Mạc Văn Trang
Thứ Sáu, 15-9-2023
Từ lâu đã thấy bộ máy quản trị đất nước quá cồng kềnh, hệ thống Đảng bao trùm lên hệ thống Chính quyền, Đoàn thể, gây rối rắm, kém hiệu lực, tốn kém…
Qua những hoạt động thực tế gần đây càng thấy, sự lằng nhằng xử lý các vấn đề giữa bên Đảng với Quốc hội, Chính quyền. Có nhiều việc Đảng đã quyết rồi, dân ai cũng biết, nhưng bên Nhà nước cứ “diễn” lại, khiến dân thấy mất thì giờ, chẳng cần thiết.
Vì vậy, xin kiến nghị nên “nhất thể hóa” cho bộ máy đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả, bớt đầu mối, bớt tốn kém, tiện cho Dân.
1. Tổng bí thư nên kiêm luôn Chủ tịch nước
Trung quốc, Lào đã làm từ lâu rồi. Ta thì khi Chủ tịch Trần Đại Quang chết, TBT Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn Chủ tịch nước, cũng rất tiện. Giá cứ tiếp tục như vậy thì đỡ mất thì giờ bầu ông Nguyễn Xuân Phúc rồi lại xử lý miễn nhiệm chức Chủ tịch của ông Phúc; sau đó lại đưa ông Võ Văn Thưởng ra Quốc hội để bầu, mà trước đó một tháng thì Dân đã biết Đảng cử ông ấy rồi.
Giá như TBT Nguyễn Phú Trọng kiêm Chủ tịch nước luôn thì việc đón tiếp, hội đàm, ký kết vừa qua với Tổng thống Mỹ Biden rõ là danh chính, ngôn thuận, không có gì để dư luận bàn tán. Hơn nữa qua vụ việc đó càng thấy ông Thưởng như thừa!
Mà xưa nay có việc gì quan trọng hay có gì oan khuất cần kêu lên cấp cao nhất, Dân đều kêu lên Tổng Bí thư. Vậy nên “nhất thể hóa” hai chức vụ này làm một cho tiện.
2. “Nhất thể hoá” toàn hệ thống từ trên xuống dưới
Như vậy thì toàn hệ thống, từ các Bộ/ ngành, các Bí thư tỉnh, thành, huyện/ quận, xã/ phường, thôn/ ấp và tất cả các cơ quan, đoàn thể, Bí thư Đảng kiêm luôn trưởng đơn vị. Như vậy bộ máy gọn nhẹ, tập trung quyền lực vào Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Đằng nào cũng như vậy thôi, còn bày đặt ra lắm ban bệ, lắm ghế, thêm nhiều quan chức, lắm đầu mối thì điều hành kém hiệu lực mà nhất là chỉ khổ Dân.
Dân phải nuôi nhiều quá, phải nghe nhiều chỉ đạo, phải họp lắm thứ vô tích sự; muốn kêu phải qua nhiều cửa, gặp nhiều ông/ bà quan chức; nhất là các doanh nghiệp rất khổ, chạy chọt, đút lót, chiều chuộng lắm ông/ bà có chức quyền quá, rất tốn kém, mất thì giờ, bức bối trong lòng mà bề ngoài cứ phải xun xoe, nịnh bợ.
Mà điều này mới quan trọng cho Đảng: Nếu xử lý tham nhũng thì bớt đảng viên ra tòa. Ai lại cả Bộ trưởng, Thứ trưởng, cả Bí thư, lẫn Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc nọ kia… đều đảng viên cả, dắt nhau ra đứng một đàn chật hết Tòa án, làm mất thể diện của Đảng quá. Bớt ghế đi, càng ít ghế càng tốt, để ra Tòa càng bớt đi.
3. Xem có dẹp Quốc hội (QH) được không?
Vì 500 đại biểu rồi các ban bệ, tốn tiền Dân nuôi, nhưng xem ra chả ích lợi gì. Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói rất thật: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, Quốc hội không thể không ra luật” (đặc khu). Còn bên Đảng đã xét kỷ luật, kết luận rồi mới đưa ra Quốc hội ấn nút bầu hoặc bãi miễn. Vậy thì Đảng làm luôn cho xong, còn bày đặt “diễn” làm gì cho bàn dân thiên hạ cười!
Chất vấn ở Quốc hội cũng cho vui, chả thấy giải quyết được gì, mà mấy Đại biểu chất vấn/ phản biện gay gắt, khoá sau Đảng cho nghỉ luôn. Mà bao nhiêu kiến nghị của Dân lên Quốc hội có giải quyết được gì (như mấy vụ án oan thấu Trời đó).
Quốc hội là để lập pháp và giám sát chính quyền, nhưng lâu nay làm Luật lại do các Bộ/ Ngành xây dựng rồi Quốc hội ấn nút. Điều 25 Hiến pháp 2013 cho đến nay mà vẫn chưa Luật hóa được. Luật Biểu tình lại do Bộ Công an làm… Còn Giám sát thì, Quốc hội đã giám sát được những vụ nào đem lại kết quả rồi?
