Vì sao ông Lý Khắc Cường qua đời lại nguy hiểm đối với ông Tập

Stephen McDonell

Phóng viên chuyên về Trung Quốc

Li Keqiang

ẢNH: REUTERS

Việc một nhà lãnh đạo ở Trung Quốc qua đời có thể mở ra những thay đổi lớn, như đã xảy ra sau thời Mao Trạch Đông, hoặc có thể dẫn đến biến động chính trị, giống như khi sự thương tiếc dành cho ông Hồ Diệu Bang biến thành cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Vì lý do này, việc cựu thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời đã kích hoạt nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo duy trì sự ổn định ở Trung Quốc.

Một cuộc trấn áp việc sử dụng VPN đang được tiến hành nhằm giảm khả năng truy cập của công dân Trung Hoa vào các trang mạng không do Đảng Cộng sản kiểm soát.

Đảng không muốn để tang một cựu lãnh đạo quyền lực số hai, nổi tiếng, tự do để gây ra sự chỉ trích rộng rãi hơn đối với chính quyền hiện tại, do ông Tập Cận Bình lãnh đạo.

Không chỉ vì ông Lý qua đời đột ngột do đau tim chỉ vài tháng sau khi từ chức, mà còn vì những gì ông đại diện: một cách thức điều hành Trung Quốc tiềm năng với những ưu tiên khác với những ưu tiên của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Ông Lý là một người theo chủ nghĩa thực dụng sáng suốt và dường như không quan tâm lắm đến hệ tư tưởng. Và đây là một lý do tại sao ông lại là một nhân vật cô đơn như vậy trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị trước đây gồm bảy người, cơ quan ra quyết định quyền lực nhất đất nước.

Sau đó, cái được gọi là “Chỉ số Lý Khắc Cường” được ra đời thông qua một văn bản nổi tiếng của Bộ Ngoại giao Mỹ và được công bố trên Wikileaks. Với tư cách là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Liêu Ninh lúc bấy giờ, ông Lý được cho là đã nói với đại sứ Mỹ vào năm 2007 rằng số liệu GDP của địa phương là không đáng tin cậy để đánh giá tình hình kinh tế.

Ông Lý cho biết ông đã sử dụng ba chỉ số khác để phân tích tăng trưởng: khối lượng hàng hóa được vận chuyển qua đường sắt, mức tiêu thụ điện và giải ngân vốn vay ngân hàng.

Việc chỉ trích số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, ngay cả sau những cánh cửa đóng kín, với Mỹ không thể khiến các đối thủ chính trị của ông hài lòng.

Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường được coi là một trong những nhân vật chính trị thông minh nhất trong thế hệ của mình. Ông được nhận vào Trường Luật Đại học Bắc Kinh danh tiếng ngay sau khi các trường đại học mở cửa trở lại sau Cách mạng Văn hóa thảm khốc của Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Trong một Đảng do các kỹ sư thống trị, ông Lý là một nhà kinh tế học, người nổi tiếng với việc “nói đúng sự thật” bằng cách thừa nhận một cách trung thực và công khai các vấn đề kinh tế của Trung Quốc như một cách để tìm ra giải pháp cho các vấn đề này.

Các phóng viên giơ tay trong cuộc họp báo của ông Lý vào tháng 3/2017

Các phóng viên giơ tay trong cuộc họp báo của ông Lý vào tháng 3/2017. ẢNH: REUTERS

Trong đại dịch, ông đã nói về những thiệt hại mà chính sách zero Covid đặc trưng của ông Tập đã gây ra cho nền kinh tế và người dân thường Trung Quốc.

Đương nhiên, ông không trực tiếp chất vấn nhà lãnh đạo tối cao của đất nước hay bản thân chính sách đó, nhưng cũng không phủ nhận tác động của các biện pháp cải thiện.

Vào tháng 5/2022, trong một cuộc họp trực tuyến được cho là có sự tham gia của hơn 100.000 đại diện chính phủ và doanh nghiệp, lần đầu tiên ông đánh giá cao “việc làm hiệu quả” của các quan chức phải đối mặt với “những thách thức bất ngờ” trong cuộc khủng hoảng nhưng sau đó ông tiếp tục: “Những khó khăn, ở một số khu vực và ở một mức độ nhất định, thậm chí còn lớn hơn cú sốc nặng nề của đại dịch năm 2020.”

Ông Lý nói thêm rằng có một con đường rõ ràng phía trước, nói rằng “sự phát triển là cơ sở và chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề ở Trung Quốc”. Điều đáng chú ý là ông nói sự phát triển chứ không phải hệ tư tưởng.

“Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực tài chính và vật chất. Chúng ta cần phát triển để hỗ trợ việc làm ổn định, sinh kế của người dân và phòng ngừa rủi ro”, cựu Thủ tướng phát biểu.

Cũng vào tháng 5/2022, khi chính sách zero Covid vẫn được áp dụng, ông Lý xuất hiện mà không đeo khẩu trang tại một trường đại học ở tỉnh Vân Nam. Và cả sinh viên lẫn quan chức xung quanh ông đều không đeo khẩu trang. Điều này đã thúc đẩy cuộc thảo luận lan truyền trên mạng xã hội, với các bài đăng ca ngợi thủ tướng. Chẳng bao lâu sau, hashtag #PremierAtYunnanUniversity (Thủ tướng tại Đại học Vân Nam) đã bị kiểm duyệt.

Trong năm Covid đầu tiên, với tư cách là người phụ trách kỹ thuật của nền kinh tế, ông Lý Khắc Cường quyết định thúc đẩy mô hình quầy hàng trên phố để tạo ra nhiều việc làm hơn và và được nhìn thấy đã đến thăm những người bán hàng rong ở tỉnh Sơn Đông. Hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn và ông nói rằng loại hình thương mại này có thể tiếp thêm sức sống và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Gần như ngay lập tức, những người bán hàng rong đã quay trở lại đường phố Bắc Kinh sau nhiều năm bị cấm. Nhưng họ sẽ không bao giờ được phép ở lại, nếu không theo tầm nhìn của ông Tập về việc thủ đô của Trung Quốc sẽ có bộ mặt như thế nào.

Chỉ vài ngày sau cái gọi là nỗ lực khôi phục lại các quầy hàng trên đường phố của ông Lý, động thái này đã bị phá hoại trên tờ báo của Thành ủy Bắc Kinh, Nhật báo Bắc Kinh. Tờ này đăng một bài bình luận nói rằng các quầy hàng trên đường phố là “mất vệ sinh và thiếu văn minh”. Các kênh truyền thông nhà nước khác sau đó cũng tham gia với những thông điệp tương tự.

Việc chính quyền thành phố có thể nhanh chóng – một cách công khai và hiệu quả – lật ngược chính sách do Thủ tướng đề xuất, cho thấy quyền lực của ông đã trở nên hạn chế đến mức nào.

Dưới chính quyền trước đây của ông Hồ Cẩm Đào, với sự lãnh đạo tập thể, điều này đã không thể thực hiện được. Các phe phái khác nhau trong Đảng phải được cân bằng.

Nhưng dưới thời ông Tập, đó là đường lối của ông Tập Cận Bình hoặc là đường lối sai lầm.

Trước khi từ chức vào tháng 3/2023, ông Lý Khắc Cường là nhân vật cấp cao cuối cùng của chính phủ có liên quan đến thời ông Hồ Cẩm Đào và cách làm việc của giai đoạn này.

Sự hiện diện của ông đại diện cho một thời điểm khác, một cách tiếp cận ít nhiệt tình hơn về mặt chính trị, tập trung nhiều vào hoạt động kinh tế hơn là khẩu hiệu của đảng.

Ông Lý Khắc Cường mặc áo khúc côn cầu của đội Montreal Canadaiens NHL trong chuyến thăm Canada năm 2016

Ông Lý Khắc Cường mặc áo khúc côn cầu của đội Montreal Canadaiens NHL trong chuyến thăm Canada năm 2016. ẢNH: REUTERS

Là một người nói tiếng Anh lưu loát, ông Lý Khắc Cường có thể rất duyên dáng khi gặp gỡ các lãnh đạo nước ngoài. Ông cũng vẫy tay và mỉm cười với các phóng viên khi họ quay phim các cuộc họp chính thức của mình.

Việc ông qua đời chỉ vài tháng sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng cấp cao bị cách chức một cách không rõ nguyên nhân chỉ càng làm tăng thêm tính nhạy cảm tiềm tàng của vấn đề.

Các buổi lễ tưởng niệm chính thức sắp tới sẽ được tiến hành hết sức cẩn thận, đề phòng gây ra một chút tiếc thương với cựu Thủ tướng, có thể mâu thuẫn với đường lối hiện tại của chính phủ.

Những người theo dõi các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc sẽ thấy những nỗi buồn và cú sốc tràn lan trên mạng, khi những người bình thường tưởng nhớ đến ông Lý.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản cùng thời với ông Tập và có thời điểm, ông đã chạy đua để trở thành Tổng Bí thư thay vì ông Tập.

Nhiều suy đoán đã được đưa ra về tình hình hiện tại của Trung Quốc nếu ông Lý là người nắm quyền lãnh đạo tối cao.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

This entry was posted in Lý Khắc Cường, Mặt thật Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.