Ký ức Champa

Vĩnh Quyền 

Những ngày này, tôi xót xa bất lực trước nguy cơ dự án hồ thủy lợi tại Hàm Thuận Nam - Bình Thuận sẽ nhấn chìm thung lũng Ka Pet, nơi tồn tại những thánh tích Champa. Tâm trạng xót xa bất lực này từng khiến tôi mất ngủ và trở thành vết thương ký ức từ 30 năm trước.

Cuối 1993, từ Đà Nẵng tôi theo tàu thống nhất vào Sài Gòn dự họp tòa soạn tuần báo Lao động Chủ nhật. Có tiếng khỏe hơn người, vậy mà bất ngờ sốt li bì. Lai tỉnh, tôi thấy mình ở bên thiên sứ áo trắng. Nữ y tá Naily là một bù đắp không lường của siêu vi vô hình nào đó đã mưu quật tôi xuống tàu nửa đường, vào thẳng khoa cấp cứu BVĐK Ninh Thuận.

Không gặp Naily hẳn tôi không biết yêu xứ sở Champa theo cách của tôi và không có những trang bút ký mang tên Ngày và Đêm Panduranga. Tác phẩm báo chí, vậy mà tôi đã mở đầu như thế này: “Bông Sứ hay Ngọc Lan? Tôi không rõ. Có nhà nghiên cứu bảo Champa trong Phạn ngữ là hoa Ngọc Lan. Nhà nghiên cứu khác lại cho rằng Champa là hoa Đại, là bông Sứ. Tôi chỉ biết yêu một loài hoa. Hoa Champa. Cảm hứng Champa trong tôi trỗi dậy dưới bàn tay bảo hộ của nữ thần sắc đẹp rất đỗi dịu dàng Laksmi”.

Cái hay là các anh ở tòa soạn chấp nhận nó. Có lẽ vì tôi là nhà văn?

Hai ngày sau được xuất viện, cũng là ngày diễn ra phiên họp tòa soạn, đành bỏ qua. Cô y tá hết ca trực và nhận lời giúp tôi thực hiện nguyện vọng được sống một ngày đêm trong một ngôi làng truyền thống Champa.

Sau này mỗi lần ngược xuôi Quốc lộ 1A đoạn từ bệnh viện đa khoa tỉnh đến điểm rẽ hương lộ 703 dẫn vào làng Hữu Đức - Palay Hamu Taran, tôi như nhìn thấy tôi đèo Naily bằng chiếc Honda cũ của cô trên cung đường lộng gió hanh hao thuở nào, sống lại cảm xúc lần đầu lạc vào không gian Champa rất riêng. Và thấy tôi lượn theo hàng rào cây khô quanh co như bất tận che chở những ngôi nhà đơn sơ giữa vườn rộng cằn cỗi vắng cây xanh – những ngôi nhà cửa chính hướng đàng Đông đau đáu nỗi nhớ biển.

Tình cờ trong tình cờ. Trên đường thăm tháp Po Romê, Naily cho tôi biết tháng trước, trong lúc cày ải phát triển diện tích trồng nho người ta phát hiện một tượng đá bị vùi giữa đồng hoang Vụ Bổn cách chân tháp hai cây số; các nhà nghiên cứu xác định là tượng công chúa Ngọc Khoa – con gái Chúa Sãi, năm 1631 trở thành ái phi vua Po Romê – vốn được thờ phụng trong tháp nhưng thất tán từ lâu, đang tạm đặt tại vườn nhà chủ tịch huyện Ninh Phước trước khi chuyển đến bảo tàng của tỉnh. Với tôi đó là tin loại A, vừa bàng hoàng trước trò đùa của lịch sử vừa sửng sốt cách hành xử người đương thời dành cho lịch sử.

Chừng nửa giờ sau tôi đứng lặng trước pho tượng bị đục vỡ khuôn ngực. Người con gái Việt – món quà giao hảo giữa hai nhà nước đối kháng – ngồi trầm mặc bên gốc hoa giấy đỏ bừng dưới đỉnh nắng. Ngập ngừng mãi, tay tôi khẽ chạm tay tượng. Chạm vào thời gian. Chạm vào người thân… Pho tượng ấy với tôi không chỉ là tác phẩm điêu khắc đá Champa. Tôi bỗng ước mình có thể dựng nên huyền thoại mới từ đôi ngực trần thương tích Ngọc Khoa. Rằng dòng sữa nàng sau hơn ba trăm năm không ngừng thấm mát mặt đất bỏng rát Panduranga đang kết tinh vị ngọt trong từng trái nho Ninh Thuận…

Tối hôm ấy, Naily không giấu vẻ tự hào khi giới thiệu thầy giáo thời tiểu học của cô, cũng là nhạc sĩ nổi tiếng – người được xem là “trạng thái tinh thần” của Hamu Taran và có thể của cả cộng đồng Champa Ninh Thuận: anh Đàng Năng Quạ. Tại nhà anh, tôi được tiếp xúc thi sĩ Gia Lâu, dịch giả Trượng Sinh, được đánh mất mình trong âm nhạc nổi tiếng bi ai của Champa.

Khuya. Naily và tôi sánh vai im lặng trên quãng đường vắng dẫy ánh trăng. Cô che miệng cười khi bầy chó sau hàng rào sủa ăng ẳng xua đuổi tôi. Lúc ấy tôi cảm nhận rất rõ mình là kẻ thiểu số nơi đây. Naily đưa tôi vào nhà người anh họ là giáo viên tiếng Anh, gửi qua đêm.

Như cái tên Gia Lịch, anh vấn đầu khăn trắng, mặc áo thụng trắng trông như triết gia Ả Rập. Bữa rượu đãi khách phương xa của anh cũng lịch lãm dù khiêm tốn.

Gần về sáng, Gia Lịch ngửng mặt nhìn trăng nói trổng: Đã hai lần gửi kiến nghị ra Bộ Giáo dục nhưng như gửi vào cõi hư vô. Tôi nghĩ hẳn là chuyện về anh, hóa không phải.

Theo Gia Lịch, Thế kỷ 13 vua Nguyên sai Toa Đô dẫn một nghìn chiến thuyền xâm lược Champa; nếu thành công, sẽ đặt Đại Việt vào thế lưỡng đầu thọ địch. Vua Indravarman già yếu, nhưng thái tử Harijit anh hùng bất khuất, đã đánh bại quân Nguyên… Nay Champa là một dân tộc trong đại gia đình Việt Nam, sử nhà nên ghi nhận chiến thắng ý nghĩa này khi viết về thời kỳ Đại Việt chống Nguyên Mông… Và một ngôi trường, một công viên trên vùng đất Panduranga này được mang tên thái tử Harijit, tại sao không?

Cuối cùng, Gia Lịch thở ra: Không hiểu sao tôi bỗng dưng nhắc chuyện đã chìm đáy biển. Vì ánh trăng? Hay vì khách đêm nay là một nhà văn?

V.Q.

Nguồn: FB Vĩnh Quyền

This entry was posted in Bảo tồn văn hoá Chăm, văn hoá, Đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bookmark the permalink.