Tuyệt mật của Quỷ

Chu Mộng Long

Phần I

Thứ Năm, 5-10-2023

Để nền cai trị xứ Lĩnh Nam không đặt trên vết xe đổ của các triều trước, vua nói: "Muốn dân chủ thì phải để dân mở miệng". Đến mấy đời sau, vua con cũng nói: "Đất nước cần tiếng nói trung thực, quả cảm".

Đó là Thiên mệnh. Mệnh vua là mệnh Trời. Suy rộng ra, miệng vua cũng là miệng Trời.

Nhưng bỗng một ngày kia, chờ lúc vua ngủ trong phòng lạnh, Quỷ từ trong bóng tối hiện ra mang gương mặt nhân từ của Trời cất tiếng thì thầm: "Dân bây giờ mở mồm ra là chửi. Cần phải bịt mồm dân!", "Quá nhiều tiếng nói trung thực, quả cảm thì chúng ta cũng không còn đất để cạp!"

Một người hỏi: "Tại sao trên dưới bất nhất như vậy?"

Quỷ đưa tay lên miệng suỵt: "Tuyệt mật! Ngươi lan truyền cho mọi người biết thông điệp này nhưng không được công khai!"

Người nghe được và hỏi con quỷ ấy là kẻ đứng đầu một bộ tộc. Tù trưởng hỏi: "Thông điệp cụ thể thế nào để mọi người làm theo chứ? Nhỡ bịt mồm mà họ kêu to hơn thì sao?" Quỷ nói: "Vấn đề là chỗ đấy! Ngươi giữ bí mật lời của ta và tự ra công văn gửi cho mọi người, yêu cầu mọi người không được phát ngôn, không được chia sẻ, thậm chí không được thể hiện thích, yêu, phẫn nộ gì trước các thông tin xấu, có hại. Tốt nhất là bắt mọi người khai báo rõ ràng thông tin cá nhân trên mạng ảo, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt!"

Tù trưởng vò đầu, hơi một chút băn khoăn. Tại sao thông điệp nhân danh Trời kia thì tuyệt mật mà công văn do mình ký ban hành cho bộ tộc thì phải công khai? Nhỡ có chuyện gì thì ta phải chịu trách nhiệm à? Vua cha nói, "cái gì có lợi cho dân thì làm", nhưng cấm dân phát ngôn, cấm luôn dân biểu lộ cảm xúc thì ta đang bắt dân phải thành kẻ câm điếc hay vật vô tri vô giác sao? Làm vậy nhỡ Trời trừng phạt thì lấy ai làm Tù trưởng?

Tù trưởng hỏi: "Ngươi là Trời hay Quỷ vậy?" Quỷ nhe nanh cười: "Ngươi biết câu "gần đất xa trời" là gì không? Trời thì cao, cũng có nghĩa là chết rồi. Mà các ngươi thì đang sống ở trên mặt đất. Ở mặt đất thì gần Quỷ hay gần Trời? Ngươi sợ Trời hay sợ Quỷ? Cái gì có lợi cho ngươi thì nên làm đi!"

Tù trưởng hiểu, mệnh của mình không thuộc Trời mà thuộc Quỷ. Vậy là khó thực hiện Thiên mệnh. Đành phải tuân theo Quỷ mệnh thôi. Bịt miệng dân, cấm dân nói cái xấu, cái ác, cấm luôn dân biểu lộ cảm xúc thì đúng là có lợi cho mình hơn. Từ nay việc xấu việc ác gì ta đều có thể làm một cách tự do, công khai mà không sợ bị lộ, không sợ bị phản đối. Đúng là lợi thật!

Tù trưởng nghĩ thêm về cách làm thông minh, rằng nếu ai lên tiếng phản đối mà trừng phạt không có hiệu quả thì lấy trẻ con làm con tin. Nhẹ thì đuổi học, nặng hơn thì túm tóc túm cổ kéo lê kéo lết giữa chợ để hành hình. Thậm chí đầu độc từ tê liệt thần kinh đến chết. Bậc cha mẹ nào cũng vì con của mình mà không dám phản đối hoặc răm rắp làm theo cái xấu, cái ác.

Nghĩ đoạn, Tù trưởng ra công văn và tổ chức họp dân công khai thông điệp tuyệt mật của Quỷ. Nghe nói đến thông điệp tuyệt mật của Quỷ, ai cũng sợ hãi. Tất cả im lặng, có tai như điếc, có mắt như mù, có miệng như câm. Xã hội là một kết nối, gọi là mạng, không còn tiếng nói của Người nữa mà biến thành tiếng nói độc quyền của Quỷ. Trên thế giới ảo ấy chỉ còn vũ điệu của Quỷ, ngợi ca công lao Quỷ và công khai tiệc ăn mừng của Quỷ ngay trên xác chết của người. Từ đó Quỷ ở với người và không việc gì của người không bị theo dõi, giám sát. Người không trở thành Quỷ để gia nhập đội ngũ của Quỷ thì cũng thành câm, mù, điếc. Quỷ tha hồ lộng hành và tội ác như quả bóng tuyết, càng lăn càng to!

