Tổng thống Mỹ đến Trung Đông: ‘‘Cú đặt cược ngoại giao mạo hiểm’’

Trọng Thành

Chuyến đi của tổng thống Mỹ đến Trung Cận Đông là tâm điểm chú ý của đa số các báo Pháp hôm nay 18/10/2023, trong bối cảnh Israel tăng cường oanh kích và chuẩn bị đưa quân vào dải Gaza, nguy cơ bạo lực lan rộng tại Trung Cận Đông. Le Monde chạy tựa trang nhất: ‘‘Israel: Thời khắc đau thương và những lựa chọn chiến lược’’, trên nền hình một phụ nữ khóc thương trước một quan tài phủ quốc kỳ Israel.  

Tổng thống Mỹ đến sân bay Ben Gurion, Israel, ngày 18/10/2023.  AP – Evan Vucci

La Croix dành bài xã luận trang nhất cho chuyến đi của tổng thống Mỹ, nhan đề ‘‘Tình đoàn kết và cảm giác bất an’’. Nhật báo Công Giáo nhấn mạnh đến ‘‘hai mục tiêu chính’’ của chuyến đi. Thứ nhất là bày tỏ tình đoàn kết với Israel, tiếp sau cuộc tấn công ngày 07/10 của Hamas, khiến khoảng 1.400 người chết. Mục tiêu thứ hai là đạt thỏa thuận với Israel, mở đường cho trợ giúp nhân đạo vào dải Gaza. Tuy nhiên, theo La Croix, đằng sau các mục tiêu này là một sứ mạng khác: chính quyền Biden hy vọng tránh cho cuộc tấn công của Israel tại Gaza ‘‘biến thành một cuộc trừng phạt tập thể tàn khốc, mà nạn nhân là thường dân’’. Liệu tổng thống Mỹ có thực thi được sứ mạng này? ‘‘Cảm giác bất an’’ mà La Croix nói đến gắn liền với vấn đề này.

Joe Biden đến Cận Đông: Cú đặt cược ngoại giao mạo hiểm là tựa chính trên trang nhất của Le Figaro. Tương tự như La Croix, Le Figaro nhấn mạnh đến hai mục tiêu, đoàn kết với Israel và mở đường cho viện trợ vào Gaza, cùng mục tiêu thứ ba là ‘‘thảo luận với các lãnh đạo Israel và Ả Rập về các dự án trung hạn và dài hạn cho dải Gaza và vùng Cisjordanie’’. Phát biểu hôm 16/10 trên kênh CBS, tổng thống Mỹ khẳng định “phải có một lộ trình hướng đến một Nhà nước Palestine’’.

Cận Đông nguy cơ bạo lực chưa từng có: Phương Tây gia tăng áp lực với Israel

Vì sao chuyến đi của tổng thống Mỹ đến Cận Đông lại là ‘‘cú đặt cược ngoại giao mạo hiểm’’ ? Bài xã luận ‘‘Thách thức với Biden’’ của Le Figaro nhấn mạnh đến tính chất ‘‘chưa từng có’’ của cuộc khủng hoảng hiện nay. Việc Israel ‘‘chần chừ’’ trong việc đưa quân vào Gaza, 10 ngày sau vụ tấn công, cho thấy đang có nhiều nhân tố không thuận lợi cho Nhà nước Do Thái: từ khâu hậu cần chuẩn bị chiến tranh, đến các cạm bẫy nguy hiểm đón đợi quân đội Israel tại Gaza, và nỗi lo ngại bùng lên một mặt trận khác với quân Hezbollah tại khu vực phía bắc, biên giới với Liban, theo kịch bản của Iran. Việc Mỹ đưa hai tàu sân bay đến khu vực Đông Địa Trung Hải là để ngăn ngừa sự can dự của Iran.

Theo Le Figaro, ‘‘các nước phương Tây đang gây áp lực để buộc Israel chuẩn bị kỹ lưỡng một kế hoạch chính trị trước khi tiến hành chiến dịch quân sự’’. ‘‘Thách thức’’ với tổng thống Biden là phải đạt được một giải pháp ngay trong chuyến công du này. Le Figaro nhấn mạnh: ‘‘Joe Biden nhận lãnh một phần trách nhiệm về những gì sẽ diễn ra, một khi ông lên máy bay trở về nước’’.

