Ai đã lựa chọn con đường cho Việt Nam?

Nguyễn Đình Cống

Bài viết của GS Nguyễn Đình Cống rất phân minh, nhưng kể ra, nếu xét cùng kỳ lý thì cần nói thêm về một “tiểu loại” trong loại một, đó là tầng lớp đảng viên hoặc đang ra sức phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ đảng. Về lý thuyết thì mọi thành viên thuộc tầng lớp này đều phải tán thành CNXH vì họ phải tin theo nguyên lý Mác Lê về đường lối xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ tư hữu tài sản, tiến tới một xã hội làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, mà chặng đầu của nó khi sức sản xuất còn chưa thực sự phát triển thì phải làm theo năng lực hưởng theo công sức mỗi người bỏ ra, đó gọi là CNXH. Tuy vậy, giấc mơ CNXH đã tan vỡ khi tất cả mọi chế độ do CS cai trị đều xuống dốc trên phạm vi toàn cầu trong thập niên 80 thế kỷ trước, do sản xuất kinh tế trì trệ, cung không đủ cầu, đứng đầu là LX phải tiến hành công cuộc cải tổ quy mô thời Gorbachov. Nhưng cải cách mấy cũng vẫn không ngăn chặn được đà suy thoái, sau đó là sụp đổ dây chuyền.

Mặt khác việc vào đảng khi đảng đã nắm được chính quyền vào tay thì không còn một lý tưởng gì ngoài quyền và lợi (cứ nhìn vào các vụ án gần đây bao nhiêu đảng viên phải vào tù vì tham nhũng, hối lộ khắc rõ). Cho nên không phải đảng viên nào hoặc người nào phấn đấu vào đảng cũng hiểu CNXH là gì. Vậy thì không chỉ loại ba có lý tưởng dân chủ rất ghét cái gọi là CNXH giả dối, viển vông, và loại hai lao động quần quật để kiếm miếng ăn không thiết tha gì đến CNXH mà họ không hề được thụ hưởng trong thực tế, ngay đến loại một thực chất cũng không yêu thích gì CNXH ngoài việc tranh nhau chiếc ghế để hưởng lợi, tức là chiếm quyền sở hữu tư nhân đối với cái mà đảng dán cho cái nhãn “sở hữu toàn dân”. Đó đích thực là chủ nghĩa tư bản hoang dã trá hình, vì cơ chế độc tài không có luật pháp để chế tài nó.

Bauxite Việt Nam

Ngày 1 tháng 9, tại cuộc mitting ở Hà Nội, kỷ niệm ngày 2 tháng 9, Chủ tịch Võ văn Thưởng đã đọc diễn văn cho rằng: “Đảng, Bác Hồ, Nhân dân VN đã lựa chọn con đường Độc lập gắn với Chủ nghĩa xã hội (CNXH)”.

Câu trên không phải do ông Thưởng nghĩ ra và nói lần đầu tiên, mà chỉ là câu được nhắc lại lần thứ (n+1) với n rất lớn. Ông Thưởng nhắc lại một cách máy móc, hình như không hề suy nghĩ xem nói như vậy đúng sai chỗ nào.

Thực ra trong việc tìm con đường, nhân dân VN chẳng lựa chọn gì cả. Xin hỏi, bạn có phải là nhân dân không? Bạn đã lựa chọn con đường ở đâu, lúc nào, như thế nào?

Nhân dân VN hiện nay có gần trăm triệu người, tạm chia ra ba loại, có vai trò, quyền lợi và nguyện vọng cụ thể khá khác nhau.

Dân loại một là những người được ưu đãi, có quyền lợi gắn chặt với chế độ. Loại này chiếm tỷ lệ tương đối ít.

Dân loại hai là những người lao động bình thường, họ làm việc và đóng thuế cho nhà nước. Họ có nguyện vọng thiết tha là được sống trong hòa bình, được yên ổn làm ăn, nuôi dạy con cái. Loại này chiếm số đông của xã hội, họ phục tùng bất kỳ chính quyền nào, đóng thuế cho bất kỳ nhà nước nào đang cai quản, tuân lệnh bất kỳ quan chức nhà nước nào đang thống trị, họ luôn lo sợ bị chính quyền quở trách và sẵn sàng phụ họa theo ý muốn của chính quyền.

Dân loại ba là tầng lớp trung lưu, có nhu cầu cao về tự do dân chủ để lao động sáng tạo, để phát triển kinh tế, văn hóa giáo dục. Trong số họ có các trí thức tinh hoa, các văn nghệ sĩ ưu tú, họ có nhu cầu và thích làm phản biện để vạch ra những sai sót của chính quyền – là việc mà lãnh đạo cộng sản rất ghét, rất sợ và ra sức triệt phá.

Nếu lãnh đạo nhà nước có cách hợp lý, dân chủ thực sự, tuân thủ tính khách quan, trung thực, khoa học, để điều tra, để trưng cầu dân ý về chọn con đường thì chắc rằng đa số dân loại một, một số ít dân loại hai chọn CNXH, còn phần rất lớn dân loại ba không chọn. Nhưng nếu gian lận trong điều tra thì con số chọn XHCN có thể sẽ rất cao.

Trong các phát ngôn và văn bản quan trọng (Tuyên ngôn độc lập, Di chúc…), Bác Hồ cũng chưa bao giờ nói hoặc viết rằng mình chọn CNXH để áp đặt cho dân tộc.

Con đường CNXH, kiên trì nó, thực ra chỉ được một vài người chóp bu trong đảng lựa chọn (thậm chí chỉ do một người tự ý chọn theo sự hiểu biết sai lầm của mình) rồi áp đặt cho những người khác và dùng nguyên tắc: “Cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cá nhân phải phục tùng tập thể” cùng với kỷ luật đảng để buộc mọi đảng viên không được nói khác. Như vậy thực chất Đảng cũng không lựa chọn mà bị áp đặt từ ý chí của một người.

Từ đó suy ra câu ông Thưởng nói ở trên là một loại ngụy biện thô bạo, một loại quen nói liều, quen nói dối trước hàng chục triệu người.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chủ nghĩa xã hội lý thuyết và hiện thực. Bookmark the permalink.