Bà Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên 3 năm tù vì tội trốn thuế

Hoài Nguyễn

28.09.2023

(VNTB) – Ngoài 3 năm tù giam, bà Hoàng Thị Minh Hồng còn phải nộp lại “số tiền trốn thuế” là hơn 6,7 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2022, trung tâm CHANGE phát sinh doanh thu hơn 69 tỷ đồng. Bà Hoàng Thị Minh Hồng đã chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ… nhằm trốn thuế hơn 6,7 tỷ đồng.

Tại tòa, bà Hoàng Thị Minh Hồng đã thừa nhận hành vi phạm tội, và khai đã vận động gia đình khắc phục hơn 3,5 tỷ đồng để nhận được sự khoan hồng của nhà nước. Bị cáo cho biết sẽ động viên gia đình, bạn bè để khắc phục số tiền còn lại.

“Sai phạm của bị cáo là quá tập trung vào vấn đề chuyên môn nghiệp vụ đã không cập nhật thông tin, kiến thức về thuế, để đến hôm nay phải đứng trước tòa là bài học rất đắt giá”, bị cáo Hồng nói và xin tòa xem xét cho mức án thấp để sớm về với gia đình và tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng là một nhà hoạt động môi trường. Với hàng loạt dự án nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa và tiết kiệm năng lượng…, bà liên tiếp nhận được những danh hiệu cao quý: “Anh hùng khí hậu”, một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do các tổ chức hoạt động môi trường, cơ quan truyền thông có uy tín bình chọn.

Bà Hồng cũng là người Việt Nam đầu tiên 2 lần chinh phục Nam cực và là người Việt đầu tiên giành được học bổng Quỹ Obama tại Đại học Columbia (Mỹ) nhờ các hoạt động ý nghĩa, thiết thực về chống biến đổi khí hậu.

Khi đề cập đến vấn đề môi trường toàn cầu, trong dòng trạng thái trên Twitter ngày 30-12-2018, cựu Tổng thống Barack Obama đã từng viết: “Cô Hồng Việt Nam chính là người đã truyền cảm hứng cho tôi”.

Với lý lịch trích ngang như trên nên theo như nhận định của một nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp quốc, thì rất có thể việc bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng mang động cơ chính trị, và có liên quan đến việc nhà hoạt động môi trường này thực hiện các quyền tự do hội họp, lập hội ôn hoà, và quyền tự do ngôn luận.

Ba báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, về quyền tự do hội họp và lập hội, và về nghĩa vụ nhân quyền liên quan đến việc hưởng một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững đã gửi một thư chung đến Chính phủ Việt Nam, trong đó bày tỏ, “đặc biệt lo ngại rằng cáo buộc trốn thuế dường như có động cơ chính trị và nhắm vào công việc chính đáng của bà Hồng là bảo vệ môi trường”.

Nhìn từ giác độ pháp luật về thuế ở Việt Nam thì lo ngại của những người bảo vệ nhân quyền kể trên là có căn cứ.

Xét về những gì công khai tại phiên tòa ngày 28-9-2023 tại Tòa án nhân dân TP.HCM thì nếu trốn thuế ở đây của pháp nhân mà bà Hoàng Thị Minh Hồng làm giám đốc có liên quan đến hóa đơn giá trị gia tăng, thì phía ký kết hợp đồng với bên đơn vị của bà Hồng phải được xem xét về dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế. Tuy nhiên đã không nghe nhắc đến vai trò liên quan trong tố tụng của phía ký kết hợp đồng này.

Vấn đề tiếp theo, ở đây là pháp nhân thương mại, do đó nếu có hành vi trốn thuế thì ngoài việc bị truy thu thuế sẽ là phạt vi phạm hành chính, không có yếu tố xử tù.

Còn nếu ở đây là thuế thu nhập cá nhân thì yêu cầu về hóa đơn giá trị gia tăng là… vô nghĩa, vì cá nhân không phải là pháp nhân để có thể đăng ký thủ tục sở hữu hóa đơn giá trị gia tăng.

H.N.

____

Tham khảo:

https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=28253

VNTB gửi BVN

*

Đọc thêm:

Vụ xử bà Minh Hồng nói lên điều gì về cam kết môi trường của VN?

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

27 tháng 9 2023

Chụp lại hình ảnhBà Hoàng Minh Hồng lúc còn tự do. NGUỒN HÌNH ẢNH: HONG HOANG

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, người phụ nữ đầu tiên đặt chân tới Nam Cực và là học giả quỹ Obama, dự kiến ra hầu tòa sáng 28/9, với cáo buộc trốn thuế.

Một số tổ chức nhân quyền đã lên tiếng phản đối phiên tòa và bày tỏ quan ngại về sự gia tăng đàn áp không gian xã hội dân sự tại Việt Nam. 