Biden đến Israel để ‘‘xác định các giới hạn’’ của cuộc chiến ở Gaza

Chiến dịch trên bộ dự kiến của Israel tại Gaza cũng là quan tâm chủ yếu của Les Echos. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất ‘‘Joe Biden đến Israel để làm dịu căng thẳng’’. Bài ‘‘Joe Biden đến Israel để xác định các giới hạn của cuộc chiến ở Gaza’’ cho biết chiến dịch trên bộ của quân đội Israel được chuẩn bị với sự tham gia trực tiếp của chính quyền Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1973, một ngoại trưởng Mỹ có mặt tại Israel với mục tiêu này.

Trước chuyến công du của tổng thống, ngoại trưởng Antony Blinken có cuộc họp 8 giờ tại trụ sở bộ Quốc Phòng Israel với nội các chiến tranh của thủ tướng Benyamin Netanyahou. Trước đó chỉ có ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tham gia các cuộc họp tương tự với Israel vào thời điểm chiến tranh Kippour 1973. Tối hôm thứ Hai qua ngày thứ Ba, Mỹ đạt được cam kết của thủ tướng Israel lập một vùng an toàn cho hàng trăm nghìn dân tị nạn Palestine tại phía nam dải Gaza. Les Echos cũng cho biết rõ là phía Mỹ đã gây áp lực buộc Israel thảo ra một chiến lược hậu chiến tại Gaza, tránh để quân đội Israel bị sa lầy tại nơi họ đã rút khỏi từ năm 2005. 

Les Echos tỏ ra khá bi quan. Nhật báo kinh tế Pháp không mấy tin tưởng là nội các chiến tranh của thủ tướng Israel có thể đáp ứng đòi hỏi của Mỹ. Les Echos kết luận ‘‘toàn bộ vấn đề là xem liệu Israel có thể giữ được sự kiềm chế sau hàng loạt vụ thảm sát, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi do Hamas tiến hành, đang gây ra phẫn nộ và đòi hỏi trả thù trong xã hội Israel’’.

‘‘Joe Biden trong thùng thuốc súng’’

Chuyến đi của tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức. Libération có hồ sơ trang nhất: ‘‘Hamas Israel: Joe Biden trong thùng thuốc súng’’. Sứ mạng của tổng thống Mỹ càng trở nên khó khả thi hơn khi diễn ra đúng vào lúc một cuộc oanh kích đẫm máu nhắm vào một bệnh viện ở Gaza hôm qua.  Khác với các báo kia, Libération trong bài xã luận mang tựa đề ‘‘Nghĩa vụ’’ nhấn mạnh đến mâu thuẫn cao độ giữa hai mục tiêu của ông Biden trong chuyến đi này. Thứ nhất là củng cố lập trường cương quyết loại trừ Hamas của đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông. Và mục tiêu thứ hai là ‘‘xác định các giới hạn cho giai đoạn mới của cuộc chiến tại dải Gaza’’. Hai mục tiêu không thể dung hòa.

Nhật báo Pháp điểm lại trong tất cả các cuộc can thiệp trong quá khứ của Mỹ tại Afghanistan, Irak hay Liban, với mục tiêu chống khủng bố, ‘‘tất cả đều kết thúc bằng một thảm họa nhân đạo và chính trị’’. Libération nhấn mạnh, trước khi Israel tiến hành giai đoạn hai của cuộc tấn công, các vụ oanh kích của nhà nước Do Thái ‘‘đã gây ra quá nhiều tổn thất cho thường dân vô tội người Palestine, và công luận thế giới đang bắt đầu thay đổi triệt để’’. Libération kết luận: ‘‘Ông Biden có nghĩa vụ về đạo lý và chính trị giải thích với đồng minh là sự đồng cảm của Mỹ không đồng nghĩa với việc Washington chấp nhận mọi hành động giết người hàng loạt để trả thù’’.

