Kiến nghị tổ chức kỷ niệm 300 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Thiếp

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————————————

California, Hoa Kỳ 29/8/2023

KIẾN NGHỊ TỔ CHỨC KỶ NIỆM 300 NĂM NĂM SINH NGUYỄN THIẾP,

VINH DANH NGUYỄN THIẾP “ANH HÙNG DÂN TỘC” VÀ ĐỀ NGHỊ UNESCO VINH DANH NGUYỄN THIẾP “DANH NHÂN VĂN HÓA”

Kính gửi: Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính

Đồng kính gửi: Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Dòng họ Nguyễn Thiếp

Tôi, Cù Huy Hà Vũ, Công dân Việt Nam, Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Văn chương, xin gửi tới Quý Vị lời chào tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm lần thứ 78 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023).

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, thân phụ tôi, Nhà thơ – Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã có vinh dự cùng Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh và các vị Bộ trưởng khác trong Chính phủ ký Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau đây là Kiến nghị của tôi về việc Nhà nước Việt Nam tổ chức kỷ niệm 300 năm năm sinh và vinh danh Nguyễn Thiếp là “Anh hùng dân tộc”.

I – ĐẶT VẤN ĐỀ

Nguyễn Thiếp, tự Khải Xuyên, hiệu là La Sơn Phu tử, là danh nhân Việt Nam sống ở thế kỷ 18. Cuộc đời và sự nghiệp của Cụ đã được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu tường tận trong tác phẩm La Sơn Phu tử do Nhà xuất bản Minh Tân ấn hành năm 1951. Tác phẩm này nằm trong Cụm công trình Lịch sử và Lịch Việt Nam của Giáo sư được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Những tài liệu về Nguyễn Thiếp mà tôi dẫn ra trong Kiến nghị này căn bản được lấy từ La Sơn Phu tử của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Nguyễn Thiếp sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão 1723 theo âm lịch, tức ngày 24 tháng 9 năm 1723 theo dương lịch, tại xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ mất vào tháng Chạp năm Quý Hợi (1804), thọ 81 tuổi.

Trong lịch sử Việt Nam, có ba người được vinh danh “Phu tử”. Đó là Chu Văn An (1292-1370), gọi là Chu Phu tử, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), gọi là Tuyết Giang Phu tử, và Nguyễn Thiếp (1723-1804), gọi là La Sơn Phu tử. Trong ba vị đó, Nguyễn Thiếp là người duy nhất được cả vua, cụ thể là Hoàng đế Quang Trung, lẫn dân gian vinh danh “Phu tử”.

Phu tử (chữ Hán:夫子) có nghĩa là “Thầy”. Để được gọi là “Phu tử”, nhân vật liên quan phải thỏa mãn một số tiêu chí chính như sau:

- Có kiến thức uyên bác và sâu rộng trong các lĩnh vực tri thức, đặc biệt trong triết học, văn hóa, văn học, lịch sử và đạo đức; phải có khả năng giảng dạy và truyền đạt tri thức một cách hiệu quả.

- Có đạo đức cao quý, là tấm gương về cách sống và hành động cho người đời.

- Có đóng góp to lớn vào việc phát triển tri thức và đạo đức trong xã hội thông qua giảng dạy, viết sách, thảo luận triết học, hoặc các hoạt động xã hội khác.

- Ảnh hưởng sâu sắc đối với thế hệ sau qua tri thức và đạo đức của họ.

Như vậy, các tiêu chí cho “Phu tử” hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí cho “Danh nhân văn hóa” của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc). Cho đến nay, Việt Nam có 6 nhân vật được tổ chức thế giới này tôn vinh là “danh nhân văn hóa”. Đó là Nguyễn Trãi (vào năm 1980), Hồ Chí Minh (vào năm 1990), Nguyễn Du (vào năm 2015), Chu Văn An (vào năm 2019), Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu (vào năm 2021).

Bên cạnh uy tín và ảnh hưởng lớn về tri thức và đạo đức trong tư cách Phu tử, Nguyễn Thiếp đã có những công trạng to lớn đối với quốc gia và dân tộc Việt Nam trên các lĩnh vực: bảo vệ Tổ quốc, trị nước, giáo dục và văn hóa. Đây là những cở sở để tôi đưa ra Kiến nghị này.

II – CÔNG TRẠNG CỦA NGUYỄN THIẾP

1. BẢO VỆ TỔ QUỐC: CỐ VẤN HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN XÂM LƯỢC THANH

Khi Hoàng đế Quang Trung từ Phú Xuân tiến quân ra Bắc để đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Thanh, ông đã dùng chân ở Nghệ An và tham vấn Nguyễn Thiếp, đang ở ẩn tại núi Bùi Phong, về tình hình địch – ta, đánh hay thủ, và cách dùng binh. Chính trong tư cách quân sư tối cao của Hoàng đế, Nguyễn Thiếp đã góp công đầu trong đại phá quân xâm lược Thanh, bảo vệ thành công độc lập, chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Ngày 29 (tháng chạp Mậu thân -1789), Quang Trung tới Nghệ An, vời một người Cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp đến hỏi rằng: “Quân Thanh lại đây, ta muốn đem quân ra chống lại. Mẹo đánh hay giữ, cơ được hay thua, Tiên sinh nghĩ xem ra làm sao?” Thiếp trả lời: “Nay trong nước trống không, nhân tâm tan nát. Quân Thanh xa đến, không biết quân ta hèn mạnh thế nào, không biết thế nên chiến thủ thế nào. Chúa công ra đó, không quá mười ngày, quân giặc Thanh sẽ bình được”.

Sách Lê mạt Tiết nghĩa lục chép: “Huệ đưa quân ra Nghệ An. Triệu cụ để hỏi phương lược. Cụ trả lời: “Người Thanh phương xa tới, vào sâu trong đất lạ. Không biết tình hình chủ khách. Chỉ trong 10 ngày là bị phá tan.”

