Thăng trầm trong chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc

Duan Xiaolin & Liu Yitong, “The Rise and Fall of China’s Wolf Warrior Diplomacy,” The Diplomat, 22/09/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự chuyển hướng của Trung Quốc sang chính sách ngoại giao cưỡng bức bắt nguồn từ những nguyên nhân trong nước rất quan trọng cần được xem xét, ngay cả khi chính phủ báo hiệu một cách tiếp cận mới.

Việc triển khai “ngoại giao chiến lang”, một phong cách ngoại giao cưỡng bức mới của Trung Quốc, đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu về sự hung hăng của Bắc Kinh trong những năm gần đây. Dưới đây là một số ví dụ nổi bật.

Tháng 3/2020, Triệu Lập Kiên, khi đó là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, đã châm ngòi cho một thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ có thể đã mang COVID-19 đến Trung Quốc trong Thế vận hội Quân sự (Military World Games), được tổ chức tại Vũ Hán vào tháng 10/2019.

Cuối năm 2020, Triệu tiếp tục đăng lên Twitter hình ảnh một người lính Australia cắt cổ một đứa trẻ Afghanistan, sau khi Báo cáo Brereton được công bố, nói về tội ác chiến tranh của lực lượng Australia. Dòng tweet đã gây ra đối đầu ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Lô Sa Dã, là một nhà ngoại giao chiến lang “thẳng thắn” khác. Lô thường đánh giá cao cách tiếp cận của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19, và chỉ trích các chính sách ứng phó virus của phương Tây. Ông cũng liên tục xúc phạm các nhà lập pháp, học giả, và giới truyền thông Pháp vì những lập luận ủng hộ Đài Loan của họ. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Lô đã đặt câu hỏi về tình trạng chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Đông Âu, bao gồm cả Ukraine, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4/2023.

Khác với các nhà ngoại giao Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình, những người phần lớn đều thận trọng và hiếm khi tiếp xúc với truyền thông nước ngoài, các nhà ngoại giao chiến lang trong thời Tập Cận Bình đã chủ động bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc trước những gì họ cho là sự thù địch từ nước ngoài, đồng thời họ dường như rất muốn thu hút sự chú ý của công chúng.

Nguồn gốc trong nước của ngoại giao chiến lang

Điều đáng chú ý là chỉ có một số ít nhà ngoại giao Trung Quốc được gọi là “chiến lang” – một thuật ngữ mà giới chức Trung Quốc cực kỳ ghét. Những bình luận và hành động gây tranh cãi của các nhà ngoại giao này thường liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như Tân Cương, Đài Loan, và Hong Kong, những vấn đề được các diễn ngôn chính thức gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Một đặc điểm nổi bật khác của ngoại giao chiến lang là việc bảo vệ các chính sách kiểm soát đại dịch COVID-19 của Trung Quốc, ngoài các lợi ích địa chiến lược truyền thống của nước này. Sự khác biệt trong cách Trung Quốc và các quốc gia phương Tây xử lý đại dịch đã được mô tả là “cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia có chế độ, sức mạnh, năng lực quản trị, và thậm chí cả nền văn minh khác nhau.” Theo nghĩa này, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chủ động bảo vệ đất nước mình, chẳng hạn như khi các quốc gia phương Tây nhất quyết yêu cầu điều tra nguồn gốc của COVID-19 hoặc chỉ trích tính hiệu quả của chính sách “zero COVID” của Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc bắt nguồn từ những nguyên nhân trong nước rất quan trọng cần được xem xét, trong đó có ba yếu tố chính: động cơ cá nhân; những thay đổi về thể chế trong bộ máy tuyên truyền đối ngoại; và việc Trung Quốc sử dụng đánh lạc hướng chiến lược.

Đầu tiên, ở cấp độ cá nhân, các nhà ngoại giao Trung Quốc có nhiều lý do để hành động chủ động và gay gắt hơn trước. Họ có thể được thúc đẩy bởi mong muốn nâng cao uy tín cá nhân và triển vọng nghề nghiệp, cũng như thể hiện lòng trung thành với cấp trên. Việc thực hành ngoại giao chiến lang, và theo sau là việc được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, có thể trở thành đường tắt cho một số nhà ngoại giao cạnh tranh với đồng nghiệp của họ và được thăng chức.

Cũng có khả năng một số nhà ngoại giao chiến lang không chỉ được thúc đẩy bởi lợi ích cơ hội, mà còn vì sợ rằng nếu không hành động cứng rắn, họ sẽ bị cấp trên hoặc những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước chỉ trích vì quá “mềm yếu.” Có một truyền thống trong chính trị Trung Quốc là người ta kỳ vọng một quan chức hoặc nhà ngoại giao sẽ chủ động chống lại sự can thiệp của nước ngoài, thay vì chỉ hành xử một cách ngoại giao.

Thứ hai, những thay đổi trong bộ máy tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc đã khuyến khích hoạt động ngoại giao và tuyên truyền kiểu chiến lang. Vào thời Đặng Tiểu Bình, ngoại giao Trung Quốc, bao gồm cả tuyên truyền đối ngoại, đều nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước. Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng mục tiêu của tuyên truyền đối ngoại là giảm thiểu những hiểu lầm của nước ngoài về các vấn đề nổi bật, thúc đẩy môi trường đầu tư của Trung Quốc, và thúc đẩy một cách chiến lược bầu không khí quốc tế thân thiện. Tuy nhiên, tuyên truyền đối ngoại đã dần phát triển thành một sự kết hợp không tương thích giữa ngoại giao và tuyên truyền, từ đó khuyến khích hành vi quyết đoán hơn trong các vấn đề đối ngoại.

