PGS. TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục
25/09/2023
Để tương lai có thể trở lại với bản sắc đô thị sông nước, việc tái tạo mô hình hiện trạng hệ thống địa lý thủy văn của thành phố (sông, hồ, kênh rạch, mặt nước…) làm nền cho tất cả các quy hoạch là hết sức cần thiết…
Lũ lụt đô thị đã trở thành thường niên trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu, bộc lộ rõ sự phi lý của thuyết sử dụng kỹ thuật để chống lũ trong công tác quy hoạch. Tỷ dụ như TP.HCM dùng hơn 10.000 tỷ đồng làm đê và cống chống xâm nhập mặn, thì sau 10 năm mức triều cường từ 1,1 m đến nay lên 1,7 m.
Nghịch lý của quy hoạch hiện nay là càng quy hoạch, càng cắt vụn địa hình tự nhiên đô thị (vốn tự nó bao chứa thoát hay trữ nước theo vòng tuần hoàn của nước). Và quy hoạch, khi tạo cơ sở pháp lý cho đô thị mở rộng quy mô quá nhanh, chính nó cấp thiết phải đổi mới tư duy hệ thống, để đô thị có đủ sức chống chịu với lũ lụt. Muốn vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh những nghiên cứu nền, thiết lập các công cụ mới cho phép tiếp cận lũ lụt đô thị như một nguồn tài nguyên vô giá – một nhận thức phi truyền thống thế kỷ XXI.
Hình ảnh xe cộ “bơi” trên đường phố quận 1, TP.HCM. Ảnh: Zing
Những nghịch lý buộc thay đổi
Thời hiện đại (cuối thế kỷ XIX đến mốc 2008, khi 50% loài người sống ở đô thị), chính cách mạng công nghiệp đã cho con người làm chủ vận mạng các thành phố (sản phẩm nhân tạo lớn nhất) bằng rất nhiều công cụ kỹ thuật xây dựng và hạ tầng: đập lớn, đê biển, cống ngầm, giao thông lập thể, cầu siêu dài, cưỡng bức địa hình, đường cao tốc, rừng nhà cao tầng… Cũng là lúc các đô thị “quên” căn tính gốc tự nhiên của mình, phát triển ngược tự nhiên, nặng nề nhất là phá hủy hệ thống sinh thái nước luôn bao bọc chúng từ ngàn đời.
Thành phố phát triển cả chiều rộng và chiều cao, lại đậm đặc. Quy hoạch bắt đầu xuất hiện cùng với chủ nghĩa duy lý đô thị, Le corbusier, “thay trời hành đạo”, đô thị lan tỏa liếm hết vùng nông nghiệp ven đô, chặn ngang các dòng sông, lấp hầu hết các hồ ao kênh rạch làm cao tầng, đường cao tốc, phá rừng núi, lấn biển làm khu đô thị, nghỉ dưỡng, công nghiệp, cảng thị…
Các đô thị đang vật lộn với bão lũ, lụt lội để không bị nhấn chìm. Ảnh: Lê Mạnh
Các biện pháp thuần túy kỹ thuật và cưỡng bức dòng chảy (kể cả khi có một đống tiền) gặp phải bế tắc tại những thời điểm bất thường của thời tiết cực đoan có tần suất ngày càng tăng, đồng nghĩa con người và tài sản đô thị lại gặp hiểm họa cao nhất. Mặt khác đô thị ngày càng ô nhiễm cả đất, không khí và nước (do tích tụ dân số và mật độ xây dựng quá tải, giao thông cá nhân, năng lượng hóa thạch, gió bê tông và không thể thoát thải), hiểm họa đô thị đang âm ỉ trong lòng các đô thị như những căn bệnh nan y.
Quy hoạch đã thành văn hóa cai trị của các nhà cầm quyền và sự hy vọng hão huyền của đám đông khi nó vẽ ra những viễn cảnh huy hoàng không tưởng, từ ý chí chính trị và một nhóm nhỏ các kiến trúc sư và nhà kỹ thuật.
