèo lái sáng kiến này.

Ở một mức độ nào đó, việc tạo điều kiện và tăng cường sức mạnh cho các bên liên quan ở Biển Đông, đặc biệt là khả năng chống chọi các hành vi gây hấn vùng xám, là một giải pháp lâu dài bền vững hơn. Nó cũng rất phù hợp với mong muốn tự giám sát vùng biển của mình và điều chỉnh các cách tiếp cận phù hợp với lợi ích quốc gia của các nước trong khu vực. Tăng cường sức mạnh cho các nước trong khu vực cũng hữu ích hơn nhiều so với việc điều động hải quân Châu Âu đến thể hiện sự hiện diện trong khu vực – đặc biệt nếu sự hiện diện đó không thể nào diễn ra liên tục và do đó không được bên có xu hướng gây hấn vùng xám là Trung Quốc coi trọng. Sáng kiến MDA “huy động cộng đồng” này giúp vạch trần hành vi gây hấn vùng xám và thu hút sự tham gia rộng rãi hơn của các bên liên quan từ nhiều thành phần xã hội. Nó cũng có thể đóng vai trò là một công cụ đáng tin cậy để răn đe những hành động hung hăng như trên và ngăn các tình huống khủng hoảng trên biển leo thang.

C.K.

TS. Collin Koh là thành viên thâm niên (senior fellow) tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam đặt tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Ông chủ yếu nghiên cứu về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tập trung vào Đông Nam Á. Bài viết được xuất bản trên trang của Viện Boym (Instytut Boyma) tại Beyond Grey Hulls: Europe’s Role in “Crowdsourcing” Maritime Domain Awareness in the South China Sea

Lê Bá Nhật Thắng đang thử việc cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 

TS. Nguyễn Trịnh Đôn là thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Nguồn bản dịch: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

 

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.