Trần Phương
Do số liệu quá khủng khiếp, hay do không muốn thừa nhận đã thất bại trong việc răn đe tội phạm?
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa
Vào tháng 8/2023, Liên minh châu Âu lên án chính quyền Việt Nam đang xử tử công dân của mình một cách không minh bạch, che giấu số liệu về việc thi hành án tử. [1]
Việc che giấu số liệu này đã tạo ra nhiều lời đồn đoán. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi chính quyền Việt Nam là “đao phủ số một ở Đông Nam Á”, và là một trong những nước thi hành án tử hình nhiều nhất thế giới. [2]
Vì sao chính quyền Việt Nam tuyên án tử hình công dân của mình nhưng lại không dám công khai số liệu về hình phạt này?
Số liệu về việc xử tử hình có thể rất khủng khiếp
Vào tuần lễ từ 21/8 đến 25/8, các tòa án tại Việt Nam đã tuyên ít nhất 5 bản án tử hình. Còn tuần trước nữa, từ 14/8 đến 18/8, có ít nhất 7 bản án tử hình được tuyên. Những con số này được cập nhật theo bản tin đã đưa của các báo, đài chính thống ở Việt Nam.
Mỗi tuần Việt Nam tuyên án tử hình đều đặn cho công dân của mình. Mỗi năm có hàng trăm người Việt Nam nhận án tử hình.
Năm 2017, Việt Nam từng công bố số tù nhân bị xử tử. Trong bốn năm (2013 – 2016) đã có 429 người bị hành hình. Việc công bố này khiến Việt Nam ngay lập tức nhận danh hiệu nước xử tử hình nhiều thứ ba trên thế giới. [3]
Từ đó đến nay, chính quyền Việt Nam đã ngừng công bố số liệu về việc hành hình công dân của mình.
Số liệu về việc xử tử ở Việt Nam có lẽ rất khủng khiếp. Việc công bố số liệu này đồng nghĩa với chính quyền Việt Nam tự công nhận mình là một trong những “đao phủ” hàng đầu trên thế giới.
Không có ý định xóa bỏ án tử hình
Bãi bỏ án tử hình là xu hướng tiến bộ trên thế giới. Một nước hướng đến xu hướng này sẽ giảm dần việc thi hành án tử để tìm cách giải quyết những bản án đã được tuyên trước đó.
Án tử hình ngày càng không còn là công việc nội bộ của một nước. Chính quyền Việt Nam hiện nay đang giam giữ nhiều tử tù người nước ngoài.
Việc công khai số liệu về việc thi hành tử hình từng năm là bằng chứng quan trọng đầu tiên cho thấy đất nước đó đang ở đâu trên tiến trình xóa bỏ hình phạt này.
Việc che giấu số liệu án tử hình của Việt Nam có thể ngầm xác nhận rằng số bản án tử hình được tuyên qua các năm là không giảm hoặc đang tăng.
Công bố một số liệu như thế cũng sẽ gián tiếp xác nhận Việt Nam không nỗ lực giảm dần án tử hình và tiến đến việc xóa bỏ hình phạt này theo xu hướng tiến bộ của thế giới.
Chính quyền Việt Nam có lẽ vẫn muốn duy trì hình phạt đối với công dân của mình nhưng không muốn thế giới chú ý đến nên đành phải che giấu số liệu về việc thi hành án.
Sợ phải thừa nhận án tử hình không làm giảm tội phạm
Tội phạm giết người và tội phạm liên quan đến ma túy lãnh án tử hình nhiều nhất tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam cho rằng việc duy trì án tử hình sẽ răn đe tội phạm. Khẳng định này có vẻ không chính xác khi bạn nhìn vào những con số sau.
Mỗi ngày Việt Nam có khoảng ba vụ án mạng, và con số này gần như không thay đổi trong gần 10 năm qua.
Bộ Công an cho biết từ năm 2014 đến năm 2019 đã xảy ra 6.850 vụ án mạng. Trung bình mỗi năm có 1.141 vụ án mạng, tức mỗi ngày có khoảng 3 vụ án mạng. [4]
Năm 2021, cả nước xảy ra 1.007 vụ án mạng. [5] Bộ Công an cho biết số vụ án mạng năm 2021 đã giảm 7,65% so với năm trước đó, có nghĩa là năm 2020 xảy ra 1.090 vụ án mạng. [6] Đây là hai năm xảy ra đại dịch COVID-19. Năm 2022, số vụ án mạng là 1.297 vụ.
Chính quyền có thể cho rằng án tử hình tuy không làm giảm tội phạm giết người nhưng đã giúp kiềm chế số vụ án mạng. Khẳng định kiểu này sẽ không phù hợp với tội phạm ma túy. 20 năm qua, số vụ án ma túy đã tăng hơn 200%.
Chính phủ cho biết số vụ án ma túy giai đoạn 2001 – 2007, tăng 33% so với giai đoạn 1995 – 2000. Theo đó, trung bình mỗi năm từ năm 2001 đến năm 2007 có 10.857 vụ án ma túy được điều tra. [7] Đến năm 2020, cả nước có 24.548 vụ án ma túy. Năm 2021 có 26.193 vụ án về tội phạm này. Năm 2022, có 26.967 vụ án liên quan đến ma túy. [8]
Sẽ còn hơi sớm để kết luận rằng án tử hình không làm giảm tội giết người và ma túy. Lý do là còn phải so sánh với số bản án tử hình được tuyên cho từng loại tội phạm qua các năm.
Nếu số bản án tử hình cho tội phạm đó gia tăng qua các năm mà số vụ án không có xu hướng giảm ở những năm tiếp theo, thì có thể có căn cứ cho rằng hình phạt này không răn đe được loại tội phạm đó.
Số bản án tử hình tại Việt Nam, đặc biệt dành cho tội phạm giết người và liên quan đến ma túy, có thể đã không giảm trong những năm qua. Nếu số lượng bản án này giảm, chính quyền có lẽ đã công bố công khai với thế giới để cải thiện hình ảnh của mình.
Nếu đúng như vậy, việc công khai số liệu có thể đồng nghĩa với việc chính quyền tự thừa nhận rằng đang xử tử công dân của mình một cách vô ích.
T.P.
Nguồn: Luatkhoa.com