Sức sống của giáo dục Cánh Buồm

Mạc Văn Trang

Vào giữa tháng 6/2019, nhà giáo Phạm Toàn gọi cô Minh Hà và tôi tới. Ông mệt lắm, cố gượng ngồi, nói: Thằng Chung nó bảo, Thầy mất thì Cánh Buồm tan … Anh Trang thay tôi phụ trách Cánh Buồm nhé. Còn Minh Hà phụ trách trang Web cho …

Tôi biết từ chối thì ông sẽ buồn lắm, nhưng không thể nói dối. Tôi bảo, bọn trẻ đang tiếp tục công việc của anh rất tốt. Cứ để bọn trẻ làm. Tôi xin làm cố vấn, hỗ trợ các em … Tôi cũng ngoài 80 rồi…

Cô Hà cũng bảo, anh cứ yên tâm, các bạn trẻ vẫn làm rất tốt mà…

Ông không nói gì, buồn, im lặng nằm xuống. Một tuần sau ông ra đi.

Từ đó đến nay đã hơn bốn năm, dù từ 2020 tôi vào Sài Gòn sống nhưng vẫn liên lạc với các em nhóm Cánh Buồm và năm nào cũng có những buổi gặp mặt trao đổi với nhau. Và lần nào tôi cũng nói: Anh Toàn ơi vui lên, Cánh Buồm không tan mà vẫn ra khơi, vẫn đầy sức sống! 

Giữa tháng 8/2023 vừa rồi, tôi ra Hà Nội, cũng tranh thủ gặp trò chuyện được với mấy em chủ chốt của nhóm Cánh Buồm. 

Rất vui, được biết Trung tâm Ô Xinh do cô Thảo phụ trách vẫn mở các lớp tập huấn phương pháp giáo dục mới (Cánh Buồm) cho các giáo viên có nhu cầu; mở các lớp dạy thêm cho học sinh về ”Đồng cảm”, “Tưởng tượng”, “Liên tưởng”, “Bố cục”, “đọc sách”, “các hoạt động nghệ thuật” …

Tôi đã mấy lần đến xem hoạt động của Trung tâm có cái tên lạ “Ô xinh” và những lớp học lạ. Vậy mà mấy em sống được bằng cơ sở “dạy thêm” “đặc chất Cánh Buồm” này.

Nhưng triển khai dạy theo sách và phương pháp Cánh Buồm trong các trường học mới thực sự quan trọng. Các em cho biết, hiện nay nhóm Cánh Buồm đã phát triển lên 60 giáo viên, trong đó một số là Hiệu phó, Cố vấn, Tổ trưởng, giáo viên chủ chốt… cho các trường Tư. Riêng hệ thống trường Dewey ở Hà Nội đã có 3 trường đang hoạt động, có hơn 3.000 HS, và đang sắp thêm trường thứ 4… Hệ thống này từ khởi đầu đến nay vẫn trung thành với Giáo dục Cánh Buồm.

(Sinh thời, thầy Toàn có đào tạo giáo viên và triển khai Giáo dục Cánh Buồm thêm mấy cơ sở ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang … nhưng nay không theo dõi được).

Tôi cũng đi thăm 2 trường mới mở, áp dụng mô hình Giáo dục Cánh Buồm, do mấy cô giáo của nhóm Cánh Buồm phụ trách chuyên môn. Đó là Trường ERA và trường UNIGO. Hai trường này mới xây dựng cơ sở vật chất khá khang trang, nhưng ở ngoại thành, nên tuyển sinh bước đầu còn hạn chế. Các cô vẫn tin tưởng, nhu cầu người dân cho con học theo mô hình này ngày càng tăng.

Thăm học sinh lớp 1, lớp 4 và lớp 7 đang học hè ở trường Dewey tại Cầu Giấy, thấy các em đang học sách Cánh Buồm. Cô giáo giải thích, đây là học hè, ngoài chương trình của Bộ; vào năm học thì trường phải đảm bảo Chương trình, sách theo quy định của Bộ, để thanh tra Phòng, Sở thấy mình thực hiện nghiêm chỉnh.

Tôi bảo, nghe GS Thuyết nói: Sách giáo khoa lớp 1 phần cứng là 332 tiết dạy chữ (hoặc dạy vần) và “phần mềm” là 88 tiết cho giáo viên tự sử dụng tài liệu, sáng tạo mà.

Cô giáo Hà bảo, vâng, giáo viên được dùng tài liệu bổ trợ, nên chúng em dùng sách Cánh Buồm dạy bổ trợ. Còn phương pháp thì giáo viên vận dụng theo Cánh Buồm, dạy sao học sinh thích thú mà hiệu quả, phụ huynh tin tưởng, là thành công… 

Một cô nói nhỏ, phụ huynh học sinh ghê lắm ạ. Họ cũng xem sách Cánh Buồm, theo dõi chặt chẽ các con học; nếu không dạy hiệu quả, họ chẳng cho con học đâu ạ…

Vào thăm lớp 1, thấy học sinh đang học các “thanh” trong tiếng Việt. Thấy cô giáo vẫn sử dụng các ô vuông trên bảng và đánh dấu thanh trên các ô đó để học sinh luyện phát âm và ghi nhớ các dấu thanh “ngang, huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng”. Các em đứng vui vẻ khoái chí, múa tay theo, khi phát âm từng thanh. (Tại sao trẻ lại “đọc” trên các hình tròn, vuông, tam giác…? Vì trẻ nhận thức được bản chất của các dấu thanh này ở dạng trừu tượng/chung nhất, thì sau đó áp dụng vào mọi trường hợp cụ thể đều rất dễ dàng, chính xác. Còn trẻ múa tay theo các dấu là vì thao tác chân tay ở bên ngoài thế nào thì trong óc diễn ra thao tác tương ứng và ghi lại đậm nét, bền vững. Lại được đứng nhún nhảy, múa may nên trẻ rất khoái chí. Con đường nhận thức từ trừu tượng/chung => cụ thể/riêng, và thao tác tay chân bên ngoài thế nào thì trong não diễn ra thao tác tương ứng… là những vấn đề Tâm lý học rất cơ bản và chuyên sâu, xin nói rõ vào dịp khác).

