Michael Taylor – Business Day 20 October, 2023
Ba Sàm lược dịch
Các nhà hoạt động kêu gọi tạm dừng thỏa thuận khí hậu trị giá hàng tỷ đô la
Kuala Lumpur – Một thỏa thuận khí hậu trị giá hàng tỷ đô la, nhằm giúp Việt Nam chuyển từ than đá sang năng lượng sạch, nên được tạm dừng cho đến khi chính phủ ngừng đàn áp các nhà bảo vệ môi trường, những hành động vốn đe dọa nỗ lực hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi, các nhà hoạt động cho biết.
Cuối năm ngoái, Nhóm bảy quốc gia (G7) – cùng với Na Uy, Đan Mạch và EU – đã đồng ý cung cấp 15,5 tỷ USD để giúp Việt Nam loại bỏ than là thứ làm khí hậu nóng lên, tương tự như các hiệp định khác với SA [Saudi Arabia], Indonesia và Senegal, nhằm cung cấp tài chính cho các nền kinh tế mới nổi để giảm phát thải khí nhà kính.
Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam (JETP) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham vấn thường xuyên với giới truyền thông, xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ – NGO.
Nhưng tháng trước, công an Hà Nội đã bắt giữ Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc điều hành của Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam, một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, vì tội “chiếm đoạt tài liệu” liên quan đến công ty điện lực nhà nước, theo báo chí đưa tin.
“Việc giam giữ Nhiên sẽ khiến [các nhà tài trợ] phải nghiêm túc tạm dừng việc tiến hành một thỏa thuận theo những điều kiện này”, Maureen Harris, cố vấn cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận International Rivers có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với Context.
“Trước khi tiếp tục tiến xa hơn, những người ủng hộ tài chính và các bên liên quan khác… nên đảm bảo chính sách bảo vệ dựa trên các quyền con người một cách mạnh mẽ – cụ thể đối với JETP – bao gồm các điều khoản rõ ràng chống trả thù và che chở cho những người bảo vệ môi trường”, bà nói thêm.
Tham vấn
Nhiên là nhà bảo vệ môi trường người Việt thứ sáu làm việc trong lĩnh vực năng lượng bị giam giữ kể từ giữa năm 2021, theo Harris, đồng thời cho biết thêm rằng các điều khoản trong JETP để bảo vệ các nhóm xanh hiện rất cần thiết nhằm đạt được bất kỳ hình thức chuyển đổi “công bằng” nào.
Tháng trước, Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc một nhóm vận động môi trường, bị kết án ba năm tù, trong khi nhà vận động môi trường nổi tiếng Ngụy Thị Khánh bị bỏ tù hai năm vào năm 2022 – cả hai đều nằm trong số các nhà hoạt động môi trường Việt Nam bị bỏ tù vì tội liên quan đến thuế.
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Hà Nội vào tháng trước, một quan chức cho biết Washington thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền.
Một người phát ngôn của EU từ chối bình luận về các vụ bắt giữ và về JETP, nhưng trích dẫn một tuyên bố được đưa ra vào đầu tháng này bởi cơ quan ngoại giao của EU, làm dấy lên lo ngại về việc tuyên án Hồng.
Họ kêu gọi Việt Nam “đảm bảo các hành động của mình phù hợp với các cam kết quốc tế, bao gồm tham vấn với các bên liên quan phi chính phủ như một phần của Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng”, lưu ý rằng tuyên bố chung của JETP cho biết cần phải tham vấn “để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội”.
Bộ Ngoại giao Anh dẫn ra một tuyên bố hồi đầu tháng này về việc tuyên án Hồng, trong đó ghi nhận cam kết của Việt Nam trong việc tham vấn về JETP và kêu gọi các nhà chức trách đảm bảo các tổ chức xã hội dân sự có thể hoạt động và tham gia mà không “sợ bị đối xử, nhắm mục tiêu hoặc truy tố bất công”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam, Na Uy, Đan Mạch và Mỹ chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của chúng tôi.
Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, việc giam giữ Nhiên cho thấy cuộc đàn áp các nhà bảo vệ môi trường đang mở rộng và hiện nhắm vào các chuyên gia kỹ thuật.
Nhiên từng làm việc với các cơ quan quốc tế lớn, như Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới, để xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ông cho biết thêm.
JETP dành cho Việt Nam không nên được tiếp tục trong khi những nhà hoạt động này đang bị giam giữ hoặc bỏ tù trước khi xét xử, Robertson nói, đồng thời kêu gọi những bên ủng hộ tài chính tăng cường vận động công khai và với các cá nhân để trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ.
Theo ông, “Chính phủ Việt Nam cần phải thức tỉnh và nhận thức được rằng sự hoang tưởng của họ về phong trào môi trường là hoàn toàn phi lý, và những nhà hoạt động này đang làm việc vì lợi ích của đất nước chứ không phải để lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Năng lượng sạch
Trong 5 năm tới, hy vọng rằng JETP sẽ cung cấp tài chính – một nửa từ các chính phủ tài trợ và một nửa từ các ngân hàng thương mại – để thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ than đá sang năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và gió, đồng thời tạo thêm việc làm.
Là một trong 20 quốc gia sử dụng than hàng đầu thế giới, thỏa thuận năng lượng của quốc gia Đông Nam Á này sẽ chứng kiến lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2030, thay vì mục tiêu trước đó là vào năm 2035, bằng cách hạn chế công suất điện than và cung cấp gần một nửa lượng điện từ năng lượng tái tạo trong thập kỷ này.
Một người ủng hộ bảo vệ môi trường ở Đông Nam Á, phát biểu với điều kiện giấu tên vì sợ hậu quả, cho rằng việc giam giữ Nhiên là “đáng thất vọng, đáng lo ngại, làm nhụt chí và chán nản”, tiếp tục một xu hướng bắt đầu từ khoảng hai năm trước.
“Các vụ bắt giữ trước đó đã gây tác động ớn lạnh đối với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và đã tạo ra một cách hiệu quả bầu không khí sợ hãi trong số họ”, nhà vận động này đánh giá.
Ông nói thêm, mặc dù các nước tài trợ bày tỏ lo ngại về việc bỏ tù các nhà hoạt động vì môi trường, nhưng đó không được coi là ranh giới đỏ để ngăn cản dự án tiếp tục.
Namrata Chowdhary, giám đốc hoạt động cộng đồng của nhóm hoạt động khí hậu 350.org, có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết, khi các nhà bảo vệ môi trường Việt Nam phải đối mặt với những thách thức pháp lý, điều đó sẽ hạn chế khả năng đóng góp của họ vào sự thành công của JETP và các nỗ lực bền vững rộng lớn hơn.
Thêm nữa, những tác động xấu đó lan tỏa đối với phong trào môi trường rộng lớn hơn, có thể ngăn cản những người khác tham gia hoạt động hoặc vận động chính sách ở Việt Nam, cản trở tiến trình thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu, chẳng hạn như năng lượng sạch và giá cả phải chăng, bà nhận xét.
Bà nói thêm, thời điểm diễn ra đợt bắt giữ mới nhất các nhà hoạt động vì môi trường, bao gồm cả Nhiên, “gợi ý về một xu hướng đáng tiếc nhằm ngăn cản sự tham gia của xã hội dân sự vào các quá trình có tác động nhiều nhất đến họ”.
Quỹ Thomson Reuters