Bản hành trạng của Viện Quận công Nguyễn Hoãn cũng chép: “Quang Trung tiến phá Bắc thành, dùng kế của ẩn sĩ người Nguyệt Ao, ở Lục niên thành, tên là Nguyễn Thiếp.”

Sách Lê quý kỷ sự chép rõ ràng hơn: “Ngày 29, Huệ đến Nghệ An, nghỉ binh. Triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi phương lược. Thiếp nói: “Người Thanh ở xa tới, không biết tình hình khó dễ thế nào, không biết chiến thủ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp đi thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút, thì khó lòng mà được nó.” Huệ mừng lắm, nói: “Ông nói chính hợp ý tôi.” Huệ bèn ở lại mười ngày, tuyển dân Nghệ An, ba đinh bắt một.”

Vững tin chiến thắng với cố vấn chính xác và chắc chắn của Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ dõng dạc tuyên bố với quân sĩ mình tại Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình): “Nay ta tới đây thân đốc việc binh, kế chiến thủ ra sao đều đã có phương lược định sẵn. Chỉ nội 10 ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch giặc Thanh” (Hoàng Lê nhất thống chí); “Nay hãy ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến mồng 7 tháng Giêng, vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng như vậy không” (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập).

Sau khi đại phá quân xâm lược Thanh, Quang Trung viết chiếu cho Nguyễn Thiếp xác nhận công đầu của Cụ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Tiên sinh hẳn có thế.” (Chiếu ngày 5 tháng 10 Quang Trung năm thứ hai (1789).

Theo Nguyễn Nghiễm, từng hai lần làm Tể tướng trong chinh quyền của Chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Thiếp là nhân vật đương thời nổi tiếng nhất về “đạo học sâu xa”. Vậy, “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ” của Nguyễn Thiếp chính là kết quả của “đạo học sâu xa” của Cụ, mà ở đây là thấm nhuần Binh pháp của Tôn Tử. Danh tướng kiệt xuất này của nước Ngô cuối thời Xuân Thu bên Trung Hoa đã chỉ rõ: “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại.”

Việc Quang Trung hồ hởi và ngay lập tức áp dụng mưu lược của Nguyễn Thiếp không chỉ vì nó xuất sắc, mà còn vì sự mong ngóng một Khổng Minh nơi danh sĩ xứ Nghệ của ông khi còn là Đại nguyên súy tổng quốc đã được đền đáp xứng đáng. Trong thư gửi La Sơn Phu tử ngày 10 tháng 8 Thái Đức năm thứ 10 (1787), Nguyễn Huệ viết: “Phu tử là danh sĩ hơn đời… Vì thế không kể dốt nát, quả đức đã ân cần chú ý tìm mời. Cũng ví như xưa, kẻ tới sông Vị Xuyên thăm hỏi Thái Công, đem xe mời cùng về; kẻ sang đất Nam Dương cố đón Khổng Minh.” Việc phát hiện Nguyễn Thiếp như một quân sư tối cao tiềm năng chỉ có thể khẳng định hơn nữa thiên tài quân sự của lãnh tụ Tây Sơn Nguyễn Huệ.

Cũng qua trường hợp Nguyễn Thiếp, có thể thấy rằng “đạo học sâu xa” hay tri thức uyên thâm hoàn toàn có thể biến một người chưa từng học trường quân sự thành một chiến lược gia quân sự tài ba. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, xuất thân là một thầy giáo dạy sử và chưa qua một lớp quân sự nào, là minh họa điển hình. Trong bài Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chân dung một huyền thoại tôi viết nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (đăng trên tạp chí Hồn Việt và nhiều báo chí khác ở Việt Nam), tôi đã thuật lại lời của Đại tướng: “Bác giao cho tôi công tác này trong khi bản thân tôi chưa hề đọc một cuốn sách giáo khoa quân sự nào dù đó là dành cho cấp tiểu đội trưởng và lúc ấy đã có đồng chí tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố, từng là sĩ quan bên Trung Quốc.”

Một đóng góp chiến lược khác của Nguyễn Thiếp trong đại phá quân xâm lược Thanh là khuyên Quang Trung tuyển gấp quân cho đủ để tiến hành một cuộc tổng tấn công chớp nhoáng. Theo một số tài liệu biên soạn mới đây, Nguyễn Thiếp cho rằng quân đội của Quang Trung khoảng 5 vạn là chưa đủ mạnh nên đã khuyên vị Hoàng đế tuyển gấp quân ở vùng Nghệ An – Thanh Hóa, “vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hảo hán cũng nhiều”. Quang Trung đã nghe lời. Chỉ sau 10 ngày dừng chân ở đây, quân đội của ông đã tăng gấp đôi, lên 10 vạn người. Số quân mới tuyển này được bổ sung vào trung quân do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, làm mũi chủ công trong chiến dịch. Cho dù lời khuyên chiến lược này của La Sơn Phu tử còn cần được kiểm chứng bằng các thư tịch cổ, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng danh tiếng bao trùm của Cụ ở Nghệ An – Thanh Hóa nói riêng, Bắc Hà (từ sông Gianh trở lên, thuộc cai quản của Chúa Trịnh, gọi là Đàng Ngoài, trong khi Đàng Trong thuộc Chúa Nguyễn) nói chung, đã góp phần quan trọng trong việc động viên người dân nơi đây gia nhập quân đội Tây Sơn. Suy cho cùng, việc Nguyễn Huệ bái Nguyễn Thiếp làm cố vấn tối cao còn là nhằm thu phục nhân tâm Bắc Hà sao cho nhanh nhất và hiệu quả nhất, điều này để phục vụ công cuộc chống xâm lược Thanh cũng như thống nhất đất nước của ông.

Kết luận lại, Nguyễn Thiếp với tư cách quân sư tối cao của Hoàng đế Quang Trung đã đóng vai trò một chủ chốt trong đại phá quân xâm lược Thanh. Vai trò này của Nguyễn Thiếp không khác gì vai trò của Nguyễn Trãi đối với Lê Lợi trong kháng chiến chống quân Minh. Cả ba vị Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung đã được Nhà nước Việt Nam tôn vinh là “Anh hùng dân tộc” thì lẽ công bằng đòi hỏi Nguyễn Thiếp cũng phải được Nhà nước Việt Nam tôn vinh là “Anh hùng dân tộc”.