Đỉnh cao những năm 60, 70 của thế kỷ trước là quy hoạch đưa 3 triệu dân Tokyo ra cư trú trên vịnh biển (Kenzo Tange); những năm 1990-2000 là quy hoạch Dubai lấn biển để trở thành đô thị du hí, xa hoa bậc nhất (chỉ tính riêng đảo Cành cọ đã dùng tới 94 triệu tấn cát lấp biển). Con người đã hủy hoại chính môi trường sinh thái nước bao bọc nơi cư trú của mình từ thủa hồng hoang chỉ trong vài thập kỷ.
Lấy mốc năm 1921, triển lãm “Thành phố tương lai” tại Ý dường như mở đầu cho thời đại đô thị và ra đời các bộ luật quy hoạch cho phép “xóa sổ” tự nhiên và văn minh bản địa. Hệ quả tất yếu là công nghiệp hóa luôn song hành đô thị hóa trở thành sức công phá lớn nhất với sinh thái. Con người của thế kỷ XX đã chặt đứt với quá khứ nhân danh hiện đại, quy hoạch đô thị “nuốt tự nhiên” góp phần không nhỏ. Quy hoạch đã thành văn hóa cai trị của các nhà cầm quyền và sự hy vọng hão huyền của đám đông khi nó vẽ ra những viễn cảnh huy hoàng không tưởng, từ ý chí chính trị và một nhóm nhỏ các kiến trúc sư và nhà kỹ thuật.
Số lượng các trận lụt được báo cáo trên toàn cầu. Nguồn: thống kê từ EM-DAT/CRED
Bản đồ nguy cơ ngập lụt thế giới. Nguồn:World Resouce Institute (WRI) (2012).
Mẹ thiên nhiên nổi giận, các đô thị đang vật lộn với bão lũ, lụt lội để không bị nhấn chìm. Châu Á nổi lên với với tốc độ đô thị hóa cao nhất (trung bình 61%) cũng hứng chịu nhiều thiên tai nhất trong biến đổi khí hậu do sở hữu quá nhiều quốc gia đảo, bán đảo chìa ra đại dương: Nhật Bản, Philipines, Đài Loan, Indonesia, Singapore, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam…
Điều đáng ngại là những thành phố lớn – đầu não đều nằm kề cận với đại dương, bờ biển và các dòng sông mẹ, càng phát triển lại càng chịu nhiều thiên tai với mức tàn phá rất lớn. Giới đô thị học không thể quên những trận lũ kinh hoàng cuốn trôi hàng chục thành phố và làng mạc ở Hàn Quốc thập niên 1960 lên tới hơn 20.000 người chết sau khi bị phá trụi rừng già trên núi và cống hóa các dòng sông với công nghiệp bẩn.
Năm 2011 lũ lụt trên diện rộng đã gần như nhấn chìm Bangkok, làm hàng chục triệu người không nhà và gần 500 người chết, chính phủ phải cứu trợ khẩn cấp 4 tỷ USD. Cuối tháng 7.2023, trận đại hồng thủy tràn vào Bắc Kinh đã ảnh hưởng đến gần 1,29 triệu người, khiến khoảng 59.000 ngôi nhà bị phá hủy và 147.000 ngôi nhà bị hư hại, 15.000 ha diện tích đất nông nghiệp bị tàn phá.
Còn nữa, ngày 12.9, đài Sky News đưa tin trận mưa lũ kinh hoàng – cơn thịnh nộ của chúa trời tại Libya do cơn bão Daneil gây ra, đã nhấn chìm 1/4 diện tích TP Derna (miền đông Libya), ước tính có 10.000 người mất tích và hơn 5.300 người thiệt mạng. Thật không tưởng tượng nổi.