Nhìn cảnh học sinh múa tay vui vẻ đọc, tôi thấy buồn cười, cả xã hội xúm vào chửi trẻ đọc các hình vuông, tròn, tam giác… mà GS Hồ Ngọc Đại không sao nói cho mọi người hiểu được. Nhưng giáo viên đã dạy theo cách đó rất hiệu quả, thì xin các nhà quản lý cứ để giáo viên được quyền dạy theo cách mà họ thấy hiệu quả. Quan trọng là học sinh học thích thú và kết quả tốt, còn người lớn chưa hiểu thì chịu khó tìm hiểu dần dần từ con mình.

Vào xem lớp 4, thấy các em tự học Tiếng Việt sách Cánh Buồm một cách say sưa, không thấy có giáo viên hướng dẫn.

Vào thăm lớp 7, thấy các em đang học sách Văn Cánh Buồm.

Tôi hỏi một em gái: Học Văn khác học Tiếng Việt thế nào?

- Dạ, học Tiếng Việt là học chuyên về ngôn từ, cách dùng các loại từ, viết câu thế nào … Học Văn là học về nghệ thuật kịch, thơ, những câu chuyện …

- Học Văn có thích không?

- Dạ, con rất là thích luôn ạ.

Sau đó em đọc mấy câu thơ vừa sáng tác. Một em trai cuối lớp cũng đứng lên đọc mấy câu thơ ngộ nghĩnh vừa viết, khiến cả lớp cười vui vẻ.

Tôi vẫn tin, Phạm Toàn viết sách Văn, Tiếng Việt chắc chắn rất tốt, vì ông là Thầy giáo dạy từ lớp 1, là Nhà văn, nhà nghiên cứu Tâm lý – giáo dục học. Hơn nữa với động cơ không vụ lợi, tất cả muốn hiến dâng những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ. Sách Văn, Tiếng Việt lớp 1 đến lớp 9 đã được dạy và điều chỉnh qua nhiều năm, đáng tin cậy.

Đặc biệt là các giáo viên dạy dễ dàng, học sinh học thích thú mà hiệu quả; lại chỉ một quyển sách dùng cho cả giáo viên dạy, học sinh học và làm bài tập ngay cuối bài học. Đơn giản mà “ba trong một”.

Phạm Toàn đã cho đưa tất cả Sách Giáo khoa, sách Sư phạm Cánh Buồm lên mạng, hiến dâng miễn phí cho toàn xã hội. Xin mời vào xem tại đâyhttps://canhbuom.edu.vn/.

Không biết có bao nhiêu giáo viên, cha mẹ học sinh… đã lấy sách Cánh Buồm từ trang ebooks này xuống để dùng? Tôi nhớ có cô giáo ở Đak Lak dạy nhiều học sinh Tiểu học biết làm thơ. Người ta phỏng vấn, yêu cầu cô báo cáo kinh nghiệm, cô chỉ nói, tôi học theo sách Cánh Buồm… 

Nhưng, có điều, các nhà nghiên cứu “hàn lâm”, nhất là về ngôn ngữ học hay người bình thường, đọc vào sách Cánh Buồm thì thấy “choáng” và phê phán đủ thứ. 

Xin các vị đừng đem học hàm, học vị hàn lâm, hay cái định kiến mình đã có ra làm chuẩn để đánh giá, mà hãy lấy HỌC SINH LÀM CHUẨN. Tôi đã dự mấy buổi Hội thảo cuối năm của học sinh lớp 5, lớp 7, lớp 9 học sách Cánh Buồm cùng nhiều phụ huynh học sinh. Người lớn thực sự ngạc nhiên về sự phát triển về kiến thức, tư duy, kỹ năng vận dụng những điều đã học, sáng tạo ra những sản phẩm riêng của mỗi em; các em say sưa trình bày các sản phẩm của mình một cách tự tin và tranh luận, đối đáp rất sôi nổi.

Ngắm xem con em mình trưởng thành đàng hoàng như thế vui lắm, mừng lắm, còn mong gì hơn nữa!

Tôi hỏi thì được biết, ở trường Dewey học phí 8 triệu/em/1 tháng và 2,5 triệu tiền ăn cho học sinh Tiểu học. Phụ huynh đầu tư chừng 100 triệu một năm cho con, nhưng rất yên tâm về giáo dục khi đã gửi con đến nhà trường.

Nghĩ đến sự phân hoá, bất bình đẳng trong giáo dục hiện nay rất buồn.

Nhưng lại nghĩ, cũng may có các trường TƯ dù học phí cao, nhưng hy vọng ở những nơi đó giữ được đúng sứ mệnh và bản chất của giáo dục: Trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò, hướng đến nền giáo dục văn minh. Và nhờ đó giáo dục Cánh Buồm mới có đất sống và phát triển.

Các em cũng “bật mí” Cánh Buồm đang ấp ủ phát triển mấy Dự án nữa, nhưng chưa cho nói trước. 

Hãy mỉm cười, vui lên anh Phạm Toàn nhé.

18/10/2023

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Cánh Buồm, Giáo dục, Sách giáo khoa. Bookmark the permalink.