Giới quan sát đặt câu hỏi mục đích thật sự của chính phủ Việt Nam là gì khi cho bỏ tù một loạt các nhà hoạt động môi trường tiêu biểu  những người có tiếng nói trên trường quốc tế và lẽ ra đã đóng vai trò giám sát độc lập thoả thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD mà Việt Nam ký với Anh, Mỹ, Nhật, Canada và EU để chuyển từ than sang năng lượng sạch.

Bà Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ sáu tại Việt Nam bị bỏ tù trong vòng hai năm qua.

Ravina Shamdasani, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) nói với Reuters trong một tuyên bố: “Chúng tôi biết về vụ bắt giữ và đang theo dõi diễn biến với sự quan ngại”.

“ĐCSVN muốn bảo toàn quyền lực”

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt trước phiên tòa, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định rằng với tư cách là cựu học giả của Quỹ Obama, trường hợp của bà Hồng lẽ ra phải được ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm Hà Nội vừa qua của Tổng thống Biden, nhưng điều đó đã không xảy ra. 

Ông cũng nói thêm rằng bà Hồng chính xác là “kiểu nhà hoạt động môi trường sáng tạo và lão luyện trên trường quốc tế, khiến các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lo lắng”. 

Do đó, họ quyết định cố gắng “trấn áp bà để bảo toàn quyền lực”.

Trong hai năm qua, công an Việt Nam đã bắt giữ các nhà vận động môi trường nổi tiếng gồm Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Ngọc Giao, Hoàng Minh Hồng, tất cả đều về tội trốn thuế.

Mới đây nhất, không lâu sau chuyến thăm của ông Biden, Việt Nam cho bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên  người đang hợp tác với văn phòng Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) để thực hiện JETP.

Chụp lại hình ảnhBà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc VIETSE, bị bắt sau chuyến thăm Hà Nội của TT Biden vài ngàyNGUỒN HÌNH ẢNH: GOETHE INSTITUTE

“Điều đáng kinh ngạc là chính phủ Việt Nam cho rằng bất kỳ ai dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy hành động vì môi trường đều là phản đối chính phủ và ĐCSVN cầm quyền về mặt chính trị”, ông Robertson nói với BBC. 

“Kết luận vô lý này là một dấu hiệu rõ ràng về cả chủ nghĩa độc tài lẫn sự hoang tưởng của các nhà lãnh đạo đất nước, cũng như việc họ sẵn sàng chà đạp nhân quyền để duy trì quyền lực. Điều này giống như một mặt trận khác trong cuộc chiến tự tuyên bố của Đảng chống lại bất cứ điều gì mà họ cho là tạo nên “diễn biến hòa bình”, cho thấy những người cai trị đã trở nên cố thủ và chống cải cách như thế nào”.

Nhìn từ góc độ pháp luật Việt Nam ông Ben Swanton, Đồng giám đốc Dự án 88 (The 88 Project) cho rằng “Bản cáo trạng hoàn toàn là một sự lừa đảo”. 

“Nó tuyên bố sai rằng tổ chức của bà Hồng là một doanh nghiệp trong khi thực tế đó là một tổ chức khoa học và công nghệ. 

“Tuyên bố sai sự thật rằng số tiền tổ chức nhận được cho các dự án môi trường phi lợi nhuận là thu nhập kinh doanh. Và tuyên bố sai sự thật rằng tổ chức của bà được yêu cầu xuất trình hóa đơn cho số tiền nhận được, mặc dù tổ chức này không sản xuất bất kỳ sản phẩm nào. 

“Bản cáo trạng cũng đặt ra một câu hỏi đạo đức rộng lớn hơn: tại sao chính phủ lại đánh thuế tiền viện trợ quốc tế nhằm mục đích giúp đỡ người dân Việt Nam?” 

“Đây là một ví dụ khác về việc luật pháp được vũ khí hóa nhằm mục đích đàn áp chính trị”.

“Khi bắt giữ những người này, chính phủ Việt Nam đang gửi một thông điệp rõ ràng: công dân không có vai trò gì trong việc quyết định các chính sách ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Rằng giới tinh hoa của đảng và chính phủ biết điều gì là tốt nhất cho bạn, vì vậy hãy tránh đường và để chúng tôi đưa ra những quyết định quan trọng, trừ khi bạn muốn vào tù”, ông Swanton nói với BBC.

Việt Nam có thật sự nghiêm túc với JETP?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bà Lucy Hummer, nhà nghiên cứu tại Global Energy Monitor, nói rằng “không ai có thể thực sự thay thế các nhà bảo vệ môi trường và khí hậu – những người đã bị bịt miệng”, và rằng “chính phủ Việt Nam có vẻ như đã không thực sự nghiêm túc với điều kiện được đặt ra” trong JETP.

Bà nói: 

“Bất cứ hành động đàn áp nào đối với sự chỉ trích, phản đối, truyền thông độc lập và hơn thế nữa cần phải được chấm dứt để sự chuyển đổi sang năng lượng sạch được thành công.