Nhiều tòa nhà ở Derna bị lũ cuốn trôi ra biển. Ảnh: Thanh Niên/Reuters
Hai người đàn ông đi qua những tòa nhà bị lũ quét tàn phá ở thành phố Derna ngày 11.9. Ảnh: Vnexpress/AFP
Ở Việt Nam đô thị hóa kèm với cao trào bê tông hóa cũng nhức nhối, theo thống kê đến 2010 Hà Nội, thành phố vốn được bao bọc của bốn dòng sông, đã cống hóa ba sông và xóa sổ hơn 90% mặt nước tự nhiên lấy đất cho dự án đô thị. Nằm bên hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn hiền hòa nhất Đông Dương, được thụ hưởng những cuộc quy hoạch quy mô nhất, Sài Gòn đang đô thị hóa chóng mặt có thể đạt đến 209 km2 vào năm 2025 (so với 850 km2 quy hoạch cách đây 10 năm), đã lấp 47 kênh rạch chính và hầu hết hệ thống hồ trữ nước tự nhiên quý giá, điển hình như hồ Bình Tiên.
Thành phố (với quy mô hiện tại) dự tính phải cần hơn 100.000 tỷ đồng đối phó lụt lội chưa biết tìm đâu ra, trong khi dân số chính thức lên tới 11,5 triệu người, cộng dân vãng lai lên tới 15 triệu người. Nguồn lực để thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, triều dâng với quy mô 2.095 km2 có thể đến hàng trăm tỷ USD, chưa kể lo sinh kế, nhà ở tối thiểu cho số đông là dân nghèo trước những con số biết nói.
Cái đáng quan tâm là ở rừng núi đầu nguồn, các trận ngập lụt đã biến thành những cơn lũ khốc liệt làm dân không kịp chạy, lũ ống, lũ quét, xả lũ, điều tiết lũ, đỉnh lũ, chạy lũ, di dân vì lũ… Nhìn các con sông trong lũ, dày đặc cây rừng trôi về không còn chỗ cho nước chảy (do phá rừng đầu nguồn, thủy điện phá rừng làm hồ chứa, phá rừng làm nông nghiệp quy mô lớn…), và các mốc lịch sử của lũ sẽ bị bỏ qua, lập lại mốc mới, lũ sau sẽ lớn hơn lũ trước…
Hiện trường vụ vụ sạt lở vào rạng sáng 29.6.2023 tại khu đất 15/2 Yên Thế xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt) khiến 2 người tử vong, nhiều ngôi nhà hư hỏng. Ảnh: Người Lao Động
Từ triết lý cân bằng đến thích ứng sinh thái
Sự tương tác hàng ngàn năm giữa cư trú – nước đã cho ra đời hàng loạt các thành phố sông nước với vẻ đẹp vĩnh cửu Paris, Budapest, London, Amsterdam… chưa kể đến các thành phố cảng biển, đảo đô thị. Chính vì vậy, mọi lý thuyết quy hoạch đô thị ban đầu đều thiết lập cho được sự cân bằng (nội tại) giữa yếu tố nhân tạo do con người với yếu tố tự nhiên mà khởi đầu là ứng xử với những hệ sinh thái nước: dòng sông, hồ, kênh rạch, đầm phá, biển cả, đất ngập nước, rừng ngập mặn.
Nổi bật ở Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là quốc gia chịu tình trạng lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu và quá trình bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái tự nhiên của đô thị ngày càng phổ biến. Các thành phố cổ Việt Nam đều bám vào các con sông mẹ để hình thành, chính đặc điểm này hứa hẹn một bước ngoặt trong phát triển chiều sâu văn hóa của thành phố, nếu chúng có thể trở lại sự minh triết “cân bằng nội tại” trong đô thị.
