Nhìn trong trời nhá nhem…

Thái Hạo

Hình 1. Những ánh đèn thanh bình kia đang phả ra từ làng Văn Đô, một ngôi làng xinh đẹp nằm ấp ôm chân núi Phú Viên, lặng lẽ và bình yên giữa bốn bề mênh mông đồng lúa của xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Đẹp như một bức tranh phong cảnh trong cổ tích.

Nhưng.

Đó là nhìn trong trời nhá nhem khi những đào bới tan hoang đã được che đi bởi bóng tối. Máy cuốc và xe ben đang rầm rộ xẻ thịt ngọn núi, những khối đá trơ xương, những hố hầm ngổn ngang.

Nghe người dân nói, núi sẽ bị san phẳng. Lên tiếng rồi, phản đối rồi. Nhưng hình như đâu đó trên huyện trên tỉnh đã quyết, nên nói mà như không.

Người đàn ông đưa tay chỉ về phía trước mặt, “Đấy, họ đào núi này để đắp con đường kia, và đắp ở những đâu nữa không rõ”. Nhìn theo tay ông chú, một vệt vàng đất mới nổi bật trên nền xanh, khói bụi mù mịt.

Làm những con đường, những công trình thì cần một khối lượng lớn đất đá để san lấp mặt bằng, nhưng lấy chúng ở đâu thì không thể tùy tiện. Không thể giật gấu vá vai, xúc luôn ngọn núi nào gần nhất cho khỏe, bất chấp những ngôi làng lâu đời đã sống gửi mình vào núi, bất chấp cảnh quan và vẻ đẹp vô giá mà tạo hóa đã ban cho đất nước.

San lấp, thì đào luôn ngọn núi bên cạnh, tiện biết bao, chi phí giảm xuống, lợi nhuận tăng lên. Nhưng đã đánh giá và công bố tác động môi trường chưa? Ai đánh giá, dân phản hồi ra sao, các chuyên gia nói thế nào…?

Lang thang đó đây, tôi đã luôn phải nhìn thấy những cảnh đau xé ruột này trên mỗi bước đường.

Đến khi nào mới có một quy hoạch nghiêm ngặt cho việc khai thác đất đá để những làng mạc, ruộng đồng, và núi non thanh tú không còn bị hủy hoại một cách thản nhiên đến vậy?

Những sự tàn phá này, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ai sẽ đền bù cho con cháu muôn đời sau? Và ai sẽ mất đi mãi mãi một non sông gấm hoa, nếu không kịp ngăn lại?

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Môi trường sinh thái, Thái Hạo. Bookmark the permalink.