Xung đột Cận Đông: 27 nước châu Âu khó tìm đồng thuận

Không chỉ nước Mỹ bị đặt trước thế khó xử, ‘‘Khối 27 nước châu Âu cũng khó tìm được đồng thuận về xung đột Israel  Hamas’’. Theo Le Monde, một tuần sau khi xung đột bùng phát, lãnh đạo 27 nước châu Âu (trừ thủ tướng Hungary) họp lại ngày hôm qua để tìm kiếm một lập trường chung. Thái độ của chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đặc biệt bị chỉ trích.

Bà von der Leyen bị tổng thống Pháp và thủ tướng Ireland ‘‘lên án’’ vì chỉ tuyên bố ủng hộ Israel, mà không có bất cứ phát biểu chính thức nào về số phận của người Palestine tại Gaza. Một giới chức châu Âu cho biết: ‘‘từ hai năm nay, chúng ta đã cố gắng thuyết phục các nước phương Nam mà luật pháp quốc tế cần phải coi là điều tiên quyết, đặc biệt là với Ukraina, giờ đây chúng ta đang bị mất đi uy tín với tuyên bố (‘‘nhất bên trọng, nhất bên khinh’’) kiểu này’’.  Các lãnh đạo khối 27 nước ‘‘cam kết sẽ phối hợp tốt hơn để thống nhất quan điểm về chủ đề này trong tương lai’’.

Putin đi Bắc Kinh tìm thêm ‘‘phao cứu mạng’’

Trong lúc khu vực Cận Đông đang sôi sục, Trung Quốc và Nga khẳng định quan hệ mật thiết với chuyến công du Bắc Kinh của lãnh đạo Nga Putin nhân dịp hội nghị quốc tế lần thứ ba về dự án Những Con đường Tơ lụa Mới (BRI). Libération có bài ‘‘Cách xa với Ukraina và Gaza, Putin đến ve vãn Trung Quốc’’. Hai nước nằm cách xa Cận Đông, nhưng Cận Đông cũng là một chủ đề chính trong các nỗ lực ngoại giao Nga Trung. Nhật báo Pháp chú ý đến việc, trước chuyến công du, Matxcơva và Bắc Kinh thống nhất quan điểm về cuộc xung đột Cận Đông, khi nhấn mạnh ‘‘cần ngay lập tức khởi động lại giải pháp hai nhà nước, với tư cách là giải pháp căn bản’’. Giải pháp hai nhà nước công nhận một nhà nước Palestine độc lập là quan điểm chính thức của Liên Hiệp Quốc. Nga và Trung Quốc tỏ thái độ khác biệt với phương Tây, khi không lên án tổ chức Hamas, thủ phạm các vụ tấn công vào Israel hôm 07/10.

Về chuyến công du của tổng thống Nga, báo Libération nhấn mạnh đến tính chất mất cân bằng trong quan hệ Nga  Trung.  Với cuộc xâm lăng Ukraina, Nga bị đặt vào thế ngày càng bị cô lập hơn về chính trị và kinh tế, và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Trao đổi thương mại Nga  Trung tăng 30% năm 2023, và Trung Quốc trở thành đối tác số một của Nga. Theo chuyên gia Alexander Gabuev, Trung tâm Carnegie Russia Center, Trung Quốc đang trở thành ‘‘chiếc phao cứu mạng về kinh tế’’ với Nga. 

Châu Âu: Nguy cơ khủng bố luôn hiện hữu

Khủng bố tại châu Âu cũng là một chủ đề chính khác của báo chí Pháp hôm nay. ‘‘Khủng bố tại châu Âu : Đe dọa luôn luôn hiện hữu’’ là tựa lớn trang nhất La Croix. Các vụ khủng bố nhắm vào một trường học ở Arras, miền bắc nước Pháp, hôm 13/10 và tại Bruxelles hôm 16/10, đã được tiến hành ‘‘nhân danh Nhà nước Hồi giáo’’. Hồ sơ chính của La Croix hôm nay dành cho chủ đề này. Hai người bị giết tại Bruxelles là công dân Thụy Điển. Theo thủ tướng Thụy Điển, chưa bao giờ trong lịch sử đương đại, quốc gia Bắc Âu này lại bị đe dọa như vậy. Thụy Điển đã được đặt trong tình trạng báo động từ ngày 17/08, sau các vụ biểu tình có diễn ra việc đốt kinh Coran do phần tử cực hữu và dân tị nạn Irak tiến hành.

