RFA – 2023.09.24
TT Mỹ Obama trong một lần gặp đại diện các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. Photo: RFA
Việt Nam vừa bắt giữ thêm một nhà hoạt động môi trường cũng là Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE) – Ngô Thị Tố Nhiên, hôm 15/9.
Thông tin trên được hãng tin AP loan hôm 20/9, dẫn xác nhận nguồn tin từ một người không thể nêu danh tính vì lý do an toàn, trong khi đó đến tận hôm nay 23/9, truyền thông Việt Nam chưa loan tin nào về việc bắt giữ trên.
NGOs nước ngoài bị cáo buộc can thiệp nội bộ
Bà Nhiên là người thứ sáu hoạt động trong lĩnh vực môi trường bị bắt trong hai năm qua. VIETSE do bà quản lý là tổ chức nghiên cứu độc lập được thành lập vào cuối năm 2018 với các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc chuyển dịch hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có độ tin cậy cao.
Trong cùng ngày bà Nhiên bị bắt, báo Nhân Dân đăng tải bài viết có tiêu đề “Không được phép can thiệp, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước và nhân dân Việt Nam”.
Nội dung bài viết nhắm đến các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài, cáo buộc các tổ chức này nhân danh hợp tác quốc tế, nhất là liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền của người dân…, để “can thiệp các công việc nội bộ của Việt Nam, đưa ra những thông tin, đánh giá thiếu khách quan nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, dấy lên những nghi kỵ, mất đoàn kết dân tộc, có tính chất chia rẽ vùng miền, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Ðảng và Nhà nước”.
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân cho biết các tổ chức quốc tế vẫn thường tài trợ vốn cho các tổ chức NGO trong nước, mà người đứng đầu các tổ chức này thường là các nhà khoa học hoặc ít nhất là những người có trình độ chuyên môn. Ông nói tiếp:
“Tư duy của họ là mới hơn, tiếp cận đến những vấn đề xã hội sâu sắc hơn, thành ra các báo cáo của họ cũng hay đụng chạm đến các vấn đề của Việt Nam.
Nhưng mà để nói rằng họ tìm cách can thiệp nội bộ, gây hoang mang dư luận thì điều đó theo tôi là hoàn toàn không đúng.
Bởi vì thông thường báo cáo của các tổ chức NGO khá chính xác, phản ánh đúng nguyện vọng và bản chất hoặc thực tế mà người ta đang đi điều tra ở những vùng hoặc là trong các lĩnh vực nhất định”.
NGOs trong nước “một cổ nhiều tròng”
Vẫn theo luật sư Lê Quốc Quân, các tổ chức xã hội dân sự muốn được hoạt động hợp pháp ở Việt Nam là vô cùng khó khăn. Họ thường phải đăng ký là thành viên của một Liên hiệp các Hiệp hội mà nó phải thuộc sự quản lý của nhà nước, ví dụ như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài ra, các tổ chức này phải tự lập dự án, tìm kiến vốn từ các tổ chức quốc tế để giúp họ thực hiện các dự án. Sau khi dự án kết thúc, họ phải báo cáo kết quả cho các nhà tài trợ đó. Do vậy, ông Lê Quốc Quân khẳng định ở Việt Nam chưa có một NGO thực sự là “phi chính phủ”:
“Việt Nam là một xã hội độc tài toàn trị cho nên bản thân các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam cũng không hoàn toàn “phi chính phủ”, mà họ vẫn hoạt động dưới một tổ chức là Hội liên hiệp các hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.
Đó là một tổ chức mà về mặt bản chất nó vẫn thuộc chính phủ, nhưng mà nó như là một tổ chức nửa này nửa nọ; khi cần thì nhà nước nói rằng đây là một tổ chức của chính phủ; còn khi không cần, ví dụ như để xin tiền và làm việc với các cơ quan quốc tế, thì họ nói rằng đây là tổ chức phi chính phủ”.
Luật sư Quân giải thích thêm, các tổ chức này bị quản lý bởi một rừng văn bản quy phạm pháp luật về thuế, cùng với đó là Nghị định số 93 năm 2009 và Nghị định số 80 do chính phủ ban hành năm 2020 về “Quản lý và Sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài”. Theo luật sư Quân, đây chính là những “dây thòng lọng”, có thể tròng vào cổ bất kỳ tổ chức nào mà nhà nước VN muốn.
Nhìn nhận từ thực tế hoạt động của các NGO, một nhà hoạt động xã hội chuyên vận động cho quyền của cộng đồng LGBTQ+, yêu cầu được giấu danh tính, nói rằng mặc dù các tổ chức chuyên vận động cho quyền của người đồng tính và chuyển giới ở Việt Nam không phải đối mặt với nhiều rủi ro như các nhóm hoạt động về môi trường, tuy nhiên, họ vẫn phải chịu sự quản lý rất chặt chẽ từ nhà nước. Người này cho biết thêm:
“Các tổ chức LGBTQIA+ phải đối mặt với những một số lo ngại tương tự như các tổ chức nhân quyền hoặc dân chủ khác. Mặc dù có sự cởi mở trong lĩnh vực LGBTQIA+, nhưng chính phủ vẫn rất nhạy cảm khi chúng tôi tiến đến kêu gọi về các quyền dân sự rộng rãi hơn, ví dụ vận động thay đổi chính sách cho người thuộc cộng đồng LGBTQIA+.
Những nhóm như chúng tôi cũng phải cẩn thận trong việc nhận vốn tài trợ dự án từ các tổ chức nước ngoài. Chính vì không gian chính trị bị hạn chế buộc các nhóm phải tự đóng khung và hạn chế các hình thức vận động, đồng thời phải hoạt động một cách cẩn thận để không ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án hiện tại”.
Hồi tháng 3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của VUSTA và các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022.
Theo đó, bộ này đã kiểm tra công tác thẩm định, phê duyệt khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài đối với 70 dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài thuộc trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt của VUSTA và được VUSTA giao cho Ban Hợp tác quốc tế chủ trì thẩm định.
Kết quả là tất cả 70 dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài của VUSTA đều có sai phạm theo luật pháp Việt Nam.
Vậy tại sao tất cả đều vi phạm mà các cơ quan chức năng Việt Nam chỉ “chọn” bắt các nhà hoạt động môi trường tiêu biểu như ông bà Nguỵ Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng…? Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Quân phân tích:
“Ví dụ như bây giờ 70 dự án đều có vi phạm những quy định của Việt Nam nhưng tại sao họ lại nhặt người này hoặc người kia để bắt?
Là tại vì họ muốn bắt những con người có tư tưởng, có tính độc lập cao và những con người có mong muốn thay đổi, khao khát thay đổi xã hội, chứ mà những tổ chức cứ nhận tiền xong rồi đưa lên lại cho VUSTA, chia đều ra cho các cơ quan như Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cứ chia đều thì chả bao giờ bị bắt cả”.
Nguồn: RFA