Nguyễn Hữu Đang: Một con người đáng cảm phục

Nguyễn Đình Cống

Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), xuất thân gia đinh trí thức, quê Thái Bình. Tham gia Mặt trận Dân chủ từ 1936, hoạt động trong lĩnh vưc Văn hóa cứu quốc. Được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng tại Tân Trào (tháng 8/1945), Thứ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Lâm thời.

Sáng ngày 26 tháng 8 năm 1945 Nguyễn Hữu Đang được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đến, giao nhiệm vụ làm Trưởng ban tổ chức ngày lễ 2 tháng 9 tại quảng trường Ba Đình.

Đầu tiên ông Đang trinh bày là công việc quá gấp và quá khó, sợ không làm nổi. Cụ Hồ bảo rằng vì việc gấp và khó mới nhờ đến chú. Chú được nhân danh tôi mà điều khiển công việc, ngoài ra không còn gì khác, kể cả tiền nong.

Nguyễn Hữu Đang cho thông báo về ngày lễ và mời (chung chung) những người có khả năng và tinh thần đến họp. Ông phác thảo ra quy mô của khán đài (bằng gỗ, trang trí và bao che bằng vải) rồi kêu gọi mọi người ủng hộ, bằng tiền, vật liệu, công sức. Hôm sau Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh mang đến bản vẽ thiết kế lễ đài và xin nhận công việc chỉ huy thi công. Rồi người chở gỗ và đem thợ đến, người giúp vải, giúp tiền. Có thể nói Nguyễn Hữu Đang đã bằng tài tổ chức với hai bàn tay không đã dựng nên lễ đài ngày 2 tháng 9 tại Ba Đình.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tuyên truyền xung phong trung ương, ông vào đảng CSVN năm 1947.

Năm 1956 cùng với các văn nghệ sĩ, trí thức và sinh viên, Nguyễn Hữu Đang lập ra tờ báo NHÂN VĂN và các tạp chí GIAI PHẨM (Giai phẩm mùa xuân, mùa thu, mùa đông…) tuyên truyền, kêu gọi Đảng bảo đảm quyền tự do, dân chủ (Phong trào Nhân văn Giai phẩm). Vì việc này ông bị kết án 15 năm tù. Khi nhận bản án hình như Nguyễn Hữu Đang không kêu oan, không khiếu nại, chỉ lẳng lặng nói hai tiếng “thế à”, rồi bị dẫn giải đi ở tù. Trong thời gian bị tù tại vùng núi rừng heo hút Hà Giang cho đến hết thời gian 15 năm Nguyễn Hữu Đang không hề biết đến cuộc chiến chống không lực Mỹ đánh phá miền bắc.

Ra tù, ông lần về quê ở Thái Bình, tìm được một mảnh đất, dựng lên một túp lều tranh, hàng ngày bắt cóc bắt nhái, mót lúa, mót khoai kiếm ăn.

Khi Phùng Quán đến thăm, Nguyễn Hữu Đang dẫn bạn đi xem một nơi đặc biệt, đó là một hỏm đất trống giữa một bụi tre rậm và giải thích rằng khi cảm thấy sắp chết, ông sẽ cố bò, lết ra đây, chui vào nằm đó để chết. Khi người ta phát hiện ra, chỉ cần xúc đất lấp lại là được, khỏi phải hòm xiểng, khỏi phải phiền đến ai. Không biết trong lòng ông có uẩn khúc gì không, chứ Nguyễn Hữu Đang thể hiện ra bên ngoài một thái độ ung dung, không thù hận, không oán trách, không kêu than. Tôi cảm phục Nguyễn Hữu Đang là vì thái độ này.

Câu chuyên của Nguyễn Hữu Đang thể hiện cách hành xử của cộng sản đối với các đồng chí của mình. Dưới chế độ cộng sản ai muốn nói đến tự do dân chủ phải nói theo cách của Đảng, phải được phép của Đảng, còn có ai nói tự do dân chủ, đòi tự do dân chủ theo ý của mình thì phải bị tiêu diệt tận gốc.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng trên Tiếng Dân

This entry was posted in Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Cống, Nhân văn Giai phẩm, Trí thức. Bookmark the permalink.