Ai còn nhớ cô giáo Kiều Thị Giang ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đăk Nông?

Thái Hạo

Hơn 1 năm trước, cô Giang vì phản ánh những việc được cho là sai trái của nhà trường lên FB, bị hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và họp đưa vào diện tinh giản biên chế (đuổi việc); Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đăk Nông cũng toa rập mà khẳng định: “Cán bộ, công chức có hành vi phát tán thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội là vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định”.

Lúc ấy, cuộc sống, công việc của cô Giang như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng cô vẫn dũng cảm và kiên trì đấu tranh, vừa không ngừng đăng tải những phản ánh của mình lên mạng vừa làm đơn tố cáo.

Sở GD-ĐT tỉnh Đăk Nông vào cuộc, kết luận ông Nguyễn Văn Nam có hàng loạt sai phạm, kết quả ông này phải xin từ chức Hiệu trưởng. Sau đó, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh Đắk Nông vừa có quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông giám đốc sở Nguyễn Văn Toàn. Hiện tại, ông Toàn cũng đã từ chức từ đầu tháng 10 này.

Việc giáo viên đấu tranh với những sai phạm giữa “tứ bề thọ địch” vốn vẫn thường tiềm ẩn những rủi ro do yếu thế, nhưng tôi tin rằng, chỉ cần có bản lĩnh và hiểu biết pháp luật căn bản bên cạnh sự ủng hộ của cộng đồng thì công lý không phải là điều gì quá xa vời.

Chúc mừng cô giáo Giang và chúc mừng tất cả các nhà giáo vì sự chiến thắng của lẽ phải, lương tri và lòng công chính. Hi vọng, câu chuyện của cô giáo Kiều Thị Giang sẽ khơi dậy động lực, niềm tin và dũng khí cho tất cả các thầy cô giáo trong việc bảo vệ phẩm giá và tự tôn nghề nghiệp của mình, không để những giá trị thiêng liêng ấy bị rẻ rúng và vùi dập, vì mượn lý do cơm áo.

* Các thầy cô giáo có tham khảo thêm về quyền lên tiếng trên mạng xã hội của mình từ bài báo này: https://laodong.vn/…/nha-truong-nen-lam-gi-khi-bi-giao…

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đấu tranh, Giáo dục, Thái Hạo. Bookmark the permalink.