Nguyễn Ngọc Chu
Đã nhiều lần nói về chất lượng ĐBQH và đề xuất biện pháp cải thiện chất lượng các kỳ họp QH. Không định nói về vấn đề này nữa. Nhưng lại thấy QH bàn về đấu giá SIM [1] thì biết rằng bệnh này sẽ còn lặp lại. Đành thêm một lần lên tiếng.
1.
Chất lượng các kỳ họp QH quyết định bởi chất lượng của các ĐBQH. Muốn nâng cao chất lượng các kỳ họp QH thì trước hết phải nâng cao chất ĐBQH. Nhưng cách thức bầu cử ĐBQH không thay đổi. Lại chịu ảnh hưởng của môi trường tham nhũng và chạy ĐBQH (như bà Châu Thị Nga khai chi 30 tỷ đồng [2]) nên chất lượng ĐBQH ngày một đi xuống. Chất lượng ĐBQH có thể được cải thiện (và kéo theo là chất lượng các kỳ họp QH) chỉ khi thay đổi cách thức lựa chọn ĐBQH. Cụ thể là khi các ứng cử viên vào vị trí ĐBQH phải được tự do tranh cử và phải giành được phiếu bầu của cử tri, tương tự như ở tuyệt đại đa số các nước trên thế giới. Con đường mà nhân loại tiến bộ đã chọn lọc qua nhiều thế kỷ, sớm muộn Việt Nam cũng sẽ phải đi theo.
2.
Việc ĐBQH phải bàn đến đấu giá SIM, lỗi đầu tiên là do ‘Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi’ kém chất lượng. Bộ Luật thực thi cho nhiều năm phải bao quát được mọi tình huống biến động của xã hội. Chẳng hạn như quy định “giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày” [1] tưởng là khoa học, nhưng kỳ thực là phiến diện, sai sót, làm nẩy sinh tranh cãi. Toan tính dùng một định lượng cụ thể để cố định giá trị cho một biến số chịu sự chi phối của nhiều nhân tố, lại biến đổi theo thời gian, là điều cần tránh. Dễ dàng thay quy định này bằng một quy định tổng quát khác vừa sát với thực tiễn phát triển của xã hội ở mọi thời điểm, vừa tránh được sai sót, tranh cãi. Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi mà hoàn hảo thì đã không có con số ‘tiền cọc 262 000 đồng’[1] làm xôn xao nghị trường, làm buồn lòng cử tri, ảnh hưởng đến uy tín của QH.
3.
Bộ Luật đưa ra dẫu có nhiều khuyết tật, nhưng nếu chất lượng ĐBQH cao thì cũng đã không có chuyện thảo luận đấu giá SIM ở nghị trường như đã xẩy ra.
Quyền hạn và trách nhiệm của QH là thông qua Luật. Nhưng để ĐBQH tham gia sửa câu chữ và các điều khoản của Luật là tai hoạ. ĐBQH chỉ bỏ phiếu thông qua Luật và không thông qua Luật theo quan điểm của ĐBQH. ĐBQH không phải là người soạn Luật.
Trình độ hiểu biết của các ĐBQH về Luật rất khác nhau. Khả năng về chữ nghĩa, câu từ của mỗi ĐBQH cũng khác nhau. Khi 494 ĐBQH cùng soạn Luật thì Luật chứa câu từ và hiểu biết của 494 ĐBQH về Luật chứ không phải Luật cho toàn dân. Soạn Luật là cho toàn dân. Tri thức những chuyên gia soạn Luật về bộ Luật mà họ soạn cho toàn dân, phải rộng hơn hiểu biết của 494 ĐBQH về bộ Luật mà 494 ĐBQH có quyền thông qua hoặc không thông qua. Ví một cách thô thiển, giống như khách hàng có thể mua hoặc không mua một chiếc máy bay, còn chế tạo chiếc máy bay không phải là nhiệm vụ và không nằm trong khả năng của khách hàng. Khi QH không thông qua Luật thì nhiệm vụ của những người soạn thảo Luật là phải tìm hiểu và sửa Luật sao cho phù hợp đến mức được đa số ĐBQH thông qua. Đa số có nghĩa là còn gần 1/2 (hay 1/3, 1/4 …) ĐBQH không thông qua. Tức là Luật không theo câu chữ, điều khoản của các ĐBQH sửa chữa.
4.
Khi thực hiện được các điều nêu trên, chất lượng các kỳ họp QH sẽ được cải thiện căn bản. Nhân dân không còn phải chứng kiến cảnh QH ngồi họp bàn về mặc áo quần [3], đấu giá biển số xe [4], đấu giá số SIM [1]. Đó là những điều không xứng tầm để thảo luận ở Nghị viện một nước.
Thế giới đang đầy biến động. Trong nước còn cơ man đại sự. QH phải tập trung bàn về các kế sách lớn. Những mẹo vặt kiếm tiền từ dân do mê tín số đẹp, chẳng những không đưa lại cho quốc gia sự thịnh vượng, không mang đến cho người dân sự giàu có, mà còn khuyến khích thúc đẩy một bộ phận người dân lao theo con đường mê tín dị đoan.
Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân về cải thiện chất lượng ĐBQH và chất lượng các kỳ họp QH. Nhưng buồn thay, chưa nhận thấy dấu hiệu tiếp thu của QH. Nếu QH đại diện cho dân thì không thể không tiếp thu ý kiến đóng góp của dân. Không có lẽ nhân dân cứ góp ý còn QH thì cứ làm theo ý QH?
Hy vọng các kỳ họp tiếp theo của QH có những thay đổi về chất lượng. Còn các ĐBQH, không nhất thiết ai cũng phải phát biểu trên nghị trường.
TÀI LIỆU DẪN
[1] https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-phan-nhom…
[2] https://cand.com.vn/…/Phai-lam-ro-loi-khai-chay-30-ty…/
[3] https://quochoi.vn/…/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx…
[4] https://baochinhphu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-cach…
N.N.C.
Tác giả gửi BVN