2. TRỊ NƯỚC: “DÂN LÀ GỐC NƯỚC. GỐC VỮNG NƯỚC MỚI YÊN”

Với con mắt tinh đời của một thiên tài, Nguyễn Huệ biết rằng Nguyễn Thiếp không chỉ là một người thầy có “đạo học sâu xa”, đạo đức mẫu mực, có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng, mà còn là người có tầm nhìn kinh bang tế thế. Vì vậy vị quân vương này chỉ trong 2 năm đã 4 lần viết thư trịnh trọng mời Nguyễn Thiếp ra giúp ông trị nước. Đó là vào tháng 12 năm 1786, tháng 8 năm 1787, tháng 9 năm 1787 và tháng 3 năm 1788. Thế nhưng, mãi đến thư thứ 4 trong đó Nguyễn Huệ thông báo ông “thân hành qua hạt” thì vị ẩn sĩ núi Bùi Phong mới chịu ra hội kiến. Thế nhưng Nguyễn Thiếp vẫn chưa chịu ra giúp Nguyễn Huệ. Ấy là vì Nhà Lê khi ấy vẫn còn mà Cụ thì giữ nguyên tắc “tôi trung không thờ hai chúa” bởi đã từng hai lần làm quan Nhà Lê (Huấn đạo Anh Đô, Tri huyện Thanh Chương). Chỉ đến khi Lê Chiêu Thống “rước voi về giày mả tổ” với việc cầu viện Nhà Thanh, tạo cớ cho đế quốc Trung Hoa này đưa 29 vạn quân sang xâm lược Việt Nam vào cuối năm 1788, thì Nguyễn Thiếp mới đoạn tuyệt với Nhà Lê.

Thực vậy, việc Cụ bày mưu cho Quang Trung để đánh đuổi quân xâm lược Thanh không chỉ là hành động tất yếu của một người yêu nước chân chính mà còn là sự xác nhận của Cụ rằng Nhà Lê đã hoàn toàn mất chính danh khi phản bội Tổ quốc. Sự xác nhận này được Cụ chính thức trong tấu gửi vị Hoàng đế vào tháng 9 (âm) năm 1789 khi lần đầu tiên ghi niên hiệu “Quang Trung”, cho dù nội dung của tấu này là từ chối lộc được ban để tiếp tục dạy học ở quê nhà. Điều này khiến lãnh tụ Tây Sơn một lần nữa, lần thứ 5, viết thư khẩn cầu sự hợp tác của La Sơn Phu tử.

Trong Chiếu gửi Nguyễn Thiếp ngày 5 tháng 10, Quang Trung năm thứ hai (1789), Quang Trung viết: “Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng Tiên sinh gần gụi. Rồi đây Tiên sinh hãy ra mà giúp nhau để trị nước. Ví dù Tiên sinh muốn bỏ qua không nhận, lên núi ẩn, thì thương dân sẽ ra làm sao. Tiên sinh nên nghĩ lại điều đó.”

Trước lời khẩn cầu thống thiết của vị Hoàng đế với lý do “thương dân”, Nguyễn Thiếp đã chấp nhận “xuống núi”, chịu bàn quốc sự với tân vương. Trong biểu gửi Quang Trung ngày mồng 1 tháng 11 Quang Trung năm thứ 2 (1789), La Sơn Phu tử đưa ra kế sách trị nước đầu tiên. Đó là: “Dân là gốc nước. Gốc vững nước mới yên.” Rồi Cụ đưa ra ví dụ và chỉ cách giữ vững “gốc nước”. Cụ viết:

“Một xứ (Nghệ An) mười hai huyện mà chia làm ba, bốn trấn… Quan càng nhiều, dân càng bị nhiễu… Cúi mong Hoàng thượng chọn trong các bầy tôi, lấy một viên thanh, cần, nhân, dũng để làm chánh trấn, một viên sẵn có văn học để làm hiệp tá. Ủy cho tùy tiện mà làm. Giao cho phải làm cho thành hiệu. Dân gian tật khổ, phải rành mạch khám thật. Tùy theo nhiều ít, chước lượng giảm xá cho dân. Tụi điêu toa thì trừ đi, người lương thiện thì giúp đỡ. Như thế, ân trạch ban xuống, kẻ dân cùng dễ được sống lại được nghỉ ngơi. “Dân thường không mến nhớ, mà mến nhớ kẻ có nhân.” Lòng người quy thuận, tức là mệnh trời.”

Như vậy, kế sách trị nước đầu tiên mà Nguyễn Thiếp bày cho Quang Trung là giải quyết nạn quan nhũng nhiễu dân bằng cách tinh giản bộ máy cai trị và xây dựng đội ngũ thanh tra dựa trên “thanh, cần, nhân, dũng”. Kế sách này cũng đã được Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh áp dụng khi một mặt thiết lập bộ máy chính quyền gọn nhẹ và mặt khác, lập Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ dựa trên “thanh, cần, nhân, dũng” gồm cựu Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn và Bộ trưởng Cù Huy Cận, thân phụ của người viết Kiến nghị này.

Hai năm sau, ngày 10 tháng 8, Quang Trung năm thứ 4 (1791), Nguyễn Thiếp gửi Quang Trung một bản tấu tiếp tục cố vấn về trị nước với 3 điều: “Quân đức”, “Nhân tâm” và “Học pháp”.

Về “Quân đức”, Nguyễn Thiếp xác định: “Vua dốc một lòng tu đức. Ấy là gốc của vạn sự.” Nghĩa là vua có “tu đức” thì mới định ra được chính sách cai trị đúng đắn. Rồi Cụ chỉ ngay ra cách để vua “tu đức”:

“Nếu lấy sự học vấn mà tăng thêm tài, thì thật là một đấng ở trước đời Thang, Vũ. Cúi xin từ rày, mở nhà giảng diên; cùng nho thần thảo luận các điển tích. Ban đầu giảng Đại học, rồi đến Luận ngữ, đến Mạnh Tử rồi đến Trung dung (Tứ thư); sau lại đến Ngũ kinh, Chư sử. Tuần tự mà tiến, đọc cho kỹ mà ngẫm nghĩ cho tinh… Lấy sự đó mà tóm cả thần dân, thi hành ra chính trị, thì không có điều gì làm không phải.”