“Việt Nam đã ký thỏa thuận nhận hàng tỷ USD từ quốc tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một phần với điều kiện rằng họ sẽ để xã hội dân sự tham gia vào tiến trình này, nhưng chính phủ Việt Nam có vẻ như đã không thực sự nghiêm túc với điều kiện được đặt ra”.

Ông Robertson từ HRW cũng cho rằng ‘rất khó có thể tin cậy được các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng như đã hình dung trong JETP, với sự nhấn mạnh vào sự tham gia của toàn xã hội’.

Theo ông Robertson, các cuộc đàn áp này khiến các nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam sợ hãi.

Hậu quả là tác hại không thể khắc phục đối với phong trào của những người Việt Nam dám quan tâm đến môi trường và thách thức sự phụ thuộc của đất nước vào than đá và nhiên liệu hóa thạch đang gây tổn hại cho hành tinh.

Chụp lại hình ảnh‘Anh hùng khí hậu” Ngụy Thụy Khanh, thụ án 16 tháng tù với tội danh trốn thuế và được trả tự do tháng 5/2023NGUỒN HÌNH ẢNH: GOLDMANPRIZE.ORG

Theo ông Robertson, Hoa Kỳ và các đồng minh nên nhận ra rằng Việt Nam cần đảm bảo trả tự do cho tất cả các nhà hoạt động này trước khi họ chuyển tiền cho JETP, đồng thời yêu cầu Việt Nam đưa ra một khuôn khổ có sự tham gia đích thực cho các chương trình biến đổi khí hậu của mình.

“Vấn đề lớn nhất là Tổng thống Biden và nhóm của ông đã gạt ra ngoài lề chương trình nghị sự về nhân quyền để theo đuổi vị thế đối tác chiến lược toàn diện mà họ vô cùng mong muốn từ Hà Nội”, ông Robertson nói với BBC từ Mỹ. 

“Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyến thăm của Biden là một thất bại nặng nề khi đề cập đến các vấn đề nhân quyền. 

“Lẽ ra Hoa Kỳ nên nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam một cách rõ ràng rằng sẽ không có Hợp tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) nào tiếp tục trừ khi và cho đến khi Hồng và tất cả các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu khác của Việt Nam được trả tự do, và các cáo buộc giả mạo về ‘trốn thuế’ chống lại họ bị hủy bỏ”, ông Robertson nói.

Yêu cầu trả tự do cho bà Hồng

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) phát đi thông cáo hôm 27/9, yêu cầu hủy bỏ phiên tòa xét xử bà Hoàng Thị Minh Hồng.

Trước phiên tòa xét xử bà Hồng, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã công bố bức thư chung của các nhóm Báo cáo viên đặc biệt gửi chính phủ Việt Nam liên quan đến trường hợp của bà.

Trong thư, nhóm Báo cáo viên đặc biệt đưa ra ba đề nghị tới chính phủ Việt Nam:

- Cung cấp các thông tin bổ sung về báo buộc trốn thuế của bà Hồng.

- Cung cấp thông tin pháp lý về việc giam giữ bà Hồng, và các biện pháp giam giữ bà phù hợp với các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế như thế nào. Cung cấp thông tin về việc liệu bà Hồng có được tiếp cận với gia đình, luật sư và nhân viên y tế khi bà yêu cầu. Cung cấp thông tin về các căn cứ để buộc tội bà Hồng.

- Chỉ ra rằng các bước và biện pháp nào đã được chính phủ VN thực hiện để đảm bảo rằng các tổ chức NGO và xã hội dân sự và các nhà bảo vệ nhân quyền có thể tự do làm việc mà không sợ bị quấy rối, trả thù, đe dọa dưới bất cứ hình thức nào.

Bà Hồng bị cảnh sát bắt giữ sáng 31/5/2023 khi bà vừa đỗ xe để tham dự một sự kiện. 

Ngày 20/6/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Phòng Cảnh sát TP Hồ Chí Minh ra cáo trạng cáo buộc bà Hồng tội ‘trốn thuế’, theo điều 200 Bộ Luật hình sự Việt Nam năm 2005. 

Báo trạng này nói bà Hồng trốn thuế 5,2 tỷ VND.

Bà Hồng thành lập CHANGE VN vào năm 2013 “để khuyến khích [và] thúc đẩy bảo tồn môi trường thông qua giáo dục [và] truyền thông sáng tạo nhằm khuyến khích thay đổi hành vi và truyền cảm hứng cho cộng đồng Việt Nam hành động”. 

Năm 2018, Hoàng Thị Minh Hồng là một trong 12 nhà hoạt động quốc tế nhận được tài trợ từ Chương trình học giả của Quỹ Obama đầu tiên tại Đại học Columbia. Tháng 12/2018, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tweet: “Những nhà lãnh đạo như Hồng Hoàng, người đã huy động một phong trào do thanh niên lãnh đạo nhằm tạo ra một thế giới xanh hơn sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên [vào năm 1997] đến thăm Nam Cực”.

M.H.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Bảo vệ môi trường, Tự do ngôn luận, Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.