Mercy Kuo phỏng vấn TS. Alexander L. Vuving | The Diplomat
Biên dịch: Lê Bá Nhật Thắng | Hiệu đính: Alexander L. Vuving
Tác giả Mercy Kuo của tờ Diplomat thường xuyên có những cuộc trao đổi với các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các nhà tư tưởng chiến lược trên toàn cầu để có được những hiểu biết đa dạng về chính sách Châu Á của Hoa Kỳ. Cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Alexander Vuving là bài thứ 384 trong “Loạt bài nhận thức sâu về Tầm nhìn xuyên Thái Bình Dương”. TS. Alexander Vuving là giáo sư tại Trường Nghiên cứu An ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương Daniel K. Inouye và cũng là nhà biên tập cuốn “Hindsight, Insight and Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific” (APCSS 2020).
|
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu sau cuộc họp hai bên tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội ngày 10 tháng 9 năm 2023. Ảnh: Adam Schultz/Official White House Photo
– Năm 2021 ông dự đoán Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ trở thành đối tác chiến lược. Điều gì làm ông ngạc nhiên nhất về kết quả của việc nâng cấp quan hệ song phương gần đây?
+ Đó không phải là một nâng cấp “thông thường”, mà là một sự nâng cấp kép từ “đối tác toàn diện” lên thẳng “đối tác chiến lược toàn diện”, bỏ qua giai đoạn “đối tác chiến lược” ở giữa. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ giữa hai bên như một đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng nếu đơn thuần vì lo ngại sự quyết liệt của Bắc Kinh, Hà Nội sẽ chỉ đồng ý nâng cấp lên một bậc thành “quan hệ đối tác chiến lược”.
Tôi nghĩ điều thực sự thuyết phục người Việt Nam “nhảy cóc” là lời đề nghị của Mỹ biến Việt Nam thành một trung tâm công nghệ cao và bán dẫn quan trọng trong chuỗi cung ứng “thân thiện với Mỹ và được Mỹ ủng hộ”. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để Việt Nam có được công nghệ, hiểu biết, vốn và khả năng tiếp cận thị trường cần thiết cho tham vọng trở thành trung tâm công nghệ là một lời hứa quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đang được nâng cao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Lời đề nghị này chỉ trở nên rõ ràng trong năm nay, sau chuyến đi tới Hà Nội của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và một số phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ.
– Cả hai nước sẽ được hưởng lợi như thế nào từ khái niệm “đối tác chiến lược toàn diện”?
+ Việc nâng cấp này tạo nên một khuôn khổ cho mối quan hệ song phương. Những lợi ích mà sự nâng cấp mang lại hầu hết đều mang tính chất vô hình và có tính chiến lược đường dài. Một trong những lợi ích dễ thấy nhất của việc nâng cấp là nó báo hiệu cho toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam rằng Washington hiện là “đối tác chiến lược toàn diện” ngang hàng với những đối tác lâu năm của Việt Nam là Trung Quốc và Nga. Bên cạnh sự tôn trọng ở mức độ cao, nâng cấp mối quan hệ cũng cho thấy Việt Nam không còn coi Hoa Kỳ là mối đe dọa đối với chế độ Cộng sản. Do đó, Việt Nam sẽ đối xử thuận lợi với Mỹ hơn rất nhiều trong tương lai.
Việc tăng cường quan hệ đối tác cũng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam. Điều này báo hiệu cho thế giới rằng Việt Nam là điểm đến ưa thích trong chính sách “đưa chuỗi cung ứng về các nước bè bạn” của Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư gắn liền với thị trường Hoa Kỳ sẽ nhận được sự đảm bảo về chính trị nếu gắn chuỗi cung ứng của mình vào Việt Nam. Điều này cực kỳ quan trọng đối với các công ty bị vướng vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, chủ yếu là các công ty tham gia sản xuất và buôn bán các mặt hàng quan trọng về mặt chiến lược như chất bán dẫn.
– Ông hãy giải thích tính toán chiến lược và thông điệp địa chính trị của Hà Nội trong việc nâng cấp quan hệ với Washington.
+ Việt Nam phải đối mặt với sự bất định tuyệt đối khi bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh thứ 2, kỷ nguyên mới của cạnh tranh ngày càng cao giữa các cường quốc. Vì vậy, Việt Nam cần phải mở rộng sự phòng ngừa của mình. Vào tháng 12 năm 2021, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ví chính sách đối ngoại lý tưởng của Việt Nam giống như cây tre vì tính linh hoạt và kiên cường của nó. Việt Nam nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ là nhằm tối đa hóa sự linh hoạt của Hà Nội trong việc ứng phó với các cường quốc. Khi đã có “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với cả ba cường quốc là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, Việt Nam cho rằng họ có thể “di chuyển” một cách tự do giữa ba cường quốc này. Việt Nam có thể chọn một bên phù hợp nhất với lợi ích của mình mà không hề “chọn phe” trong cuộc tranh hùng.