Để tương lai có thể trở lại với bản sắc đô thị sông nước (như Sài Gòn và Hà Nội trong viễn tưởng quy hoạch), việc tái tạo lại mô hình hiện trạng hệ thống địa lý thủy văn của thành phố (sông, hồ, kênh rạch, mặt nước…) làm nền cho tất cả các quy hoạch là hết sức cần thiết…
Sáng kiến thiết lập các không gian chứa lũ nhằm điều tiết và giảm thiệt hại từ lũ lụt tại TP.HCM. Nguồn: Handbook on Climate Change Adapted Urban Planning & Design for Ho Chi Minh City
Sự cân bằng đó có thể tìm thấy ở “lý thuyết thích ứng” với biến đổi khí hậu, khi lựa chọn mức độ thích ứng bằng kỹ thuật (engineering resilience) và thích ứng sinh thái (ecological resilience). Và cũng lạ thay, một nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam lại chọn cách tiếp cận kỹ thuật để thiết lập các công trình dự phòng thiên tai. Hệ quả là Việt Nam phải xây hơn 20 ngàn km đê bao cho đồng bằng sông Cửu Long ngăn lũ (suốt hơn 1.000 năm qua, đồng bằng sông Hồng chỉ xây có 3.500 km đê), chưa kể xây các con đập, cống ngăn mặn, triều cường, xây các đường cao tốc trên cao tốn kém…
Cách suy nghĩ đó đang thay cho việc cần bảo tồn các vùng đất ngập nước, hệ thống hồ, kênh rạch, rừng, đất nông nghiệp, công viên…. Đó mới chính là những ‘Hệ thống tự phục hồi’, tự ổn định cân bằng (do hấp thu những rối loạn thiên tai) để chống chịu lũ lụt bất thường và duy trì mối quan hệ cân bằng nội tại trong hệ thống (Gunderson & Holling 2002).
Để tương lai có thể trở lại với bản sắc đô thị sông nước, việc tái tạo lại mô hình hiện trạng hệ thống địa lý thủy văn của thành phố (sông, hồ, kênh rạch, mặt nước…) làm nền cho tất cả các quy hoạch là hết sức cần thiết…
Thích ứng sinh thái là khả năng đô thị có thể đàn hồi cao: Thích ứng tại chỗ, phục hồi nhanh sau thiên tai, có đủ hệ thống dự phòng là tư duy bền vững để thiết lập hệ thống vận hành đa chế độ, đối phó lũ lụt bất thường, giúp thành phố đủ công cụ quản lý rủi ro (cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ, đảm bảo sự cân bằng sinh thái tự nhiên) (Liao, 2012).
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, quy hoạch phải từ bỏ cách làm truyền thống (vẽ viễn cảnh) để tập trung tích hợp được hai thành phần lõi chống chịu lũ lụt: 1. Hệ thống địa lý thủy văn toàn vẹn lãnh thổ (từ địa lý gốc các thời kỳ phát triển); 2. Các mô hình thủy văn đô thị thích ứng, để biến nước lụt trở thành tài nguyên đô thị vào toàn bộ quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch buộc phải thay đổi cách tiếp cận, phương pháp, công cụ và năng lực của đội ngũ quy hoạch.
Hình ảnh thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) ngập nặng hôm 8.8.2019. Ảnh: Hoài Thanh/Vnexpress
Biến nước lụt trở thành tài nguyên đô thị
Ra đời muộn màng sau đô thị hóa, khoa học thủy văn đô thị tuy mới mẻ đã nhanh chóng dẫn hướng cho các chiến lược phát triển đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc làm thế nào một đô thị có khả năng tự điều chỉnh (cả hệ thống) để có thể duy trì hoạt động và “đứng dậy” một cách nhanh chóng sau sự “tấn công”của lũ lụt, tiếp tục phát triển.
Quan điểm này bắt đầu khởi nguồn từ khoảng thập niên 1970, với những người tiên phong như Holling C.S (chú trọng vào hệ sinh thái), sau đó nhiều tác giả khác đã mở rộng về khả năng phục hồi nhanh của đô thị sau thảm họa (“urban resilience”), hiện nay nhiều nghiên cứu chuyên sâu vào thủy văn đô thị như H. Andrieu, B Tassin, S Baraud, nhấn mạnh đến thiết lập vòng tuần hoàn nước trong đô thị như một cứu cánh tương lai. Những lo lắng ngày một tăng về vệ sinh thành phố, môi trường sống, đặc biệt phòng chống lũ, ngập đô thị đã buộc các quy hoạch phải tính đến sự có mặt của các mô hình tính toán về thủy văn đô thị.
Vòng tuần hoàn nước có vai trò liên kết vùng về tự nhiên, địa hình, khu sinh thái nước, các đầu mối điều tiết nước, đê chắn, kè dẫn, hồ chứa và các không gian “ưu tiên” ngập ít, nhiều, thời gian ngập để giải cứu các khu vực quan trọng của thành phố. Không thể kể ra hết các giải pháp quy hoạch và kỹ thuật hiện đại có thể chống lụt cho tương lai… 10.000 năm nữa, như của vùng đô thị biển – sông và thấp hơn mặt biển 6 m, Amsterdam nổi tiếng.
Đê biển Oosterscheldekering (kè chắn bão đông Schelde) dài hơn 3 km, nối liền hai đảo nhỏ tại Hà Lan, được coi là một trong những công trình vĩ đại nhất của con người hiện đại. Ảnh: Delta Works
Điều đặc biệt năm 2011, Hà Lan kết nối hơn 11.000 doanh nghiệp về nước (từ đóng chai, nước máy cho đến nước thải, thoát nước, lũ lụt, nước biển, sông… tất cả những gì liên quan đến nước) vào một đầu mối Water – Net để bảo đảm tính thống nhất tuyệt đối trong vận hành vòng tuần hoàn nước hiệu quả. Nước đã trở thành tài nguyên vô giá khi mỗi năm hệ thống này mang lại đến 15-20% GDP và các lợi thế về cảnh quan, du lịch, khí hậu bậc nhất hành tinh.
Những yếu tố khởi nguyên của vòng tuần hoàn nước như: bảo tồn các không gian tự nhiên sông, hồ, đầm lầy, đất trũng, rừng và công viên… để vận chuyển nhanh nhất có thể lượng nước mưa tiêu thoát cho thành phố. Sau đó là sự phân nhỏ hơn các khu đô thị mới và không gian xây dựng để liên kết giữa chúng bằng các diện tích chứa nước mặt khi mưa lũ như hồ nhỏ, kênh rạch, các quảng trường, bãi đất công cộng. Công viên làm ở cao độ thấp hơn xung quanh, bãi cỏ tự nhiên, vườn hoa, cây xanh… thậm chí là những con đường nhỏ có thể thoát lũ khẩn cấp cạnh giao thông lớn để bảo đảm giao thông…
Cao hơn nữa là những thành phố dàn hồi, thành phố bọt biển có khả năng thẩm thấu và trữ nước mặt, nước lũ để làm mát thành phố, giữ nước cho cây và các vành đai, nêm xanh, giảm ít nhất từ 10 đến 15 độ về mùa nóng cho thành phố, đều trông cậy vào nước lụt và nước mưa như một tài nguyên vô giá.
Chính vì lẽ đó, các lý thuyết mới nhất coi nước mưa và nước mặt (kể cả nước lụt) là vốn tài nguyên quí giá của các đô thị với bối cảnh sau hiện đại. Có ba lợi ích lớn: Thứ nhất, nước mưa và nước thô khi xuất hiện có thể làm vệ sinh cho môi trường đô thị và cần tích trữ để làm mát khí hậu vốn bị xe cộ và bê tông làm ô nhiễm, nóng bức; Thứ hai, đưa vào quy chuẩn và các đạo luật đô thị để buộc quy hoạch và các giải pháp kỹ thuật hạ tầng (kể cả quy chế dân cư và chuyên gia) đảm bảo vòng tuần hoàn nước được thực thi và bảo vệ; Thứ 3, hạn chế tối đa quá trình xen cấy, mở rộng đô thị xâm lấn hệ sinh thái nước vốn còn ít ỏi khi đô thị hóa, nhưng nó là dấu vết nguyên thủy về đường đi của nước cần khôi phục dần từ những quy mô nhỏ.
Khi cần xen cấy đô thị (Việt Nam không thể tránh khỏi đành sống chung vậy) cần các điều luật buộc “tách” việc xây không gian đô thị ra khỏi sự chồng lấn lên không gian tự nhiên (có thể còn sót lại rất nhỏ). Như vậy thành phố không còn là con ngáo ộp đe dọa hay cưỡng bức “môi trường tự nhiên” và ít nhiều để “tự nhiên còn sống sót”. Phải buộc các quy hoạch và nhà đầu tư tuân thủ luật pháp và phạt tiền nặng để hình thành vòng tuần hoàn nước của thành phố – gốc của chống ngập lụt đô thị.
Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) được thiết kế một sân trũng chứa nước mưa cạnh ngay lối vào là một ví dụ chống ngập tại chỗ và làm mát mùa hè. Ảnh: T.A.T
Trở lại với Việt Nam, một ví dụ về khu vực công cộng khi sân bay quốc tế Nội Bài thiết kế một sân trũng chứa nước mưa tuyệt đẹp, cạnh ngay lối vào chính là một ví dụ chống ngập tại chỗ và làm mát mùa hè. Hay trở lại với Sài Gòn xưa, liên tục bốn thế kỷ từ XVII đến XX, con người đã biến đổi Sài Gòn từ một địa danh không tên tuổi – trở thành một đô thị sông nước, một cảng thị, dẫn đầu về giao thương quốc gia và quốc tế. Logo đầu tiên của Sài Gòn ghi dòng chữ: Paulatim Crescam, nghĩa là Từ từ, tôi sẽ lớn. Và, Sài Gòn đã lớn dần lên với chính bản sắc sông nước của mình, làm nên một di sản cảnh quan đô thị nước: đất ngập nước, rừng sác, kênh rạch chằng chịt, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng… với hằng hà sa số các hoạt động trên những con nước. Những con sông và huyết mạch nước của nó chính là văn hóa cội nguồn, là nồi cơm của đô thị cho đến nay.
Đối lập lại, tình trạng đô thị hóa phức tạp hiện nay ở Nam Sài Gòn thì một Phú Mỹ Hưng chưa thể làm úng ngập thành phố, mà chính sự “dễ dãi” quản lý, là hệ quả của dạng đô thị kết bè mảng đặc kín phía Nam và Đông Nam không cho đô thị “thở” là vấn đề lớn của kiểm soát phát triển thiếu tầm nhìn. Triệt tiêu vòng tuần hoàn sinh thái của nước thì dù đổ cả núi tiền cũng khó thoát lũ lụt.
Bản đồ đường đi của nước vùng Gia định – Sài gòn xưa. Ảnh: TL
Các không gian phát triển của TP.HCM nằm trong khu vực có rủi ro ngập cao. Nguồn: Đánh giá dựa trên định hướng phát triển không gian của TP.HCM, và bản đồ dự báo ngập nghiêm trọng của ADB, 2010.
Lời kết – nhận thức lại về biến đổi khí hậu
Kỷ nguyên biến đổi khí hậu, khoa học chống ngập thiết lập “Mô hình thủy văn đô thị thế kỷ XXI” đã thức tỉnh các đô thị và nghiêm túc đánh giá chu kỳ nhiều năm, cho ba vùng thiên tai lớn trên thế giới (Mỹ, Nam Mỹ và Đông Nam Á), các nhà khoa học đã khuyến cáo:
Thứ nhất: Các công trình bảo vệ với tiếp cận đơn thuần kỹ thuật (đê bao, bờ kè, hồ chứa ngầm, bơm cưỡng bức…) đi kèm theo hệ thống dự báo, cho dù có tối tân cũng không thể chống đỡ hay tiên liệu hết các biến đổi khó lường, trong đó có ngập lụt lớn ở đô thị, do các vùng đô thị hóa đang lan tỏa chóng mặt;
Thứ hai: Công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị bị ảnh hưởng quá nhiều từ tầm nhìn kinh tế ngắn hạn, đã dẫn đến việc tích tụ dân số đô thị vượt ngưỡng tải tự nhiên, đặc biệt tập trung phát triển quá mức tại khu vực trung tâm (kể cả cận trung tâm để trở thành bệnh đầu to), dẫn đến mức rủi ro ngập lụt cao và khó lường hết hậu quả, đô thị có thể mất kiểm soát;
Thứ 3: Các đô thị đang bỏ qua việc cung cấp thông tin về các mức độ thiên tai cho cộng đồng tại chỗ. Trên thực tế, nhận thức và khả năng tự ứng phó của cộng đồng dân cư đóng vai trò rất quan trọng trong chống chịu và phục hồi mức độ thiệt hại khi xảy ra các biến cố thiên tai.
N.H.T.
Nguồn: Người Đô Thị