10 điểm nhấn về chiến tranh

(Viết sau cuộc chiến khốc liệt Israel 04 ngày)

Nguyễn Huy Cường 


1.    Tất cả những tiến bộ (tạm gọi như vậy) về Khoa học kỹ thuật Quân sự đều bị chính những tiến bộ khác hóa giải, sau đó bên bị bẻ gãy lại cố gắng vươn lên cho đến khi những cố gắng này … vô dụng. Rồi lại tính tiếp;

2.    Cái thiện, lòng yêu hòa bình là khát vọng của nhân loại. Nhưng, nhân loại không có cơ chế bảo đảm cho nó vững bền, thắng thế. Phần thắng thường là cái ác. Liên Hợp Quốc hoặc các thiết chế thượng tầng rất ít giá trị. Có lúc như không. Nó giống như một câu ngạn ngữ không vui tai “Cái thiện là tình thế cái ác là mãi mãi”. Độ tàn khốc của chiến tranh hôm nay mạnh gấp ngàn lần hồi nửa thế kỷ 19;

3.    Trong chiến tranh, ngành tình báo có một giá trị chiến thuật rất lớn. Người Israel không bất lực về tình báo quân sự (Quân đội Sài Gòn 1975 cũng vậy) nhưng trong thế cuộc vừa qua ta thấy là họ ăn no tin giả;

4.    Trong cuộc chiến Việt – Mỹ, nhân tố quyết định cho việc tan cuộc là phong trào phản chiến của hậu phương nước Mỹ. Động thái này sắp được lặp lại ở vài cuộc chơi lớn;

5.    Nền văn minh kẻ cướp, cho dù gọi bằng cái tên nào khác cho êm tai hơn nhưng là lối tắt cho cường quyền, rất hay được dùng. Đội quân Nguyên Mông, đội quân Quan Đông của Nhật trong lịch sử đã áp dụng tư duy này;

6.    Người ngoài cuộc (chiến) thường xúc động, kiên quyết, duy lý, duy ý chí hơn những người trong cuộc. 

Tôi nhắc một sự kiện: Năm 1964, đặc công Nguyễn Văn Trỗi mưu sát Bộ trưởng Robert Mc Namara không thành, phải dựa cột. Sau 1975, ngay năm sau, Mc Namara đến Hà Nội và được một nhân vật cao ngất ngư của Chính phủ Việt Nam ôm hoa ra chân cầu thang máy bay đón rước. Sự kiện này khó bộc lộ (cho đến bây giờ) cho hàng triệu người Việt Nam vẫn rát cổ hô khẩu hiệu chống Mỹ biết…

Xin nói thêm: Khi ấy đã xảy ra một sự kiện tận bên kia bán cầu: Có anh du kích nước Venezuela tên là Carlos Argenis Martínez tham gia vụ bắt cóc Trung tá Mỹ Michael Smolen tại Thủ đô Caracas để đòi đổi lấy mạng sống của anh Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên, anh chàng râu kẽm này bị lừa, sau khi bên kia thả Trung tá Mỹ thì ở Sài Gòn, anh Trỗi ra pháp trường;

7.    Kỹ nghệ nói láo phát triển cực mạnh trong chiến tranh. 

Để kiểm chứng những thông tin trong chiến tranh, cần rất nhiều nguồn, cần cả máu. Cái cần nhất là thời gian, có khi khoảng … mười năm sau chưa rõ.

Nhưng nhiều người tin rằng Người Nga phải dùng con chip trong máy giặt để gắn vào tên lửa hoặc có người tin là cây cầu Creck của Nga là bất khả xâm phạm.

Khi Nga bỏ phiếu sát nhập miền Đông Ukraine, có người cho rằng động thái này sẽ là bước đệm chết người. Nếu sau đó Ukraine chỉ nã một loạt pháo vào đây thì ăn đòn đủ ngay vì đó là lãnh thổ Nga.

Sự thể không như thế.

Ngày nay, Ukraine đã tấn công vào một sân bay quân sự tận vùng Saratob, tận kề thủ đô Moscow, sâu trong lãnh thổ Nga, không sao;

8.    Không ai thích kẻ xâm lược.

Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tháng 10 năm 1954, quân đội Pháp rút khỏi Hà Nội về Hải Phòng để về Pháp sau sự kiện Điện Biên Phủ.

Có khoảng 2200 phụ nữ trẻ đẹp của Hà Nội, Vĩnh Yên, Nam Định… rút theo cánh lính lê dương ấy. Trong đó có rất nhiều lính đánh thuê da … không trắng.

Sau này họ trở thành Việt kiều cả.

9.    Cuộc chiến Israel với Palestin trong 50 năm qua đã xảy ra nhiều lần. Năm 1967 có ngày hai bên hạ nhau hơn 200 xe tăng ở bán đảo Sinai, ác liệt hơn Ukraine nhiều nhưng rồi sẽ phải chấm dứt.

Rồi lại bùng lên.

Rồi lại chấm dứt.

Cái “vòm sắt” cách đây vài năm đang nằm trong đơn đặt hàng của nhiều nước ưa đối đầu nhưng không ngăn được thù hận tích tụ. 

Nhưng vũ lực không giải quyết triệt để được đại cục này.

Thế giới sẽ bày tỏ niềm thương cảm cho con dân hai phe này được chừng vài tháng

Rồi lo việc khác.

10. Đi đêm: Khó có ai tin bốn tháng đầu cuộc chiến, khi Nga đang tẩn cho Ukraine khốn khổ thì Mỹ và vài nước hàng đầu NATO vừa kêu gọi cấm vận tứ tung kinh tế Nga nhưng họ vẫn mua hàng của NGA. (Sẽ có một bài riêng về chuyện này).

Câu chuyện này cũng không xa lạ với sự kiện Kissinger đến Thượng Hải năm 1972.

Vài suy nghĩ tản mạn ghi để mai ngày kiểm chứng xem cái gì sai ít, cái gì sai nhiều và cái gì là BẤT BIẾN.

11.10.2023

N.H.C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường

 

This entry was posted in chiến tranh, Israel. Bookmark the permalink.