Điều này đòi hỏi ván cờ mà Hà Nội chơi giữa các cường quốc không được là trò chơi có tổng bằng 0. Vì vậy, Hà Nội đã cố gắng cho Bắc Kinh và Moskva thấy sự nâng cấp trong quan hệ với Washington không làm tổn hại đến mối quan hệ của Hà Nội với cả hai cường quốc còn lại. Hà Nội cũng nỗ lực để cho Washington thấy rằng mối quan hệ tốt đẹp của Hà Nội với Bắc Kinh và Moskva không gây bất lợi cho quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam. Vì vậy, thông điệp trọng tâm mà Hà Nội muốn gửi đi là Việt Nam không chơi trò chơi có tổng bằng 0 giữa các cường quốc, và nếu Việt Nam đứng về phía một cường quốc trong một vấn đề nhất định, điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ đứng về phe của bên đó một cách tuyệt đối.
Trò chơi này lại đòi hỏi tài ngoại giao cây tre rất khéo léo. Một câu hỏi lớn là liệu cách tiếp cận này có bền vững về lâu dài hay không trong bối cảnh khoảng cách ngày càng tăng giữa một bên là Trung Quốc và Nga và một bên là phương Tây. Nếu vị trí địa lý của Việt Nam không có tính chiến lược cao, các cường quốc có thể sẵn sàng chấp nhận “sự hỗn tạp” địa chính trị này về lâu dài. Nhưng tôi e rằng vị trí của Việt Nam có thể quá chiến lược để điều đó xảy ra.
– Tác động tiềm tàng của việc nâng cấp quan hệ song phương đối với động lực an ninh khu vực và hội nhập kinh tế là gì?
+ Việc nâng cấp sẽ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong khu vực. Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ các mục tiêu chiến lược là chống lại sự thống trị của Trung Quốc ở Đông Nam Á và duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc trung lập ở Biển Đông. Mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam được nâng cao sẽ tạo thêm sức nặng cho khía cạnh này trong cán cân quyền lực.
Về mặt kinh tế, mối quan hệ hợp tác này sẽ tạo ra một số thuận lợi cho chính sách “đưa chuỗi cung ứng về các nước bạn bè” của Hoa Kỳ. Nó sẽ thúc đẩy việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang một số quốc gia thân thiện với Hoa Kỳ.
– Xin ông đánh giá về các yếu tố và thời điểm nâng cấp đằng sau quyết định của Washington nhằm tăng cường hợp tác chiến lược với Hà Nội, và những tác động đối với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và Việt Nam ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
+ Yếu tố cuối cùng thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa Washington và Hà Nội là sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Một mặt, ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, Campuchia và Lào khiến Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Mặt khác, mối đe dọa của Trung Quốc đối với quyền lực toàn cầu của Hoa Kỳ khiến Hoa Kỳ phải tăng cường quan hệ với các nước sẵn sàng kháng cự lại Trung Quốc và tìm cách “lái” chuỗi cung ứng cho mình về các nước bạn bè. Việt Nam là một quốc gia như vậy với cam kết chống lại sự thống trị của Trung Quốc, vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía nam Trung Quốc và vị trí địa lý dọc theo tuyến đường thương mại sầm uất nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như tiềm năng kinh tế ấn tượng. Tất cả những chiến lược này hội tụ lại giúp mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được nâng cao.
Tuy nhiên, thời điểm của sự nâng cấp lại không đơn giản như vậy. Washington đã theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2010, nhưng Hà Nội chỉ ngừng từ chối lời đề nghị này vào năm 2018. Hai bên đã có kế hoạch nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm Nhà Trắng lần thứ hai của người đứng đầu ĐCSVN vào cuối năm 2019, nhưng điều này chưa bao giờ thành hiện thực do TBT Nguyễn Phú Trọng đã không thể đi xa. Việc nâng cấp phải được công bố bởi lãnh đạo cao nhất của hai nước, Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng bí thư ĐCSVN. Vì vậy, nó đã bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.
Sau đó, sự thù địch giữa Hoa Kỳ và Nga sau cuộc xâm lược Ukraina của Nga vào năm 2022 đã khiến Việt Nam tạm dừng việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ vì Hà Nội cần thể hiện cam kết của mình với Moskva, cùng với các cam kết khác. Việc nâng cấp chỉ có thể diễn ra sau khi Moskva tin chắc vào lòng trung thành của Hà Nội và Bắc Kinh yên tâm về những toan tính của Hà Nội.
Trong khi Hà Nội nỗ lực thuyết phục Moskva và Bắc Kinh rằng mối quan hệ hợp tác được nâng cao với Washington sẽ không làm tổn hại đến mối quan hệ với hai quốc gia trên thì ngược lại, đây vẫn là một thắng lợi ngoại giao lớn đối với Hoa Kỳ. Nó cho thấy rằng Hoa Kỳ có thể thu hút ngay cả một người bạn lâu năm của Trung Quốc và Nga và Hoa Kỳ đủ khả năng biến kẻ thù thành bạn bè. Khả năng thu hút hay quyền lực mềm này cực kỳ quan trọng đối với vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Quan hệ đối tác mới với Hoa Kỳ cũng nâng cao đáng kể vị thế của Việt Nam trên thế giới. Hà Nội hiện là một trong số ít thủ đô ở Châu Á có thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các cường quốc. Mối quan hệ được nâng cao với Hoa Kỳ cũng cải thiện đáng kể vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và về lâu dài kể cả vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
*
Bài phỏng vấn được đăng lần đầu tại High-Tech Supply Chains and the US-Vietnam Upgrade – The Diplomat. Xem thêm một số ấn phẩm, bài viết của GS. Alexander L. Vuving trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông: https://dskbd.org/tag/alexander-vuving/
Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông