Mắt Rừng, Máu Rừng và Xác Rừng

Thái Hạo

9-9-2023

Đọc bài viết rất hay của Thái Hạo mà lòng bỗng ngổn ngang nhiều nỗi, từ liên tưởng đến hoài niệm, chua chát đến đắng cay. Những câu thơ, câu nói găm chặt từ lâu trong vô thức nay bỗng lần lượt hiện ra như những ngôn từ trêu ngươi, chỉ khơi thêm mặc cảm. Đầu tiên là câu thơ đầy ân nghĩa của Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc: “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”. Ôi chao! Cái thuở hoa niên vô tư lự ấy sao mà dễ tin đến thế! Bây giờ thì hẳn nếu Tố Hữu sống lại, đi vào những mảng rừng còi cọc may còn sống sót đâu đó trên các vùng sâu vùng xa của đất nước, nhà thơ cũng phải khiếp đảm bỏ chạy cho xa bởi tiếng gào rú thê thảm ngày đêm của cây cối khi đang chờ đến lượt mình bị triệt hạ. Chính những kẻ được rừng che chở bảo bọc xưa kia bây giờ con cháu họ còn tệ hại hơn cả phường lòi tói (chữ dùng của nữ sĩ họ Hồ chỉ đám người dốt nát), giành được quyền bính vào tay là chúng “trả ơn” bằng cách giáng lên tổ tiên họ hàng đoàn lũ nhà RỪNG – từ hàng mấy trăm năm thậm chí nghìn năm nay vẫn sống yên ổn với nhau và tỏa màu xanh dịu mát xuống muôn vật – những bản án tru di tam tộc tàn bạo nhất; đối với các bô lão cổ thụ tuổi tác càng cao, được họ tộc suy tôn vào hàng “đại thụ”, chúng càng đổ quân tới “chém treo ngành” trước tiên. Bởi vậy, không phải chỉ một câu thơ này mà thôi, giờ đây nghe lại nhiều bài thơ bài văn tiếng tăm vào “cái thuở ban đầu dân quốc ấy” của cuộc kháng chiến chống Pháp (và cả chống Mỹ) lại cảm thấy… hình như có chút gì đùa cợt, mỉa mai.

Trong khi đó, cũng có những tổ hợp ngôn từ nhặt được tình cờ từ phía mà chúng ta vẫn bảo nhau là “không phải phía mình”, tưởng nghe một lần rồi bỏ, thì càng lúc ngẫm đến càng thấy bỏ đi không được. Ai mà không biết đến câu thành ngữ “Cột điện có chân” trong thập niên 70-80 thế kỷ trước, biểu tượng của tâm lý người dân miền Nam bỏ nước vượt biên ngày đó. Bây giờ hãy thử vận vào cây cối trên rừng núi thuộc dải đất hình chữ S bất cứ nơi nào mà xem, nếu chúng có đôi chân thật chúng có rời bỏ các thảm thực vật đặc thù ngàn đời của chúng để trốn chạy cho nhanh trước các loại dự án phá rừng chiếm đất liên tiếp trong nhiều thập niên qua mà các quan nhà ta hễ nhận được từ Công ty này, Doanh nghiệp nọ là lập tức ký cái rẹc, để… “xây dựng khu vui chơi, du lịch, sân gôn, rì xoọc…”, nhằm “phát triển kinh tế” cho… “dân chúng được nhờ”!!!! Thì chính ông Nguyễn Văn Thiệu, vị Tổng thống cuối cùng của nước Việt Nam Cộng hòa cũng đã nói rồi đấy: “Đừng nghe CS nói, hãy nhìn CS làm” – Ông ấy nói đúng hay sai, ta không nên vội bác bỏ, rồi giáng rìu búa lên đầu nhau, hãy cứ chờ cái dự án hồ thủy lợi Ka Pét  này ra đời đem lại lợi ích cho dân cho nước đến đâu là khắc rõ.

Cho nên, ngẫm nghĩ lại thì bên cạnh cảm hứng thích thú khi đọc bài Thái Hạo, cũng phải nói thêm rằng cái đọng lại sau khi đọc xong bài viết là một dư vị ngậm ngùi. Không biết tác giả còn nhớ đến câu thơ của nhà thơ Lê Đạt hay không:Sự thật cuộc đời đắng cay hơn nghệ thuật(Nhân câu chuyện mấy người tự tử – Tháng 6-1956). Trong khi giới nghệ thuật hiện đại chúng ta bằng thủ pháp xếp đặt gây hiệu ứng thị giác nhiều chiều, đang biểu thị hết mình những cảm xúc nhức nhối, uất nghẹn vì cái dự án phản cảm và rất đáng ngờ của ông Bí thư và ông Tỉnh trưởng Bình Thuận, thì tại khu rừng Pa Két hiện tại, chắc chắn cả một đội ngũ tay chân dưới trướng các ông, đã thủ sẵn nào cưa máy, nào rìu búa… sẵn sàng chờ lệnh. Và khu rừng cổ thụ nhỏ nhoi vô giá còn sót lại ở đây chỉ còn biết “rưng rưng nước mắt” chờ cái án tử hình bổ lên đầu. Thế đó!

Bauxite Việt Nam

Ngày 7.9, một nhóm Hà Nội của những thực hành nghệ thuật đương đại gồm họa sĩ Năng Yến, họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương, nghệ sĩ trình diễn Hoan Doan ghé Tào thôn thăm nhau. Vừa gặp, câu chuyện rừng Bình Thuận đã cuốn tất cả đi giữa những ngổn ngang âu lo, giận dữ, xót xa… Phút chốc, mọi người như đã lạc vào những cánh rừng tưởng tượng. Và một series nghệ thuật tình cờ ra đời.

Đầu tiên là tác phẩm Quốc Sách được Yến Năng thực hiện ngay tại chỗ, dành tặng riêng cho chủ nhà. Một cuốn sách được anh khoét thủng, biến thành lưỡi cuốc và tiến hành tra cán – thành “cuốc sách”, không phải “quốc sách”!

Tác phẩm như một ý niệm vừa mang tính trào lộng, vừa gợi lên sự thất vọng bởi khoảng cách giữa những khẩu hiệu và thực tế, nhưng đồng thời cũng là một thông điệp về sự cần thiết của một nền tảng hiện đại, văn minh đối với xã hội Việt Nam đương đại: cần thoát khỏi những “cái cuốc” cũ kỹ, giáo điều, thoát khỏi những hô hào bóng bẩy nhưng vô hồn, lạc hậu để thay bằng một cái cuốc tân kỳ: tri thức.

Chỉ có tri thức mới có thể xới lên, cày vỡ những mảnh đất tinh thần cằn cỗi, bạc màu, hoang hóa, thổi vào đó sức sống tươi mới của khoa học, tự do, và đa nguyên văn hóa, nhằm phục sinh một đời sống và môi sinh đã trở nên cùn mòn, rỉ sét, ngột ngạt, tàn tạ.

Vừa trao “Cuốc Sách” cho chủ nhà, anh lập tức thực hiện tác phẩm thứ hai: Mắt Rừng. Đó là một cái cây dại mọc sát bên lều tranh, được Yến Năng chân thành xin phép và bắt đầu vẽ lên những mặt lá, biến chúng thành những con mắt mở to, ngơ ngác, trong sáng và tinh sạch. Anh nói: “Trời có thể không có mắt, nhưng những côn trùng, cá mú, muông thú… chắc chắn có mắt; cỏ cây hoa trái chắc chắn có mắt; đất đai núi rừng chắc chắn có mắt; thiên nhiên có mắt! Hồn thiêng sông núi đang theo dõi chúng ta thông qua MẮT RỪNG!”.

Trong sự mời gọi của những “mắt rừng”, sáng hôm sau chúng tôi lên đồi, bên cạnh những cây thông cháy dở do một cơn hỏa hoạn mấy tháng trước là xác thông đen đúa nằm ngổn ngang, bất động trên mặt đất… Trong khung cảnh ấy, Hoan Doan bắt đầu tác phẩm Xác Rừng của mình bằng sự “dịch chuyển nội tâm” với hình ảnh hóa thân vào một cây thông xanh đang chìm sâu vào giấc ngủ yên bình, rồi bỗng nhiên bị đánh thức bởi những tiếng động “chặt đi, đốn đi…”. “Người-Thông” từ sự ngơ ngác, rồi thành sợ hãi, đau đớn, gào rú. Và đổ xuống. Cây chết. Người chết. Nghệ sĩ lại hóa thân thành những con thú hoảng loạn, thất thanh và cuồng điên trốn chạy trong tiếng cây gãy, tiếng người lao xao “chặt đi, chặt đi…”.

Cái chết lại ập đến trên thân thể điêu tàn, linh hồn muông thú thoát ra. Man dại, nguyền rủa. Và bò đi trong hoang dại. Cả đoàn, mồ hôi vỡ ra như tắm, nước đầm đìa ngực áo, phần vì leo núi, phần vì cảm giác rợn người do bị cuốn vào nỗi đau trong biểu đạt của người nghệ sĩ.

Buổi trưa không ngủ, anh em mang guitar ra chơi và hát, cho đến khi mặt trời đã dịu, lại lục tục đồ đoàn, cùng đi bộ ra con đê trước nhà để Yến Năng thực hiện tác phẩm thứ ba của mình: Máu Rừng.

Yến Năng gần như trần truồng đứng bên những cái cây lớn nhỏ. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương dùng màu đỏ pha loãng, vẽ những đường phạt ngang trên cả cây lẫn người. Máu ròng ròng chảy xuống…

5 cây được vẽ ở 5 vị trí khác nhau tương ứng với thân người; cây cuối cùng, người nghệ sĩ bị rút dây, treo ngược lên, một nhát vẽ ngang cổ, máu đỏ chảy đầm đìa trên mặt, trên đầu. Máu chảy vào mắt…

Trong chuyến đi thăm nhau này, hầu hết các tác phẩm ra đời đều như một sự tình cờ, không kế hoạch, không trù tính, không tập tành, không gia công tỉa tót. Tất cả thô mộc và thật như chính cuộc sống đang trình hiện trước mặt. Chỉ có những ý tưởng vụt hiện trong phút chốc và người nghệ sĩ liền nắm lấy, hóa thân và thực hiện tại chỗ bằng tất cả sự vẫy gọi trong sâu thẳm một nguyên sinh người.

Nghệ thuật trình diễn là một loại hình hiện đại do những nghệ sĩ mỹ thuật thực hiện nhằm diễn đạt ý tưởng của nghệ thuật tạo hình. Ở đó, tác phẩm chính là tất cả những chuyển động và biểu hiện của người nghệ sĩ trong bối cảnh mà hiện diện như một thành tố thuộc về một biên giới không có biên giới. Thực hành nghệ thuật trình diễn chính là biểu hiện của hơi thở cuộc sống, vừa mang tính tượng trưng vừa phá vỡ các khuôn khổ và quy tắc, biến tác phẩm trở thành một thông điệp mà tác giả vừa là người sáng tạo vừa bị chính tác phẩm của mình sáng tạo nên. Bị nghệ thuật hành!

Với series “tự phát” này, nhóm Yến Năng, Nguyễn Ngọc Phương, Hoan Doan và sau đó là một “nghệ sĩ bất đắc dĩ” – Doctor Đăng Vinh Ngô – vừa truyền đi một tiếng nói công dân, tiếng nói con người, bằng chính cơ thể và cuộc sống của họ, vừa phá vỡ những diễn ngôn có tính đại tự sự, vẫy gọi nhau đến những chân trời khác, khởi tạo một tinh thần đa dạng văn hóa, tôn trọng sinh mệnh và những chuyển vận nhỏ nhiệm nhất của đời sống.

Trong hoàn cảnh thực tế này, tất cả hội tụ và kết tinh trong một khát vọng cưỡng bách nội tâm: kêu đòi sự sống cho rừng và rừng Bình Thuận.

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Môi trường sinh thái, Quản lý rừng tự nhiên. Bookmark the permalink.