C.M.L.

(Trích Lĩnh Nam quái sự, phần “Cựu ước xứ Lĩnh Nam”)

Nguồn: FB Chu Mộng Long

Phần II

Chủ nhật, 8-10-2023

Ở dưới chân núi Sóc Sơn có đền thờ Phù Đổng Thiên Vương. Tương truyền sau khi Thánh Gióng đánh giặc xong đã cởi bỏ giáp sắt, vứt roi sắt, một mình một ngựa bay về trời. Không một lời từ biệt. Dân nhặt bộ giáp sắt, roi sắt ấy rồi lập đền thờ, ngày đêm cúng bái và tổ chức lễ hội để ghi nhớ công lao người anh hùng và kế tục truyền thống đánh giặc giữ nước.

Phần lễ là phần của các chức sự, chỉ tổ chức rước giáp sắt, roi sắt, cúng cơm cà và nước sông. Phần hội, dân tổ chức cho các cháu đánh trận giả. Trang nghiêm và vui vẻ.

Một hôm, đang lễ cúng và rước Thánh thì xảy ra quái sự. Trong bộ giáp sắt bỗng mọc ra cái đầu rồi mọc tay mọc chân. Kẻ đó cũng to lớn như Phù Đổng, tay cầm roi sắt, miệng thét ra lửa. Ai nấy kinh hoàng quỳ mọp và rập đầu xuống đất. Thánh đã hiển linh. Thánh cầm roi sắt gõ lên đầu viên chức sự:

– Xưa ta ăn cơm cà, uống nước sông là do có giặc giã. Nay vẫn cho ta ăn uống như vậy thì có thất kính không?

Thánh đã giận, cho nên khi làm lễ rước, cả đám người bị Thánh vật. Nhẹ thì loạng choạng rơi xuống sình lầy, nặng thì chết ngay lập tức. Phần hội sau đó hoàn toàn bị cắt bỏ. Bọn trẻ hồn nhiên cũng chẳng còn hào hứng vui chơi.

Thầy mo, người coi giữ đền nói với Tù trưởng Sóc Sơn:

– Thánh đã giận rồi thì xem chừng cả làng bị vật. Liệu mà năm tới cúng rước đàng hoàng. Thánh đã nói với ta, rằng phải thay cơm cà bằng sơn hào hải vị, thay nước sông thành bia rượu hảo hạng.

Các chức sự họp bàn và thống nhất tinh thần quyên góp từ dân. Dân ngoài đóng thuế nuôi các chức sự, còn phải nộp phí xây lại đền và tượng đài ngàn tỉ để cúng rước Thánh. Chỉ mỗi ba nong sơn hào, bảy nong hảo vị, bia rượu nhiều như nước sông để làm lễ tế Thánh, dân đã cùng kiệt. Tiếng khóc còn thê thảm hơn cái thời giặc Ân đến cướp bóc và tàn phá. Chỉ than khóc thôi, chẳng ai dám hé răng kêu ca vì sợ bị quy tội báng bổ thánh thần.

Ngày lễ hội năm ấy, riêng phần hội còn hơn cả chiến tranh. Nhưng không phải chống giặc ngoại xâm mà là nội chiến.

Sau khi cúng rước Thánh xong, thầy mo và các chức sự lựa chọn những gì ngon nhất trong các món sơn hào hải vị mà ăn. Rượu bia hàng ngàn lít họ thi nhau mà nốc. Ăn uống no nê rồi móc họng nôn ra và lại ăn uống tiếp.

Thấy dân bên ngoài chờ đã lâu, lại rất ồn ào, một chức sự mặt đỏ gay, trong cơn say, anh ta hỏi thật thầy mo:

– Thông điệp ngài đưa ra liệu có phải là của Thánh hay của Quỷ? Tôi thấy có gì đó bất ổn!

Thầy mo vừa nôn ra một bãi nhầy nhụa cả sơn hào hải vị lẫn rượu bia, tay gắp tay nâng ly nốc tiếp, vừa nhai vừa nuốt vừa nói:

– Thánh hiển linh thì ngươi và mọi người đều thấy, lẽ nào ta bịa? Ngươi nghi ngờ là có sự tự diễn biến đạo đức, tư tưởng đấy. Để duy trì sự ổn định cần phải tuyên truyền giáo dục toàn dân hiểu và làm theo lời Thánh dạy. Ngay bây giờ mang hết thức ăn, rượu bia còn lại ra sân cho dân.

Không vị chức sự nào dám hỏi thêm.