Có Quốc hội là để phân rõ tam quyền phân lập: Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp. Ta không có tam quyền phân lập, để Quốc hội làm gì?
TBT Trọng đã nói: Đòi đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự là loại bất hảo! Thế thì để Quốc hội là muốn tam quyền phân lập à? Có 200 UVTƯ Đảng thay cho Quốc hội là được rồi.
Phương châm (hay yêu cầu) lãnh đạo của Đảng, như TBT Trọng đã tổng kết phải là phải: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”. Vậy càng tối giản thì càng tối ưu. Càng bày ra lắm, thì càng trên dưới lằng nhằng, dọc ngang rắc rối, trên bảo dưới không nghe…
4. Giảm bớt các Bộ vô dụng đi
Có Ban Nội chính còn để Bộ Nội vụ làm gì? Bộ này toàn thấy đưa ra những việc trái khoáy để Dân chửi.
Có Ban Tuyên Giáo thì để Bộ Thông tin Truyền thông làm gì. Thông tin nào được đưa, bài nào phải gỡ, phát triển cái gì, cấm cái gì… do Ban Tuyên giáo chỉ đạo hết. Ông Bộ trưởng Truyền thông tức khí hay phát biểu lung tung?
Rồi Bộ Giáo dục, có nên bỏ đi không?
Luật Phổ cập giáo dục, luật Giáo viên ban hành mà Bộ không chỉ đạo thực hiện được; sách giáo khoa do nhóm tác giả và Nhà xuất bản làm, Bộ chả chịu trách nhiệm gì; các trường công thành “tự chủ”, tự thu học phí và các khoản, Bộ chả làm gì được; bao nhiêu tiêu cực trong giáo dục, Bộ chả chấn chỉnh được gì!
Tất cả quyền bổ nhiệm, bãi miễn Giám đốc Sở giáo dục, Phòng giáo dục, Hiệu trưởng… đều do chính quyển tỉnh/ thành, huyện/ quận quyết định. Tác phẩm của những tác giả nào dù nổi tiếng, nhưng Ban Tuyên giáo bảo vứt bỏ, không được dạy thì Bộ Giáo dục cũng chấp hành…
Vậy Bộ giáo dục có nên tồn tại không? Nếu có chỉ cần để một nhóm theo dõi giáo dục giúp Thủ tướng nắm tình hình… Mọi chỉ đạo giáo dục đã do tỉnh/thành quyết định hết, cần gì Bộ nữa. Ví dụ thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng miễn học phí cho tất cả học sinh phổ thông, trong khi các tỉnh/thành khác thì không, cứ thu học phí và các thứ phí khác của học sinh trong diện phổ cập (giáo dục bắt buộc) mà Bộ có làm gì được!?
Bộ Văn hoá (VH) càng nên dẹp. Tỉnh/ thành nào muốn xây tượng đài, tổ chức lễ hội, muốn cho doanh nhân xây bao nhiêu chùa, đền, miếu thì xây, muốn thờ ai thì thờ… là do địa phương quyết. Văn hoá, đạo đức xuống cấp không phanh. Có “phanh” cái này, cái nọ chủ yếu là do bên Tuyên giáo chứ đâu phải Bộ VH. Thế mà còn đề ra Chương trình mục tiêu “chấn hưng văn hoá và xây dựng con người Việt Nam đến 2035”… với 350.000 tỷ đồng (chừng 15 tỷ USD). Thôi để Khoa giáo quản hết cho tập trung về một mối.
Xem ra thì Đảng nắm Bộ Quốc phòng, “trung với Đảng” trên hết; Bộ Công an thì “chỉ biết còn Đảng còn mình” là quan trọng nhất. Còn các Bộ khác thì các Ban của Đảng “nhất thể hoá” luôn cho gọn, nhẹ, hiệu quả, bớt quan chức thì bớt nhũng nhiễu, bớt “củi đốt lò”…
TÓM LẠI, chế độ tư bản nó đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự thì ta đã phê phán nó là “bất hảo”, “thối nát” rồi, vậy ta còn bày đặt theo nó làm gì? “Đảng ta” là duy nhất độc tôn, độc quyền, toàn trị xã hội và đất nước thì cứ theo cách riêng của ta “nhất thể hoá” vào một mối do đảng lãnh đạo thống nhất, toàn diện, triệt để cho gọn, nhẹ, tập trung, hiệu quả. Như vậy mới thực hiện được yêu cầu TBT Trọng tổng kết: “Tiền hô, hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”.
Người già thấy sao nói vậy. Đảng nghe thì tốt, không thì nói cho Dân biết. Vậy thôi.
M.V.T.
Tác giả gửi BVN