La Croix cũng đặt câu hỏi về nguy cơ khủng bố hiện nay tại châu Âu liên quan đến tổ chức Hamas, cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Theo một chuyên gia về chống khủng bố, các vụ khủng bố như kiểu vụ tấn công vào trường học ở Arras, Pháp, là rất khó ngăn ngừa. Thủ phạm vụ tấn công tuy nằm trong danh sách theo dõi của an ninh Pháp, nhưng không bộc lộ những dấu hiệu cho thấy chuẩn bị hành động. Việc một kẻ tấn công dùng vũ khí thô sơ như dao rất khó ngăn chặn, bởi đây là một công cụ mà tất cả ai cũng dễ dàng có được.

Hai vụ tấn công tại Bruxelles và trường học Pháp cũng là chủ đề trang nhất của Libération. Nhật báo Pháp có bài điều tra về gia đình của thủ phạm vụ tấn công trường học Pháp. Kể từ năm 2021, an ninh Pháp đã ghi nhận nhiều chỉ dấu cho thấy nhiều thành viên trong gia đình Mogouchkov, gốc Cộng hòa Ingushetia, Nga, có quan hệ với Thánh chiến Hồi giáo.

‘‘Nobel sinh thái’’ cho các nhà bảo vệ môi trường Cam Bốt

Trong lĩnh vực môi trường, mục ‘‘Hành tinh’’ của báo La Croix dành ba trang tố cáo nạn truy bức các nhà hoạt động môi trường tại Cam Bốt. Theo La Croix, trong những năm gần đây, nhiều thành viên của hiệp hội tranh đấu bất bạo động vì môi trường Mother Nature (Mẹ Thiên Nhiên) đã bị chính quyền Cam Bốt truy tố. Cuối tháng 9 vừa qua, cuộc tranh đấu của những thanh niên Cam Bốt đã được vinh danh với giải thưởng Right Livehood, giải thường được giới môi trường gọi là ‘‘giải Nobel vì sinh thái’’. Hiệp hội Mẹ Thiên Nhiên  được một nhà hoạt động người Tây Ban Nha thành lập năm 2012.

Năm 2017, hiệp hội này bị chính quyền ra lệnh giải tán. Bất chấp các đàn áp của chính quyền, các thành viên của Mẹ Thiên Nhiên tiếp tục tranh đấu, và hoạt động của họ tiếp tục thu được một số kết quả. Trong mười năm hoạt động, nhóm này đã đạt được một số thành công đáng kể, như buộc chính quyền ngừng xây dựng một đập thủy điện ở thung lũng Areng, đình chỉ một dự án có hại cho sinh thái ở đảo Koh Kong, hay đình chỉ một dự án bất động sản lớn ở rừng Tamao, khu vực vốn được dành cho một trung tâm bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

*

Đọc thêm:

Tổng thống Biden nói về tình hình xung đột giữa Israel và Hamas

Nguồn: Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) 

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Báo Mỹ New York Times ngày 15 đưa tin Tổng thống Mỹ Biden đã chấp nhận cuộc phỏng vấn trên chương trình “60 phút” (60 Minutes) của CBS. Chương trình này được phát sóng vào tối ngày 15. Trong cuộc phỏng vấn, Biden chủ yếu nói về vòng xung đột mới giữa Palestine với Israel và các chủ đề khác. Ông nói Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas) “phải bị tiêu diệt tận gốc” đồng thời cảnh báo Israel không được chiếm Gaza lần nữa, ông nói điều đó sẽ là một “sai lầm”. Về lời cảnh báo của ông đối với Israel, tờ New York Times cho rằng đây là “nỗ lực lớn đầu tiên mà Biden thực hiện trước công chúng nhằm kiềm chế các đồng minh của mình” kể từ vòng xung đột mới giữa Palestine với Israel.