Bước phát triển nguy hiểm đó là “nội hoá tuyên truyền đối ngoại,” tức xu hướng tiến hành tuyên truyền đối ngoại bằng các phương thức tương tự như tuyên truyền đối nội. Tuyên truyền đối ngoại thời nay nhấn mạnh hơn vào việc thúc đẩy chủ nghĩa xã hội Trung Quốc, cũng như mô hình phát triển kinh tế, chiến lược đối ngoại, và chính sách của nước này đối với Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Biển Đông và nhân quyền, đồng thời không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài vào các lợi ích địa chiến lược và chính trị trong nước của Trung Quốc. Trên thực tế, Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà ngoại giao của mình đối đầu trực diện trước sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc.

Thứ ba, đánh lạc hướng chiến lược là yếu tố quan trọng giúp hiểu được chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc. Nó được thể hiện qua những kỹ thuật “đáp trả cứng rắn” và “đổ lỗi” của Bắc Kinh trong giai đoạn khủng hoảng ngoại giao, nhằm rũ bỏ trách nhiệm, tạo ra những “con dê tế thần” và kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Ví dụ, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã không ngăn chặn được sự lây lan của COVID-19 trong giai đoạn đầu của đại dịch, dẫn đến sự chỉ trích từ quốc tế. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thường xuyên né tránh câu chuyện này, và thay vào đó, nhấn mạnh tính hiệu quả của chính phủ trung ương khi ứng phó đại dịch ở giai đoạn sau, và những đóng góp của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Trước đó, khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ leo thang ở Hong Kong, chính phủ Trung Quốc đổ lỗi cho sự can thiệp của “các thế lực thù địch nước ngoài” do Mỹ và Anh dẫn đầu, bên cạnh “các thế lực nổi loạn chống Trung Quốc” ngay bên trong Hong Kong. Bằng cách đổ lỗi rằng các thế lực trong và ngoài nước gây ra sự bất mãn ở Hong Kong và Tân Cương, Bắc Kinh đã tránh phải công khai thừa nhận những thất bại chính sách của mình ở các khu vực này và giảm thiểu tác động tiêu cực của những thất bại đó lên chế độ. Điều này cho phép Bắc Kinh có thêm thời gian và thúc đẩy các cải cách chiến thuật trong khi vẫn bảo toàn được hệ thống chính trị cơ bản.

Sự suy tàn của ngoại giao chiến lang?

Trong chừng mực nào đó, ngoại giao chiến lang gần đây đã suy giảm và nền ngoại giao Trung Quốc đang bước vào thời kỳ điều chỉnh. Điều này được thể hiện qua việc Triệu Lập Kiên bị thuyên chuyển đến một bộ phận tương đối thấp trong Bộ Ngoại giao, trong khi Lô Sa Dã có thể sẽ sớm nghỉ hưu.

Trong một buổi họp của Bộ Chính trị, Tập Cận Bình “nhấn mạnh việc áp dụng một giọng điệu phản ánh sự cởi mở và tự tin, nhưng vẫn truyền tải sự khiêm tốn và nhún nhường, nhằm tạo dựng cho Trung Quốc một hình ảnh đáng tin cậy, đáng ngưỡng mộ, và đáng kính trọng.” Những động thái này dường như là một nỗ lực nhằm giảm bớt giọng điệu ngoại giao và truyền thông mang tính đối đầu của Trung Quốc, đồng thời làm dịu đi các chính sách đối ngoại của nước này. Bắc Kinh không muốn các chính sách đối ngoại của mình gây nguy hiểm cho quan hệ kinh tế với phương Tây, đặc biệt là khi kinh tế trong nước đang suy thoái.

Vẫn sẽ cần thời gian để xem Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình như thế nào, đặc biệt là trong quan hệ với phương Tây. Nếu các điều chỉnh là thực chất và toàn diện, ngoại giao chiến lang có thể chỉ là hiện tượng tạm thời. Nó còn gợi ý thêm rằng ngoại giao Trung Quốc chỉ thể hiện sự hiếu chiến vào một số thời điểm nhất định – phản ánh một loại phản ứng căng thẳng từ Bắc Kinh, xoay quanh các vấn đề và xung đột ngoại giao nhạy cảm – nhưng điều đó không gợi ý một sự thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, như được chỉ ra bởi ba yếu tố trong nước trên đây, mầm mống của ngoại giao chiến lang vẫn hiện diện trong nền chính trị Trung Quốc bất chấp những điều chỉnh ngoại giao đang diễn ra. Trung Quốc nên xem xét lại mối quan hệ của mình với phương Tây một cách cẩn thận, phát triển tầm nhìn chiến lược dài hạn, và không nên để các nhu cầu ngắn hạn và chiến thuật chi phối các chiến lược dài hạn. Ngoại giao chiến lang, hay các hình thức ngoại giao cưỡng bức khác, có thể giúp chính phủ Trung Quốc tránh bị mất mặt ở trong nước và quốc tế, nhưng những tác động lâu dài của nó có thể sâu rộng và tiêu cực.

Duan Xiaolin [段啸林 Đoàn Túc Lâm – BVN bổ sung] là trợ lý giáo sư thuộc chương trình Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Trung Quốc Hong Kong (Thâm Quyến).

Liu Yitong là trợ giảng thuộc chương trình Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Trung Quốc Hong Kong (Thâm Quyến), đã nhận bằng Thạc sĩ của chương trình này.

Nguồn: nghiencuuquocte.org

This entry was posted in Mặt thật Trung Quốc. Bookmark the permalink.