Nghĩa là để trị nước, ngoài cái “tài”, hiểu theo nghĩa “thiên mệnh”, là sức mạnh và quyền uy trời cho để lãnh đạo quốc gia, vua phải có “đức” để thu phục lòng dân nhằm duy trì sự ổn định và thống nhất trong xã hội. Mà để có “đức” thì cách duy nhất là “học”. Cụ thể là phải đọc và bàn luận các tác phẩm cốt lõi của Nho giáo có nội dung xây dựng đạo đức cho cả cá nhân và xã hội. Cũng như vậy, học thì phải tuần tự, đi từ kiến thức cơ bản đến kiến thức phức tạp hơn và phải tận tâm để thực sự làm chủ kiến thức, cơ sở để đưa ra quyết định cai trị và lãnh đạo đúng đắn.

Quang Trung đã nghe theo lời khuyên này của La Sơn Phu tử. Sử liệu cho thấy mỗi tháng 6 lần, một viên quan Bí thư vào chầu để giảng giải cho Quang Trung về Tứ Thư, Ngũ Kinh, Binh Thư…

Về “Nhân tâm”, Nguyễn Thiếp nêu lại nội dung biểu ngày mồng 1 tháng 11, Quang Trung năm thứ 2 (1789) theo đó “Dân là gốc nước. Gốc vững nước mới yên.”

Về “Học pháp”, Cụ viết: “Ngọc không chuốt không thành đồ; người không học, không biết đạo. Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ đua tập lối học từ chương cầu danh lợi mà quên bẵng có cái giáo tam cương, ngũ thường. Chúa tầm thường, thần nịnh hót. Quốc phá, gia vong; những tệ kia đều ở đó mà ra… Sư đạo thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình chính và thiên hạ trị.”

Nghĩa là lối học từ chương (học thuộc lòng, học vẹt) khiến người học ít có khả năng thấu hiểu và ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, dẫn đến việc học chỉ để cầu danh lợi mà nịnh hót là một trong những kết quả; chính quyền hiện tại được cơ cấu bởi loại người như vậy đang làm nước mất nhà tan. Do đó, nhất thiết phải từ bỏ lối học từ chương để trở về với “chính học”. Đó là học để làm người có “đạo”, một sự kết hợp đạo đức gắn với tự trọng và tinh thần xã hội với tri thức thực sự, điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng lại xã hội và quốc gia.

Tóm lại, theo Tấu khuyên vua Quang Trung ba điều về trị nước của Nguyễn Thiếp, cốt lõi của trị nước là chăm lo cho dân bởi “dân là gốc nước”, tức không được lợi dụng dân, nhũng nhiễu dân. Muốn thế thì người cai trị phải được đào tạo theo “chính học” theo đó học để làm người có “đạo” đồng nhất với đạo đức và tri thức thực sự. Đối với vua, việc học giúp nhận biết người có “đạo” để tuyển cho bộ máy cai trị của mình, loại trừ kẻ chỉ tìm kiếm danh lợi, cũng như giúp đưa ra quyết định và lãnh đạo đúng đắn.

Mặc dù vậy, La Sơn Phu tử không coi “chính học”đồng nhất với giáo dục chính thống là giải pháp duy nhất để chính quyền có được nhân tài phục vụ. Cụ khuyên Quang Trung dùng người không xuất thân từ khoa cử nhưng tài năng đã được xã hội xác nhận. Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại lời khuyên này của Cụ: “Giáo dục là cái gốc để đào tạo người tài. Nhưng những bậc kỳ tài, kỳ ngộ đâu phải hết thảy đều do khoa cử mà ra. Đời nếu có tài Bệ hạ nên dùng lễ mà mời ra như vua Thang mời Y Doãn ở đất Sằn, vua Văn Vương thăm Lã thượng sông Vị…”

Đây thực sự là một quan điểm tiến bộ và có cơ sở khoa học vững chắc, thể hiện sự tôn trọng đối với khả năng và kiến thức thực sự của mỗi cá nhân. Nó giúp tạo ra một môi trường công bằng hơn cho cơ hội tiếp cận vị trí quyền lực được mặc định dành cho người xuất thân từ khoa cử và quý tộc và qua đó, khuyến khích sự phấn đấu của mọi thành viên trong xã hội. Nói cách khác, nó cho phép quốc gia tận dụng tối đa nguồn nhân lực đa dạng của xã hội. Quan điểm này còn mang đến sự sáng tạo, linh hoạt và đa chiều trong cai trị, tăng cường khả năng tìm kiếm giải pháp mới và hiệu quả. Điều này đến lượt nó giúp cải thiện quá trình ra quyết định, cải thiện hiệu suất và tăng tính hiệu quả của tổ chức hành chính cụ thể, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.

Có thể coi quan điểm của Nguyễn Thiếp về việc trọng dụng người tài không xuất thân từ khoa cử trên cơ sở coi trọng năng lực thực sự của mỗi cá nhân là một bước tiến vượt thời đại, một phiên bản sớm của những giá trị và tư duy hiện đại về đa dạng, tôn trọng khả năng cá nhân và quản lý tối ưu hóa nguồn nhân lực trong xã hội và tổ chức.