Đúng lúc thức ăn, rượu bia thừa được mang ra sân thì đám dân chúng từ người già đến thanh niên, từ phụ nữ đến trẻ con nhảy xổ vào tranh cướp đến đầu rơi máu chảy. Các chức sự lại hỏi thầy mo:

– Sao cứ như ma xui quỷ khiến đâm chém, giết chóc vậy thầy?

Thầy mo bật cười:

– Thánh vừa nói cho ta nghe, đó mới là hội đúng nghĩa. Nên hiểu đó là tranh cướp có văn hoá. Lâu nay chỉ là trò chơi đánh trận giả của bọn con nít. Nay mới đánh trận thật. Thánh bảo cần mở trường giáo dục cho bọn trẻ lòng yêu nước và sự dũng cảm để mỗi công dân đều trở thành những anh hùng.

Dưới chân núi Sóc Sơn có hai trường học mở ra. Toàn dân cho trẻ đến trường với niềm tin mỗi em bé sẽ lớn nhanh như Phù Đổng và trở thành Thánh. Trẻ em muốn lớn nhanh để thành Thánh thì phải ăn nhiều, uống nhiều. Phụ huynh phải nộp học phí thật cao. Nhưng kết quả là bao nhiêu năm, trẻ em vẫn không chịu lớn, lại phải học bao nhiêu thứ trên trời dưới đất đến phờ phạc, thất thần. Đến mùa lễ hội bọn trẻ cũng không có thời gian và sức lực để chơi. Chúng chỉ còn sức tranh cướp cái ăn thức uống và tội ác lan tràn khắp nơi. Trong khi các chức sự thì bụng to mắt híp, không như Phù Đổng mà như Phù Thỉ.

Dư luận bắt đầu dậy sóng. Dân từ bàn tán lén lút đến công khai. Thầy mo lại thỉnh Thánh xin Thánh lệnh. Thánh phán: "Tổ chức đội quân theo dõi và bắt bỏ tù hoặc phạt tiền những kẻ gieo rắc hoài nghi cho con trẻ". Nhiều người bị bắt bỏ tù hoặc bị phạt tiền. Toàn dân sợ hãi. Thầy mo nhân cơ hội truyền luôn mật chỉ của Thánh: "Cấm bàn tán, cấm chia sẻ, thậm chí cấm luôn biểu lộ cảm xúc. Từ nay mọi người dân khôn hồn thì có mắt như đui, có tai như điếc, có miệng như câm, có tim như gỗ đá. Chỉ một lòng trung thành với Thánh".

Nói đoạn, thầy mo dặn dò các chức sự chỉ thi hành lệnh Thánh mà không được công khai vì đó là thông điệp tuyệt mật!

Những năm tiếp theo sau đó, dân không chỉ è cổ ra đóng học phí cho con mà còn đóng bao nhiêu loại phí để tế Thánh. Đến cái bánh trung thu cho thiếu nhi cũng tế Thánh trước. Một học sinh đói quá lỡ ăn vụng một mẩu bánh mà bị cô giáo túm áo túm cổ kéo lê kéo lết trước lớp học để tế Thánh. Một đứa khác chia sẻ hình ảnh đó cũng bị trừng phạt. Một phụ huynh lên tiếng phản đối, rằng tiền đóng góp của dân chỉ để nuôi Quỷ chứ không phải để dạy trẻ nên người hay thành Thánh. Anh hùng gì khi bọn trẻ phóng xe để gây chết người? Thành Thánh phét lác trong các hội đồng và trong quán nhậu thì có. Lập tức vị phụ huynh ấy bị các chức sự triệu tập để phạt tội báng bổ thánh thần.

Phụ huynh kháng cự không chịu theo lệnh triệu tập, vì nhà trường không phải trại giam. Thầy mo lại thỉnh Thánh. Thánh hiển linh và ra mật lệnh: "Cứ lấy bọn trẻ con làm trung tâm, à lộn, làm con tin, thì đám phụ huynh cứng đầu kia hết dám kháng lệnh Thánh".

Thế là từ đó đám trẻ con bị giam ở trường từ sáng sớm đến tối mịt để được gọi là học thêm, học tăng cường cho nhanh thành Thánh. Thầy mo viết sẵn mẫu đơn tự nguyện cho phụ huynh kí vào. Phụ huynh nào phản đối thì trẻ em bị trừng phạt trước. Trẻ em bị chửi, bị mắng, bị đòn và phụ huynh phải hiểu là bị Thánh quở phạt. Nhiều em bé phải tự giác nhảy sông nhảy lầu để nhanh về trời với Thánh.

Bốn ngàn năm sau, người dân Sóc Sơn mới nhận ra đó là nền giáo dục thổ phỉ, tất cả làm theo Quỷ lệnh mà nhầm tưởng đó là Thánh lệnh. Người giữ đền chép lại quái sự này và xem như một phần Cựu ước xứ Lĩnh Nam.

C.M.L.

(Trích Lĩnh Nam quái sự)

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Chu Mộng Long, Thư giãn. Bookmark the permalink.