“Tôi cho rằng đó sẽ là một sai lầm rất lớn”, Biden nói khi trả lời phỏng vấn. “Theo quan điểm của tôi, sự việc xảy ra ở Gaza là (do) Hamas, những kẻ cực đoan của Hamas không thể đại diện cho tất cả người dân Palestine. Tôi cho rằng Israel chiếm Gaza lần nữa sẽ là một sai lầm”. Ông nói thêm: “Tiêu diệt những kẻ cực đoan ở đó” là một “yêu cầu tất yếu”.

Bản tin cho biết, khi được hỏi liệu ông có đồng ý rằng Hamas phải bị tiêu diệt hoàn toàn hay không, Biden trả lời: “Có, tôi đồng ý. Nhưng cần phải có một cơ quan quyền lực của Palestine. Phải có một con đường dẫn đến (thành lập) một nhà nước Palestine”. Bản tin bổ sung rằng Biden không nói rõ liệu Israel có nên tạm thời đưa bộ binh vào Gaza hay không, nhưng ông ủng hộ mục tiêu tiêu diệt Hamas.

New York Times đề cập rằng kể từ ngày 7/10 khi Hamas tập kích Israel cho đến nay, Biden luôn kiên quyết ủng hộ Israel và từ chối phê phán việc Israel “phong tỏa trả đũa” dải Gaza. Nhưng trong cuộc phỏng vấn mới nhất này, ông cảnh báo Israel không được chiếm Gaza lần nữa.

“Israel phải đáp trả”, Biden nói. “Họ phải tấn công Hamas. Hamas là một lũ hèn nhát. Họ núp sau dân thường. Họ bố trí trụ sở tại nhà dân và các tòa nhà [nơi dân thường trú ngụ]”.  Biden cho biết ông tin chắc “Israel sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh thường dân vô tội bị giết”. Bản tin cho biết thêm rằng trong cuộc phỏng vấn, Biden bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo và ca ngợi việc thiết lập hành lang an toàn để cho người Palestine thoát khỏi vùng chiến sự và cho phép tiếp tế hàng hoá vào dải Gaza. Tuy nhiên, New York Times cho biết Biden không coi những phát biểu này là sự phê bình Israel.

“Tôi tin rằng Israel sẽ hành động theo các quy tắc chiến tranh”, Biden nói, “Các chế độ dân chủ và các quốc gia dân chủ đều có những tiêu chuẩn của mình. Vì vậy tôi tin rằng những người dân vô tội ở Gaza sẽ có khả năng nhận được thuốc men, thực phẩm và nước uống”.

Báo Anh Guardian ngày 15 đưa tin, trong cuộc phỏng vấn Biden cũng tuyên bố rằng không có “bằng chứng rõ ràng” nào cho thấy Iran có tham gia cuộc tấn công Israel do Hamas phát động. Bản tin cho biết, khi được hỏi ông muốn truyền tải thông điệp gì tới Iran và Hezbollah ở Lebanon hay không, Biden luôn miệng nói: “Không, không, không, không”. Khi nhà báo hỏi như vậy phải chăng có nghĩa là ông đang cảnh cáo các bên liên quan “Không được vượt giới hạn, không được leo thang chiến tranh”, Biden trả lời khẳng định.

Ngoài ra Guardian cho biết Biden tỏ ý trong lần xung đột Palestine  Israel này không cần thiết phải bố trí quân đội Mỹ tới vùng chiến sự. Ông còn nói, Mỹ có thể đồng thời “chiếu cố tới” các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Israel, đồng thời vẫn duy trì khả năng phòng thủ của mình.

Theo tin của các phương tiện truyền thông, khi vòng xung đột mới giữa Palestine và Israel tiếp tục diễn ra, số thương vong của cả hai bên cũng ngày càng tăng. Tính đến ngày 15 theo giờ địa phương, cuộc xung đột đã làm cho hơn 4100 người của cả hai bên thiệt mạng.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung “拜登:没有必要就此次巴以冲突向当地部署美国军队”,球网, 2023-10-16.

Nguồn bản dịch: Nghiên cứu Quốc tế

This entry was posted in chiến tranh, Quan hệ quốc tế, Trung Đông. Bookmark the permalink.