GIÁO DỤC: HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI CÓ ĐẠO ĐỨC VÀ TRI THỨC THỰC SỰ

Sau khi đăng quang Hoàng đế vào năm 1788, Quang Trung đã ban hành Chiếu lập học, văn bản do Ngô Thì Nhậm soạn thảo. Chiếu này nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của việc học như sau:

“Xây dựng đất nước lấy việc học làm đầu, tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp. Trước kia bốn phương xảy ra nhiều việc biến động, chế độ học hành không được sửa sang, phép khoa cử dần dần sa sút, nhân tài ngày một khan hiếm. Việc đời lúc trị, lúc loạn là lẽ tuần hoàn. Song sau khi loạn càng cần phải hưng khởi chấn chỉnh, lập giáo hoá đặt khoa cử. Đó là quy mô lớn chuyển loạn thành trị vậy.”

Như vậy, theo Quang Trung, việc xây dựng lại quốc gia đồng nhất với xây dựng mới bộ máy cai trị nhưng nhân tài cần thiết cho việc này lại vô cùng thiếu hụt. Do đó, việc học với tư cách nguồn cung ứng nhân sự cho hệ thống cai trị có ý nghĩa sống còn đối với xây dựng lại quốc gia. Tóm lại, Chiếu lập học tiếp tục quan niệm học là để làm quan.

Với “Học pháp” mà Cụ nêu trong Tấu khuyên vua Quang Trung ba điều về trị nước, Nguyễn Thiếp đặt việc học ở tầm cao hơn: học không chỉ để đạt được vị thế xã hội mà trước hết để trở thành người có đạo đức. Cụ viết: “Ngọc không chuốt không thành đồ; người không học, không biết đạo. Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ đua tập lối học từ chương cầu danh lợi mà quên bẵng có cái giáo tam cương, ngũ thường.”

“Tam cương” (Nhân, Nghĩa, Khí) và “Ngũ thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) là những nguyên tắc đạo đức cơ bản liên quan đến hành vi tốt, cách cư xử đúng mực trong xã hội và cuộc sống hàng ngày. Có được những phẩm chất này, mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo nên một tình trạng ổn định, tuân thủ luật pháp và hòa hợp trong xã hội, điều này đến lượt nó sẽ tác động tích cực đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững của quốc gia.

Nguyễn Thiếp nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức trong việc học còn là vì Cụ thấu hiểu rằng sự tương tác đôi chiều giữa đạo đức và việc học. Một mặt, đạo đức tạo điều kiện cho việc học trở nên có giá trị và ý nghĩa hơn, trong khi việc học lại lan tỏa và thể hiện đạo đức. Mặt khác, đạo đức làm cho người học hiểu rằng học không chỉ để tích luỹ kiến thức cho bản thân, mà còn để chia sẻ và truyền đạt kiến thức cho cộng đồng xung quanh, điều này lại có tác dụng làm lan tỏa việc học. Tóm lại, việc học và đạo đức tương hỗ và thúc đẩy lẫn nhau, đem lại sự gắn kết trong cộng đồng và xã hội, từ đó góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết và thịnh vượng. Với cách đặt vấn đề như vậy, Nguyễn Thiếp còn định hình tầm quan trọng của việc học trong việc tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng và qua đó thể hiện tầm nhìn xã hội của vị Phu tử.

Sách Lê mạt tiết nghĩa lục ghi nhận sự thành công của triết lý giáo dục độc đáo và sâu sắc này của Nguyễn Thiếp như sau: “Cách dạy của Cụ là trước học tiểu học để bồi đắp gốc rễ, sau học kinh truyện để hiểu ngọn ngành. Kẻ theo học đều được cảm hoá rồi đem điều được học đó về giảng lại cho xóm làng. Vì vậy các luồng gió lễ nghĩa lan khắp cả vùng.”

Một khía cạnh quan trọng khác của cách tiếp cận giáo dục này – giáo dục cộng đồng – của Nguyễn Thiếp là tạo ra một xã hội học tập trong đó việc học không chỉ xảy ra với hình thức học tập chính thống mà còn thông qua sự giao lưu, chia sẻ kiến thức và truyền đạt đạo đức. Nhờ môi trường học tập tích cực mà xã hội học tập mang lại, khoa cử và tiếp đó quan trường sẽ có được một nguồn cung nhân sự dồi dào và chất lượng. Kết quả là hiệu suất của bộ máy cai trị sẽ được nâng cao, tác động tích cực đến người dân và xã hội cũng như sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia.

Tiếp theo, vẫn với “Học pháp”, Nguyễn Thiếp đề xuất dạy và học theo mô hình Chu Tử (Chu Hi) bên Trung Hoa. Cụ viết: “Trước học Tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên, rồi đến Tứ thư, Ngũ kinh, Chư sử. Học cho rộng rồi rồi ước lược lại cho gọn, theo điều học biết mà làm”.

“Học tuần tự” mà Nguyễn Thiếp đề xuất là một cải cách có tầm quan trọng hàng đầu. Bằng cách học kiến thức từ cơ bản cho đến phức tạp, học sinh sẽ phát triển khả năng tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Điều này khác biệt hoàn toàn so với lối học theo sở thích, khiến người học thiếu khả năng giải quyết các tình huống xảy ra ngoài phạm trù sách vở.

“Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học biết mà làm” là một cải cách giáo dục khác không kém phần quan trọng của La Sơn Phu tử.

“Học rộng rồi tóm lược cho gọn” thể hiện sự chủ động, độc lập và sáng tạo trong việc tiếp cận kiến thức. Điều này tương phản với lối học thuộc lòng thông thường khiến người học không nắm được kiến thức một cách thực chất. Đề xuất của Nguyễn Thiếp chính là quá trình biến người học từ được đào tạo sang tự đào tạo hay từ người học được hướng dẫn sang người học tự chủ, triết lý mà giáo dục hiện đại ứng dụng. Cũng như vậy, “theo điều học biết mà làm” thể hiện quan điểm rằng tri thức không chỉ dừng lại ở việc được tiếp thu mà quan trọng hơn, phải được ứng dụng vào đời sống. Nói cách khác, học là để hành.

Nguyễn Thiếp còn nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức cốt lõi, những kiến thức có giá trị thực sự để phát triển tư duy và hiểu biết. Trong bài Sơn cư tác, Cụ chỉ ra:

Học đừng vụn vặt nên suy rộng

Sách chẳng cần nhiều, cốt tinh hay.”

