350 ngàn tỷ và…

Tạ Duy Anh

Theo tiêu chí về đánh giá năng lực cán bộ hiện nay, thì nhóm soạn thảo dự án “Chấn hưng văn hóa”, tiêu tốn 350.000 tỷ đồng trong mười năm, xứng đáng được coi là những cán bộ có tài. Chỉ riêng việc họ liệt kê được các hạng mục như thư viện, nhà văn hóa, bảo tàng… đến tận cấp phường xã, cùng gần chục thứ văn hóa “phi vật thể” cần… chấn hưng, đủ để kính nể họ.

Chấn hưng, theo từ điển Đào Duy Anh, xin chép nguyên văn là “Đỡ, đẩy cho đứng dậy”. Cụ Đào có lối giải thích thường quá cô đúc, dẫn tới khó hiểu. Diễn giải theo ngôn ngữ hiện đại là “Làm cho thứ gì đó tốt đẹp trở lại”.

Vậy “Chấn hưng” là tác động lên thứ có sẵn nhưng, vì vô số lý do, đã bị hư hỏng, xuống cấp. Sở dĩ cần “Chấn hưng văn hóa” vì Văn hóa đang xuống cấp, hư hỏng, suy thoái do thói hám danh, hám lợi, coi thường các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ trong ứng xử. Tệ nạn nói dối, làm láo báo cáo hay, nịnh trên nạt dưới, tìm mọi cách vụ lợi bản thân, tham quyền cố vị… đều là những hành vi xuống cấp nghiêm trọng về mặt văn hóa. Và để Chấn hưng những thứ đó thì xây bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, tượng đài… khi những thứ đó đang thừa mứa, bị bỏ hoang, chả mấy tác dụng… liệu có cần thiết vào lúc này?

Tất nhiên, để lấp đầy một dự án hàng chục tỷ đô la, thì chúng không chỉ cần thiết, mà còn có ý nghĩa như những vật cứu tinh.

Không phải ai cũng đủ “tài” để làm được việc đó. Tôi tin rằng, nếu Quốc hội gật đầu với đề xuất của Bộ văn hóa… thì không chỉ hàng ngàn hàng vạn cán bộ văn hóa, các ngành liên quan bỗng dưng đổi đời, mà một phần trong số đó sẽ thăng tiến lên những vị trí tốt hơn trong việc lobby dự án!

Khi nào trẻ em vùng cao, vùng nông thôn xa không còn trần như nhộng, đi chân đất đến trường; khi nào bệnh nhân không còn cảnh lèn như cá hộp trên những cái giường bệnh cũ k hoặc nằm ngổn ngang trên các hành lang bệnh viện; khi nào không còn cảnh những đứa trẻ ăn trộm bánh mì đến mức đi tù vì đói…

Thì sự tử tế tự dưng hiện diện.

Khi nào sự dối trá còn có đất sống tốt, còn tác dụng vinh thân phì gia, thói xu nịnh và đạo đức giả, thói háo danh và sự khôn lỏi vẫn tràn ngập trên các diễn đàn sang trọng; khi nào tiếng nói trung thực còn bị coi là dại, là phản động, là thế lực thù địch…

Thì khi đó mọi thứ tốt đẹp buộc phải biến mất và đừng nói đến cái gọi là Chấn hưng văn hóa cho thêm nẫu ruột.

Đã có những con kền kền đầu trọc giỏi đánh hơi nhằm đến con mồi khủng 350.000 tỷ đồng. Chắc sẽ còn rất nhiều các loại hội thảo, hội nghị bàn về mức độ cấp bách của việc thông qua và triển khai dự án. Và chúng đều rất khoa học, khách quan, thể hiện trách nhiệm cao với văn hóa đất nước… tương xứng với số tiền thù lao mà họ nhận được trên cương vị chuyên gia cao cấp, cố vấn cao cấp, thẩm định viên cao cấp, dư luận viên cao cấp, khuấy đảo viên cao cấp, v.v. và v.v. 

Trên thực tế văn hóa đang bị hạ xuống mức có thể định ra thành tiền.

Để bạn mường tượng số tiền 350.000 tỷ lớn đến mức nào, tôi xin đưa ra một phép tính.

Theo số liệu chính thức, thì đến hết quý 3 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,6 triệu tấn gạo, và vì được giá nên thu về gần 3,7 tỷ đô la. Tôi là con nhà nông nên biết rõ, số chi phí bỏ ra để có 3,7 tỷ đô la đó chiếm ngót 90%. Nói gọn lại, số tiền ròng, gọi là tiền tươi mà 23 triệu nông dân (con số năm 2015 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thu được sau 9 tháng xuất khẩu gạo là khoảng 400 triệu USD, quy ra tiền đồng khoảng 10.000 tỷ.

10.000 tỷ từ bán mồ hôi và có thể cả máu nữa của hàng chục triệu nông dân, lớn ngần nào? 

Nó bằng khoảng 3% của số tiền 350.000 tỷ.

T.D.A.

Nguồn: FB Lao Ta

 

 

This entry was posted in Nông dân Việt Nam, tham nhũng, văn hoá. Bookmark the permalink.