Hai ông Bộ có biết?

Báo Tuổi trẻ online ngày 26/7/2010 đăng bài “ Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái học Tiến sĩ chỉ 6 tháng”, báo Đất Việt có bài “Phó bí thư Tỉnh ủy, học giả xin tiền thật”. Người đọc cảm thấy sốc sau khi được tiếp nhận những thông tin từ hai bài báo đó.

Theo lời ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trả lời báo Tuổi trẻ: Ông theo học Trường đại học Nam Thái Bình Dương có tên là Southern Pacific University, khóa học 2007-2009, thời gian 24 tháng chứ không phải 6 tháng, học và thi lấy bằng Tiến sĩ tại Hà Nội. Được biết cùng học với ông có một số người ở Bộ Tài chính.

Một cơ sở nuôi dạy trẻ, một lớp học mầm non đặt tại các thôn bản dù ở nơi xa xôi hẻo lánh nhưng đều phải xin phép chính quyền địa phương và ngành giáo dục. Như vậy, Trường đại học Nam Thái Bình Dương trước khi mở lớp tại Việt Nam phải xin phép và được Chính phủ Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo cấp phép hoạt động. Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần phải xem trường đó thuộc quốc gia nào? Tính pháp nhân của trường đó ra sao? Giáo trình của họ có phù hợp chương trình đào tạo và thể chế của Việt Nam hay không? Trường Southern Pacific University đã liên kết với trường đại học nào của Việt Nam để thực hiện chương trình giảng dạy??? Nếu “Trường Southern Pacific University đã bị Tòa án Hawaii (Hoa Kỳ) ra phán quyết giải thể từ ngày 28-10-2003. Bằng cấp của trường này cũng không được Hoa Kỳ công nhận”, mà vẫn tiếp tục thông báo chiêu sinh, mở lớp tại Việt Nam thì đây là hành động “lừa đảo xuyên lục địa”. Nếu đúng như vậy, thì ông Nguyễn Văn Ngọc và nhiều người cùng học với ông trong khóa học này là nạn nhân của trò lừa đảo xuyên lục địa cần phải lên tiếng để được bảo vệ.

Bạn đọc cảm thấy không bình thường trước phát biểu của ông Hoàng Thương Lượng – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhất là trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp: “Ông Lượng còn khẳng định tỉnh hoàn toàn không biết gì về chất lượng cũng như pháp nhân trường mà ông Nguyễn Văn Ngọc theo học, tất cả chỉ do ông Ngọc báo cáo với tỉnh”, “Mặc dù vậy, ngày 31-12-2009, UBND tỉnh Yên Bái có quyết định 2104/QĐ-UBND hỗ trợ 74 triệu đồng cho ông Ngọc. Khoản tiền này gồm 50 triệu đồng theo chính sách thu hút Tiến sĩ và 24 triệu vận dụng chính sách khuyến khích đào tạo đối với cán bộ đi học Tiến sĩ mỗi tháng 1 triệu đồng. Tổng cộng 24 tháng là 24 triệu đồng”. Bạn đọc cảm thấy khó hiểu và thất vọng khi mà ông Lượng “không biết gì”, nhưng ông vẫn ký quyết định 2104/QĐ-UBND hỗ trợ 74 triệu đồng cho ông Ngọc là sao? Phải chăng có áp lực nào đó khiến ông phải ký, hay ông cứ ký đại mà không cần biết chữ ký của mình hậu quả ra sao? Vậy có bao nhiêu điều ông Lượng “không biết gì” mà vẫn ký để làm khó cho người dân? Ngân sách là tiền thuế của dân đóng góp, ông Lượng là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, trong chuyện này không thể chối bỏ trách nhiệm của mình với chữ ký mà điều quan trọng nhất quyết định giá trị của chữ ký đó thì ông “không biết gì”. Vậy ông có xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân đã trao gửi và giao phó cho ông?

Người dân không khỏi ngỡ ngàng: một trường đại học nước ngoài đã bị giải thể mà vẫn ngang nhiên mở lớp giữa lòng Thủ đô Hà Nội không cần xin phép Chính phủ và Bộ Giáo dục- Đào tạo là điều khó hiểu. Một câu hỏi đặt ra: Hai ông Bộ: Bộ Công an và Bộ Giáo dục – Đào tạo có biết việc này? Hay đây là một phần của Chương trình đào tạo 20.000 Tiến sĩ mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đang triển khai? Bộ Công an không chỉ lo bắt bớ mấy người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm mà cần sớm vào cuộc để làm rõ những thông tin mà báo chí đã nêu để bạn đọc thông tỏ về Trường Southern Pacific University đã hoạt động ở Việt Nam như thế nào và những ai đỗ Tiến sĩ ở trường này hay là nạn nhân của họ.

Thảo Dân

Tư liệu tham khảo:

– http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/392020/Pho-bi-thu-Tinh-uy-Yen-Bai-hoc-tien-si-chi-6-thang.html

– http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Pho-bi-thu-tinh-uy-hoc-gia-xin-tien-that/20107/104818.datviet

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.