Tóm lại, La Sơn Phu tử chủ trương hiểu thấu đáo, tư duy logic và khả năng phân tích thay vì chỉ tiếp thu thông tin.

Một triết lý giáo dục quan trọng khác của Nguyễn Thiếp là cân bằng giữa học tập và lao động. Điều này giúp hình thành tính cầu thị, tự lập và phát triển những kỹ năng thực tế. Đây là điểm khác biệt với quan điểm truyền thống của Nho giáo vốn coi trọng lao động trí óc mà coi thường lao động chân tay. Vẫn trong bài Sơn cư tác, La Sơn Phu tử viết:

Thế sự chi bằng đọc với cày

Lụt thì ta nghỉ, ráo ra tay.”

Những dòng tâm sự này cũng là cuộc sống thực tế của Cụ tại trang trại Bùi Phong.

Để thực hiện các cải cách giáo dục nhằm xây dựng nền “chính học” mà Nguyễn Thiếp đề xuất, Quang Trung cho lập Viện Sùng Chính và giao Cụ làm Viện trưởng.

Trong chiếu ngày 20 tháng 8 Quang Trung năm thứ 4 (1791), Quang Trung viết: “Ông tuổi đức đều cao, tất cả sĩ phu đều trông ngóng như núi Thái Sơn, Sao Bắc Đẩu. Nay trong nước đã yên. Trẫm toan hưng khởi chính học. Ông đã lấy học thuật biện số bên tà bên chính trong phép học. Trẫm rất vui lòng. Trẫm định đặt Sùng chính thư viện ở Vĩnh kinh, tại núi Nam Hoa; ban cho ông chức Sùng Chính Viện Viện trưởng. Cho ông hiệu La Sơn Tiên sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy. Nhất định theo phép học Chu tử, khiến cho nhân tài có thể thành tựu, phong tục trở lại tốt đẹp. Từ rày, phàm trong các viên Tư nghiệp, Đốc học, mỗi năm nếu có ai học hay, hạnh tốt, thì sẽ kê quê quán, tên họ, đạt đến thư viện, giao cho ông khảo xét đức nghiệp và hạnh nghệ, tâu lên Triều để chọn mà dùng. Ông nên giảng rõ đạo học, rèn đúc nhân tâm, để cho xứng với ý trẫm khen chuộng kẻ tuổi cao đức lớn.”

Như vậy, nói theo ngôn ngữ hiện đại, Nguyễn Thiếp được Quang Trung giao phụ trách không chỉ “công tác chuyên môn” mà cả “công tác cán bộ” nhằm xây dựng “chính học”. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã rất chính xác khi nhận xét: “tuy ở ẩn mà Cụ lại nghiễm nhiên thành một ông Học bộ Thượng thư.”

3. VĂN HÓA: ĐƯA CHỮ NÔM THÀNH CHỮ VIẾT CHÍNH THỨC CỦA QUỐC GIA

Quang Trung khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc như một giá trị hàng đầu của quốc gia Việt Nam. Ngay tại lễ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân để tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược Thanh, Quang Trung đã hùng hồn tuyên thệ: “Đánh cho để dài tóc; Đánh cho để đen răng.” Ngay sau khi đại phá quân Thanh, vị Hoàng đế tiếp tục thể hiện ý chí độc lập dân tộc gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bằng chủ trương dùng chữ Nôm, mà ông gọi là “quốc âm” (chữ viết ghi lại chân thực tiếng nói của người Việt), làm chữ viết chính thức của nước Việt thay cho chữ Hán. Người đảm trách thực hiện chiến lược độc lập văn hóa này vẫn lại là Nguyễn Thiếp.

Sách Dã sử nhật ký chép: “Mùa thu (Năm Quang Trung thứ hai – 1789) Tây Sơn thi học trò ở Nghệ An, sai Nguyễn Khắc Xuyên (Nguyễn Thiếp) làm Đề điệu (quan trông coi trường thi).” Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, “Đời Lê, Tây Sơn và đầu Nguyễn, quan Đề điệu kiêm cả Chánh chủ khảo.”

Dưới sự điều hành của Nguyễn Thiếp, khoa thi đầu tiên dưới triều Quang Trung cũng là khoa thi đầu tiên ở nước Việt có đề thi bằng chữ Nôm; đến kỳ tam trường, thí sinh phải làm thơ phú bằng chữ Nôm. Đáng tiếc là Quang Trung đột ngột qua đời vào tháng 9 năm 1792 nên triều đình của ông đã không kịp tổ chức khoa thi nào khác. Thế nhưng chính điều này lại là bằng chứng cho thấy bộ máy hành chính của chính quyền Quang Trung chủ yếu được hình thành với lớp đỗ đạt từ khoa thi “Nôm hóa” này. Điều này góp phần giải thích vì sao triều Quang Trung lại là chính quyền quân chủ Việt Nam đầu tiên dùng chữ Nôm thay chữ Hán trong văn bản chính thức của Nhà nước (hịch, thư từ, mệnh lệnh…). Trước đó, vào cuối Nhà Trần, Hồ Quý Ly cũng đã đề cao chữ Nôm nhưng dừng lại ở việc dịch các tác phẩm chữ Hán ra chữ Nôm.

Với tư cách Viện trưởng Viện Sùng Chính, La Sơn Phu tử đã tổ chức dịch và giải nghĩa nhiều bộ sách quan trọng của Nho giáo sang chữ Nôm, như Tiểu Học, Tứ Thư (32 tập), Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch… để “Nôm hóa” việc giảng dạy. Bản thân Quang Trung đánh giá rất cao công việc dịch này. Chiếu ngày 1 tháng 6 Quang Trung năm thứ 5 (1792) viết: “Trẫm đã từng xem.Tiên sinh giảng bàn, phu diễn, kể đã chăm chỉ. Những viên giúp việc là Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch đều có công. Vậy đặc ban thưởng cỗ tiền một trăm quan do trấn quan chiểu theo mà cấp, lĩnh để chung hưởng ân tứ.” Các công trình này sau đó đã đóng góp đáng kể vào việc phổ biến chữ Nôm trong giáo dục.

