06/10/2023
CIVICUS Monitor ra báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam, ngày 5/10/2023. Photo Twitter CIVICUS Monitor.
Tổ chức CIVICUS Monitor vừa lên án việc chính quyền Việt Nam hình sự hóa và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền, đối xử tàn nhẫn với các tù nhân chính trị và gia tăng các hạn chế trên không gian mạng.
CIVICUS, một liên minh xã hội dân sự toàn cầu có nhiệm vụ tăng cường hành động của công dân và xã hội dân sự trên toàn thế giới, đưa ra báo cáo này hôm 5/10, gần tròn một năm sau khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.
CIVICUS Monitor đánh giá rằng không gian dân sự tại Việt Nam ở trong tình trạng “bị đóng kín” (closed) và hiện vẫn như vậy do chính quyền hạn chế chặt chẽ quyền tự do hội họp ôn hòa, tự do biểu đạt.
“Trong số những mối lo ngại đang diễn ra được ghi nhận là những nỗ lực có hệ thống nhằm bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và các blogger, bao gồm cả việc bỏ tù họ theo luật an ninh quốc gia, hạn chế quyền tự do đi lại và tra tấn cũng như đối xử tệ bạc với họ”, báo cáo viết.
Ngoài ra, chính quyền còn có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trên các phương tiện truyền thông, kiểm duyệt trực tuyến và kiểm soát trên phương tiện truyền thông xã hội cũng như các hạn chế đang diễn ra đối với các cuộc biểu tình ôn hòa, tổ chức này cho biết thêm.
Khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, họ cam kết “tiếp tục nỗ lực để mọi người được hưởng tốt hơn các quyền con người và các quyền tự do cơ bản”, nhưng vào những tháng gần đây, chính phủ “tiếp tục hình sự hóa và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền bao gồm các nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động vì quyền của người thiểu số và các học giả trong khi các tù nhân chính trị bị đối xử tàn tệ trong tù”, báo cáo cho biết.
Báo cáo của CIVICUS Monitor điểm lại một số vụ kết án và bắt bớ tiêu biểu như vụ bà Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động vì môi trường, bị kết án 3 năm tù với cáo buộc “Trốn thuế”; chuyên gia năng lượng xanh Ngô Thị Tố Nhiên, bị bắt với cáo buộc “Chiếm đoạt tài liệu”; Blogger Thái Văn Đường bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”, tù nhân chính trị Đặng Đình Bách bị giám thị trại giam hành hung sau khi ông báo cho gia đình biết về việc ông bị các tù nhân khác đe dọa…
Ngoài ra, báo cáo còn đề cập đến nhiều trường hợp nhà hoạt động bị bắt hay bị kết án với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”: ông Phan Sơn Tùng bị kết án 6 năm tù vào tháng 7/2023 vì chủ trương thành lập đảng “Việt Nam Thịnh vượng”, đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền; ông Nguyễn Sơn Lộ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển SENA, bị kết án 3 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, và hai năm tù nữa về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”, được xem là nhằm bịt miệng những tiếng nói chống tham nhũng của ông; ba nhà hoạt động Khmer Krom Thạch Cương, Tô Hoàng Chương và Danh Minh Quang ở đồng bằng sông Cửu Long bị bắt vào tháng 7 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” sau khi phổ biến sách về quyền của người bản địa…Cũng tội danh này, ông Hoàng Văn Luân bị bắt vào tháng 8/2023 sau khi ông tổ chức khiếu kiện đông người ở Hà Tĩnh về thảm họa môi trường Formosa.
Báo cáo cũng nêu việc chính quyền Việt Nam vào tháng 8/2023 soạn thảo một nghị định mới để loại bỏ người dùng khỏi mạng xã hội nếu họ chia sẻ nội dung bị coi là bất hợp pháp, xem đây là một động thái nhằm thắt chặt hơn nữa tiếng nói phản biện trên không gian mạng. Cơ quan chức năng của Việt Nam đang lấy ý kiến về nghị định dự thảo này, nếu ban hành sẽ thay thế các quy định hiện có, bao gồm Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị cho ý kiến phản hồi về báo cáo của CIVICUS Monitor, nhưng chưa được trả lời.
Liên quan đến trường hợp ông Đặng Đình Bách vào tháng 8 được cho là bị hành hung ngay sau khi ông gọi điện thoại về nhà để tố cáo sự việc nghiêm trọng xảy ra trong Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, bà Trần Phương Thảo, vợ ông, nói với VOA:
“Chồng tôi bị cán bộ quản giáo hành hung và gây thương tích ở tay và bị đánh rất mạnh vào đầu gây chấn thương nguy hiểm. Hơn nữa, chồng tôi và gia đình tôi không hiểu được lý do tại sao anh bị đánh đập trong tù bởi vì chồng tôi đã khẳng định rằng anh không vi phạm bất cứ nội quy gì trong trại giam.
“Thực trạng là trại giam số 6 đã làm mọi cách để bưng bít thông tin khiến cho gia đình tôi vô cùng khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin từ người thân của mình. Họ ngăn cấm không cho chồng tôi nói với gia đình về việc anh bị đe dọa tính mạng hay bị đánh đập.
“Chúng tôi đang rất là hoang mang, lo lắng đến tình hình tính mạng sức khỏe, sự an toàn của chồng tôi và đặc biệt là cái nguy cơ có thể bị trả thù sau khi mà anh làm đơn tố cáo những cái sai phạm của trại giam”.
Trước đó, hàng chục tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Đặng Đình Bách, người đang thụ án 5 năm tù về tội “Trốn thuế”, một cáo buộc các tổ chức này gọi là “ngụy tạo” sau khi ông vận động cho phong trào chống điện than tại Việt Nam.
Bộ Công an Việt Nam, cơ quan quản lý trại giam số 6, không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Liên quan đến việc kết án và bắt giam hai nhà hoạt động môi trường gần đây, hôm 5/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng bác bỏ những thông tin “sai sự thật với dụng ý xấu” về công tác đấu tranh chống tội phạm và quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Bà Hằng cho rằng bà Hoàng Thị Minh Hồng và bà Ngô Thị Tố Nhiên đều “vi phạm pháp luật của Việt Nam, bị điều tra, khởi tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.
Nguồn:voatiengviet.com