Sau khi đánh bại Nhà Tây Sơn, Chúa Nguyễn Ánh đã cho tiêu hủy các công trình kiến trúc cũng như sách, tài liệu được làm ra dưới triều đại này. Mặc dầu vậy, một số tác phẩm chữ Nôm còn sót lại như Hịch Tây Sơn, Ai tư vãn của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, bài tế Quang Trung của Phan Huy Ích và đặc biệt, Phú tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng, cũng đủ cho thấy chữ quốc âm này đã có thời vàng son như thế nào dưới triều của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

Bản thân Nguyễn Thiếp là tác giả của nhiều bài thơ Nôm, 4 bài trong số đó được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn giới thiệu trong La Sơn Phu tử.

III – TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN THIẾP

Trong La Sơn Phu tử, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết Nguyễn Thiếp có tập Hạnh Am thi cảo gồm 84 bài thơ và 2 bài tản văn. Ông viết: “Tập ấy do Phu tử góp thành và tên cũng do Phu tử đặt.” Trong sách của mình, Hoàng Xuân Hãn dẫn ra 30 bài thơ và 2 tản văn của Hạnh Am thi cảo cùng với 2 biểu gửi Nguyễn Huệ và 4 tấu gửi Quang Trung của Cụ.

Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ tập Hạnh Am di văn (ký hiệu VHb.212) gồm 10 thư, chiếu, chỉ của Quang Trung Nguyễn Huệ, Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản và Chúa Nguyễn Ánh gửi Nguyễn Thiếp và 6 biểu, tấu của Nguyễn Thiếp gửi các vị quân vương này. 6 biểu, tấu này cũng là 6 biểu, tấu mà Hoàng Xuân Hãn đã dẫn trong La Sơn Phu tử.

Không nghi ngờ gì nữa,  Tấu khuyên Hoàng đế Quang Trung ba điều là tác phẩm chính luận có giá trị cao về tư tưởng vì nó nêu ra những quan điểm và cách tiếp cận mới và quan trọng cho việc trị nước. Chỉ với tác phẩm này thôi, Nguyễn Thiếp cũng đã là một tác gia lớn của Việt Nam. Hiện “Hoc pháp” trong bản Tấu đã được đưa vào Ngữ văn lớp 8 dưới tên “Bàn luận về phép học”. Tuy nhiên, xét đến tầm tư tưởng của tác phẩm, Tấu khuyên Hoàng đế Quang Trung ba điều cần được đưa trọn vẹn (gồm cả “Quân đức”, “Nhân tâm” và “Học pháp”) vào sách giáo khoa.

Ngoài ra, theo tiêu chí “tác giả” ngày nay, dịch giả cũng được coi là tác giả. Do đó, Nguyễn Thiếp còn là đồng tác giả của Kinh Thi giải âm (5 quyển, dịch từ Hán sang Nôm, ký hiệu AB 144/1-5, Thư viện Khoa học xã hội).

Chắc chắn tác phẩm của Nguyễn Thiếp còn nhiều hơn thế. Như đã nêu, chỉ riêng số lượng tác phẩm do Cụ và các cộng sự tại Sùng Chính viện dịch từ Hán sang Nôm đã là đồ sộ (Tiểu Học, Tứ Thư (32 tập), Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch).

IV – ĐÁNH GIÁ CỦA CÁC CHÍNH QUYỀN ĐƯƠNG THỜI VÀ DÂN GIAN

La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp được tất cả các chính quyền đương thời, cho dù xung đột với nhau, hết sức trọng vọng và tìm mọi cách để có được sự hợp tác của Cụ. Điều này chưa từng xảy ra với bất cứ người nào khác trong lịch sử Việt Nam.

Sau đây là một số đánh giá từ những người đứng đầu chính quyền đương thời và dân gian:

- Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sum (Sâm): “Đại đức chiếu đến Nguyễn Thiếp, rất có học hạnh, và gọi tới Kinh. Đã truyền cho quan Trấn thủ sai người hộ vệ và cấp cho bản phí trong 10 ngày.” (Tờ truyền ngày mồng 3 tháng 3 Cảnh Hưng năm thứ 41 (1780).

- An Nam Đại nguyên súy Nguyễn Huệ: “Đã lâu, nghe tiếng Phu tử, đức, tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp măt, để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc.” (Thư ngày 18 tháng 12 Thái Đức năm thứ 9 (1786).

- Đại nguyên súy Tổng quốc, Chính Bình vương Nguyễn Huệ: “Phu tử là danh sĩ hơn đời… Vì thế không kể dốt nát, quả đức đã ân cần chú ý tìm mời. Cũng ví như xưa, kẻ tới sông Vị Xuyên thăm hỏi Thái Công, đem xe mời cùng về; kẻ sang đất Nam Dương cố đón Khổng Minh. Thánh đức ông Văn Vương, hiền đức ông Huyền Đức còn không cho sự cầu hiền làm nhục mình… Mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi.” (Thư ngày 10 tháng 8 Thái Đức năm thứ 10 (1787).

- Chính Bình vương Nguyễn Huệ: “Nay thiên hạ khốn khổ. Không cùng Phu tử mà cứu gỡ thì không biết cùng ai. Quả đức thân hành qua hạt, Đặc sai quan văn binh phiên phó tri phiên Cẩn Tín hầu Nguyễn Văn Đại lại vấn an và mời Phu tử tới, ngõ hầu được nghe lời Phu tử dạy bảo. Thế là may cho quả đức và may cho thiên hạ lắm.” (Thư ngày 18 tháng 3 Thái Đức năm thứ 11 (1788).

- Chính Bình vương Nguyễn Huệ: “Quả cung đã ba lần mời triệu Tiên sinh, vì mong Tiên sinh cùng nhau lo việc… Nếu lấy cớ mà từ, thì ra tại quả cung không đủ cùng Tiên sinh ra mưu tính việc thiên hạ. Tiên sinh riêng có kế cứu đời. May chi không giấu thì hay vậy.” (Đặc chiếu, ngày 3 tháng 9 Thái Đức năm thứ 11 (1788).

- Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Tiên sinh hẳn có thế.” (Chiếu ngày 5 tháng 10 Quang Trung năm thứ hai (1789).

- Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ: “Ông tuổi đức đều cao, tất cả sĩ phu đều trông ngóng như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu. Nay trong nước đã yên. Trẫm toan hưng khởi chính học. Ông đã lấy học thuật biện số bên tà bên chính trong phép học. Trẫm rất vui lòng.” (Chiếu ngày 10 tháng 7 Quang Trung năm thứ 4 (1791).

- Hoàng đế Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản: “Tiên đế đã từng trưng triệu kẻ cao hiền, để lo có người chỉ bảo hậu nhân. Tiên sinh ngày trước vì đạo học mà được triệu, rồi lại được về núi nêu cao đạo hiệu… Lúc bĩ loạn hết rồi, Hoàng thiên còn dành kẻ đại lão. Họa chăng vận đỏ trở lại, cuộc trị mở ra. Trẫm rất trông mong Tiên sinh giúp rập và khuyên bảo… Hôm nào người đón tới nơi, mong Tiên sinh chịu bằng lòng lấy đạo giúp đời. Tiên sinh chính là kẻ bây giờ ai cũng trông ngóng. Trẫm đương dọn lòng để đợi. Tiên sinh nên vì đạo ấy, dân ấy, mà tự ra cáng đáng lấy việc, để cho xứng đáng với ý Hoàng thiên đã cố ý sinh ra, để đáp lại lòng quyến chú của Tiên hoàng, và để thỏa với thâm ý của trẫm muốn cầu hiền giúp việc.” (Chiếu ngày 10 tháng 12 Cảnh Thịnh năm thứ 8 (1800).

- Chúa Nguyễn Ánh: “Sau khi về núi, Khanh nên chăm việc rèn đúc kẻ hậu tiến để giúp đời thịnh, để không phụ ý trẫm rất tôn hiền.” (Chỉ ngày 2 tháng 6 Cảnh Hưng năm thứ 62 (1801).

- Tiến sĩ Bùi Bật Trực, đời Lê Hiển Tông:

Tứ hải ngưỡng cao Thiên Nhận đỉnh

Cửu trùng trọng vọng Lục Niên quan

(Bốn biển ngước trông Thiên Nhận đỉnh [đỉnh núi Thiên Nhận]

Bệ rồng trọng vọng Lục Niên quan [cổng thành Lục Niên] – CHHV tạm dịch)

- Nguyễn Đồ, tri phủ Đức Thọ, triều Minh Mạng:

“Tư cách phi phàm, vui với đạo nghĩa. Ai mà không có học, cái học của Tiên sinh dò tới gốc nguồn; người đời trông đó làm khuôn. Ai mà chẳng làm thơ, thơ Tiên sinh vào ra phong nhã; người đời noi đó làm phép. Tài Tiên sinh chấn động trong nước từ lâu. Nhưng đó chưa đủ tỏ Tiên sinh là người lạ. Nghĩa chưa từng lãng, cương thường trọng tự nghìn xưa. Chí chẳng làm quân, phú quí khinh như mây rác.” (Văn điếu, khoảng 1825 – 1826).

V – KIẾN NGHỊ

Như trên đã trình bày, Nguyễn Thiếp là tấm gương sáng chói về tri thức và đạo đức cho nhiều thế hệ ở Việt Nam. Cụ là người duy nhất được cả vua, cụ thể là Hoàng đế Quang Trung, lẫn dân gian vinh danh “Phu tử”. Nguyễn Thiếp cũng là trường hợp duy nhất trong lịch sử nước ta được tất cả các quân vương đương thời, từ Chúa Trịnh Sâm, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng đế Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản cho đến Chúa Nguyễn Ánh, trọng vọng và khẩn cầu giúp trị nước. Đặc biệt, Nguyễn Huệ đã 7 lần gửi thư, chiếu cho Cụ và 4 lần hội kiến với Cụ. Trong tư cách cố vấn tối cao của Hoàng đế Quang Trung cả trong thời chiến lẫn thời bình, Nguyễn Thiếp thực sự là một vị Quốc sư. Chính trên cương vị này Nguyễn Thiếp đã có những đóng góp to lớn và nổi trội cho quốc gia và dân tộc Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong đại phá 29 vạn quân xâm lược Thanh năm 1789.

Trên cơ sở những công trạng nổi bật của Nguyễn Thiếp đối với quốc gia và dân tộc Việt Nam, tôi trân trọng kiến nghị Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1. Tổ chức long trọng Lễ kỷ niệm 300 năm năm sinh Nguyễn Thiếp ở cấp quốc gia và cấp địa phương từ nay đến hết năm 2023.

2. Tôn vinh Nguyễn Thiếp là “Anh hùng dân tộc”, bên cạnh 14 “Anh hùng dân tộc” đã được Nhà nước Việt Nam tôn vinh (Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (Công văn ngày 21/6/2013, của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch).

3. Khẩn trương lập hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh Nguyễn Thiếp là “danh nhân văn hóa” nhân kỷ niệm 300 năm năm sinh của Cụ.

4. Sửa tên những con đường vinh danh Nguyễn Thiếp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác bị viết sai thành Nguyễn Thiệp.

5. Tu sửa mộ và đền thờ Nguyễn Thiếp và tiến hành các hoạt động khác tôn vinh khác.

Tôi chân thành cảm ơn Quý Vị và rất mong được sớm hồi âm,

NGƯỜI KIẾN NGHỊ

CÙ HUY HÀ VŨ

Công dân Việt Nam

Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Văn chương

Email:Cuhuyhavuvietnam@gmail.com

Địa chỉ tạm trú: 10926 Lotus Drive,

Garden Grove, California, Hoa Kỳ

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in cù huy hà vũ, Danh nhân văn hóa, Nguyễn Thiếp. Bookmark the permalink.